Nhớ ngày giỗ của thủ lĩnh Đội Cấn



Có một số sách, báo đã viết không thống nhất về ngày mất của ông, Tại tấm bình phong đặt trang trọng nơi cổng đền Đội Cấn ở thành phố Thái Nguyên, giới thiệu tóm tắt tiểu sử Đội Cấn, cũng mới chỉ ghi...

Có một số sách, báo đã viết không thống nhất về ngày mất của ông, Tại tấm bình phong đặt trang trọng nơi cổng đền Đội Cấn ở thành phố Thái Nguyên, giới thiệu tóm tắt tiểu sử Đội Cấn, cũng mới chỉ ghi “Đội Cấn đã tự sát tại núi Pháo, xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 5-1-1918” mà không ghi thêm tức là ngày- tháng- năm âm lịch nào để mọi người nhớ đúng về ngày giỗ của vị thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã nêu tấm gương bất khuất trước kẻ thù xâm lược…

– Tấm gương bất khuất đầy bi tráng

Dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh nghĩa quân Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra vào đêm 30 rạng sáng ngày 31 tháng 8 năm 1917 đã đập tan chính quyền thực dân Pháp ở tỉnh lị Thái Nguyên, hiên ngang tuyên bố “ Thái Nguyên độc lập”, đặt quốc hiệu là “ Đại Hùng”, lấy “lá cờ vàng 5 ngôi sao đỏ” làm Quốc kỳ, tổ chức “Đội Việt Nam Quang phục quân” với lá cờ “Nam binh phục quốc”.

Cố viện sĩ Trần Huy Liệu từng khảng định,cuộc khởi nghĩa Thái nguyên“Là cuộc khởi nghiã lớn nhất, chiến đấu dẻo dai nhất trong thời kì đại chiến lần thứ nhất ở nước ta”

Trước cuộc nối dậy của nghĩa quân, sáng ngày 4-9-1917, giặc Pháp điều 2000 quân lên Thái nguyên để đàn áp. Do lực lượng quá chênh lệch, các tuyến phòng thủ của nghĩa quân bị phá vỡ. Nghĩa quân đành phải rút khỏi thị xã và phân tán về các vùng miền chung quanh. Tại núi Pháo, thuộc huyện Đại Từ, trong cuộc đánh trả các cuộc tấn công của địch, Đội Cấn đã bị thương nặng. Không để bị rơi vào tay giặc, Đội Cấn đã anh dũng tự sát. Bốn nghĩa binh còn lại đã lo chôn cất chủ tướng của mình chu đáo. Đội Cấn nằm xuống trong tư thế hiên ngang “ Ông mặc chiếc quần ka ki dài, một áo vét ka ki mặc bên trong, còn bên ngoài là một chiếc áo vét khác mầu xanh chàm; đầu đội chiếc mũ phớt mầu đen; tay phải còn nắm chặt khẩu súng ngắn tự động (révolver automatique)” Nguồn- Trung tâm lưu trữ quốc gia-Hồ sơ AOM,Fonds RST, F86, số 36284

Đã có nhiều nhà sử học xác định khác nhau về ngày Đội Cấn tự sát, đây là điều cần làm sáng tỏ. Trong bài luận văn “ Thái Nguyên khởi nghĩa”. Nhà sử học Trần Huy Liệu đã nhận định: “ Cho đến ngày 10 tháng 1 năm 1918, sau nhiều trận chiến đấu tuyệt vọng, vị thủ lĩnh Thái Nguyên anh dũng tự sát để biểu dương tinh thần bất khuất, thà chết không hàng giặc”   Nguồn- (Tài liệu lưu trữ tại Viện sử học, Fond Trần huy Liệu, số 62)

TS Trần Hữu Đính ( Viện sử học) trong bài “ Nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã viết “ Trịnh Văn Cấn với số tàn quân rút về đóng ở Núi Pháo thuộc địa phận Thái Nguyên giữa vòng vây của địch. Cho đến ngày 10-1-1918, sau nhiều trận chiến đấu tuyệt vọng, vị thủ lĩnh của nghĩa quân đã anh dũng tự sát để thể hiện tinh thần thà chết chứ nhất định không đầu hàng giặc”

Trích- ( Khởi nghĩa Thái Nguyên 80 năm nhìn lại- Sở VHTT TN- 1997- tr 153)
PGS-TS Dương Kinh Quốc cũng đã viết rằng “ Đội Cấn đã tự sát trong trận chiến đấu quyết liệt cuối cùng để bảo vệ căn cứ Núi Pháo, ngày 10-1-1918”
Trích- ( Viêt Nam những sự kiện lịch sử- tập II-NXB KHXH Hà nội 1982 trang 246)
Có điều, cũng chính PGS TS Dương Kính Quốc trong cuốn “ Khởi nghĩa Thái nguyên 80 năm nhìn lại” đã đưa ra lời đính chính ở trang 334 như sau “ Do trước đây chưa có đủ tài liệu nên chúng tôi cho rằng Đội Cấn đã tự sát trong trận chiến đấu quyết liệt cuối cùng để bảo vệ căn cứ núi pháo ngày 10-1-1918”.
Trong khi đó PGS Vũ Huy Phúc (Viện sử học) lại xác định “ Đội Cấn quyết định tự vẫn lúc quanh ông chỉ còn 3-4 đồng đội. Ông bảo mấy người đào huyệt, ăn mặc khăn áo chỉnh tề, đội mũ, rồi nằm nghiêm chỉnh vào giữa, tay phải cầm súng lục tự bắn vào ngực và ra đi mãi mãi. Đó là ngày 11-1-1918”
Trích- ( Khởi nghĩa Thái nguyên 80 năm nhìn lại -sở VHTT năm 1997- tr 224)

Trước những ý kiến khác nhau nêu trên, để làm sáng tỏ về ngày thủ lĩnh nghĩa quân tự sát, chúng ta cần tìm hiểu qua những hồ sơ gốc còn lưu trữ được, để có nhận định xác thực nhất.
Tại Trung tâm lưu trữ quốc gia- I (Fonds RST, F86, hồ sơ số 32284, 36258) còn lưu giữ biên bản về việc nhà cầm quyền Pháp đã tiến hành khai quật mộ Đội Cấn ở Núi Pháo và khám nghiệm tử thi ông như sau:
*“Đúng 10 giờ30 sáng 11-1-1918 đoàn xe xuất phát từ Thái Nguyên. Đoàn gồm đại uý Xalem, công sứ Thái Nguyên Poulin, công sứ Vĩnh Yên Cullieret ngoài ra cón có tên: Nguyễn Văn Sỹ ( kẻ ra đầu thú ngày 6-1-1918) và Phạm Văn Trường ( đội thơ lại đã ra đầu thú ngày 22-12-1917) có nhiệm vụ để nhận dạng tại chỗ xem có đúng là xác Đội Cấn hay không.
Sau khi tử thi được khai quật thì đội thơ lại Phạm Văn Trường đã nhận ra ngay tử thi đó chính là Đội Cấn. Lập tức tử thi được chuyển về ngay Thái Nguyên. Đến Thái nguyên đúng 15 giờ 30 phút, tử thi được đưa ngay đến nhà tù để tù nhân nhận dạng một lần nữa”.
*“Khoảng 16 giờ ngày 11-1-1918 việc mổ tử thi ( autopsie) chính thức bắt đầu . Bác sĩ Henri Boutry được công sứ Thái Nguyên giao cho nhiệm vụ này. Sau khi tuyên thệ, bác sĩ bắt tay vào việc. Kết quả thể hiện trong “Biên bản về việc mổ khám nghiệm tử thi” có ký tên bác sĩ và đề ngày 11-1-1918”.

Biên bản mổ khám nghiệm tử thi đã kết luận:
“1- Người chết đã chết được 4 đến 8 ngày.
2- Chính do vết thương ở ngực, không còn nghi ngờ gì nữa đã dẫn đến cái chết. Vết thương này được tạo ra khi nạn nhân đang còn sống, như đã được minh chứng qua việc tìm thấy có sự ứ máu nhiều và hạt nhân đông ở màng tim.
3- Giả thuyết về một vụ tự sát không chỉ là khả năng có thật nữa, mà nó còn được bổ xung bởi việc nghiên cứu đường lan của vết thương, bởi viên đạn được bắn ra ở tầm sát gần và nhất là bởi khi khai quật còn thấy tử thi nắm trong tay một khẩu súng ngắn kiểu webby cỡ cùng một cỡ đạn như đầu đạn đã tìm thấy trong cơ thể tử thi và có một viên đã bắn ra từ khẩu súng này”
Tìm hiểu về hồ sơ của nhân chứng, chúng ta thấy có ghi như sau: “ Nguyễn văn sỹ một trong 4 người có mặt khi Đội Cấn tự vẫn vào khoảng 21 giờ ngày 5-1-1918, sau khi chôn cất cho thủ lĩnh của mình đã chạy xuống núi, đến sáng ngày 6-1-1918 tới Cù Vân và sau đó sang tỉnh Vĩnh yên, tìm đến công sứ Vĩnh Yên để xin tự thú”  Với những cứ liệu trên cho phép chúng ta kết luận không phải Đội Cấn tự sát vào ngày 10-1-1918 mà là ngày 5-1-1918 nêu tấm gương về tinh thần bất khuất, thà chết chứ không chịu để rơi vào tay giặc.

– Về ngày giỗ của thủ lĩnh Đội Cấn và điều còn băn khoăn

Theo phong tục truyền thống của nhân dân ta, ngày giỗ được tính theo âm lịch. Tại tấm bình phong dựng trước cổng Đền Đội Cấn hiện nay, chúng tôi chỉ thấy ghi “ Đội Cấn đã tự sát tại núi Pháo, xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 5-1-1918” mà không ghi thêm tức là ngày- tháng- năm âm lịch nào để mọi người nhớ đúng về ngày giỗ của vị thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã nêu tấm gương bất khuất trước kẻ thù xâm lược…
Sau khi khảo cứu chúng tôi được biết ngày 5-1-1918 tức là ngày 23 tháng Mười Một năm Đinh Tỵ.

Như vậy ngày 23 tháng Mười Một âm lịch hàng năm là ngày giỗ của thủ lĩnh nghĩa quân Đội Cấn. Chúng ta cần ghi nhớ để vào ngày giỗ đó mọi người kính cẩn tiến hành tưởng niệm cúng giỗ Người đã nêu cao gương tiết liệt, góp phần làm vẻ vang cho truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược.

Thiết nghĩ, khi tưởng niệm chúng ta cũng nên khấn theo đúng với tên thực của ông (tên huý) là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881 tại làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (vì năm 1910, ông đăng lính thay cho anh trai có tên là Trịnh Văn Cấn, sau thăng dần lên chức đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái nguyên nên gọi là Đội Cấn)

Để tỏ lòng ghi nhớ công ơn người thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa. Từ khi ông mất, nhân dân Thái Nguyên đã dựng ngay một ngôi miếu để thờ ông và nay Đền Đội Cấn đã được xây dựng uy nghi tại chính địa điểm cũ, trên gò đất cao giữa trung tâm thành phố và nữa một đơn vị phường, một con đường lớn, một ngôi trường đã được mang tên Đội Cấn.
Tuy vậy điều băn khoăn vẫn còn đó, bởi cho đến nay chúng ta chưa khởi động để đi tìm hài cốt của người mà chiến công vang dội cùng tấm gương tiết liệt đã làm rạng rỡ sử xanh nước Việt.

Được biết mộ của nhà quân sự, bạn chiến đấu sát kề với Đội Cấn là Lương Ngọc Quyến đã được gia đình tìm thấy ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương vào ngày 23 tháng 12 năm 2001 và đã chuyển hài cốt về an táng nới quê nhà tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Chúng tôi mong mỏi công việc truy tìm hài cốt thủ lĩnh Đội Cấn cũng sớm được tiến hành vì thời gian cũng đã qua gần 100 năm rồi.

Xin được kết thúc bài viết này bằng một đoạn thơ mà nhà chí sĩ nổi tiếng đương thời cụ Ngô Đức Kế trong khi đang bị giam tại nhà tù Côn Đảo đã viết trong bài “Thái Nguyên thất nhật Quang phục ký” và bài thơ đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch in trong tập “ Thi tú tùng thoại”

Giữa đất bằng nghe trận sét rền
Tiếng gươm ngục tối dội rầm lên
Sử Nam cách mệnh nào ai đấy
Trịnh Đạt ngàn năm hẳn có tên

NGND Trịnh Trúc Lâm

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn