Thương hiệu vua bơ của nhà khoa học chân chất mang họ Trịnh



Hơn hai mươi năm trước, một thiếu niên đói rách tìm vào Nam kiếm sống, túi không tiền nên chọn cách xin ăn trên chuyến tàu để trốn vé. Thời gian thấm thoắt, giờ cậu bé ấy nay được gọi là “nhà khoa học chân đất”, có công lớn trong việc nhân giống thành công nhiều giống bơ quý khắp đại ngànTây Nguyên

Tuổi thơ lận đận

Gặp anh tại buổi Gặp mặt họ Trịnh tỉnh Dak Lak Trịnh Mười, được bầu là uỷ viên Hội đồng họ Trịnh tỉnh Dak Lak, một chàng trai được vinh danh tâm huyết với dòng họ, một ca sỹ vùng sơn cước ở 36 tuổi đã gây dựng được cuộc sống ổn định no ấm với vợ trẻ con ngoan, cửa nhà rộng rãi tiện nghi, vườn rẫy bốn mùa hoa trái cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, đó là doanh nhân Trịnh Xuân Mười uỷ viên Hội đồng họ Trịnh phía nam.

Là trai út trong một gia đình nông dân quá đông con, thiếu ruộng cày, cha bệnh liệt giường ở xã nghèo xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An, những ngày ba tháng tám nghỉ học lội ruộng mò lươn bắt cá đổi gạo cầm hơi,Trịnh Mười nếm trải đủ cơ cực kiếp nghèo, một tuổi thơ đầy gian truân, lận đận.

Thôi học dở lớp 8, tháng 5-1990, mười sáu tuổi còi cọc như trẻ mười ba, mười trốn cha mẹ, lang thang ròng rã cả ngày vượt chặng đường hơn 40km tới Vinh. Đoàn tàu xuôi Nam vừa tới ga, cậu đu lên lẻn vào góc toa, phập phồng sợ hãi. Chẳng mấy chốc cán bộ soát vé trên tàu đã phát hiện, lôi đứa bé gầy gò đi lậu vé chờ đến toa gần nhất cho xuống. Cậu khóc lóc, lạy van “nếu các ông không cho con đi, về quê thể nào con cũng chết đói”. Thế mày đi đâu? – Nghe người ta mách kinh tế mới vào Nam đỡ lắm, con muốn tìm mà chưa biết về đâu…

Lần khắp người Mười chỉ thấy giắt mỗi một ống sáo, nhà tàu thở dài: Rõ khổ! Thôi mặc mày! Khôn sống mống chết con ạ! Mười cảm ơn, rút sáo ra thổi. Tiếng sáo ai oán, não nùng. Hai ngày lênh đênh trên tàu, cậu kiếm ăn bằng cách thổi sáo mua vui và hầu việc vặt cho hành khách.

Xuống ga Nha Trang, Trịnh Mười lần ra chợ Đầm và chân cầu Hà Ra xin việc. Ai cũng chê gầy, nhỏ, không thuê. Xế chiều đói quay quắt, may sao một chủ xe tải chở cá lên Buôn Ma Thuột thấy thằng bé tội nghiệp bèn gọi phụ đổ nước mui, cho đi nhờ và mách: Trên Đắk Lắk đất đai bạt ngàn, người ta cần vô số nhân công chăm sóc cà phê, cháu lên đó thể nào cũng kiếm ra đường sống.

Ngơ ngác đặt chân lên đất đỏ ba-zan xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, Trịnh Mười được một chủ rẫy đưa về giúp việc, cho cơm ăn áo mặc, trả công 40 nghìn đồng/tháng. Càng quen với trời đất con người cao nguyên, Mười càng cảm nhận được cuộc sống nơi đây thật ấm áp thuần hậu và đầy hy vọng. Tính Mười thật thà, chu đáo siêng năng, chủ nào cũng mến. Hễ ngớt việc nhà mình, họ lại giới thiệu Mười sang phụ cho nhà khác.

Làm thuê được ít lâu, Mười dành dụm đủ tiền mua chiếc xe đạp, tập buôn bán trái cây, có ngày lãi năm, bảy chục nghìn, mừng lắm. Mùa nào trái ấy, Mười chịu khó sục sạo tìm tòi vào tận từng nhà vườn mua trái tận gốc, bán tận ngọn. Túi tiền dần rủng rỉnh. Tiết kiệm lần hồi, Mười gom góp vốn liếng mua rẫy, làm nhà, cưới vợ, đón mẹ và các anh chị vào thăm. Ai cũng kinh ngạc,tấm tắc ngợi khen cậu út tay trắng làm nên sự nghiệp.

Chưa ai làm ư? Cháu sẽ làm!

Những mùa hè đạp xe vào các ngóc ngách nương rẫy thu mua bơ theo giá sỉ để ra chợ bỏ mối, Mười để ý thấy có những cây bơ ra trái rất ngon, có vụ được vụ mất, còn đem hạt bơ ấy trồng xuống chờ tới năm bảy năm sau mới ra quả, nhưng phẩm chất không còn đẹp và ngon như quả bơ mẹ ban đầu.

Ghi được số điện thoại của giáo sư Nguyễn Lân Hùng qua chương trình tư vấn cho nhà nông trên VTV2, Mười liều gọi cho ông để hỏi về hiệu quả và kỹ thuật ghép giống bơ. Giáo sư Hùng cho biết: cây bơ có tính tạp giao rất mạnh nên với bơ, phù hợp nhất là cách ghép giống. Tuy nhiên chính ông cũng chưa thấy ai trồng bơ xen cà phê . Nếu có điều kiện thuận lợi, tốt nhất Mười nên tự tìm tòi về kỹ thuật ghép bơ giống. Trịnh Mười quả quyết: nếu chưa ai làm thì cháu sẽ làm.

Sang Viện Khoa học Nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hỏi xem đã có công trình nào nghiên cứu về ghép giống bơ chưa ? Lãnh đạo Viện lắc đầu. Trịnh Mười tìm đến nhiều vườn ươm tìm hiểu về cách ghép các loại cây lâu năm rồi ra nhà sách mua đủ thứ tài liệu hướng dẫn ghép giống cây về đọc, sau đó bắt đầu thu nhặt hạt bơ ươm bầu, tập ghép chồi.

Loay hoay, kiên trì thử nghiệm mãi, Mười tự rút ra kết luận chỉ có cách ghép mắt chồi của cây bơ quả ngon lên gốc bơ ươm bằng hạt, tương tự kiểu người ta vẫn làm để nhân giống điều cao sản, là thành công. Đầu mùa mưa năm 2003, Mười trồng 150 cây bơ ghép giống đầu tiên xen vào rẫy cà phê. Chỉ 3 năm sau, bơ bắt đầu ra quả lúc lỉu, đều tăm tắp xanh bóng, to đẹp, hạt nhỏ thịt dày, khi chín cơm bơ vàng ươm, thơm béo tuyệt ngon.

Trước thành công vượt mong đợi, việc đầu tiên Trịnh Mười nghĩ tới là hái những quả bơ đẹp nhất mang tên “bơ giống Xuân Mười” đóng thùng gửi tặng giáo sư Hùng. Nhận món quà đầy tình nghĩa của chàng trai chưa từng gặp mặt, giáo sư Hùng xúc động cảm ơn nhưng cũng nói thực cho Mười biết ông chưa quen ăn bơ nên dùng thử thấy nó cứ “sao sao”. Nhưng rồi những mùa bơ sau, ông “nghiện” dần, mua nhiều loại bơ khác nhau để so sánh và xác nhận đúng là quả bơ ghép Xuân Mười thơm ngon vượt trội hơn nhiều.

1 tỉ đồng trên mỗi hecta bơ !

Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc vườn bơ Xuân Mười đã tấp nập khách tìm đến mua hàng.

Bơ vốn là loại quả quen thuộc từ lâu với công chúng Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước kia ít ai chú ý đến giá trị kinh tế của trái bơ hoặc nghiên cứu đầu tư nâng cao chất lượng bơ quả. Vào mùa, bơ lổm ngổm trái to trái nhỏ chất cao như núi ven lộ, đủ loại bơ sáp, bơ mỡ, bơ nước ngon dở lẫn lộn bán xô cực rẻ. Ở buôn làng vùng sâu có những năm giá bơ thu mua tại chỗ chỉ vài ba trăm đồng một ký, rẻ như cho. Nhiều chủ vườn chẳng buồn bán, đổ từng sọt bơ chín vào máng cho lợn ăn.

Nhiều người không biết, từ năm 1999, với sự giúp đỡ của FAO – Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp Quốc chuyên làm nhiệm vụ chống đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực, Chính phủ Việt Nam đã chọn bơ là 1 trong 7 loại quả được ưu tiên phát triển, khuyến khích nghiên cứu và nhân rộng diện tích loại cây quý này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Mượn vườn bơ Xuân Mười làm đề tài ứng dụng và truyền thông, tháng 3-2007, Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ Đăk Lăk cùng Chương trình SME-GTZ phối hợp với Cty tư vấn Fresh Studio lần đầu tiên tổ chức hội thảo chủ đề “Chuỗi giá trị bơ Đăk Lăk”, và ra mắt dự án DAKADO chuyên nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu cho trái bơ. Từ tháng 5-2007, thương hiệu bơ DAKADO đã có mặt trong hệ thống Siêu thị Metro, COOPMart và thị trường toàn quốc.

Ngày nọ, cháu gọi Mười bằng chú điện thoại từ siêu thị Big C thành phố Hồ Chí Minh, bảo cháu thấy ở đây người ta bán đúng loại bơ của chú, dán nhãn DAKADO, giá đúng hai mươi sáu nghìn một ký. Mười ngẩn ngơ: Vậy mà lâu nay mình bán cho họ giá 15 nghìn đầu vụ, 12 nghìn giữa vụ, cứ tưởng là may rồi!

Tháng 5-2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 22987 chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký nhãn hiệu “BTM” tức Bơ Trịnh Mười.

Tháng 6-2010 giáo sư Nguyễn Lân Hùng cùng một nhóm phóng viên truyền hình vào Đắk Lắk, đến thăm vườn bơ của anh. Tận mắt thấy vườn bơ trĩu quả, giá trị kinh tế cao vượt hầu hết các loại cây trồng khác, ông động viên Mười nên tập trung nhân giống để hỗ trợ bà con nông dân hướng tới nông nghiệp giá trị cao.

Sau khi VTV1 phát chương trình GS Nguyễn Lân Hùng giới thiệu giá trị vườn bơ đặc biệt của Xuân Mười, 1 vạn rưỡi bầu giống Mười chuẩn bị sẵn giá 25 nghìn đồng/bầu bán hết veo. Lại thêm rất nhiều đơn đặt hàng khác, phải cấp tốc chuẩn bị cung cấp hơn 2 vạn giống nữa trong mùa mưa này.

Theo tính toán của Xuân Mười được nhiều chuyên gia kinh tế ghi nhận thì trên một hécta ba zan nếu trồng tập trung 1 trong 4 giống bơ trong bộ sưu tập giống chọn lọc của Xuân Mười gồm bơ Trịnh Mười, bơ cơm vàng hạt lép, bơ tứ quý và bơ Thái Lan, chỉ cần vốn đầu tư ban đầu khoảng 15 triệu đồng để trồng 204 cây bơ ghép. Mô hình này cần nhân rộng cho bà con triển khai.

Từ năm thứ 5 trở đi, mỗi cây bình quân cho 3 tạ quả, nếu chỉ tính giá trung bình 20 nghìn đồng/ký sẽ thu được 1,224 tỉ đồng, trừ chi phí phân bón, nước tưới, sinh phẩm phòng trừ sâu bệnh và công chăm sóc, vận chuyển, còn lãi hơn 1 tỉ đồng.

Nhân chuyến khảo sát Đăk Lăk, cuối tháng 6-2010, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ – Cố vấn đặc biệt Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam Nguyễn Công Tạn tìm đến Mười, nếm thử giống bơ ngon của anh, vui vẻ gọi anh là “nhà khoa học chân đất”.

Theo ông Tạn, đề tài nhân giống bơ Xuân Mười để tạo ra một vùng nguyên liệu rộng lớn cho thứ trái đây đang được nhiều nước trên thế giới đặc biệt ưa chuộng này cần được Nhà nước hỗ trợ, để giúp bà con nông dân nhanh chóng nâng cao mức sống.

Trịnh Nghệ An
                                                                                             12

Ảnh: doanh nhân Trịnh Mười và thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm, chủ tịch Hội đồng họ Trịnh tỉnh Dak Lak

There are no comments yet

Tin khác đã đăng