Tứ Bình Thực Lục



Tứ bình thực lục, tức bốn bộ thực lục thời chúa Trịnh là Bình Tây thực lục, Bình Hưng thực lục, Bình Ninh thực lục và Bình Nam thực lục. Đây là các bộ thực lục ghi về các cuộc bình định của chúa Trịnh Doanh (1740-1767) và Trịnh Sâm (1767-1782) đối với các vùng Tây tức Sơn Tây, Hưng tức Hưng Hóa, Ninh tức Trấn Ninh (thuộc Thanh Hóa), Nam tức phía Nam từ Nghệ An trở vào.

LỜI NÓI ĐẦU

Tứ bình thực lục, tức bốn bộ thực lục thời chúa Trịnh là Bình Tây thực lục, Bình Hưng thực lục, Bình Ninh thực lục và Bình Nam thực lục. Đây là các bộ thực lục ghi về các cuộc bình định của chúa Trịnh Doanh (1740-1767) và Trịnh Sâm (1767-1782) đối với các vùng Tây tức Sơn Tây, Hưng tức Hưng Hóa, Ninh tức Trấn Ninh (thuộc Thanh Hóa), Nam tức phía Nam từ Nghệ An trở vào.

Các bộ thực lục này ghi chép những sự kiện chính xảy ra trong các cuộc bình định đó, theo từng ngày, từng tháng, từng năm. Thực lục bắt đầu ghi các sự kiện xảy ra từ khi Trịnh Doanh được ủy thác quyền bính (năm 1739) và sau đó chính thức đảm nhận ngôi Chúa vào năm 1740. Thực lục kết thúc bằng sự kiện năm Đinh Dậu (1777) khi biên ải phía Nam tạm thời yên ổn, quân đội triều đình rút về.

Thực lục do các sử gia đi theo quân ngũ mà trực tiếp ghi lại, nên khá sống động và trung thực. Vì lẽ đó mà đây là nguồn sử liệu quý giá bổ sung cho chính sử về các sự kiện lịch sử xảy ra trong những năm cuối thế kỷ XVIII thời Lê-Trịnh. Cũng vì do các sử gia đi theo nhà Chúa bình định trực tiếp biên chép, nên đã đứng trên quan điểm của triều đình mà phán xét các lực lượng đối đầu khi đó. Vì thế khi biên tập bản dịch, những chữ được dịch là “giặc” để chỉ các thế lực đối địch này, chúng tôi tạm lược bỏ, hoặc chuyển đổi thành ‘ngụy”.

Sách được viết bằng chữ Hán, hiện được bảo quản tại kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Các văn bản này chưa được nghiên cứu, dịch và xuất bản. Tuy đã có một số tập được dịch sơ bộ ra tiếng Việt trên bản đánh máy chữ (do con cháu Trịnh tộc cung cấp), nhưng còn bỏ trống nhiều đoạn và chưa được chỉnh sửa, hiệu đính. Vì vậy, chúng tôi chỉnh lý, dịch lại những đoạn đã dịch và dịch mới những phần chưa dịch. Riêng bộ Bình Nam thực lục được nhà nghiên cứu Hán Nôm Hồng Phi dịch chú, song do bản chụp chữ Hán mờ, mất nhiều, nên còn nhiều nhầm lẫn, trong đó tiêu biểu là tên gọi tước hiệu của Hoàng Ngũ Phúc là Việp công 曄公 thì phiên thành Hoa công 華公. Chúng tôi đối chiếu với bản gốc ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm để hiệu đính, chỉnh sửa và bổ sung phần dịch thiếu. Phần cuối, tập sách giới thiệu một số sáng tác của Trịnh Sâm, cùng câu đối ở phủ Chúa. Việc dịch chú đã được chỉnh sửa kỹ lưỡng. Tuy vậy, vẫn còn không ít chỗ khó lí giải vì nhiều lí do, nên tạm thời bỏ trống hoặc tạm dịch ý.

Tập sách này hoàn thành với sự cố gắng và tâm huyết của Hậu duệ đời thứ 8 Chúa Trịnh Sâm là Trịnh Hải, cùng sự giúp đỡ của đồng nghiệp, cũng như nỗ lực, khắc phục trở ngại của bản thân. Đặc biệt bản thảo được GS. NGND Đinh Xuân Lâm hết sức cổ vũ và trực tiếp sửa chữa nâng cao chất lượng bản thảo. Nhà Việt Nam học người Nga Vladimir ANTOSHCHENKO cũng giúp đỡ nhiều tư liệu và tâm huyết cho bản thảo này. Đây là nghiên cứu bước đầu trong nghiên cứu tổng thể tác phẩm chúa Trịnh được chúng tôi chủ trương hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tuy đã cố gắng hết mức, song tập sách không tránh khỏi những sai sót. Kính mong độc giả chỉ giáo và lượng thứ.

Thay mặt nhóm biên soạn
Đinh Khắc Thuân

LỜI GIỚI THIỆU

Lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ XVI được đánh dấu bởi một sự kiện độc đáo là sự song song tồn tại hai bộ máy chính quyền; Triều đình do vua Lê đứng đầu, Phủ Liêu do chúa Trịnh nắm giữ, trong mối quan hệ thực tế vương triều Lê chỉ tồn tại trên danh nghĩa, còn thực quyền thuộc về họ Trịnh từ năm 1599 khi Trịnh Tùng được phong chức Đô Nguyên súy, Tổng Quốc chính, Thượng Phụ Bình An Vương, nắm mọi quyền hành trong nước, mở đầu nghiệp Chúa.

Tình hình đặc biệt đó đã dẫn tới việc nhận định, đánh giá các nhân vật cùng sự kiện lịch sử đương thời thiếu một sự khách quan khoa học cần thiết, dẫn tới những lầm lẫn, ngộ nhận đáng tiếc. Nhưng tình hình đến nay đã có sự thay đổi đáng mừng, theo hướng tích cực. Dưới ánh sáng của tư duy sử học đổi mới, lại có thêm nhiều nguồn tư liệu bổ sung, nhiều vấn đề sử học đã dần được làm sáng tỏ, trong số đó có việc đánh giá vai trò họ Trịnh trong lịch sử dân tộc.

Trong sự cố gắng chung này, các hậu duệ họ Trịnh đã tỏ ra rất nhiệt tình và năng động. Ngay từ năm 1995, Ban nghiên cứu biên soạn lịch sử Thanh Hóa với sự phối hợp của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chúa Trịnh – vị trí và vai trò lịch sử” tại Thành phố Thanh Hóa (ngày 12 – 13 tháng 1). Sau đó, ngày 22/7/2008, tại Văn miếu – Quốc tử giám Hà Nội, sau lễ kỷ niệm 385 năm ngày Triết vương Trịnh Tùng băng hà, Hội đồng họ Trịnh Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về Triết vương Trịnh Tùng. Qua hội thảo, một số vấn đề như nhân cách văn hóa chính trị của Triết Vương Trịnh Tùng, công lao của ông trong việc hoàn thành công cuộc trung hưng của nhà Lê, sự nghiệp văn trị phục vụ đất nước sau chiến tranh của ông đã được nhận định đánh giá thống nhất về cơ bản.

Tiếp sau đó, trong hai ngày 12 – 13 tháng 10 năm 2008, cũng tại thành phố Thanh Hóa, Hội đồng họ Trịnh tỉnh Thanh Hóa lại phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ kỷ niệm 226 năm ngày Chúa Trịnh Sâm băng hà (1782 – 2008), rồi tiến hành hội thảo khoa học: “Trịnh Sâm – cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu sử học ở Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu văn học, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu v.v… khẳng định sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học đối với một vấn đề rất có ý nghĩa của lịch sử dân tộc. Qua Hội thảo ba vấn đề lớn: đánh giá vai trò chính trị, tài năng quân sự và tài năng văn hóa, giáo dục của Thịnh vương Trịnh Sâm về cơ bản cũng được thống nhất, có sự nhất trí cao về vai trò của Chúa Trịnh Sâm trong lịch sử, khẳng định sự nghiệp vẻ vang của ông xứng đáng với sự tôn vinh của đương thời và hậu thế. Bằng các hoạt động cụ thể về chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục, Chúa Trịnh Sâm đã có sự đóng góp tích cực vào sự tồn tại và phát triển lịch sử dân tộc trong một thời kỳ nhất định.

Với mục đích cung cấp thêm tư liệu thành văn về tài năng quân sự của Chúa Trịnh Sâm, một công trình dịch thuật, nghiên cứu công phu đã được hoàn thành và Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc trong thời gian tới. Đó là sưu tập 4 bộ thực lục biên soạn thời Chúa Trịnh gồm có: Bình Tây thực lục (2 quyển), Bình Hưng thực lục, Bình Ninh thực lục, Bình Nam thực lục (3 quyển), thường được gọi dưới tên chung là “Tứ bình thực lục”. Trong số 4 tập thực lục trên thì có Bình Tây thực lục viết về việc đánh dẹp Lê Duy Mật và Hoàng Công Chất trên miền Tây Bắc được biên soạn thời Chúa Trịnh Doanh, còn 3 tập Bình Hưng thực lục, Bình Ninh thực lục, Bình Nam thực lục đều được biên soạn thời Chúa Trịnh Sâm nắm quyền và trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn có nội dung phản ánh sinh động và phong phú quá trình cầm quân đánh dẹp các cuộc nổi loạn và cát cứ ở miền Tây Thanh Hóa – Nghệ An ở Trấn Ninh, Hưng Hóa và Thuận Hóa, Quảng Nam… tiến tới thống nhất đất nước.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng bộ “Tứ bình thực lục” đã được biên soạn dưới thời Chúa Trịnh theo một tinh thần chỉ đạo chung, tạo thành một chỉnh thể Thực lục theo một quy chuẩn và phục vụ cho một mục đích cụ thể “là loại sách bổ sung cho chính sử”. “Sách Thực lục này vốn không phải là suy đoán mà nói, đặt lời văn hoa thêm bớt, mà chỉ căn cứ vào sự thực mà sao chép ra” (Lời Tựa tập Bình Tây thực lục). Với lý do trên, có thể khẳng định nội dung các tập Thực lục thời hai chúa Trịnh Doanh và Trịnh Sâm đã chép lại sự thật khá đầy đủ và đáng tin cậy, ngày nay cần được khai thác phục vụ cho việc khôi phục đúng đắn và đầy đủ lịch sử một thời.

Một điểm rất đáng quý của “Tứ bình thực lục” là qua nội dung bộ sách với những sự kiện và nhân vật cụ thể, chúng ta có đầy đủ cơ sở khách quan khoa học để khẳng định Chúa Trịnh Sâm là một nhà quân sự xuất sắc, có tầm chiến lược, luôn giữ vai trò quyết định cuối cùng trong các chiến dịch. Các đặc điểm đó được thể hiện ở tính sâu sát trong chỉ đạo; biết chọn sử dụng, đánh giá người đúng tài năng và quan trọng hơn là biết có quyết định đúng đắn cuối cùng để bảo đảm thắng lợi. Căn cứ vào cách đối xử của Chúa Trịnh Sâm với Việp Quốc công Hoàng Ngũ Phúc thì thấy rõ tài năng và đức độ của ông trong cách dùng người. Để thấy rõ hơn tài năng và đức độ của Chúa Trịnh Sâm về quân sự, chỉ cần so sánh với các vua chúa triều Nguyễn cùng thời. Nếu như đọc các sách Bình Hưng thực lục, Bình Ninh thực lục, Bình Nam thực lục, chúng ta dễ bắt gặp giữa các dòng ghi chép về chiến sự, về chiến tranh ác liệt những suy nghĩ, cảm thông với người dân là nạn nhân của các cuộc xung đột, giành giật quyền lợi giữa các tập đoàn phong kiến thì trái lại, trong những bộ sách viết về chiến tranh dưới triều Nguyễn như Bắc Kỳ tiểu phỉ phương lược, Nam Kỳ tiểu phỉ phương lược…, chúng ta chỉ thấy đây là những bản tổng kết lạnh lùng các kinh nghiệm đàn áp, tiễu trừ những nông dân cùng khổ bị tước đoạt đến mảnh đất cuối cùng, lại thêm sưu cao thuế nặng nên phải vùng dậy đấu tranh cho cuộc sống, tuyệt đối thiếu vắng một sự thông cảm cần thiết về thân phận con người.dù cho là tối thiểu.

Trên đây, xin giới thiệu “Tứ bình thực lục”, một bộ sách quý phản ánh khá phong phú và chân thực lịch sử cuộc đấu tranh của nông dân chống lại chính quyền phong kiến Lê – Trịnh – Nguyễn trong các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Tiếc rằng bộ Thực lục này trong một thời gian dài hầu như đã bị quên lãng phải đến bây giờ mới có điều kiện phổ biến rộng rãi.
Sẽ là rất thiếu sót nếu bài giới thiệu này không nhắc tới phần “Thơ Chúa Trịnh Sâm” gồm một số bài trích trong các tác phẩm đã xuất bản, đặc biệt là có bổ sung một số bài thơ của Chúa Trịnh Sâm trước đây chưa từng được công bố, nay mới sưu tầm được.

Chúng tôi vui mừng được giới thiệu công trình của các ông Đinh Khắc Thuân – Hồng Phi với lòng tin tưởng rằng không riêng những người nghiên cứu lịch sử các thế kỷ XVI, XVII, XVIII mà còn mở rộng ra đông đảo những người yêu lịch sử nước nhà đều sẽ hào hứng đón nhận bộ sách tư liệu quý này với tất cả tấm lòng trân trọng.
Hà Nội, cuối tháng 7 – 2009

GS. NGND. Phó Chủ tịch Hội KHLSVN
Đinh Xuân Lâm

Ghi chú :  Đây là cuốn lịch sử quí, mới được biên soạn và xuất bản vào quí IV-2009

Bạn đọc có nhu cầu mua sách xin liên hệ với bác Trịnh Hải

+ Số điện thoại : 04.3 7723 240 , 098.200.5934

+ Giá bìa : 67.000đ/cuốn

There are no comments yet

Tin khác đã đăng