Nhà Trịnh trong mối nhân duyên với đạo Phật
Phật giáo được truyền từ Ấn Độ vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên thông qua con đường thương mại biển. Ngay từ những ngày đầu du nhập, Phật giáo đã hòa quyện, tiếp biến với văn hóa, tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam để trở thành nền Phật giáo […]
Phật giáo được truyền từ Ấn Độ vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên thông qua con đường thương mại biển. Ngay từ những ngày đầu du nhập, Phật giáo đã hòa quyện, tiếp biến với văn hóa, tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam để trở thành nền Phật giáo Việt Nam, đồng thời trở thành tư tưởng chủ đạo của các nhà nước phong kiến Việt Nam. Dưới các triều đại nhà Lý (1009 – 1025), triều đại nhà Trần (1225 – 1400), Phật giáo được xem là Quốc đạo.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam gắn với lịch sử thăng trầm của dân tộc. Sau những năm Bắc thuộc lần tứ IV, chịu sự tàn phá và ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo dưới thời Lê Sơ (1428 – 1527) tuy không còn vai trò chủ đạo của giới chức thượng tầng, nhưng vẫn ăn sâu trong các tầng lớp nhân dân. Sang thời Lê Trung Hưng (1533 – 1789), Phật giáo lại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Để lấy dân làm gốc và tập hợp được quần chúng nhân dân, Phật giáo được cả vua Lê và chúa Trịnh đều tin sùng. Nhiều người trong hoàng tộc đã công đức, đóng góp tiền của xây chùa, tạo tượng Phật, đúc chuông, cúng ruộng cho chùa làm hương hỏa. Người trong hoàng tộc đã thế phát xuất gia trở thành Sa môn, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni…Ngày nay, nhiều các Già lam, Đại Tùng lâm, chùa di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt được văn bia ghi lại được xây dựng, đại trùng tu vào thời kỳ này do công đức của các chúa Trịnh.
Nói về chúa Trịnh: Đây là một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của dân tộc. Đó là giai đoạn tồn tại song song hai hình thể chính trị (có thể gọi là như vậy) là Cung đình và Phủ chúa. Hai hình thể này không mâu thuẫn về lợi ích với nhau mà ngược lại cùng cộng hưởng với nhau để phát triển và thúc đẩy sự phát triển quốc gia dân tộc. Nhà Trịnh cũng là dòng họ xây dựng và củng cố được vị thế Chúa của mình lâu nhất, qua 12 đời Chúa, kéo dài gần 250 năm từ khoảng nửa đầu thế kỷ thứ XVI cho đến cuối thế kỷ thứ XVIII.
Giai đoạn lịch sử thời Vua Lê – Chúa Trịnh ở thế kỷ XVII, XVIII không phải là giai đoạn phát triển mạnh của Phật giáo ở nước ta, nhưng với sự nhận thức được về vai trò, quan hệ của Phật Giáo với việc bình trị, an dân, phát triển đất nước và bản thân rất mộ Đạo Phật mà các Chúa Trịnh, khởi đầu là Chúa Trịnh Tráng đã rất quan tâm đến việc tu học theo các triết giáo của Đạo Phật. Việc đó thể hiện qua việc bản thân các Chúa ,các con, cháu, cung phi , …. đã trực tiếp tìm Thầy để học kinh, nhiều người xuất gia tu hành.
Vào thời kỳ Vua Lê – Chúa Trịnh, Phật giáo Việt Nam đặc biệt xuất hiện hai dòng thiền là Lâm Tế do Thiền Sư Chuyết Chuyết ( tức Chuyết Công Hòa thượng), người Phúc Kiến, Trung Quốc là Sơ Tổ Lâm Tế Đàng ngoài tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh; và dòng thiền Tào Động do Thiền Sư Thủy Nguyệt sáng lập tại Chí Linh, Hải Dương.
Sự nghiệp xây dựng và trùng tu chùa cảnh có thể nói đặc biệt nói đến Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623 – 1657), do mộ đạo nên bản thân ông cùng các con, cháu, phi tần đã rất chú tâm trong việc phát tâm kim tài để cải tạo, tu bổ, xây mới rất nhiều chùa ở rất nhiều địa phương :
– Khoảng 1633 – 1634 Chúa Trịnh Tráng cho Đệ nhất cung tần Trịnh Thị Ngọc Am tu bổ, trùng tu chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc ninh. Nay là Di tích Quốc gia Đặc biệt.
– Khoảng 1644 – 1647 Chúa Trịnh Tráng cho Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên tu bổ chùa Bút Tháp (Ninh Phúc Tự ), nay ở xã Đình Tổ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
– Năm 1646 niên hiệu Phúc Thái thứ IV, Chúa Trịnh Tráng cho xây chùa Phúc Long ở làng Lãng Ngâm, Gia Bình, Bắc Ninh.
– Chùa Quỳnh Lâm, xã Tràng An, Đông Triều, Quảng Ninh trên văn bia tại chùa thì có ghi công đức trùng tu là Chúa Trịnh Tráng nhưng cũng có tài liệu thì ghi việc tu bổ do chúa Trịnh Giang (khoảng 1730) thực hiện.
– Năm 1727 niên hiệu Bảo Thái thứ VIII, Chúa Trịnh Cương cho xây chùa Thiên Tây ở núi Tam Đảo, thuộc làng Sơn Đình, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc.
– Năm 1730 niên hiệu Vĩnh Khánh thứ II, Chúa Trịnh Giang cho trùng tu chùa Quỳnh Lâm và chùa Sùng Nghiêm ở Đông Triều, Quảng Ninh. Năm sau (1731) Chúa tiếp tục cho dựng Đại Phật tượng tại Quỳnh Lâm và các quan thay phiên nhau đến làm lễ. Chúa cũng sắc cho người sang Trung Quốc thỉnh kinh sách Phật giáo về Việt Nam.
– Năm 1771 niên hiệu Cảnh Hưng thứ XXXII, Chúa Trịnh Sâm cho dựng chùa Tiên Tích ở Thăng Long.
– Các chúa Trịnh cùng con cháu còn góp công tu bổ, tôn tạo rất nhiều ngôi chùa ngoài Bắc , như Chùa Kim Liên ( Hà nội), Chùa Tây Phương ( Hà Tây ).
Đặc biệt sự mộ Đạo Phật và cái duyên giữa Nhà Trịnh với Đạo Phật còn được thể hiện rất rõ qua câu truyện sau đây:
Trịnh Thập ( sinh 1696) ( Theo sử sách ghi thì Trịnh Thập là con trai của Tấn Quang Vương Trịnh Bính và là chắt nội của Trịnh Căn – Chúa Trịnh đời thứ 5 ) là người thông minh, học giỏi. Được vua Lê Hy Tông gả con gái thứ 4 cho và được lập phủ riêng ở phường Hồng Mai (nay là Bạch Mai) , Hà nội.
Một hôm Trịnh Thập ra gò đất cao sau nhà, đào đất để định xây một cái bể cạn thì phát hiện một cái ngó sen rất đẹp trồi lên. Trịnh Thập cho đó là dấu hiệu của đạo phật và tin rằng mình có duyên với Phật, ông lập tức cho sửa và biến phủ đệ của mình thành chùa lấy tên là Chùa Liên Tông vào năm 1726. Ông xuống tóc đi tu và trở thành vị tổ đầu tiên của chùa. Năm 1733 chùa đổi tên thành chùa Liên Hoa, đến năm 1840 để tránh với tên húy của vua Thiệu Trị,chùa đổi tên thành chùa Liên Phái, hiện chùa ở phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trịnh Thập mất vào năm 1733, thi hài ông được an táng trong ngôi tháp Cứu Sinh xây ở giữa gò – nơi mà trước đây ông đã tìm thấy ngó sen.
Chùa Liên Phái và rất nhiều ngôi chùa khác nói trên, hiện nay đều được Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia và cấp chứng nhận là Công trình di tích kiến trúc nghệ thuật trúc đặc sắc của Việt nam.
Và còn rất nhiều ngôi chùa khác nữa từ Thanh Hóa trở ra đều có sự đóng góp tu bổ của các con cháu Chúa Trịnh mà do điều kiện lịch sử thời đó không thể ghi chép lại.
Qua những trang sử rạng rỡ trên có thể nói Nhà Trịnh đã có một nhân duyên lớn với Đạo Phật. Tư tưởng Đạo Phật đã lan tỏa, thấm vào tư tưởng, cách tư duy, lối sống của các thế hệ con cháu Nhà Trịnh.
Và phải chăng chính vì cái nhân duyên lớn với Đạo Phật đó mà con cháu Nhà Trịnh muôn đời đều luôn luôn có lối sống giàu lòng nhân ái, đoàn kết và lạc quan!
Hà nội, ngày 28/7/2019
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Đức Thiện
Phó chủ tịch thường trực- Tổng thư ký TW GHPG VN
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
One comment