Chúa Nguyễn Hoàng
Trịnh Kiểm lên nắm binh quyền, cho rút hết quân về Thanh Hóa, lập hành điện ở đồn Vạn Lại cho vua ở, chiêu mộ hào kiệt, luyện tập binh sĩ, tích trữ lương thảo. Có nhiều danh sĩ như Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng), Lương Hữu Khánh tìm vào giúp. Giang sơn chia hai:
TRỊNH KIỂM
Trịnh Kiểm lên nắm binh quyền, cho rút hết quân về Thanh Hóa, lập hành điện ở đồn Vạn Lại cho vua ở, chiêu mộ hào kiệt, luyện tập binh sĩ, tích trữ lương thảo. Có nhiều danh sĩ như Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng), Lương Hữu Khánh tìm vào giúp. Giang sơn chia hai: từ Thanh Hóa vào thuộc Nhà Lê, gọi là Nam Triều, từ Sơn Nam ra thuộc Nhà Mạc, gọi là Bắc Triều. Năm 1548, Vua Trang Tông mất, Trịnh Kiểm lập Thái tử Duy Huyên làm vua hiệu Trung Tông được 8 tháng thì mất, dòng dõi không còn ai, nên binh quyền đều ở trong tay Trịnh Kiểm cả.
Tục truyền T. Kiểm rất muốn lên ngôi vua, nhưng còn lưỡng lự, mới cho người lẻn ra Hải Dương để hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình không nói, chỉ quay lại bảo đầy tớ: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ” rồi sai gia nhân ra bảo tiểu quét chùa đốt hương để ông ra viếng chùa, khi đến chùa ông bảo tiểu: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản.” Sứ giả về kể lại, T Kiểm hiểu ý, mới cho đi tìm con cháu họ Lê, về sau tìm được 1 người cháu huyền tôn ông Lê Trừ là anh vua Lê Thái Tổ tên là Duy Bang ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, rước về lập lên làm vua. Từ đó hai bên Nam Triều và Bắc Triều đánh nhau nhiều lần nhưng bất phân thắng bại.
Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, trao quyền lại cho con là Trịnh Tùng.
NGUYỄN HOÀNG (1523-1613)
Ông Nguyễn Kim có 2 người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng đều làm tướng lập được nhiều công trận. Người anh là Nguyễn Uông được phong Lạng Quâïn Công, người em là Nguyễn Hoàng được phong Thái úy Đoan Quận Công. Nhưng vì T. Kiểm sợ họ Nguyễn tranh quyền mới kiếm chuyện giết Nguyễn Uông đi. Nguyễn Hoàng sợ mới cho người ra Hải Dương hỏi Trạng Trình, Trạng Trình bảo: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân.” (Nghĩa là: Một dãy Hoành Sơn dung thân muôn đời). Nguyễn Hoàng mới nói với chị là Ngọc Bảo xin T. Kiểm cho vào trấn phía Nam.
Năm 1558 Trịnh Kiểm tâu vua Anh Tông cho N. Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Lúc bấy giờ những họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng những quân lính ở Thanh, Nghệ nhiều người đưa cả vợ con đi theo.
N. Hoàng vào đóng ở xã Ái Tử (sau gọi là kho Cây Khế), thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.
Tương truyền một hôm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đi kinh lý qua ngọn đồi Hà Khê gặp một bà già mặc áo đỏ tay cầm bó nhang đang cháy chỉ đường cho ngài tìm đến một vùng đất tốt đẹp đầy sinh khí mà sau này Chúa Nguyễn đặt làm kinh đô Phú Xuân, tức cố đô Huế bây giờ. Để ghi nhớ công ơn Bà Tiên Aùo Đỏ, năm 1601 Chúa Nguyễn Hoàng cho xây trên đồi Hà Khê (nơi Bà Tiên hiện ra) một ngôi chùa đặt tên là Chùa Thiên Mụ. Chùa Thiên Mụ là nơi Chúa Nguyễn Phúc Chu quy y Phật với Thiền sư Thạch Liêm (vị cao tăng Trung Hoa được mời qua VN để giảng giáo lý). Năm 1715 Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng 1 bia đá trên lưng 1 con rùa đá tại chùa Thiên Mụ ghi khắc sự tích Chùa.
Sử gia Trần Trọng Kim viết: “Nguyễn Hoàng là một người khôn ngoan, có lòng nhân đức, thu dùng hào kiệt, yên ủi nhân dân cho nên lòng người ai cũng mến phục.”
Năm 1569, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ra chầu Vua ở An Tràng, năm sau T. Kiểm gọi quan Tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về giữ đất Nghệ An, cho N.Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa và Quảng Nam, lệ mỗi năm phải nộp thuế 400 cân bạc, 500 tấm lụa.
Năm 1572, nhân lúc T. Kiểm mới mất, con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc đem quân vào Thanh Hóa, sai tướng Lập Bạo đem 1 toán quân với 60 chiếc thuyền bằng đường biển kéo vào đóng ở 2 làng Hồ Xá, Lạng Uyển thuộc huyện Minh Linh để đánh Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng sai một mỹ nhân là Ngô-thị giả kế mang vàng bạc sang nói với Lập Bạo xin cầu hòa. Bạo mừng rỡ không phòng bị, bị quân họ Nguyễn đánh bất ngờ bắt được giết đi.
Năm 1593, Trịnh Tùng lấy được Thăng Long, bắt được Mạc Mậu Hợp nhưng đảng nhà Mạc vẫn còn nhiều, Nguyễn Hoàng mới đưa quân binh súng ống ra Đông Đô ở hằng 8 năm để giúp Trịnh Tùng lập được nhiều công to, nhưng Trịnh Tùng luôn có ý ghen ghét không muốn cho ngài về Thuận Hóa. Năm 1600, nhân vì họ Trịnh kiêu hãnh quá, các quan có nhiều người bất mãn, Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm , Bùi Văn Khuê khởi binh chống tại cửa Đại An, thuộc Nam Định, Nguyễn Hoàng mới đem bản bộ tướng sĩ giả cách nói đi đánh giặc, rồi theo đường biển xuôi về Thuận Hóa.
Về Thuận Hóa, sợ Trịnh Tùng nghi ngờ, Nguyễn Hoàng đem con gái là Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng là con trai Trịnh Tùng. Ngài cho con trai thứ vào trấn đất Quảng Nam dựng kho tàng, tích trữ lương thực.
Bề ngoài tuy chưa ra mặt chống đối họ Trịnh, nhưng bên trong ngài hết sức lo việc phòng bị.
Khi N. Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), phần cực Nam nước ta (Đại Việt) là huyện Tuy Viễn (trấn Quảng Nam), bên kia đèo Cù Mông là đất nước Chiêm Thành.
Năm 1611, Trấn thủ Nguyễn Hoàng sai Chủ sự Văn Phong vượt đèo Cù Mông đánh ChiêmThành chiếm đất lập ra phủ Phú Yên chia làm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.
Trước khi mất, ngài gọi người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn rằng:
“Đất Thuận Quảng này phía bắc thì có Hoành Sơn và Linh Giang (sông Gianh), phía nam có Hải Vân Sơn và Bi Sơn, thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập binh sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời.”
Qua đó, chúng ta thấy Ngài là một vị anh hùng đảm lược có chí lớn, có con mắt tinh đời, một nhà quân sự tài ba, một nhà chính trị thương dân thương nước nhìn xa thấy rộng, đến phút cuối đời vẫn còn ôm một giấc mộng phi thường.
Nguyễn Hoàng mất năm 1613, thọ 89 tuổi, đương thời gọi là Chúa Tiên , về sau được truy tôn là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế, người lập ra nghiệp Chúa Nguyễn lừng lẫy ở Đàng Trong.
NGHIỆP CHÚA NGUYỄN Ở ĐÀNG TRONG
Nguyễn Hoàng mất, người con thứ sáu là Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lên nối nghiệp. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử! Chúa Sãi thông minh xuất chúng chẳng khác gì cha, được hào kiệt khắp nơi nể phục về giúp rất đông, như Nguyễn Hữu Dật, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến…
Khi đồn lũy kiên cố, binh lương đầy đủ, Chúa Sãi ra mặt không thần phục họ Trịnh nữa. Trịnh Tráng tức giận đem đại binh rước vua Lê vào đánh họ Nguyễn, nhưng không thắng cuối cùng phải rút về. (Trịnh Nguyễn đánh nhau tất cả 7 lần… bãi chiến trường là vùng đất thuộc Quảng Bình, Hà Tĩnh bây giờ).
Tin khác đã đăng
- Trịnh Thị Ngọc Phả ký – Gia phả của Trịnh Đình Trinh 02/04/2015
- Sự nghiệp của các Chúa Trịnh 02/04/2015
- Một số tư liệu lịch sử, gia phả 02/04/2015
- Thời Mạc và Lê Trịnh – gọi chung là thời Lê Trung Hưng (1527-1788) 02/04/2015
- Họ Trịnh và Thăng Long 02/04/2015
There are no comments yet