Nhiều nơi tưởng nhớ nhạc sỹ tài hoa họ TRỊNH
Tại TP Hồ Chí Minh, hơn 30.000 người đồng loạt cất tiếng hát ca khúc “Nối vòng tay lớn” trong chương trình “Đóa hoa vô thường”, kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vượt dự kiến lập kỷ lục 20.000 người hát nhạc Trịnh của Ban tổ chức.
Cách tổ chức thực hiện và tham dự “Đóa hoa vô thường” rất dễ khiến người tham dự liên tưởng đến đêm trình diễn tại TP HCM năm 2011 của Bob Dylan, ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng thế giới và cũng là người có nhiều điểm tương đồng với cố nhạc sĩ họ Trịnh: sự tài hoa, lòng yêu chuộng hòa bình.
Tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Học viện Âm nhạc Huế cùng Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”. Những ca từ mộc mạc, đơn giản gắn liền với thân phận con người, tình yêu, như: “Chiếc lá thu phai”, “Sóng về đâu”, “Cát bụi”…
Trịnh Công Sơn (28 tháng 2 năm 1939 – 1 tháng 4 năm 2001),được coi như một trong những nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hiện nay chưa có thống kê về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc), phần lớn là tình ca. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly. Một thực tế các phòng trà, café nhạc Trịnh hiện diện khắp các phố phường Việt Nam và cả hải ngoại. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ không chuyên.
Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời (Trịnh Công Sơn).
Điều ít người biết rằng trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trịnh Công Sơn lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài “Nối vòng tay lớn”, bài hát kêu gọi và nói về ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam Bắc mà ông viết từ năm 1968. Cũng chính ông là người trưa ngày 30/4 đã đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh “Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta… Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước… Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được…”
Ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bệnh tiểu đường lúc 12giờ45 ngày 1 tháng 4 năm 2001 (tức ngày 8 tháng 3 năm Tân Tỵ) , hàng ngàn người đã đến viếng tang và “điều đặc biệt, chưa có nhạc sĩ nào mất đi lại được công chúng thương tiếc như nhạc sỹ họ Trịnh.
“Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến” (Trần Đăng Khoa)
Hay như: “Tôi rất yêu nhạc Trịnh. Yêu như một tín đồ của anh ấy” (Frank Gerke)
Từ đó hàng năm giới hâm mộ đều lấy ngày này làm ngày tưởng niệm, 12 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh người nhạc sĩ tài ba vẫn in đậm trong tâm trí người yêu nhạc. Tại TP Hồ Chí Minh, năm nay với hơn 3 vạn người hâm mộ đã đội mưa đồng ca bài “Nối vòng tay lớn” để tưởng nhớ nhạc sỹ tài hoa họ Trịnh.
Năm 2004, Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới được trao cho nhạc sỹ họ Trịnh vì “lý tưởng hòa bình mà ông đã đấu tranh không mệt mỏi cho nhân loại.Trịnh Công Sơn còn có tên trong tự điển bách khoa Pháp Les Million.
Phim về Trịnh Công Sơn:
1. Trịnh Công Sơn – sống và yêu của đạo diễn Lê Dân (Lê Hữu Phước)
2. Em còn nhớ hay em đã quên: đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phi Tiến Sơn, với sự tham gia của cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh vai Quang Sơn (Trịnh Công Sơn thời trẻ),Hoàng Hồng Nhị vai Huyền My (hình ảnh ca sĩ Khánh Ly), Nguyễn Huỳnh vai chồng Huyền My (hình ảnh Nguyễn Hoàng Đoan, chồng ca sĩ Khánh Ly) và Trương Ngọc Ánh vai Diễm.
Ghi nhận công lao của cố nhạc sỹ, ttháng 3 năm 2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chính thức thông qua việc đặt tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho con đường dài 600 mét, rộng 11 mét lát nhựa mới mở ven sông Hương thuộc phường Phú Cát, thành phố Huế và còn nhiều tỉnh thành đang xét duyệt đặt tên ghi nhớ nhạc sỹ lừng danh này.
Trịnh Đăng Thiện
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet