TƯ TƯỞNG MINH TRIẾT CỦA 2 CHÚA KHAI SÁNG
Trong các Bộ sử thời cổ: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí, thấy các nhà sử học ghi chép hàng đầu về công tích của 2 vị Chúa khai sáng Vương nghiệp họ Trịnh để lại cho hậu thế. Đó là 2 Chúa: Trịnh Kiểm và Trịnh Tùng.
Thái sư Trịnh Kiểm theo Hưng quốc công Nguyễn Kim phò Lê, diệt Mạc, trong suốt 30 năm chinh chiến, Thái sư lập được công tích hiển hách, năm 1569 ông mất, được tôn phong là Minh Khang Thái Vương. Con trai kế nghiệp của ông là Bình An Vương Trịnh Tùng, lúc còn trẻ đã theo Vương phụ, thân chinh bách chiến, diệt trừ họ Mạc, khôi phục cơ nghiệp nhà Lê, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đất nước Đại Việt vừa có Vua vừa có Chúa ngự trị, năm 1623 mất, được tôn phong là Triết Vương.
Trong sự nghiệp của 2 Chúa khởi nghiệp, đi sâu vào tư tưởng Minh triết sẽ thấy biểu hiện rõ nét ở các phương diện:
– Tôn trọng vua Lê.
Minh Khang từ khi nắm binh quyền rất quan tâm đến triều chính, một lòng phò tá nhà Lê. Năm 1549, Thái tử Lê Huyên nối ngôi, sau thành Lê Trung Tông ( 1549-1557 ). Năm 1557, tìm hậu duệ của Lê Trừ về nối ngôi, đưa Lê Duy Bang lên ngai vàng, sau thành vua Lê Anh Tông ( 1557- 1573 ); Triết vương Trịnh Tùng tôn phò các vua: Thế Tông, Lê Duy Đàm ( 1573-1600 ), Kính Tông Lê Duy Tân ( 1600- 1619 ) và Thần Tông Lê Duy Kỳ.
– Thu nạp hàng tướng nhà Mạc
Trong cuộc chiến tranh giữa Nam- Bắc triều ( nhà Lê và nhà Mạc ), các vị chúa rất quan tâm đến vấn đề binh vận, thu nạp hàng tướng của quân đội Bắc triều ( nhà Mạc ). Tìm trong các tài liệu đã dẫn thì thấy rất nhiều, đơn cử mấy thí dụ điển hình: Năm 1550, Thái sư thu nạp Thái tể Phụng quốc công Lê Bá Ly cùng Thượng thư bộ Lại quận công Nguyễn Thiến khiến cho cục diện xoay chiều đủ sức đẩy lui quân Bắc triều. Năm 1564, thu nhận lại Nghĩa quận công Đặng Huấn mặc dù năm 1563, Đặng Huấn quy phục nhà Mạc. Đến đây, Bình An Vương lại cử người đi dụ Đặng Huấn quay lại với Nam triều, sau này họ Đặng ở vùng: Phú Xuyên, Chương Mỹ, hậu duệ của tướng Đặng Huấn, đã trở thành giường cột của triều đình. Những cuộc binh vận như thế vừa làm cho địch quân nhanh chóng tan rã, vừa làm cho lực lượng quân ta lớn mạnh.
– Hòa hiếu với lân bang
Để giữ cho đất nước ổn định, các Chúa Trịnh rất quan tâm đến việc hòa hiếu với các nước lân bang. Năm 1564, Thái Sư Trịnh Kiểm gả con gái nuôi cho vua nước Lào là Sạ Đẩu để vỗ về các nước lân bang ủng hộ nhà Lê. Năm 1599, viên quan Tả giang nhà Thanh là Trần Đôn Hựu sai sứ đưa sang biếu cho Trịnh Tùng ngọc ngà, châu báu, lại tặng cho 8 chữ vàng ca ngợi công lao định Quốc của Bình An Vương là:
Quang hưng tiền liệt, Định quốc nguyên huân.
Điều này cho thấy nước Thanh thời bấy giờ rất nể phục.
– Huy động sức mạnh của Thần linh
Trong suốt cuộc chiến, các vị tướng soái lãnh đạo quân đội rất quan tâm việc huy động Thần linh trợ giúp. Mỗi lần dẫn quân đi chinh phạt, Thái sư đều thường cử tướng đi lễ cầu ở các Đền, Điện lớn, xin thánh, thần trợ giúp như ở Đền Đồng Cổ, Thần núi Tản Viên, thần núi Tam Đảo. Riêng Triết Vương đã nhiều lần tổ chức tế đàn Nam Giao ở hành cung Vạn Lại và Thăng Long. Đặc biệt, năm Hồng Phúc nguyên niên ( 1572, Bình An Vương đã ban lệnh chỉ cho thần Bộ lễ soạn thảo Thần phả, cầu tế bách thần. Hiện nay chúng ta còn lưu giữ được hàng trăm bản thần phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn năm 1572. Đây là một minh chứng cho thấy Bình An Vương đã tiến hành cầu khấn thần linh để mở đợt tống tiến công quân nhà Mạc.
– Trọng dụng chúa Nguyễn Hoàng.
Nguyễn Hoàng là vị chúa khai sáng ra chúa Nguyễn ở xứ đàng trong ( còn gọi là chúa Tiên ). Ông được hậu duệ suy tôn là Gia Dụ hoàng đế. Ngay từ khi còn trẻ tuổi, Nguyễn Hoàng đã được Minh Khang biết đến tài năng của ông, sau được Triết Vương đánh giá cao và hết sức tin dùng. Sách Đại Việt sử ký tục biên đã ghi chép nhiều sự kiện minh chứng cho nhận định này:
Tháng 10 năm Mậu Ngọ ( 1558 ) niên hiệu Chính trị thứ 1 đời Lê Anh Tông, Thái Sư vào chầu, dâng biểu tâu xin triều đình cử người con thứ của Nguyễn Kim là Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ Thuận Hóa đề phòng quân giặc ở phía Đông, lại cùng với Trấn quận công ở Quảng Nam cứu viện cho nhau. Tất cả mọi công việc binh, dân ở xứ Thuận Hóa tất cả đề giao cho Nguyễn Hoàng trông coi, khu xử. Hàng năm khi đến hạn, mang phần thuế trích nộp về Triều.
Việc làm thấu tình đạt lý này của Minh Khang đã cảm hóa được Nguyễn Hoàng, nên đến mùa thu năm 1569, nghe tin Trịnh Kiểm lâm bệnh, Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa đem quân chèo đèo lội suối lặn lội ra chầu vua Lê ở Hành tại, rồi đến thăm Thượng tướng Thái sư Trịnh Kiểm để giãi bày tình cảm anh em thương quí lẫn nhau. Tháng giêng năm Canh Ngọ, 1570, triều đình điều động quan trấn thủ Quảng Nam là Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh về triều. Thượng tướng Trịnh Kiểm liền dâng biểu tâu vua cho Nguyễn Hoàng đi các xứ Thuận Hóa, Quảng Nam thống xuất binh tượng, thuyền bè và trấn phủ địa phương để giữ yên phiên trấn.
Thượng tướng Trịnh Kiểm còn khuyên răn thêm: “Nhà nước trao cho khanh chức nhiệm nặng nề này, khanh nên thủy chung giữ trọn tiết nghĩa, dốc hết tâm sức phò tá vua giống như trước đây”. Nguyễn Hoàng đã không phụ sự ủy thác của triều đình, giữ yên đất Thuận Quảng suốt 20 năm.
Tháng 5/1593, niên hiệu Quang Hưng thứ 16, Thái phó Đoan quận công Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa đích thân dẫn tướng sỹ, voi ngựa thuyền bè về triều lạy chào, đem theo sổ sách ghi chép binh lương, tiền của, vàng, bạc châu báu của hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam dâng nộp.
Tiết chế Trưởng quốc công Trịnh Tùng dâng biểu xin Triều đình phong cho Nguyễn Hoàng giữ chức Tả đô đốc chưởng phủ sự ở Trung quân Đô đốc phủ, tước Đoan quận công, cho tổng đốc tướng sỹ bản doanh và thống lĩnh 300 chiến thuyền của thủy quân các xứ Nam đạo đi đánh giặc biển ở các xứ Sơn Nam và Hải Dương. Nhờ cơ duyên này mà Nguyễn Hoàng nắm được toàn bộ binh thuyền để xây dựng được đội thủy quân hùng hậu, đủ sức đè bẹp lũ cướp biển ở vùng Vịnh Bắc Bộ. Đến năm 1600, chính đội thủy quân này đã đưa ông về đất Thuạn Quảng và dốc sức khai phá một dải đất phía Nam trải dài ngàn dặm. Dải đất phì nhiêu ấy, vùng biển bao la rộng lớn đã thuộc chủ quyền khai thác của người Việt Nam ta. Các thế hệ người Việt Nam đời đời khai thác vùng đất ấy và đem về tiền rừng, bạc bể. Công lao ấy cần ghi nhận cho Đoan quận công Nguyễn Hoàng, song lịch sử cần công bằng hơn là ghi nhận công đầu cho hai vị vương nghiệp họ Trịnh là Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và Triết Vương Trịnh Tùng.
Hai vị thánh chúa đích thực MINH TRIẾT.
Phó Giáo sư, Nguyễn Tá Nhí, Viện Hán- Nôm
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet