Nội phủ thị hữu



Đây là một trong sáu hiệu đề trên sứ cổ được xem là do "phủ Liêu" của chúa Trịnh dưới thời Lê Trung Hưng (1533 - 1788) đặt làm bên Trung Quốc phục vụ cho nhu cầu sử dụng nơi phủ Chúa - HNMĐT đã giới thiệu từ hai số trước. Tuy nhiên chắc chắn loại đồ có hiệu đề này cũng như một số thuộc dòng đồ có "mác" nội phủ ..

Đây là một trong sáu hiệu đề trên sứ cổ được xem là do “phủ Liêu” của chúa Trịnh dưới thời Lê Trung Hưng (1533 – 1788) đặt làm bên Trung Quốc phục vụ cho nhu cầu sử dụng nơi phủ Chúa – HNMĐT đã giới thiệu từ hai số trước. Tuy nhiên chắc chắn loại đồ có hiệu đề này cũng như một số thuộc dòng đồ có “mác” nội phủ bốn chữ lại thấy được làm rất muộn, có niên đại chỉ vào thời Tự Đức của triều Nguyễn gần đây thôi. Có bằng chứng cho thấy rất rõ về điều này.

Trước hết, cho đến nay hiệu nội phủ bốn chữ – là cách gọi nôm na của người chơi sứ cổ nhằm phân biệt loại sứ này với các đồ sứ chỉ đề “mác” bằng duy nhất hai chữ “nội phủ” – đã được xác định gồm: “Nội Phủ Thị Trung” thường vẽ rồng – long mã; “Nội Phủ Thị Đoài” vẽ lầu các, hoa sen và liễu; “Nội Phủ Thị Nam” vẽ hoa, lá sen và cua; “Nội Phủ Thị Đông” vẽ mai – thạch – trúc; “Nội Phủ Thị Bắc” điểm hoa cúc cùng vài cánh bướm; “Nội Phủ Thị Hữu” thể hiện long – phượng chầu nhật. Nhưng cũng thấy một vài ngoại lệ như đôi khi “Nội Phủ Thị Trung” lại vẽ tản vân hay cổ đồ – lối vẽ các đồ vật như: đỉnh, lọ hoa, sách… lên đồ sứ – hoặc “Nội Phủ Thị Đông” lại vẽ long mã giỡn sóng hay “Nội Phủ Thị Hữu” thấy vẽ cả thạch – lan, sen – le…

Trong dòng nội phủ bốn chữ còn lại cho đến nay thì “Nội Phủ Thị Hữu” khá phong phú về kích thước. Chúng chủ yếu là các đồ dùng quen thuộc như: bộ đồ uống trà, bát, đĩa, nậm rượu… Có món đường kính miệng lớn đến vài chục cm, song có món chỉ vài ba cm. Nhưng cho dù ở bất kỳ kích thước nào, “Nội Phủ Thị Hữu” luôn cho thấy một lối vẽ rất công phu và tỉ mỉ của những tay nghề có hạng của Cảnh Đức Trấn nhằm thể hiện cho được cái chiều ngược lại của nghệ thuật là sự phóng khoáng và bay bổng. Đây chính là biệt điểm làm say lòng người của “Nội Phủ Thị Hữu”. Một sự thật là nhận biết được chân giá trị của sứ cổ nói chung trong đó có dòng nội phủ bốn chữ như “Nội Phủ Thị Hữu” nói riêng chưa bao giờ là một việc dễ dàng.

Trước tiên, sau các biến cố éo le của lịch sử, người ta thấy “Nội Phủ Thị Hữu” lưu lạc trong dân gian. Song nguồn gốc lấp lánh đầy tính mơ hồ của hiệu đề này theo thời gian đã thu hút tâm trí của không ít các nhà nghiên cứu, trong đó cụ Vương Hồng Sển (1902 – 1996) là người tiên phong. Sau này, vì cuộc mưu sinh và cũng vì vẻ đẹp tự thân mà “Nội Phủ Thị Hữu” cùng nhiều sứ cổ Trung Hoa ở Việt Nam hầu như đã sang tay một số người chơi, nhà buôn sứ cổ thuộc các nước trong trong khu vực hoặc ở châu Âu, châu Đại Dương và cả khu vực Bắc Mỹ. Vì vậy, đến nay “Nội Phủ Thị Hữu” còn sót lại rất ít.

Từ lâu tồn tại một sự thật rằng đồ sứ mang hiệu đề này – cũng như một số hiệu đề khác trên sứ cổ Trung Hoa thấy ở Việt Nam – được làm rải rác suốt từ thế kỷ XVIII đến tận cuối thế kỷ thứ XVIIII. Song nhận ra các khoảng cách thời gian trên đồ sứ là rất khó, do đó thật giả luôn lẫn lộn. Cách hữu hiệu nhất để nhận biết là cần nắm bắt cho được lối vẽ của các thời kỳ với một số đặc trưng cơ bản của hình họa của các đám mây, cây cỏ, rồng – phượng… cùng thuật viễn cận cũng như sắc độ của màu vẽ. Dĩ nhiên kỹ thuật chế tác để lại dấu ấn trên sứ cổ luôn là một yếu tố quan trọng giúp xác định niên đại. Hiện có bằng cớ xác đáng chỉ ra rằng hiệu nội phủ bốn chữ được làm muộn nhất dưới thời phong kiến ở Việt Nam là vào thời vua Tự Đức (1842 – 1883). Câu trả lời chính xác về nguyên cớ kéo dài trong khoảng 300 năm – suốt từ thời Lê Trung Hưng đến tận những năm trị vì của vua Tự Đức dưới triều Nguyễn – của hiệu nội phủ bốn chữ nói chung và “Nội Phủ Thị Hữu” nói riêng cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Chính cánh cửa còn bỏ ngỏ đã khiến sự tìm hiểu về dòng sứ này luôn là một thú vị đối với nhiều người chơi cổ ngoạn trong nước cũng như ở nước ngoài.

Nhìn chung “Nội Phủ THị Hữu” được thể hiện bằng lối vẽ “công bút” – một lối vẽ cổ điển trên sứ cổ Trung Quốc – với những đường nét đầy tính mực thước cùng những hòa sắc mang tính quy phạm cao. Các hình tượng rồng – long mã, những đám mây cho thấy rõ đặc điểm này. Tính quy phạm cao của dòng sứ này đã phô diễn lần đầu tiên vẻ đẹp vương giả chỉ có ở sứ Hoàng Thất bên Trung Quốc tại Việt Nam.

Đôi đĩa Thạch – Lan “Nội Phủ Thị Hữu” này của ông Nguyễn Minh ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) là một tuyệt phẩm, kể như là một ngoại lệ vì từ trước tới nay hầu như chỉ tồn tại một khái niệm long – phượng khi ai đó nhắc tới “Nội Phủ Thị Hữu”. Ông Minh cho hay hai món sứ này ông “nhặt được” từ một cửa hàng bán đồ tầm tầm ở cố đô Huế cách nay chừng ba năm. Dân chơi cổ ngoạn Hà thành biết ông Minh như một tay chơi đồ cổ tài tử; còn tôi – một nhà báo yêu vốn cổ của nước nhà – lại biết ông theo một cách nhìn khác. Đó là tính chân thành đến can đảm của con người ông trong cách chơi của người Tràng An. Bằng vào đó ông đã giúp hình thành một số bộ sưu tập cổ ngoạn đặc biệt có tiếng ở Hà Nội.

Trên đôi đĩa sứ nhỏ của ông Minh, cái tinh túy của cả một đời họa sĩ vẽ lan và phải mất nửa đời họa sĩ mới vẽ nổi khóm trúc đã được thể hiện vô cùng tinh tế. Ngọn kỳ thạch nhô cao thấy cả tam diện đã tôn vẻ đẹp thanh tao đến u nhã của hai khóm lan như đang chờ người thưởng ngoạn. Lối bố cục câu thơ thật tân kỳ, chia làm ba hàng cho chỉ một câu “thất ngôn”:

“Chi lan cựu hóa thiện nhân cư”. Sau hàng năm trời tìm kiếm, đến nay người viết bài này mới chỉ tìm thêm được một câu của bài thơ như sau:

Thủy đạm dục thân quân tử hữu,
Chi lan cựu hóa thiện nhân cư.

Dịch thơ:

Đạm bạc khiêm nhường bậc chính nhân,
Bên vườn lan hóa bạn thân ta rồi.

Tương tự như đôi đĩa thạch – lan, chiếc đĩa thể hiện mùa Hạ qua hình tượng sen – le – quá quen thuộc trong tâm hồn người Việt – cho thấy tinh thần hứng khởi của nghệ sĩ khi thực hiện họ đã không hề biết mình đã vượt lên cả sự sáng tạo của con người…

Theo thời gian sự quý hiếm của “Nội Phủ Thị Hữu” nói riêng cũng như dòng nội phủ bốn chữ nói chung đã tạo ra một thị trường đồ giả khá khốc liệt. Vào thời điểm hiện nay, khi “mốt” chơi “đồ lam Huế” đã trở thành thời thượng thì một số người chơi, thậm chí cả nhà buôn cả tin mua phải nội phủ bốn chữ giả cũng không phải là chuyện lạ.

Nhật Nam (HNM)

There are no comments yet

Tin khác đã đăng