Người giữ hồn sáo Việt



Nặng lòng với cây sáo, ông luôn để tâm, tìm tòi, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm qua các nghệ sỹ dân gian, bạn bè đồng nghiệp. Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông đã được trao tặng 5 huy chương gồm: 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc cấp Quốc gia về độc tấu sáo trúc, sáo dân tộc

Đã vào tuổi ngoài 60, nhưng với Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Mạnh Hùng với cây sáo trúc, hồn Việt đã được gìn giữ, mùa xuân như vẫn còn tươi mới. Sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghề nghệ thuật ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nhưng khi bước vào tuổi 17, ông đã biểu diễn thành công các tác phẩm độc tấu bằng sáo trúc, trở thành nhạc công chuyên nghiệp của Đoàn văn công quân giải phóng miền Trung Trung bộ. Từ niềm đam mê đến biểu diễn chuyên nghiệp, những âm thanh réo rắt, du dương trầm bổng của tiếng sáo như có một lực hút hấp dẫn đặc biệt đối với ông. Sự đam mê ấy đã nuôi lớn tình yêu đối với cây sáo trong ông cho đén bây giờ. Hầu như đi đâu, ông cũng “ kè kè” bên mình cây sáo trúc, để được thổi khi bạn bè yêu cầu, từ buổi cà phê mỗi sáng đến đám cưới con người bạn…Ấy là sự đam mê, mà theo sự ví von của ông: “Tôi nghiện sáo đến nỗi bỏ bộ môn trống được cử đi học để theo Đoàn ca múa nhạc, vào miền Nam”.

Trong phòng khách của ông, ông giới thiệu từng loại sáo, ông minh họa bằng cách thổi các loại sáo: H’mông; sáo tiêu Nhật, sáo bầu, sáo trúc Việt Nam…Mỗi loại có cách thể hiện khác nhau nhưng có sức hút kỳ lạ. Ông nói: âm sắc của rừng núi như thủ thỉ, tâm tình, cảm súc sâu lắng cho người nghe.
Nặng lòng với cây sáo, ông luôn để tâm, tìm tòi, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm qua các nghệ sỹ dân gian, bạn bè đồng nghiệp. Những năm tháng học tập ở trường nghệ thuật, thực tế cuộc sống và kinh nghiệm biểu diễn đã giúp ông tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn kiến thức âm nhạc, làm cơ sở vững chắc để ông sáng tác nhiều tác phẩm dành riêng cho cây sáo.

Với tiếng sáo độc đáo của mình, ông đã tham dự nhiều Hội diễn, liên hoan nghệ thuật của các chương trình chuyên nghiệp toàn quốc và các chương trình biểu diễn lớn trong nước. Ông cũng nhiều lần với cây sáo, đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Úc, Anh. Tháng 8-2009. Ban nhạc Tre xanh do ông làm chủ nhiệm đã được Bộ Văn hóa Nhật Bản mời qua giao lưu, biểu diễn tại nhà hát Muza. Các đồng nghiệp đánh giá, nhận xét: ông có phong cách biểu diễn sáo dân tộc tươi trẻ, phiêu du, bay bổng ngoài sức tưởng tượng. Những tác phẩm: Bình minh trên cao nguyên, Vũ khúc xuân Raglay được nhiều khán giả ưa thích. Xem nghệ sỹ Trịnh Mạnh Hùng thổi sáo, người nghe như bị thôi miên, hút hồn, tưởng mình đang lạc vào khu rừng Tây bắc tràn đầy những âm thanh, có tiếng gió vi vu, tiếng chim hót lảnh lót, tiếng vương kêu, hổ gầm, suối chảy róc rách, ánh mắt tình tứ của các chàng trai, cô gái dân tộc trong ngày Hội….Hiện nay ông là một trong rất ít những nghệ sỹ, thổi được loại sáo vỗ không lỗ bấm, loại sáo mà báo chí nước ngoài ví là “món đặc sản lạ”. và là “cây sáo ma quái”của nền âm nhạc không biên giới.

Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông đã được trao tặng 5 huy chương gồm: 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc cấp Quốc gia về độc tấu sáo trúc, sáo dân tộc. Ông cũng viết nhiều ca khúc, các tác phẩm độc tấu sáo trúc, sáo vỗ không lỗ bấm, sáo bầu…Năm 2007, ông đã được Chủ tịch nước ký tặng danh hiệu: Nghệ sỹ Ưu tú.

Về biểu diễn sáo, ông và nghệ sỹ Trịnh Như Quân, người cũng cùng tuổi, cùng họ với ông, với tiết mục : Võ sáo với bài Bóng trăng Phồn Xương bằng cây sáo nặng 4,5kg đã viết nên một cặp bài trùng, trong nền âm nhạc Việt Nam./

Tham khảo thêm bài viết về Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Mạnh Hùng tại đây:

http://www.baodanang.vn/channel/5433/201003/tieng-sao-giua-mua-xuan-1995430/

http://vnmusic.com.vn/index.php?hvid=508

Tuấn Anh- Tiểu Yến

There are no comments yet

Tin khác đã đăng