Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến
Được biết đến là vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa cử thời phong kiến nước ta, Trạng nguyên Trịnh Tuệ nổi tiếng thông minh xuất chúng, kiến văn sâu rộng, có nhiều cống hiến.
Song việc thi cử và sự nghiệp làm quan lại gặp không ít “thị phi”. Dẫu vậy, sau tất cả, tài năng của vị trạng nguyên xứ Thanh vẫn được sử sách và người đời nhắc nhớ.
Bên trong đền thờ Trạng nguyên Trịnh Tuệ.
Theo sử liệu cùng gia phả dòng họ, Trạng nguyên Trịnh Tuệ vốn có tên là Trịnh Huệ, hiệu là Cúc Lam. Tuy nhiên vì “kỵ húy” với tên vợ của chúa Trịnh Sâm là Tuyên phi Đặng Thị Huệ nên về sau mới đổi tên thành Trịnh Tuệ. Ông quê gốc ở vùng đất Sóc Sơn (Vĩnh Lộc ngày nay) thuộc dòng dõi nhà chúa (Trịnh). Song đến đời bố ông thì gia cảnh nghèo khó nên đã dời nhà đến cư trú ở đất Cồn Thần (thuộc Lưu Vệ ngày nay); sau lại tiếp tục dời đến vùng đất Bất Quần sau này là xã Quảng Thịnh (huyện Quảng Xương), nay thuộc phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa).
Theo lưu truyền dân gian, từ nhỏ Trịnh Tuệ đã nổi tiếng thông minh xuất chúng, học đâu hiểu đó, sách vở chỉ đọc một lần là nhớ rõ. Sách Địa chí văn hóa huyện Quảng Xương viết: Năm Vĩnh Hựu thứ 1 triều Lê Ý tông (1735), Trịnh Tuệ thi Hương ở Thanh Hóa đỗ cử nhân. Được tiến cử vào làm việc ở phủ Tôn Nhân. Năm sau (1736) thi Hội đỗ nhất danh, vào thi Đình và đỗ trạng nguyên. Bấy giờ có lời dị nghị, nghi ngờ nhà chúa có tình riêng với người trong họ. Nguyên do: theo thể thức, thi Đình tổ chức ở điện Kính Thiên, đích thân vua ngự ra đề, khi làm bài xong, nộp quyển cho quan chấm thi. Nhưng kỳ thi Đình này, bề tôi được yêu là nội giám quan Hoàng Công Phụ vốn chơi thân với Trịnh Tuệ xin chúa Trịnh Giang cho thi Đình trong phủ chúa.
Đã vậy, trong kỳ Trịnh Tuệ tham dự có viên quan người họ Trịnh làm chủ khảo, đến khi vào thi Đình, các thí sinh không vào sân Rồng để vua Lê hỏi mà lại vào phủ chúa để chúa Trịnh hỏi thi… Sách Đại Việt sử ký toàn thư – Bản kỷ tục biên chép: Trịnh Tuệ “vốn có tiếng tăm. Nhưng người thời ấy bàn ra tán vào việc đó, rốt cuộc Tuệ cũng không thanh minh được”. Ngoài ra, có tài liệu cho rằng, Trịnh Tuệ không chịu được sự bàn tán ra vào, xin chúa cho thi lại, kết quả vẫn đỗ đầu (Đình nguyên)”.
Lại có giai thoại lưu truyền dân gian kể rằng, trước sự dị nghị, bất phục của nhiều người, vị trạng nguyên xứ Thanh đã thẳng thắn tuyên bố sẽ giải đáp mọi thắc mắc, câu hỏi của quan lại trong cung vua phủ chúa để khẳng định việc thực học. Lúc bấy giờ, có người nêu câu hỏi, đại ý: Chiếc đũa là vật thiêng không có chân, lúc thì gãy, lúc thì mất, vậy nó chạy đi đâu, ở kinh điển nào? Trạng nguyên Trịnh Tuệ nhanh chóng trả lời, đại ý: Ở Thanh Hóa có núi Chiếc Đũa, không có chân mà chạy về gốc.
Tương truyền, ở gần cửa biển Thần Phù xứ Thanh thời ấy, có ngọn núi vẫn được người dân gọi nôm là núi Chiếc Đũa, đây cũng được xem là danh thắng được nhiều vua chúa khi đến đây đã “tức cảnh đề thơ”. Câu trả lời của Trạng nguyên Trịnh Tuệ đã khiến mọi người bái phục về kiến văn sâu rộng của ông. Và cho đến ngày nay, đã thành giai thoại được hậu thế nhắc nhớ.
Năm 2010, đền thờ Trạng nguyên Trịnh Tuệ dưới chân núi Voi đã được tôn tạo trên nền móng cũ.
Sau khi thi đỗ, Trạng nguyên Trịnh Tuệ được cử làm Đông Các đại học sĩ, quan Thiêm sai phủ liêu; sau đó lại thăng lên Thượng thư Bộ Lại, giữ chức Tham tụng, việc thăng tiến quả thực nhanh chóng. Vốn đã có không ít “dị nghị” về việc đỗ đạt trước đó, bấy giờ sự nghiệp quan trường cũng thăng tiến nhanh, càng khiến người đời có nhiều “nghi ngờ” về việc chúa Trịnh và người bạn thân của ông là Hiệp Quận công Hoàng Công Phụ đã ưu ái, nâng đỡ.
“Xét thực tế, khi nắm giữ trọng trách, Trịnh Huệ đã tỏ rõ bản lĩnh, làm được một số việc đáng kể. Bấy giờ nghĩa quân Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Lê Duy Mật đông hàng vạn người, thanh thế ngày một lớn. Trịnh Tuệ làm Thượng thư Bộ Lại xin chúa điều những trọng thần chức tước cao, uy tín lớn đi trấn thủ những địa phương nhiều giặc cướp như: Dật Quận công Nguyễn Đình Thực xuống Hải Dương, Kế Quận công Đặng Đình Luận lên Sơn Tây, Thuật Quận công Phạm Khiêm Ích vào Thanh Hoa… điều này là cần thiết. Tuy nhiên phe đối lập cho rằng việc dẹp loạn, trị an ở các trấn từ xưa chỉ dùng một quan võ, một quan văn (thường ở bậc ngũ, lục phẩm trở xuống) làm đốc đồng để khám xét, kiện tụng, nay dám đưa cả Thượng thư, Tham tụng ra làm đốc phủ, đốc đồng ở các trấn là không còn kiêng nể gì cả”.
Dẫu được “đồn thổi” là có nhà chúa ưu ái, nâng đỡ, song sự nghiệp quan trường của vị trạng nguyên xứ Thanh cũng không ít gập ghềnh, trắc trở. Đó là khi chúa Trịnh Doanh lên nắm quyền thay chúa Trịnh Giang, vì nhà chúa hiểu nhầm nên ông đã bị bãi quan. Nhưng khi nhà chúa “xét” lại, nhận thấy ông bị oan nên đã cho ông làm Thừa chính Sơn Nam, rồi Quốc Tử Giám Tế tửu. Dẫu không “quyền cao chức trọng” như đã từng, song đó vẫn được xem là sự coi trọng của nhà chúa dành cho vị trạng nguyên xứ Thanh. Cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ trong bài viết tham luận tại hội thảo khoa học khu di tích danh thắng núi Voi nhiều năm trước đã viết: “Chức Quốc Tử Giám Tế tửu, tương tự chức Hiệu trưởng trường đại học quốc gia ngày nay, là rất quan trọng, vì bấy giờ cả nước chỉ có một trường đại học, Trịnh Tuệ được giao trọng trách đào tạo nhân tài cho quốc gia”.
Khi thôi không còn làm quan trong triều đình, Trạng nguyên Trịnh Tuệ về lại quê nhà Bất Quần, dưới chân núi Voi ông mở lớp dạy học, lấy tên “Thảo lư học quán”. Ngưỡng mộ tài năng của vị trạng nguyên xứ Thanh, học trò tìm đến rất đông, nhiều người đỗ đạt. Và sau khi ông mất, con cháu cùng học trò đã dựng nghè (đền) thờ phụng ở nơi ông mở lớp dạy học năm xưa. Tương truyền, nhà bác học Lê Quý Đôn khi về xứ Thanh, đến thăm đền thờ vị quan trạng đã cho người khắc tấm biển đá đề ba chữ “Trạng nguyên từ” để tưởng nhớ.
Đền thờ vẫn được người dân địa phương thường gọi là đền (nghè thờ) Quan Trạng. Bà Nguyễn Thị Thêm – người dân địa phương hiện đang trông coi di tích tự hào: “Quan trạng Trịnh Tuệ là niềm tự hào về việc học hành đỗ đạt để hậu thế noi theo. Hàng năm, trước những kỳ thi lớn, con em trong vùng lại về di tích dâng hương, cầu mong Quan Trạng phù trợ để các cháu “vượt vũ môn” thành công. Vào ngày giỗ cụ (tháng 5 âm lịch) người dân và con cháu dòng họ lại tề tựu đông đủ tại đền thờ để dâng hương thành kính tưởng nhớ người xưa”.
Bà Lê Thị Nhàn – công chức văn hóa xã hội phường Quảng Thịnh cho biết: “Căn cứ theo một số tư liệu còn lưu giữ tại địa phương cùng lời kể của các cụ cao niên trong làng, đền thờ Trạng nguyên Trịnh Tuệ khi xưa khá bề thế, vững chắc. Tuy nhiên trải qua thời gian và chiến tranh bom đạn, di tích chỉ còn nền móng cũ. Năm 2010, đền thờ Trạng nguyên Trịnh Tuệ đã được tôn tạo. Đền thuộc di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Núi Voi, đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1998”.
Nguồn : svhttdl.thanhhoa.gov.vn
Tin khác đã đăng
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Đại hội đại biểu Hội đồng họ Trịnh huyện Thiệu Hóa 18/06/2024
- Thư cảm ơn – Lễ hội Phủ Trịnh năm 2024 07/04/2024
There are no comments yet