Thịnh Vương Trịnh Sâm trong vương triều Trịnh



Vai trò Trịnh Sâm trong vương triều Trịnh, chúng tôi muốn nói tới vị trí của Trịnh Sâm - người kết thúc một cách vẻ vang giai đoạn “ Trịnh Thịnh ( kể từ Trịnh Tùng đến Trịnh Sâm ).

Và lại là người tiền nhiệm của giai đoạn “ Trịnh suy ( kể từ Trịnh Cán đến Trịnh Bồng ). Tương tự như vị trí của Lý Anh Tông trong triều Lý, Trần Nghệ Tông trong triều Trần…

Làm như vậy để thấy cái đặc thù của Trịnh khác với Lý, Trần. Đồng thời cũng nhằm giải đi một cái án oan lịch sử, coi chủ trương “ bỏ trưởng lập thứ ( tức bỏ Trịnh Khải lập Trịnh Cán làm Chúa ) của Trịnh Sâm là nguyên nhân dẫn đến nạn “ kiêu binh,  làm suy yếu vương triều Trịnh đi đến hoạ diệt vong.

Xem xét Lý Anh Tông – vua tiếp nối giữa “Lý thịnh” và “Lý suy” và Trần Nghệ Tông – Vua tiếp nối giữa “ Trần thịnh”  và “ Trần suy”  thì thấy các vị vua này kể cả tài và đức đều thua kém cha ông họ Lý, họ Trần nhiều bậc. Lý Anh Tông- như Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ ưu, nhược điểm:

Vua thân đi xem khắp tình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của dân gian và đường đi xa gần, về mặt giữ dân, giữ nước, qui mô đã thấy rõ. Lại đặt Xạ Đình sai các quan văn võ hàng ngày luyện tập phép đánh trận, về mặt sửa binh, giảng võ… mưu lược đã thấy rõ…Trong việc phế lập, vua không mê hoặc lời nói của đàn bà, ký thác được người phụ chính hiền tài, có thể là không hổ thẹn với việc gánh vác….Song không phân biệt được kẻ gian tà, hình phạt không sáng suốt, cho nên trời xuống tai biến để răn, giặc cướp nổi lên, giềng mối rối loạn, không thể nói xiết ...” ( ĐVSKTT tập 1, KHXH 1985 tr 330 và 348).

Trần Nghệ Tông – như ĐVS KTT ( tr 148, tập II ) ghi :

“Vua dẹp yên được tai nạn bên trong, khôi phục lại được cơ đồ to lớn, công nghiệp lớn lao, sáng loà vũ trụ… Song cung kính, kiệm ước có thừa mà cương nghị, quyết đoán lại không đủ, bên ngoài thì quân giặc xâm phạm kinh kỳ bên trong thì gian thần ngấp nghé ngôi báu. Xã tắc suy mòn, rồi đến diệt vong …”

Còn Thịnh Vương Trịnh Sâm lại kế nghiệp được ông cha, nổi lên như một trong những ngôi sao sáng cuối cùng của vương triều Trịnh. Ông là nhà chính trị lại là nhà văn hoá có tài.
Tuy vậy, không như thời đại Lý, Trần, chế độ phong kiến Đại Việt lúc đó còn đang đi lên. Nay Đại Việt đã trong cái thế suy vong không thể tránh khỏi của các thế lực phong kiến đại diện cho phương thức sản xuất phong kiến mang nặng tàn dư phương thức sản xuất châu á mà đến cuối thế kỷ 18 đã quá lỗi thời.

Nó phải nhường chỗ cho phương thức sản xuất mới là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đang tìm đường hình thành trong Quốc gia Đại Việt. Tuy đại diện cho nó lúc này vẫn mới là nền kinh tế hàng hoá đang phát triển, biểu hiện ở sự phồn vinh của Kinh kỳ, phố Hiến ở Bắc và Hội An, Đà Nẵng, Đồng Nai, Biên Hoà ở Nam. Các phong trào khởi nghĩa nông dân mãnh liệt nổi lên như: Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất…đến đỉnh cao ở cuối thế kỷ 18 là khởi nghĩa Tây Sơn. Tất cả đòi hỏi một sự giải thể của phương thức sản xuất đã lỗi thời, xây dựng một nền kinh tế mới, một xã hội mới.

Để làm rõ lập luận này, trước hết hãy xin có vài nét chấm phá về giai đoạn “ Trịnh thịnh”  từ Trịnh Tùng đến Trịnh Sâm, triều đình Lê – Trịnh đã giữ vững và phát triển quốc gia Đại Việt như thế nào ?

1. Về quốc phòng:

Đã giữ được đất nước, tránh được nạn ngoại xâm, bảo vệ được biên cương do ông cha xây đắp từ ngàn năm để lại. Đặc biệt là đã lấy lại được khu mỏ đồng Tụ Long ( Hà Giang ) do nhà Thanh chiếm giữ, nay nhờ tài ngoại giao mà được trao trả, không cần động đến binh đao ( mà sau này nhà Nguyễn lại để mất ).

2. Về Kinh tế :

Nông nghiệp nhiều lúc đã “ phong đăng hoá cốc,, dân được ấm no, công thương phát triển tạo nên Kinh kỳ, Phố Hiến phồn thịnh, tấp nập một thời, giao lưu kinh tế trong nước và thế giới bước đầu khởi sắc.

3. Về Văn hoá:

Nghệ thuật như : điêu khắc , kiến trúc, lịch pháp, luật pháp phát triển, giáo dục, khoa cử thành đạt, xuất hiện đông dảo những danh sĩ Bắc Hà tiêu biểu như Lê Quí Đôn, Bùi Huy ích, Ngô Thời Sĩ, Nguyễn Bá Lân, Phan Huy ích, Phạm Quí Thích, Trịnh Thị Ngọc Trúc…

4. Về tư duy dựng nước :

Đã có nhiều cải cách kinh tế, xã hội trong hoà bình như cải cách của Trịnh Doanh, Trịnh Cương tạm thời cứu vãn được những cuộc khủng khoảng đang có xu thế diễn ra trầm trọng không thể không kể đến tư duy về : Ngũ Quý của Thái Phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm ( Mẹ Trịnh Sâm ) đã được ban ra thành qui tắc cho Vương phủ thực hiện là :

+ Qui Nông tắc ổn

+ Qui Công tắc phú

+ Qui Thương tắc hoạt

+ Qui Trí tắc hưng

+ Qui Pháp tắc bình

Những thành tựu lớn mà Vương triều Trịnh đã phò Lê giành được để thấy tài năng đức độ của Thịnh Vương Trịnh Sâm nói riêng đã đóng góp tích cực vào giai đoạn “ Trịnh thịnh như thế nào ?

+ Về Chính trị : Chúa đã thực hành chính sự đổi mới, như ĐVSK tục biên đã viết : “Chúa Trịnh Sâm hăng hái làm việc, chán thói cẩu thả từ trước, mong có biến thông, cổ vũ thực hành chính sự đổi mới như “ ĐVSK tục biên, KHXH, 1975, tr 353 :

1- Chấn chỉnh lại triều đình làm rõ chính thể :

– Định phép tuyển quan chức qua Văn tuyển, Võ tuyển.
– Định phép tuyên bố huyện lệnh
– Thi tuyển các chức lại ở lục Phiên, trong đó có thi “ Thư” văn, và thi “Toán” ( Khoa thi năm 1777 có tới 1320 người trúng tuyển).

2- Giảm bớt quan chức, bỏ bớt các quan phủ, huyện để tránh tệ quan phiền nhiễu dân. Làm lại sổ hộ tịch, giảm nhẹ hơn ngạch thuế.

3- Chống sách nhiễu, tham nhũng, lạm dụng : Cấm sách nhiễu ức hiếp dân. Cấm chỉ hà khắc, bạo ngược. Trừng trị tệ tham quan hối lộ, lạm dụng, thậm chí trị cả kẻ dựa vào thế nhà Chúa để ức hiếp dân lành, như đối với em vợ Chúa là Đặng Mậu Lân.

4- Trọng dụng các bặc quốc lão, hiền tài, kể cả hàng văn lẫn hàng võ. Tin dùng các bậc trí thức học rộng đỗ cao, thanh liêm chính trực. Mạnh dạn sử dụng tài năng trẻ.

+ Về văn hoá : Chúa Trịnh Sâm vừa là người chấn hưng văn hoá vừa là nhà thơ danh tiếng : Trước hết là chấn hưng văn trí như : Các quan đứng đầu chính phủ phụ trách giảng dạy ở Quốc tử giám, Định lại qui chế “ dạy ,, và “ học” đặc biệt là bỏ việc kiêng kỵ tên huý các Vua, Chúa. Đây là một đổi mới rất lớn, từng gây ra những cản trở trong thi cử và tuyên bố tổ chức Thịnh khoa thi năm Kỷ hợi (1779) để chọn thêm nhân tài, đó là khoa thi đặc cách ( tựa như Ân khoa của các vua, chúa khác ) lấy được 15 người trúng cách, Chúa trực tiếp khảo hạch cống sĩ, lập bia “ hạ mã” sửa sang Quốc tử giám.

Dùng đạo và pháp để thu phục nhân tâm. Trong hành pháp và tư pháp thì : Định qui cách khảm kiện và phúc thẩm, khoan dung và nhân đạo đối với người bị tù đày. Ban hành luật Tố tụng – một bộ lụât duy nhất trong lịch sử pháp luật châu á đương thời. Cho thần dân được dâng thư kín nói hết mọi việc sai trái của triều đình ( ĐVSKTB tr 422 ).Thi hành chính sách nhân đức; cứu đói, tha, giảm tô, thuế khi có thiên tai. Khuyến khích khai khẩn đất hoang, không để đất dồn nhiều về nhà quyền thế, giàu có.

Tất cả những chính sách trên đã đem lại một thời tương đối yên bình, thịnh trị…xứng với tôn hiệu mà triều đình và thần dân tôn vinh nhà chúa là “ Thịnh Vương”.

Về văn hoá thì khỏi phải nói : Thịnh Vương Trịnh Sâm là Chúa mang đậm “ Hương sắc thơ văn” để lại nhiều áng văn, thơ kể cả những bút tích khắc ghi trên bia đá ở nhiều danh lam thắng cảnh trên địa giới Bắc Hà. Nhờ có tài và tình văn chương đó mà Chúa đã thu phục được nhân tâm và giành được nhiều cộng sự đắc lực của đông đảo danh nhân, trí thức yêu nước vì dân như : Lê Quí Đôn, Bùi Huy Bích, Nguyễn Khản, Ngô Thời Sĩ, Nguyễn Quí Đức, Nguyễn Bá Lân, Phạm Quí Thích…

Sự nghiệp của Thịnh Vương là như thế, có cống hiến xứng đáng cùng cha ông trong giai đoạn Trịnh Thịnh.

Vậy mà khi Trịnh Sâm vừa mới qui tiên thì Vương triều Trịnh đã bước ngay vào giai đoạn Trịnh suy. Kể từ Trịnh Cán đến Trịnh Bồng. Nhân đó, nhiều người qui nguyên nhân suy vong là do lỗi lầm của Thịnh Vương “ bỏ trưởng lập thứ”.

Theo tôi, đó chỉ là nguyên cớ, hay nguyên nhân phụ. Còn nguyên nhân chính là sự suy sụp không thể tránh khỏi của cả triều đình Lê – Trịnh cũng như suy sụp của các chúa Nguyễn ở đằng trong – kể từ Nguyễn Phúc Khoát đến Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương. Đó là lúc kinh tế hàng hoá đã phát triển, đòi hỏi đất nước phải thống nhất, phải có một thị trường dân tộc thống nhất, mà khởi xướng là cao trào nông dân khởi nghĩa nổi lên trong toàn quốc, mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn, bước đầu thống nhất đất nước.

Trong thực tế, kế nghiệp vương triều Trịnh lúc này còn có Trịnh Khải người mà về tinh thần thì rất tự hào và tiết tháo có tâm lý lạc quan yêu đời, khí sắc thông minh, tuấn tú… Ông vẫn có thể dựng lại nhiệp Chúa, theo gót cha ông. Nhưng thời thế đã không còn cho phép thực hiện được nữa và đã tiết tháo quyên sinh trước trào lưu khởi nghĩa nông dân hùng mạnh.

Đó cũng được coi như lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất phong kiến đã bước đầu nhường chỗ cho một lực lượng sản xuất mới, một quan hệ sản xuất mới đang trên đường hình thành và phát triển. Tiến trình đó khiến người ta không thể đảo ngược được thời thế và không nên bắt bẻ là do lỗi lầm “ Bỏ trưởng lập thứ”  của Thịnh Vương Trịnh Sâm khiến Vương triều Trịnh đi đến nỗi diệt vong.

Công lao của Chúa Trịnh Sâm rất cần được tôn vinh như các cha ông.

GS Văn Tạo

There are no comments yet

Tin khác đã đăng