NHÂN VẬT LƯU NHÂN CHÚ VÀ MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LÀM SÁNG TỎ
Lưu Nhân Chú là một trong những khai quốc công thần nhà Lê, có nhiều công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh của nước Đại Việt đầu thế kỷ XV. Ông có mặt trong Hội thề Lũng Nhai và tham gia nhiều trận đánh lớn, được vua ban nhiều chức tước quan trọng. Xung quanh nhân vật lịch sử này vẫn còn một số điều cần phải làm sáng tỏ
1. Công lao của nhân vật lịch sử Lưu Nhân Chú
Lưu Nhân Chú hay Lê Nhân Chú (?-1433) là công thần khai quốc triều Lê trong lịch sử nước Đại Việt, người xã An Thuận Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ông theo Lê Lợi từ trước khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra và là một trong 18 người có mặt tại Hội thề Lũng Nhai năm 1416. Ông cũng là một trong số các thân tín của Lê Lợi giành lại được hài cốt của tiên tổ Lê Lợi bị giặc Minh đào bới đem đi để dụ hàng [3, tr 240].
Trong suốt quá trình kháng chiến chống quân Minh, ông rất được Lê Lợi tin dùng nên hầu hết các trận đánh quan trọng hay các trận đánh lớn, ông đều tham gia. Có thể kể ra đây một số trận tiêu biểu:
* Năm 1424, sau khi nghe theo lời Nguyễn Chích, Lê Lợi chuyển hướng chiến lược, đưa quân vào đánh Nghệ An làm chỗ đứng chân, tạo đà tấn công Đông Đô, giải phóng đất nước. Những trận đánh có ý nghĩa to lớn đầu tiên ở Nghệ An là trận Bồ Ải, Khả Lưu… Sử sách còn ghi chép rằng : “Năm Giáp thìn (1424), trong trận đánh ở ải Khả Lưu, ông (Lê Nhân Chú-TDT) xông lên trước hãm trận, thu được toàn thắng, nổi tiếng một thời” [2, tr 204]. Khi quân Lam Sơn tiến đánh Nghệ An, nhà Minh điều quân ở khu vực các tỉnh phía bắc vào ứng cứu. Theo kế sách của vua, ông cùng với một số tướng tá khác là Lê Lễ, Lê Sát, Lê Triện, Lê Bị “chọn 200 quân tinh nhuệ, 2 thớt voi, … đi gấp theo đường đất đánh úp thành Tây Đô ” [1, tr 397].
* Năm 1425, ông lại được vua sai cùng với Lê Bị, Lê Quan, Lê Nanh “…lĩnh hai nghìn quân ra các lộ Trường An, Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương (vùng Ninh Bình, Nam Định… ngày nay-TDT) triệt đường về của bọn Phương Chính, Lý An” [3, tr 249]. Ngay sau đó, ông lại được cử đến các tỉnh giáp biên giới nhà Minh để “…cắt đứt đường ứng viện của Ôn Khưu” [3, tr 250].
* Năm 1427, năm quyết định thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi “…sai bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 5 thớt voi, bí mật mai phục trước ở ải Chi Lăng để đợi giặc” [1, tr 430], [3, tr 253]. Khi Liễu Thăng kéo quân đến, “Ông cùng Lê Sát hợp mưu chung sức, sai Lê Lựu giả thua nhử giặc, rồi tung quân ra đánh úp, chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên, sau đó lại chém được Bảo định bá Lương Minh tại trận” [2, tr 205].
* Tháng 11 năm ấy, Bình Định vương “sai Tư đồ Tư Tề và Lê Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin với quân Minh” [1, tr 436], [2, tr 205].
Cuộc kháng chiến toàn thắng, Lê Lợi định công khen thưởng cho các tướng tá, có ra bài chế, đoạn viết về Lưu Nhân Chú như sau:
“…Tài năng như cây tùng cây bách; chất người như ngọc”phan” ngọc “dư”. Thấy nước nhà trong cơn hoạn nạn; nghĩ nghiệp vua không thể thiên an. Núi Linh Sơn đói khổ mấy tuần, ngươi hằng lo lắng; xứ Ai Lao muôn phần vất vả, ngươi chẳng tiếc thân. Cứu nguy phù suy, giành lại cơ đồ trong những ngày cháo rau cơm hẩm; trừ hung dẹp bạo, quét thanh trời đất khỏi tai ương ngựa sắt gươm vàng. Trận đánh ở Bồ Đằng, Khả Lưu như trúc chẻ tro bay; trận đánh ở Xương Giang Chi Lăng như băng tan, ngói lở. Giúp nên nghiệp lớn, càng rõ công to sáng nghiệp là khó khăn, ngươi đã lấy võ công mà dẹp nạn; thủ thành không phải dễ, nước cần có hiền tài để giúp phò. Vậy cho ngươi: đứng đầu hàng võ trong triều, kiêm coi chính sự nhà nước…”[2, tr 205, 206].
Và ông được phong “Á Thượng hầu, tên đứng thứ năm. Năm thứ tư (1431) được chuyển làm Nhập nội Tư khấu” [2, tr 206] (những viên quan đại thần được mang chữ Nhập nội là những viên quan được vua thân tín-TDT). Năm 1433, sau 5 năm được sống trong hòa bình, cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng triều chính vững mạnh, ông bị đại tư đồ Lê Sát ghen ghét, “ngầm đánh thuốc độc giết chết. Về sau vua Thái Tông mới hiểu nỗi oan của ông, cuối cùng trị tội Lê Sát. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) tặng là Thái phó Vinh quốc công” [2, tr 206].
Pho tượng Tể tướng Lưu Nhân Chú được đặt trong đền thờ ông tại xã Văn yên, huyện Đại Từ
2. Quan hệ Lưu Nhân Chú và Trịnh Khắc Phục qua sử sách
Công lao to lớn của Lưu Nhân Chú đối với đất nước ta ở thế kỷ XV đã rất rõ ràng, còn lưu lại nhiều trong sử sách chính thống. Song, có một số vấn đề vẫn chưa tỏ tường như quê quán của Lưu Nhân Chú ghi trong các tài liệu không khớp nhau. Lưu Trung trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có phải là cha Lưu Nhân Chú? Mối quan hệ giữa Lưu Nhân Chú và Lê (Trịnh) Khắc Phục?…
Trong các vấn đề trên, nếu trả lời được câu hỏi: mối quan hệ giữa Lưu Nhân Chú và Lê (Trịnh) Khắc Phục thì sẽ dễ dàng trả lời được các câu hỏi còn lại.
Một số tài liệu lịch sử như Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Lê Lợi và Thanh Hóa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Hội thảo Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa v.v.. đều không có sự thống nhất về vấn đề này. Xin phép dẫn ra đây để thấy sự không thống nhất ấy, những chỗ in đậm do chúng tôi nhấn mạnh:
– “Bấy giờ, Lê Sát đã giết Lê Nhân Chú, ngờ Khắc Phục oán mình, tâu xin đoạt lại quyền hành của Phục, cho coi việc ngục hình. Khắc Phục là em cùng mẹ với Nhân Chú” [1, tr 485].
– “Ông ghét Tư khấu Lê Nhân Chú nên đã vu cáo để giết đi, đuổi em ông ta là Lê Khắc Phục từ chức Hành khiển Nam đạo ra làm Phán đại lý chính” [2, tr 195, 196]
-“Lưu Trung vốn là dòng dõi một gia đình ba đời thế tập làm quan phiên trên vùng Thái Nguyên và được phong tước hầu. Lưu Trung lấy bà dâu góa của dòng họ Lê Lợi và sinh ra Lưu Nhân Chú” [4, tr 10].
– Các tác giả Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn trong Khởi nghĩa Lam Sơn cũng thống nhất cho rằng Lưu Trung lấy bà dâu góa dòng họ Lê Lợi và sinh ra Lưu Nhân Chú. [6, tr 172]
– Như vậy chỉ có thể là sau khi Trịnh Khắc Phục được sinh ra, bố là Trịnh Hữu Lượng (phải là Trịnh Nhữ (汝) Lượng mới đúng- TDT) mất thì mẹ của ông ở góa, sau đó mới lấy Lưu Trung và sinh ra Lưu Nhân Chú [6, tr 172, 173].
– v.v…
Điểm chung nhất qua các tài liệu trên là Trịnh Khắc Phục và Lưu Nhân Chú đều do một người phụ nữ sinh ra. Còn ai là anh, ai là em thì chưa có sự thống nhất. Trước khi đi vào giải quyết vấn đề này, xin được điểm qua vài nét về dòng họ cụ Trịnh Khắc Phục – người cùng mẹ khác cha của Lưu Nhân Chú.
3. Vài nét về dòng họ Trịnh Khắc Phục
Dòng họ Trịnh Khắc Phục nhiều đời làm quan cho nhà nhà Trần và có gia phả muộn nhất là vào niên hiệu Chính trị thứ 5 (1562), sau đó được nhiều thế hệ phụng sao chính bản [5] và tục biên các đời kế tiếp.
Theo gia phả họ Trịnh và các tài liệu khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục, Đại Việt thông sử v.v.. dòng cụ Trịnh Khắc Phục có bà Trịnh Thị Ngọc Thương lấy ông Lê Khoáng, sinh ra Lê Lợi (sau làm vua gọi là Lê Thái Tổ). Người con gái của bà Trịnh Thị Ngọc Thương lấy ông Trịnh Nhữ Lượng (Trịnh Nhữ Lượng là cháu bà Ngọc Thương), sinh ra Trịnh Khắc Phục. Cụ Trịnh Khắc Phục gọi Lê Lợi là cậu ruột.
Trịnh Khắc Phục cùng cha là Trịnh Nhữ Lượng theo Lê Lợi kháng chiến chống Minh. Sau hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi phong 51 người làm tướng văn tướng võ chia nhau đốc suất đội quân Thiết đột ra đối địch với quân Minh. Trong danh sách 51 vị tướng đầu tiên của Lê Lợi, cụ Trịnh Khắc Phục xếp thứ 15 [2, tr 35].
Sau bà Trịnh Thị Ngọc Thương, dòng họ này còn có ít nhất 2 người phụ nữ làm vợ vua [7]. Sau cụ Trịnh Nhữ Lượng và Trịnh Khắc Phục, không ít người kế tục truyền thống gia đình, tham gia chính sự ở triều Lê mà sử sách còn ghi như Trịnh Bá Nhai, Trịnh Trọng Phong, Trịnh Như Sơn, Trịnh Duy Hiếu, Trịnh Duy Thận (Thoan, Thuyên), Trịnh Duy Đại, Trịnh Duy Sản, Trịnh Duy Liêu, Trịnh Duy Liệu, Trịnh Duy Tuấn, Trịnh Phúc Hải, Trịnh Tuy, Trịnh Duy Tinh v.v.. (xin xem Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử…). Trong số này, có người được nhà Nguyễn đúc tượng thờ ở miếu Lịch đại đế vương (Huế) cùng với Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo v.v… Về công lao đối với kháng chiến chống Minh của dòng họ này, ông Lê Xuân Kỳ có một nhận xét rất xác đáng trong bài “Tìm thấy hiện vật bằng đá thời Lê Thánh Tông” đăng trên báo Nhân dân chủ nhật số 26 (501), ngày 27 tháng 6 năm 1993 : “Ông (Lê Lợi) đã khóc tiếng khóc chào đời ở quê ngoại và sau này cả họ ngoại đã theo ông bình định giặc Minh”. Vấn đề này, chúng tôi sẽ giới thiệu trong một dịp khác.
4. Lưu Nhân Chú là anh hay là em cùng mẹ với Trịnh Khắc Phục?
Đền thờ Danh nhân Lưu Nhân Chú trước thời điểm yên vị tượng
Năm 1821, nhân chuyến Minh Mệnh tuần du Bắc hà, hậu duệ dòng họ Trịnh Khắc Phục đã làm bản tấu trình, trong đó có đoạn: “Tư hỷ kiến Thánh giá Bắc tuần, hàm dục suy ân, u linh cộng thoả. Vi thử cẩn sao gia phả dữ tiền tổ thụ phong chi sắc mệnh, tịnh phả khai tộc nội lục chi nhân số đính hậu. Phục tiền vọng cao thông chúc chiếu, chẩn cập tiền triều ngoại tông công thần dư duệ, ban hạ tra quả ân triêm. ngu tộc thành hoàng khủng bất thăng chiến lật chi chí.” Nghĩa là: “Nay mừng thánh giá [vua Minh Mệnh] tuần du Bắc Hà, hàm ý suy ân, u linh cùng thoả, do vậy bèn cung kính sao lục gia phả, cùng sắc mệnh thụ phong của tiền tổ, cũng như kê khai sơ lược số đinh của sáu chi nội tộc đính kèm phía sau, cúi mong bề trên cao minh sáng suốt, soi xét cho dư duệ của công thần ngoại tông triều cũ, điều tra khám thực, khiến ngu tộc hưởng ân triêm, thực chẳng dám nêu sai sự thực” [5].
Ngay trang đầu tiên, có đoạn nói rất rõ về bà Lê Thị Ngọc Biền, chị Lê Lợi, mẹ của Lưu Nhân Chú và Trịnh Khắc Phục (xem ảnh đính kèm).
Phiên âm một đoạn :
“Gia phả
Thái tổ Thái tông Cao hoàng đế. Thái tổ hoàng đế Trinh từ hoàng thái hậu Trịnh Thị Thương thú Lam Sơn hương Lê Khoáng sinh hoạch nam nữ lục nhân: Lê Trừ, Lê Học, Lê Thái tổ, Lê Ngọc Hai (Hay), Lê Ngọc Vị, Lê Ngọc Biền. Ngoại hoàng tông khai quốc công danh (thừa chữ danh) thần tái giá Thiệu Thiên phủ, tư cải Thọ Xuân phủ, Lôi Dương huyện, Thủy Chú xã Trịnh Nhữ Lượng thú thê Lê Ngọc Biền Trinh từ hoàng Thái hậu trưởng quốc công chúa sinh Trịnh Khắc Phục, tả Kim ngô thượng tướng quân kinh Thái bá, hữu công lập đồng trụ, Ngọc Sơn hầu….”.
Dịch nghĩa :
Gia phả
Thái Tổ Thái Tông Cao Hoàng đế. Thái Tổ Hoàng đế Trinh từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Thương lấy ông Lê Khoáng, người hương Lam Sơn, sinh nam nữ sáu người là Lê Học, Lê Trừ, Lê Thái Tổ, Lê Ngọc Hai (Hay), Lê Ngọc Mùi, Lê Ngọc Biền. Bà tái giá về bên ngoại là Khai quốc công thần. Ông Trịnh Nhữ Lượng, người xã Thuỷ Chú huyện Lôi Dương phủ Thiệu Thiên (sau đổi là phủ Thọ Xuân) lấy bà Lê Ngọc Biền, Quốc trưởng công chúa của Trinh Từ Hoàng Thái hậu, sinh Trịnh Khắc Phục. Ông Trịnh Khắc Phục giữ chức Tả kim ngô Thượng tướng quân, tước Kinh Thái bá, có công lập cột đồng được ban Ngọc Sơn hầu.
Trang 2 được viết lại một lần nữa (xem ảnh):
Nghĩa của từ tái giá, trong Từ điển Hán Việt, Đào Duy Anh ghi như sau : đàn bà chết chồng đi lấy chồng khác.
Như vậy, chị gái Lê Lợi, bà Lê Ngọc Biền trước khi về làm dâu họ Trịnh đã qua một lần đò.
Từ trên, ta có thể khẳng định: ông Lưu Nhân Trung (cha Lưu Nhân Chú) là đời chồng trước của bà Lê Ngọc Biền. Ông đã chết thì bà Ngọc Biền mới đi bước nữa, về làm vợ một người con trai bên dòng họ ngoại của bà là ông Trịnh Nhữ Lượng. Ông bà sinh ra Trịnh Khắc Phục.
Như vậy, Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt thông sử ghi Trịnh Khắc Phục là em của Lưu Nhân Chú là chính xác (cả hai người đều gọi Lê Lợi là cậu ruột).
Điều này lý giải tại sao, là một trong 51 vị tướng đầu tiên của Lê Lợi nhưng tên của Trịnh Khắc Phục rất ít xuất hiện trong các trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn và xuất hiện rất nhiều ở giai đoạn viết về ba triều Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông của nhà Lê trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Có thể cụ Trịnh Khắc Phục còn ít tuổi (tiểu tướng) nên trong kháng chiến, chỉ đi theo và dưới trướng các tướng khác nên các nhà viết sử không ghi tên ông mà chỉ ghi tên các vị tướng chủ soái, phó soái, tiên phong? Gia phả dòng họ Trịnh ghi chép khá đầy đủ các trận đánh mà cụ Trịnh Khắc Phục tham gia và lập công trạng [7]. Chắc chắn vì có công lao to lớn nên mới được ban mang họ vua Lê và thuộc hàng Bình Ngô khai quốc công thần (Thượng trí tự, Trước Phục hầu). Hòa bình lập lại, dưới triều Thái Tôn, Nhân Tông, ông đã thực sự trưởng thành nên được giao nhiều trọng trách, trở thành đại thần đầu triều và được ban nhiều huân tước cao.
Khi đã xác định Lưu Nhân Chú là anh cùng mẹ với Trịnh Khắc Phục thì chúng ta dễ dàng hiểu được vì sao mà hầu hết các bộ sử chính thống đều nhắc đến sự liên lụy của Trịnh Khắc Phục sau cái chết oan của người anh cùng mẹ Lưu Nhân Chú, có thể là một trong các nguyên nhân để đến lượt ông cũng bị giết oan (1451) và hai năm sau được Lê Nhân Tông minh oan (1453).
5. Một số vấn đề khác liên quan đến Lưu Nhân Chú
Còn có một số vấn đề khác cần được làm sáng tỏ như quê quán của Lưu Nhân Chú nhiều tài liệu ghi không giống nhau; Lưu Trung (cha Lưu Nhân Chú) có tham gia khởi nghĩa Lam Sơn hay không? v.v…
Như trên đã khẳng định, ông Lưu Trung đã mất nên bà Lê Ngọc Biền mới tái giá, sinh ra Trịnh Khắc Phục. Khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, ông Trịnh Khắc Phục đã lớn, có tên trong 51 tướng văn tướng võ đầu tiên của Lê Lợi. Như vậy, Lưu Trung đã mất rất lâu, trước khi Lê Lợi khởi nghĩa. Vì vậy, bài viết “Lưu Trung và Phạm Cuống: Công thần khai quốc triều Lê” [6, từ tr 156 đến 170] của tác giả Nguyễn Đức Nhuệ chưa phải đã hoàn toàn thuyết phục.
Trong nhiều tài liệu lịch sử viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ta thấy có tên ông Lưu Trung : “Lưu Trung, Lương Giang huyện, Đàm Thi xã” [3, tr 208] ; “Lưu Trung; làm Giới Phúc hầu, nhập tịch lộ Khả Lam, tước Giới quận công, vì ứng quốc sự” [3, tr 263].
Phải chăng đây là ông Lưu Trung quê gốc ở Đàm Thi (nay là xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân. Ở Xuân Thiên hiện vẫn có dòng họ Lưu sinh sống đã từ rất lâu đời) chứ không phải ông Lưu Trung ở Đại Từ, Thái Nguyên. Đây là một Lưu Trung khác, không phải cha của Lưu Nhân Chú ?
Vấn đề có một hay hai ông Lưu Trung xin chờ đợi ý kiến của các nhà sử học.
Lưu Nhân Chú, quê ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cha mất, mẹ đi bước nữa. Rất có thể ông theo mẹ về sinh sống ở quê ngoại và ở quê đời chồng sau của mẹ. Vì vậy, trong các tài liệu, lúc thì ghi “Lưu Nhân Chú, người sách Thủy Chú, huyện Lôi Dương” [3, tr 205]. Thủy Chú chính là nơi mà Lê Lợi và Lê Thị Ngọc Biền được sinh ra, cũng là quê của đời chồng thứ hai là Trịnh Nhữ Lượng; lúc lại ghi “Lưu Nhân Chú: làm Sùng Sơn hầu, lộ Khả Lam, vì ứng quốc sự” [3, tr 263] (lộ Khả Lam là vùng đất quê mẹ của Lưu Nhân Chú).
Sách ghi như thế không có gì mâu thuẫn và cũng là điều có thể lý giải được.
Bước đầu tìm hiểu một số vấn đề xung quanh nhân vật lịch sử Lưu Nhân Chú, một đại công thần khai quốc triều Hậu Lê, chúng tôi thấy, ở nhân vật này không phải không còn những điều chưa tường minh.
Rất mong được sự chỉ giáo của các bậc cao minh, sự chia sẻ tư liệu và mách bảo thêm của con cháu họ Lưu trong cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nxb Văn hóa Thông tin, Đại Việt sử ký toàn thư tập 2, Hà Nội, 2000.[2] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử tập 3, Nxb KHXH, Hà Nội, 1978.
[3] Ty Văn hóa Thanh Hóa Lam Sơn thực lục, 1976.
[4] Kỷ yếu Lê Lợi và Thanh Hóa trong khởi nghĩa Lam Sơn,Nxb Thanh Hóa, 1988.
[5] Thư viện Hán Nôm Thọ Xuân phủ Tam Lộng tổng tạp chỉ, kí hiệu A.3128.
[6] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, UBND huyện Thường Xuân, Hội thảo Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa, tháng 7 năm 2013, Thanh Hóa.
[7] Gia phả họ Trịnh tại xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh và tại xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trịnh Duy Tuân
Tham khảo thêm một số bài viết về Danh nhân Tể tướng Lưu Nhân Chú tại đây:
http://www.thainguyentv.vn/default.aspx?tabid=494&ID=156183&CateID=361
http://luutoc.vn/vi/?go=detail/12/2/2015/Lcaci/News/dai-le-an-vi-tuong-te-tuong-luu-nhan-chu.dhtml
http://luutoc.vn/vi/?go=detail/23/2/2013/LBaeg/News/-danh-tuong-luu-nhan-chu.dhtml
Tin khác đã đăng
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
- Đại hội đại biểu Hội đồng họ Trịnh huyện Thiệu Hóa 18/06/2024
There are no comments yet