Trịnh gia lưu bất tận
Biện Thượng nằm bên bờ tả dòng sông Mã đoạn hạ lưu chảy qua huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), đó là nơi khởi sinh của dòng họ Trịnh với 12 đời Chúa.
Biện Thượng nằm bên bờ tả dòng sông Mã đoạn hạ lưu chảy qua huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), đó là nơi khởi sinh của dòng họ Trịnh với 12 đời Chúa.
Thế tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm – vị Chúa tiên khởi của nhà Trịnh.
Những tinh túy đất trời ở vùng chiêm trũng này dường như là nguồn mạch hun đúc nên các bậc anh nhân hiền kiệt của nhà Trịnh được sử sách ghi nhận. Ngày nay, Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, lăng mộ thủy tổ Trịnh Kỷ là nơi ghi nhớ công ơn của các bậc hiền tài, khôi khoa, hào kiệt đều nằm trên rẻo đất chạy giữa một bên là núi lớn, một bên là sông dài, tạo nên nét trầm mặc, uy nghi, cổ kính.
Tiên tri thành sự thật
Giữa kỳ đông giá của những ngày giáp Tết Kỷ Sửu, tôi về Biện Thượng ngồi nghe các bậc cao niên ôn lại chuyện xưa nhà Trịnh khởi sinh. Lịch sử vương nghiệp nhà Trịnh ghi lại: Cụ hưng tổ phúc ấm vương Trịnh Liễu người làng Sáo Sơn nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc thuở nhỏ do cha mất sớm nên phải lấy nghề cày cấy, chăn nuôi kiếm kế sinh nhai. Hôm đó trời nhập nhoạng tối, Trịnh Liễu gặp bậc cao niên, râu tóc bạc phơ, tuổi trạc ngoài 70 đang đi theo dọc bờ sông Mã xin về ngủ trọ một đêm. Thấy vậy, người nhà họ Trịnh đã chào mời bậc thượng khách vui vẻ và đưa về tư gia tiếp đãi rất hậu.
Sau bữa cơm đó, đêm khuya cụ già mới nói với Trịnh Liễu rằng: “Tôi xem ông có lòng thành thực tiếp đãi. Bên Nam núi Hùng Lĩnh có ngòi đất vượng khí. Nếu để mả tiên tổ ở đấy thì 4 đời sau có thể làm nên vương nghiệp. Tôi muốn lấy chỗ đất ấy giả ơn ông, ông nghĩ sao?”. Trịnh Liễu thưa: “Tôi đâu dám mong thế!”. Vị khách lạ tiếp lời: “Trời cho, người cho, không phải tìm cũng được”.
Nghe đến đây, Trịnh Liễu đồng ý vâng theo lời cụ già, hai người cùng đi lấy hài cốt tiền nhân về chôn tại chỗ ngòi đất đó. Bậc thượng khách lại kéo ông Trịnh Liễu đi về bên đông núi Lệ Sơn, xứ Ngõ Thẳng, xã Biện Thượng mà chỉ bảo “chỗ này có thể lập ngôi đường cư được”.
Qua xứ Mả Thắm, ông già nói “chỗ này quý địa, trăm năm sau có thể làm âm phần tiếp phúc được”. Mọi chuyện xong xuôi, hai người quay về Sáo Sơn uống trà hàn huyên vui vẻ. Cuối cùng thì ông cụ lặng lẽ ra ngoài rồi đi đâu mất không thấy quay lại. Người nhà họ Trịnh mới ngộ ra rằng đó là thiên tử trên trời giáng xuống, sau này nhà Trịnh phong cho vị khách lạ là Tống thiền Thần vương.
Con cháu hậu duệ nhà Trịnh nghiệm thấy lời tiên tri đã trở thành sự thật. Trịnh Liễu sinh ra Diễn khánh vương Trịnh Lan, Trịnh Lan sinh ra Đức dục vương Trịnh Lâu. Trịnh Lâu lấy con gái họ Hoàng tên Hoàng Thị Dốc, quê ở thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định. Bà Hoàng Thị Dốc chính là mẹ thân sinh ra Thế tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm nhằm ngày 24 tháng 8 năm Quý Hợi tức năm 1503 – niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 đời vua Lê Thánh Tông.
Trịnh Lâu chẳng may mất sớm, Trịnh Kiểm cùng mẹ sống tai Biện Thượng sau đó di chuyển về quê cũ làng Sáo Sơn. Ông dần trưởng thành, mỗi khi chăn trâu ở chân núi thường tập hợp trẻ nhỏ, lấy trâu bò làm voi ngựa, bẻ cỏ lau làm cờ, bày binh bố trận, luyện tập quân sĩ, võ nghệ ngày một tinh thông.
Trịnh Kiểm sinh thời đã theo Hưng quốc công Nguyễn Kim dựng cờ phù Lê. Nguyễn Kim cảm phục đã gả con gái Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho người nhà họ Trịnh. 30 năm dựng binh quyền, Thái vương Trịnh Kiểm đã có công lao rất lớn, là rường cột dựng triều Lê Trung Hưng vững mạnh nên được phong là Thái sư Lượng Quốc Công.
Nối nghiệp bậc hiền tài Thế tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm, nhà Trịnh tiếp tục hưng thịnh với 11 đời chúa góp công sức cùng dựng xây đất nước. Thành Tổ Nghị Vương Trịnh Tùng (1570-1623) đã đánh bại nhà Mạc, khôi phục cơ đồ nhà Lê với 20 năm cầm quyền tồn tại theo kiểu cai trị cả vua lẫn chúa. Chúa Trịnh Tùng ngự ở Thăng Long 33 năm, mất năm 74 tuổi. Tiếp theo là Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng (1623-1657)…
Ngưỡng vọng muôn đời
Cụ Trịnh Ngọc Bích, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nay là Chủ tịch hội đồng họ Trịnh ở Thanh Hoá tỏ rõ sự ngưỡng vọng đối với các bậc tiền nhân. Ông nói: “Đức thái vương sáng ngời một bề tôi trung, cần mẫn với nước, có nghị lực vươn lên đem tài năng trí tuệ giúp nước. Tấm lòng ấy muôn đời được ngưỡng mộ. Con cháu họ Trịnh đã và đang sưu tầm, gìn giữ những giá trị truyền thống, những di sản văn hoá có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Nhiều gia đình dòng tộc họ Trịnh đã sưu tầm và chắp nối mạng tộc phả với 6 dòng họ Trịnh”.
Cụ Bích kể: “Trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, nhiều người họ Trịnh đã góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng như: Trịnh Đình Của được bầu là người đứng đầu BCH lâm thời ĐCS Đông Dương khi mới thành lập; Đại tướng Lê Trọng Tấn tức Trịnh Trọng Tấn nguyên giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; nhà ông Trịnh Bô là nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập…”.
Phủ Trịnh sau hàng trăm năm tồn tại đã rơi vào cảnh đổ nát, con cháu dòng tộc Trịnh phả lại gom góp công sức tu sửa, tôn tạo lại. Ghi nhớ công ơn giúp nước của các bậc hiền tài họ Trịnh, Nhà nước đã công nhận Phủ Trịnh ở xã Vĩnh Hùng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Phủ Trịnh trở thành nơi thờ tự 12 đời chúa, cách đây chưa lâu, dòng họ Trịnh ở Hà Tây đã cung tiến 11 pho tượng quý tạc 11 vị chúa cho Phủ Trịnh. Phủ Trịnh không chỉ là nơi thờ phụng 12 đời chúa mà đây còn là một di tích lịch sử tiêu biểu.
Vĩnh Lộc, vùng đất còn lưu giữ nhiều tinh hoa của của các thời kỳ lịch sử với hơn 100 di tích, trong đó có tới 10 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã đồng ý phê duyệt hồ sơ trình UNESCO công nhận thành Tây Đô của triều Hồ là di sản văn hoá thế giới.
Đến thăm vùng đất địa linh nhân kiệt này, chúng ta có quyền tự hào về những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của cha ông để lại. Đó là thành nhà Hồ kiên cố và độc đáo; Phủ Trịnh linh thiêng, huyền bí, ẩn chứa vẻ đẹp trầm mặc vời vợi rêu phong qua chiều dài năm tháng; Nghè Vẹt; chùa Hoa Long mang đậm nét văn hoá của người Chăm; Động Hồ Công; Đàn tế Nam Giao…
Cũng ở Vĩnh Lộc còn có hệ thống động Kim Sơn kỳ thú với 6 hang ở núi nổi lên giữa hồ nước trong xanh và rộng mênh mông. Với một quần thể di tích và hệ thống hang động kỳ vĩ, Vĩnh Lộc nổi lên với thế mạnh phát triển kinh tế du lịch. Song để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Thanh Hoá cần có cơ chế mở, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư chiều sâu.
Tin khác đã đăng
- Bình An Vương Trịnh Tùng – vị chúa Trịnh đầu tiên 18/07/2023
- Khánh thành tượng đài Chúa Trịnh Sâm 06/11/2022
- Buổi đầu thời kỳ Lê Trung hưng và Phật giáo Trường hợp Bình An Vương Trịnh Tùng 16/10/2022
- Hậu thế nên công tâm với Chúa Trịnh Sâm 15/04/2018
- Chúa Trịnh Kiểm – Cuộc đời 13/03/2017
There are no comments yet