Nên phục dựng Vương Phủ Trịnh xứng với công lao tầm vóc các Chúa Trịnh



Lấy thực tiễn lịch sử làm điểm tựa cho ý kiến trên, xin điểm qua các triều đại phong kiến Việt Nam từ nhà Đinh đến nhà Nguyễn để nhìn nhận đúng công tích của họ Trịnh thời Lê Trung Hưng.

Nhà Đinh: 968-980, trải 2 đời vua, tồn tại 12 năm
Nhà Tiền Lê : 980-1009, trải 3 đời vua, tồn tại 29 năm, cuối đời là Lê Ngọa Triều siêu ác, lòng dân phẫn nộ, không ủng hộ nữa.
Nhà Lý: 1009- 1225, trải 9 đời vua, tồn tại 216 năm. Khai quốc công thần là Lý Công Uẩn, kết là Lý Chiêu Hoàng, đây là một triều đại thịnh trị, cuối các đời vua hèn kém dẫn đến tuyệt tự…Triều chính lọt vào tay họ Trần, một cuộc đảo chính ngoạn mục, không đổ máu.
Nhà Trần: 1226-1400, trải 12 đời vua, trị vì 175 năm, một triều đại có nhiều điều còn bàn cãi về những chiến công hiển hách và nội bộ dòng họ. Cuối đời bị ngoại thích Hồ Quí Ly cướp ngôi.
Nhà Hồ: 1400-1407, trải 2 đời vua, tuy có nhiều cải cách kinh tế, xã hội nhưng động chạm nhiều lợi ích xã hội và thói quen, không được dân ủng hộ đã đến bại vong. Tội lớn nhất của Hồ Quí Ly là dâng đất cầu an, cắt 59 thôn ở Lộc Châu ( Lạng Sơn ) cho nhà Minh. Hèn nhất là không dám tuẫn tiết để bảo vệ thanh danh một quí tộc, chịu trói giải về Kim Lăng cùng bầu đoàn thê tử như một tên cướp đường vô danh tiểu tốt.

Nhà Hậu Lê: 1427-1789, kéo dài 362 năm, trải 2 giai đoạn. Đây là một triều đại dài nhất lịch sử phong kiến Việt Nam.
– Lê sơ 1428-1527, trải 100 năm, 10 đời vua. Đây là một thời kỳ rực rỡ trong lịch sử chế độ phong kiến. Nhất là thời kỳ Lê Thánh Tông ở các mặt: Kinh tế, xã hội, thi cử, văn hóa, quân sự…
– Lê Trung Hưng, 1533-1789, trải 15 đời vua, bắt đầu từ Lê Trang Tông ( Lê Duy Ninh ) do cựu thần Nguyễn Kim dựng nên, kết thúc bằng Lê Chiêu Thống chạy sang TQ và sống lưu vong. Đặc điểm thời kỳ này là việc quản lý xã hộ theo “ cơ chế lưỡng đầu”. Song hành Vua Lê, nhưng điều hành đất nước do các Chúa Trịnh. Có thể nói lịch sử nhà Lê Trung Hưng cũng là lịch sử Chúa Trịnh.
Nhà Mạc: 1527-1677, khởi đầu là Mạc Đăng Dung, kết thúc là Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc không có lỗi, nếu theo qui luật đào thải của lịch sử thì không có nhà Mạc sẽ có nhà X sẽ thay thế nhà Lê sơ.

Nhưng nhà Mạc ( cụ thể là Mạc Thái Tổ- Mạc Đăng Dung ) cùng lúc phạm 3 tội lớn:

1. Dâng nộp 2 đô: Như Tích và Chiêm Lãng và 4 động: Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liêu Cát của Đại Việt cho nhà Minh;
2. Xin chuyển từ “ quốc” xuống “ Ty đô sứ”, tức từ phiên thuộc xuống hàng nội thuộc, đất dâng mất vĩnh viễn.
3. Tự trói lên quan ải, quì mọp trước tên Tham tán quân vụ Mao Bá Ôn và Tổng đốc quân vụ Cửu Loan dâng biểu xin hàng. Một nỗi nhục cho dân Đại Việt.

Nhà Tây Sơn, 1788-1802, trải 3 đời vua, dài 24 năm. Đặc điểm triều đại này là nội chiến triền miên. Với võ công lừng lẫy thiên tài quân sự Quang Trung đánh ngoại xâm: Chống Xiêm và đại phá quân Mãn Thanh. Nhà Tây Sơn bại vong do anh em bất hòa…

Nhà Nguyễn: 1802-1945, dài 143 năm, 9 Lưu ý là nhà Nguyễn phải kể tới thời các Chúa Nguyễn từ Chúa Tiên: Nguyễn Hoàng( 1600 ) đến Nguyễn Ánh ( 1781 ); Mô hình quản lý xã hội vẫn theo mô hình của phong kiến Trung Quốc, lấy Khổng giáo làm nền tảng nên lạc hậu, bảo thủ, phạm những sai lầm mang tính thời đại….

Liệt kê các triều đại phong kiến để lý giải các nguyên nhân dẫn tới bại vong của các vương triều và khẳng định tài năng quản lý đất nước của họ Trịnh trong một thời kỳ rối ren nhất nhưng lại tồn tại dài nhất 262 năm ( có tài liệu 249 năm ) trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Lấy 3 triều có thời gian dài nhất là Lý, Trần, Hậu Lê. Các triều khác có thời gian ngắn, chưa bộc lộ đầy đủ khả năng quản trị đất nước. Điều dễ nhận thấy là các triều đại phong kiến Việt Nam đều mô phỏng như vương triều phong kiến Trung Hoa. Cách thức quản lý dựa theo: Pháp trị, Nhân trị, Đức trị…Đều dẫn tới: Độc tài, bất bình đẳng, không có dân chủ. Vua là tối thượng. Khi nho giáo chính thức vào cuộc thì có hình thái: Lễ trị tức có phân biệt kẻ sang- hèn. Hoàng Đế đế luôn sáng suốt, một xã hội luôn giả dối.

Trong 3 triều đại Lý, Trần và Hậu Lê, có một số người đã tỉnh táo, ý thức được vấn đề cốt tử: Dân giầu, nước mạnh, đó là các Vua: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông; Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông; Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông

Và 8 đời Chúa Trịnh: Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Tạc, Trịnh Tráng, Trịnh Căn, Trịnh Doanh, Trịnh Cương và Trịnh Sâm. Đó là những người tài giỏi, thấm nhuần đạo lý: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Sự nối ngôi các Chúa không nhất thiết là con trướng, cha truyền con nối mà chọn những ứng viên trẻ tuổi, tài ba lên nắm quyền. Không cần giải thích chúng ta cũng hiểu cuộc bình chọn được diễn ra trong một thể chế bình đẳng, dân chủ. Từ đó mới có thể đoàn kết thực sự trong giới lãnh đạo. Đây là nét đẹp hi hữu so các vương triều phong kiến khác.

Sự đoàn kết nhất trí trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp như nhà Trần, nhà Trịnh là vô cùng quan trọng, có tác dụng sống còn với đất nước, với dân tộc. Nội bộ lãnh đạo cao cấp mất đoàn kết là mất nước. Trong cuộc chiến giữa Nam- Bắc triều, nông dân là những người lính bất đắc dĩ trong quân đội nhà Mạc. Với tầm nhìn chiến lược, sau mỗi trạn đánh, chúa Trịnh Tùng đều thả hết tù binh, cho về quê làm ruộng. Có lần thả hàng ngàn, không chỉ là lòng hiếu sinh mà còn là một hành động của bậc Quân vương, vừa xóa đi hận thù, thực hiện hòa hợp dân tộc sau cuộc chiến huynh đệ thương tàn vừa trả lại sức lao động nông nghiệp. Thời ấy, nông dân là chủ lực của nền kinh tế.

Về sách lược, nhà Trịnh vô cùng sáng suốt khi giương cao ngọn cờ “ Phù Lê, diệt Mạc” vừa tranh thủ sự ủng hộ của dư luận vừa tăng cừng sức mạnh vật chất vừa ngăn chận được tham vọng của nhà Minh luôn kiếm cớ xâm chiếm nước ta. Ý thức được sự toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt là vô cùng thiêng liêng, nhà Trịnh đã từng đem quân đánh sang Trung Quốc nhằm giành lại đất đai đã mất, tháng 6/1647, Trịnh Tráng sai Trịnh Lãm đánh Liêm Châu, Quảng Đông. (Việt sử thông giám cương mục và Biên niên lịch sử cổ trung đại; NXBKH XH năm 1987 ) và thời chúa Trịnh Cương ( 1709- 1729 ) trị vì, mỏ đồng Tụ Long, Vị Xuyên, Hà Giang đã lấy lại từ tay TQ. Trong suốt thời kỳ Lê- Trịnh, không có một cuộc chiến tranh nào với nước láng giềng phương Bắc.

Kết luận- đề nghị: Nhà Trịnh là chúa nhưng đã điều hành các công việc quốc gia như Quốc vương, nội trị cũng như ngoại giao đều giành thắng lợi rực rỡ. Chiến tranh và các ý thức hệ phong kiến đã phá hủy hầu hết các cung điện của các vương triều. Y phục xứng kỳ đức.Vậy nên phục dựng Vương phủ Trịnh tại Hà Nội hoặc tại Vĩnh Lộc Thanh Hóa để bảo lưu một hình ảnh của nước Đại Việt, đồng thời cũng là ghi nhận công lao họ Trịnh đã đóng góp cho sự trường tồn của đất nước. /.

( Bài tham luận của nhà Biên dịch- nhà nghiên cứu Văn hóa Trần Đình Hiến )

 

There are no comments yet

Tin khác đã đăng