Miếu thờ trong Vương Phủ Trịnh ở Thanh Hoá



Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cho biết: Khu nhà thờ tiên tổ nhà Trịnh bao gồm 3 cung miếu riêng biệt : Cung miếu chính thờ các đời chúa và các bà vợ; Cung miếu thứ 2 thờ 4 đời cụ tổ trước Thái vương Trịnh Kiểm

1. Vương phủ Trịnh ở Bồng Thượng – Thanh Hóa và khu nhà thờ tiên tổ chúa Trịnh

Theo các tài liệu lịch sử, sau khi bình định Bắc Hà, vua Gia Long thăng thưởng tướng sĩ, phong tước cho con cháu nhà Lê, nhà Trịnh, cấp ruộng đất và miễn phu phen tạp dịch cho hai dòng họ để giữ việc thờ phụng tổ tiên. Con cháu nhà Lê được  khôi phục Thái miếu, xây dựng  năm 1805 ở đất Bố Vệ  thuộc tổng Bố Đức, phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Kiều Đại, phường Đông Vệ, Tp Thanh Hóa).

Con cháu chúa Trịnh được xây dựng Phủ từ trên nền Vương phủ Trịnh cũ ở Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nhiều học giả cho rằng  nhà Nguyễn không để Thái miếu nhà Lê và Phủ từ nhà Trịnh ở Thăng Long là muốn dân Đại Việt đoạn tuyệt hẳn với cố đô Thăng Long cũng như vương triều Lê Trịnh.

Ngày 23 tháng 9 năm 1802, chiếu của vua Gia Long ban cho Linh quận công Trịnh Tư ( con trai thứ tư của chúa Trịnh Bồng, có viết: “  Tiên tổ của ngươi vốn là thông gia thân thích, tuy giữa đường Nam Băc phân ly, nhưng đó đều là việc đã rồi…

Về cây dây cuốn, vốn cũng ruột rà, thật đáng nên thương đoái.Ta đặc ân cho ngươi được miễn những việc phu phen tạp dịch và cho nối giữ việc tế tự họ Trịnh.

Ngoài ra, ta đặc ân cấp cho ngươi tự điền 500 mẫu, chiếu theo điền bạ của bộ Hộ để ngươi được nhận lĩnh. Mỗi năm đặc biệt cho thu tô thuế bằng thóc, cộng là 313 hộc, 10 thặng cùng tiền trong kho là 75 quan, theo đúng số đó mà dùng vào việc tế tự.

Đến nay tộc nhà Trịnh có được 247 suất là căn cứ khai trong sổ sách, cho miễn các việc phu phen để làm rõ ân sủng khác thường.

Khâm tai! Đặc chiếu.”

Tháng 1 năm 1803, Linh quận công Trịnh Tư trình vua Gia Long bản sơ đồ Phủ chúa Trịnh ngày xưa (thời triều đình Lê – Trịnh còn hưng thịnh).

Theo sơ đồ Phủ Trịnh vẽ năm 1803, thì Vương phủ Trịnh ngày xưa gồm các hạng mục công trình bên trong theo số thứ tự ghi trên sơ đồ, là :

1) Khu làm việc và sinh hoạt của nội các
2) Khu nhà làm việc của các Chúa Trịnh
3) Cổng ra vào thời trước
4) Cổng ra vào khi suy vong
5) Khu nhà thờ tiên tổ nhà Trịnh
6) Miếu thờ Tống Thiên Thần vương
7) Cung thất Phủ Trịnh
8) Hồ sen cung đình
9) Vườn Hoa
10) Khu hồ sen phía trước Phủ Chúa

( xem bản sơ đồ kèm theo )

Trên Tổng mặt bằng bố trí các hạng mục trong Vương phủ Trịnh, ta thấy khu nhà thờ tiên tổ nhà Trịnh nằm cùng ô với miếu thờ Tống Thiên thần vương.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cho biết: Khu nhà thờ tiên tổ nhà Trịnh bao gồm 3 cung miếu riêng biệt : Cung miếu chính thờ các đời chúa và các bà vợ; Cung miếu thứ 2 thờ 4 đời cụ tổ trước Thái vương Trịnh Kiểm; Cung miếu thứ 3 thờ các con trai không được nối ngôi chúa. Các cung miếu quay mặt hướng Tây; riêng miếu thờ Tống Thiên thần vương quay hướng Bắc.

2. Bài trí bài vị các chúa Trịnh trong Cung miếu

Trong tập Trịnh gia chính phả cụ Trịnh Như Tấu thể hiện vị trí xắp xếp bài vị của các chúa Trịnh trong Cung miếu chính ở Vương phủ Trịnh như sau:

 (  Căn cứ trên  thứ bậc  tiền bối đến hậu duệ thì có thể sơ đồ vị trí là từ trên xuống và từ trong ra )

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ có ích cho quý vị quan tâm tới chủ đề này tham khảo.

Trân trọng.

Tp Hồ Chí Minh tháng 10 năm 2023

Trịnh Tứ

There are no comments yet

Tin khác đã đăng