VỀ TẤM BIA CỔ CỦA HỌ TRỊNH, DÒNG TRỊNH KHẮC PHỤC
Tuy bia đã rêu phong song cố gắng soi xét thì cuối cùng cũng đọc được tất cả các chữ. Đây là một tấm bia có giá trị không chỉ của dòng họ Trịnh. Xin được giới thiệu cho bà con họ Trịnh và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa… được biết.
1. Phiên âm
Mặt trước của bia:
Cái văn cổ hữu bất hủ lập đức lập công dĩ chi vi đạo. Hằng tâm hằng sản cái hữu thịnh dĩ tất truyền nhi viết trung khởi kính giả dã kính khuông ngã. Tiên công Thủy Chú nhân tính Trịnh dã Bình Ngô Khai Quốc đàn quan, công danh ngưỡng sách huân ư Thiệu Thiên phủ tắc Tấn chi tử chung Hán chi thạch thất dã. Phối miếu cư vu tứ thời tắc Thương chi A Hoành, Chu chi Lã Thượng dã. Tự nhi thượng đẳng thần phong phụng cấp điền tự sự sở tòa. Cư tộc ngã hoạch dữ quân tổ Vân Đô quân vu Cổ Phạm hữu quang hĩ. Thần yên tổ dã miếu yên tổ từ đường dã tế yên kị lạp dã chưng thường. Vạn lễ dĩ hất vu kim văn lạc thanh khấu mộc truy thái tức cổ nguyệt dĩ chiếu đàm tâm vị bất lẫm nhiên ư nhị lăng chi thắng úc Nhiên ư Lam lĩnh chi hương giả hĩ vạn cổ phong bi cố tân tân nhiên tại nhân nha xỉ gian dã đại tai công đức phất thế dẫn chi thái Lễ miêu tùng khởi kim. Tuế Mậu Tí thạch kì môn nhi bi chi thuật kì sự nhi truy chi diệc do ngã. Tiên công chi công đức vĩnh thùy vu bất hủ vân nhĩ. Tuy nhiên thạch khả ma dã, nhi tiên công chi công đức nhật nguyệt đại minh thạch khả truyền dã nhi. Tiên công chi công đức càn khôn đối trĩ Lam Sơn thảo mộc Nưa Sơn thương thương Thủy Chú yên ba Chu Giang ương ương sơn cao mộc trường lập thế bất vong. Nhất cung tiến các hạng kê hậu: Nghi môn nhất tòa, Thạch bàn nhị kiện, Nhất cung tiến tư văn điền nhất sào Bản tổng phó tổng Nguyễn Văn Nghị tiến tiền lục quan, cẩn soạn. Bản tổng tổng giáo Nguyễn Khắc Tuân Hữu, bản tộc lí trưởng Trịnh Duy Trác cung tiến.
Mặt sau của bia:
Hựu, cung tiến bình nguyên thạch bàn nhất kiện.
Đồng Khánh tam niên thập nhất nguyệt sơ nhất nhật.
2. Dịch nghĩa
Từng nghe : Người xưa lấy việc lập công, lập đức làm đạo lý ở đời. Người có tâm, xuất tài vật làm việc nghĩa thì tất sẽ được lưu danh mãi. Đó là do lòng tôn kính vậy.
Kính nghĩ rằng : Ông Tổ họ Trịnh ta, người Thủy Chú, có công đầu trong bình Ngô khai quốc. Công danh cao ngất, rạng ngời khắp phủ Thiệu Thiên, như chuông nhà Tấn, như bia nhà Hán. Ngài xứng được thờ tự quanh năm như A Hoành( ) nhà Thương, Lã Thượng( ) nhà Chu ; đời đời được phong Thượng Đẳng Thần, được ban cấp ruộng tế để phụng thờ ở miếu mạo.
Họ tộc ta cùng với bà con Vân Đô vốn ở Cổ Phạm đều có chung sự vẻ vang mà Ngài mang lại. Linh vị Ngài còn đó, miếu mạo, từ đường Ngài còn đó. Việc tế lễ và giỗ chạp, từ tế thường đến mọi lễ vẫn truyền mãi đến ngày nay.
(1) và (2) Tài thao lược sánh ngang với Lã Thượng (Lã Vọng) và A Hoành (Hoàng Thạch), là hai nhân vật thời nhà Thương và nhà Chu ở Trung Quốc, tương truyền đã làm ra sách Lục thao và sách Tam lược.
Dẫu nghe thanh âm vui vẻ của tiếng mõ để nhớ đến việc trước, dù ngắm ánh trăng xưa soi chiếu giữa đầm cũng không thể sánh được với thắng cảnh của lăng. Cảnh núi Lam rực rỡ thơm hương muôn thuở như đọng mãi trên bia, còn dạt dào mãi trong lòng người.
Lớn lao thay công đức, chẳng thể bỏ lễ cúng ruộng nghĩa. Nay năm Mậu Tí (1888), lập bia đá ghi chép sự việc để sau dễ truy tìm, để công đức của Tiên công ta lưu truyền bất hủ. Tuy đá có thể mòn nhưng công đức của Tiên công sáng hơn nhật nguyệt nên bia đá vẫn truyền mãi mãi. Công đức của Tiên công sánh ngang trời đất, nhiều như cây cỏ Lam Sơn, xanh tươi như núi Nưa, đậm như sương khói Thủy Chú, mênh mông như nước sông Chu. Núi cao cây lớn ắt vững vàng, bất tử giữa thế gian.
Phó chánh tổng của tổng ta là Nguyễn Văn Nghị (cung tiến tiền 6 quan), kính cẩn soạn bia. Các hạng mục cung tiến : cổng đền một tòa, bàn đá hai bộ, ruộng tư văn một sào. Tổng giáo của bản tổng là Nguyễn Khắc Tuân và Lý trưởng người họ Trịnh ta là Trịnh Duy Trác cung tiến 1 phiến đá lớn, bằng phẳng. Ngày mùng một tháng 11 năm Đồng Khánh thứ 3 (1888)
Trịnh Duy Tuân (Đông Sơn- Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Vũ Quang- Hà Tĩnh) và Nguyễn Huy Khuyến (Đà Lạt) thực hiện tháng 02-2013.
3. Một vài cảm nhận ban đầu
Đây là tấm bia vốn đặt ở Thủy Chú (đất tổ của dòng Trịnh Khắc Phục), được đưa về đặt tại nhà thờ họ từ rất lâu. Văn bia ghi lập ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Tí (1888).
Bia lập nhân sự kiện gì ?
Ngoài những lời ca ngợi Trịnh Khắc Phục, trong nội dung chính còn viết về cảnh đẹp của nhị lăng (tại Thủy Chú có Thao Quang lăng, nơi an nghỉ của tiền nhân dòng Trịnh Khắc Phục, trong đó có mộ bà Trịnh Thị Ngọc Thương- mẹ vua Lê Thái Tổ- mà nhân dân quanh vùng thường gọi là miếu Bà). Trong phần ghi cung tiến có đoạn: “các hạng mục cung tiến:nghi môn nhất tòa…” Nghi môn là cổng vào khu đền chùa, miếu mạo, lăng tẩm … Như vậy, có thể suy rằng, bia lập nhân sự kiện họ Trịnh ở Thuỷ Chú xây (hoặc sửa chữa) lăng Thao Quang.
Về nội dung, văn bia có hai phần : phần về nhân vật được gọi bằng đại từ “tiên công” và phần ghi tên người cung tiến kèm theo lạc khoản.
Về nhân vật được gọi là tiên công.
Nhân vật này không được ghi tên tuổi, chỉ biết là người họ Trịnh, quê làng Thủy Chú, có công bình Ngô khai quốc. Ở Thủy Chú chỉ có một dòng họ Trịnh mà sử sách gọi là Trịnh [Thủy Chú]. Dòng tộc này duy có cụ Trịnh Khắc Phục thuộc hàng công thần Bình Ngô Khai Quốc. Chúng tôi cho rằng, nhân vật được viết trong bia chính là thủy tổ của họ Trịnh ở Thủy Chú, cụ Trịnh Khắc Phục.
Do độ dài của văn ghi vào bia có hạn nên người viết bài văn này (Phó chánh tổng Nguyễn Văn Nghị) không đi vào công trạng cụ thể của cụ Trịnh Khắc Phục mà chỉ dùng lời lẽ để ca ngợi công đức của ngài và vẻ đẹp của lăng. Nhiều câu văn vừa giàu hình ảnh vừa giàu cảm xúc cho ta hay rằng, người viết chan chứa một tình cảm yêu mến và kính phục nhân vật lịch sử Trịnh Khắc Phục. Bài văn có nhiều điển tích (ít nhất có 4 điển tích) chứng tỏ tác giả có một trình độ văn chương khá sâu rộng.
Cụ Trịnh Khắc Phục là một nhân vật lưu danh nhiều trong Quốc sử, nhất là giai đoạn từ khởi nghĩa Lam Sơn đến triều Lê Nhân Tông. Đây là nhân vật lịch sử mang tầm cỡ quốc gia và được sử sách ghi chép khá nhiều, chẳng hạn như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục…
Không hiểu do kiến thức lịch sử hạn chế hay vì một lý do tế nhị, nhạy cảm nào đó nên tác giả thể hiện tầm cỡ của Ngài chỉ thuộc phạm vi địa phương, phạm vi phủ Thiệu Thiên (một phủ lớn nhất của Thanh Hóa ngày xưa, bao gồm toàn bộ hoặc một phần của các huyện ngày nay : Triệu Sơn, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Thường Xuân, Yên Định, Thạch Thành…) : “Công danh cao ngất, rạng ngời khắp phủ Thiệu Thiên”
Cũng ở phần này, người soạn đã thể hiện được truyền thống tri ân, phụng thờ của con cháu họ Trịnh đối với ngài và sự vẻ vang mà ngài đã để lại cho con cháu đời sau.
4. Thay lời kết
Dòng cụ Trịnh Khắc Phục thuộc họ ngoại của Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Bà Trịnh Thị Ngọc Thương (bà cô ruột của Trịnh Khắc Phục) lấy ông Lê Khoáng làng Lam Sơn, sinh ra 6 người con, út là Lê Lợi. Khi khởi nghĩa chống quân Minh bắt đầu diễn ra, Trịnh Khắc Phục trở thành một trong 51 vị tướng đầu tiên của Lê Lợi. Kháng chiến thắng lợi, ông được ban biển ngạch Công Thần, được mang họ vua và giữ nhiều trọng trách dưới 3 triều vua Thái Tổ, Thái Tôn và Nhân Tông như Binh bộ Thượng thư, Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính (là chức danh tham dự công việc của Tể tướng), Đồng bình chương sự (hàng Tể tướng)… Sinh thời được ban tước hầu. Sau khi mất vì oan án, được truy phong Thượng Đẳng Phúc thần Đại Vương. Trịnh Khắc Phục cùng con cháu nhiều đời sau có nhiều công lao đối với nước Đại Việt triều Hậu Lê, được lưu danh trong quốc sử.
Bia cung cấp thêm cho dòng họ Trịnh Thủy Chú một số tư liệu quý, chẳng hạn như những địa danh cổ mà dòng họ Trịnh Thủy Chú từng cư trú hay truyền thống lập công lập đức ; khu lăng mộ, miếu mạo của dòng họ Trịnh, họ Lê (nhà hậu Lê) v.v..
Đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục… khi đọc văn bia này, hẳn sẽ thu nhận được một số điều thú vị.
Tấm bia cổ quý hiếm đã biết bao năm trơ gan cùng tuế nguyệt, nay đã được đưa về nhà thờ Tổ của dòng họ, không còn bị tắm nắng phơi sương nữa!
Có thể khẳng định, tấm bia cổ này như một minh chứng sinh động cho lịch sử dòng Trịnh Khắc Phục, cho lịch sử Đại tộc Trịnh và lịch sử Đại Việt chúng ta.
Đông Sơn, ngày 7 tháng 3 năm 2013
Trịnh Duy Tuân – Lê Hồng Phong
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet