GÓP PHẦN NHÌN NHẬN THÊM VỀ SỰ KIỆN NGUYỄN HOÀNG LÀM TRẤN THỦ THUẬN HÓA NĂM 1558



Xung quanh sự kiện Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, đó là lối thoát của Nguyễn Hoàng trước sự bức bách của Trịnh Kiểm .

Song trong xu thế nhìn nhận lại vai trò, vị trí của Chúa Trịnh, cũng có ý kiến cho rằng việc đánh giá Trịnh Kiểm có mưu đồ ám hại Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng và việc Nguyễn Hoàng vào trần thủ Thuận Hóa cũng nằm trong mưu đồ ấy là không thỏa đáng( ). Tác giả Li Tana trong Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 viết: “Trịnh Kiểm chỉ có ý tống khứ một địch thủ. Nhưng ông đã đi sai nước cờ. Và thay vì tống khứ, ông lại cho không Nguyễn Hoàng một vương quốc”( ). Vậy phải nhìn nhận như thế nào cho chính xác, khách quan? Bài viết của chúng tôi hi vọng góp thêm một kiến giải về sự kiện này.

1. Theo Đại Nam thực lục Tiền biên, trong phần chép về Thái tổ Gia Dụ hoàng đế Nguyễn Hoàng có ghi: “Đầu làm quan ở triều Lê, được phong Hạ Khê hầu. Đem quân đi đánh Mạc Phúc Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh), chém được tướng là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, khi khải hoàn vua yên ủy khen rằng “Thực là cha hổ sinh con hổ”. Đến khoảng năm Thuận Bình đời Lê Trung Tông, do quân công được tấn phong Đoan quận công. Bấy giờ Hữu tướng triều Lê là Trịnh Kiểm (bấy giờ xưng là Lượng quốc công) cầm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc.

Tả tướng là Lãng quận công Uông (con trưởng Triệu tổ) bị Kiểm hãm hại. Kiểm lại thấy chua công danh ngày càng cao nên rất ghét. Chua thấy thế, trong lòng áy náy không yên, cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ rồi cáo bệnh, cốt giữ mình cho kín đáo để họ Trịnh hết ngờ.( ) Sách Đại Nam liệt truyện Tiền biên, phần chép về Nguyễn Ư Tỵ (Đại Nam thực lục Tiền biên ghi là Ư Dĩ), viết: “Trịnh Kiểm đố kỵ vì Thái tổ có công to thường muốn mưu hại. Ư Tỵ biết việc này, khuyên Tháo tổ giả cách bị điên, có những cử chỉ thất thường khiến cho Trịnh Kiểm khỏi để ý. Mưu sĩ của Kiểm là Nguyễn Hưng Long khuyên Kiểm giết Thái tổ đi. Có người mật báo với Thái tổ, Thải tổ cả sợ, bàn với Ư Tỵ. Ư Tỵ nói: “Kiểm có lòng nham hiểm, ta nên tránh xa. Thuận Hóa là đất hiểm trở kiên cố, có thể giữ mình được. Vậy nên nhờ chị là Ngọc Bảo (Ngọc Bảo là con gái Triệu tổ, và là chánh phi Trịnh Kiểm) nói với Kiểm, xin vào trấn thủ Thuận Hóa, rồi sau sẽ mưu làm việc lớn”( ). Cương mục cũng chép rằng: “Cả hai đều bị Trịnh Kiểm nghi kị. Rồi Tả tướng bị Kiểm làm hại. Còn Thái tổ Gia Dụ hoàng đế ta thì tự lắng mình xuống, kín đáo giữ mình”( ).

Những dẫn chứng trên cho thấy các bộ quốc sử của triều Nguyễn trong cách chép về sự kiện năm 1558 đã cho rằng: sau khi Nguyễn Kim bị ám hại, quyền lực nằm trong tay Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm vì lo sợ trước công trạng ngày càng lớn của anh em Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng đã sinh lòng nghi kỵ, sát hại Nguyễn Uông. Trước tình thế đó, Nguyễn Hoàng buộc phải tìm cách thoát thân – bàn với Ư Dĩ, đươc Ư Dĩ khuyên nhờ chị gái là Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm, xin vào làm trấn thủ Thuận Hóa. Điều này càng thôi thúc Nguyễn Hoàng khi Nguyễn Hoàng cho người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì được khuyên rằng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”( ). Và từ trước tới nay, khi nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này, chúng ta đều phải dựa vào nguồn sử liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn, do đó sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa cũng được nhìn nhận trên cơ sở như thế.

Song, khảo sát các bộ sử cũ cho thấy, ngoài các đoạn trích trên, từ khi Nguyễn Kim chết (1545) đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), không có một quyển sử nào ghi lại về việc Nguyễn Uông đã chết như thế nào. Cái chết của Nguyễn Uông có chăng cũng chỉ có thể xem là một sự ngờ vực về một âm mưu của Trịnh Kiểm mà thôi! Chép về sự kiện năm 1558, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi ngắn gọn: “Tháng 10, Thái sư Trịnh Kiểm vào chầu, dâng biểu tâu sai con thứ của Chiêu Huân Tĩnh Công là Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ Thuận Hóa để phòng giặc phía đông cùng với Trấn quận công (không rõ tên) ở Quảng Nam cứu viện cho nhau. Mọi việc ở xứ này, không cứ lớn hay nhỏ, và các ngạch thuế đều giao cả cho, hàng năm đến kỳ hạn, thì thu nộp”( ).

Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, trong phần chép về nghịch thần truyện Mạc Phúc Nguyên cũng chỉ viết: “Tháng 10, Thái sư triều Hoàng đế ở nơi hành tại, bàn về kế sách đánh giặc Mạc, phát biểu ý kiến rằng… “Hạ thần xét thấy con trai thứ của Chiêu huân Tĩnh công là Nguyễn Hoàng, một người trầm tĩnh cương nghị, lại có mưu lược, đối với quân sĩ có độ lượng, khoan dung, giản dị, Vậy xin bổ ông làm Trấn thủ, để trị an nơi biên thùy và chống giặc phương đông. Vả lại cùng với Trấn quận công ở xứ Quảng Nam, cùng làm binh cứu viện lẫn nhau. Hết thảy các việc to nhỏ ở địa phương ấy, xin đều để cho ông được tùy nghi định đoạt, lại xin ủy ông thu các sắc thuế, nộp về triều đình đúng kỳ hạn, để thêm vào sự chi tiêu trong nước”… Vua Anh Tông thi hành theo ý kiến này, tự đấy Phúc Nguyên không dám nhòm ngó tới hai xứ Thuận Quảng”( ).

Như vậy, ngoài các tác phẩm của Quốc sử quán triều Nguyễn, các bộ sử cũ đều ghi về sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa với một ngòi bút khá trung dung và súc tích. Nội tình của sự kiện ấy, chúng ta chỉ biết qua những bộ sử của Quốc sử quán triều Nguyễn, điều đó khiến sự nghi ngờ về mức độ thỏa đáng khi dành cho Trịnh Kiểm – họ Trịnh những trang viết như nguyên nhân đẩy Nguyễn Hoàng vào vùng đất “Ô châu ác địa” cũng không phải là không có cơ sở.

2. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, để tìm hiểu về sự kiện năm 1558, cần phải xuất phát từ một trong những mối quan hệ chủ yếu của xã hội Đại Việt đã được định hình từ thế kỷ XV: mối quan hệ hoàng quyền – thân thuộc. Mối quan hệ này có hai mặt. Mặt thứ nhất, với chức năng đặc biệt trong việc “trị dân coi quân” của hoàng quyền trong hệ thống tổ chức nhà nước phong kiến làm cho các ông vua Lê sơ mang tính chất tập quyền chuyên chế của một hoàng quyền duy nhất, một đế vị thiên tử duy nhất. Nhưng mặt khác, khi những người nối nghiệp đã không đủ uy nghi và năng lực để cai quản đất nước thì cũng từ đó các tướng lĩnh trong quan hệ thân thuộc xuất hiện mưu đồ bá vương.

Giai đoạn lịch sử thế kỷ XVI-XVII-XVII là biểu hiện rõ nét cho tính chất phức tạp của mối quan hệ này. Trong xã hội Đại Việt, hoàng quyền là tuyệt đối, vĩnh hằng. Sức mạnh của hoàng quyền là sức mạnh của một “ngoại lệ quyền”. Và cũng bởi vậy, hoàng quyền bao giờ cũng có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với các dòng họ phong kiến. Họ Trịnh và họ Nguyễn cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Thực chất, họ Nguyễn, họ Trịnh đều xuất phát từ ý đồ xác lập, khẳng định vai trò dòng họ mình. Thế nhưng trong bối cảnh bấy giờ, phù Lê diệt Mạc là cái cớ duy nhất xác đáng, là ngọn cờ hiệu triệu nhân tâm cả nước. Dẫu sao chăng nữa, hình ảnh về vị Thái tổ trải mười năm “nằm gai nếm mật” rửa mối nhục vong quốc nô, phục hưng nền độc lập dân tộc, hình ảnh một hoàng quyền Lê sơ đã từng tạo nên thời kỳ thịnh trị vẫn còn trong tiềm thức của nhân dân. Cũng bởi vậy, lòng dân vẫn còn nặng nỗi hoài niệm vua Lê. Cả họ Trịnh và họ Nguyễn đều nhận thức rõ điều đó.

Chúng tôi cho rằng, nhìn nhận như thế sẽ giúp chúng ta xem xét sự kiện năm 1558 một cách chân xác hơn. Sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 không chỉ đơn thuần là là lối thoát của do sự bức bách của Trịn Kiểm, thực ra đó còn xuất phát từ chính “mưu đồ bá vương” của cả hai dòng họ.

Nguyễn Kim sau khi sang Ai Lao được vua Sạ Đẩu cho nương náu ở Sầm Châu đã chiêu tập những người trung nghĩa với nhà Lê, tìm được người con của vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lập lên làm vua, gây dựng sự nghiệp. Nhưng công cuộc trung hưng nhà Lê mới bắt đầu có thanh thế thì cái chết đột ngột của Nguyễn Kim đã chuyển toàn bộ quyền lực sang tay dòng họ Trịnh- người con rể Trịnh Kiểm tuy không được học hành nhưng có tài thao lược. Cũng từ đây, dòng họ Trịnh bước lên vũ đài chính trị, từ một dòng họ nghèo khó trở thành “phi vương phi bá quyền khuynh thiên hạ”.

Như vậy, Nguyễn Kim là người khởi nghiệp cho sự trung hưng. Thế nhưng sau đó, người được trọng trách nắm quyền bính rồi thay vua Lê điều hành, quản lý đất nước là các Chúa Trịnh. Dòng họ Nguyễn vốn là một họ có ở trang Gia Miêu, từ Nguyễn Hoằng Dụ tới Nguyễn Kim đã được liệt vào các anh hùng của thời đại, đến Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng cũng đều là các bậc dũng tướng. Vị trí của các Chúa Trịnh bên vua Lê hẳn không thể làm cho họ Nguyễn an lòng chấp thuận? Phải thấy rằng, Nguyễn Hoàng đã có một tầm nhìn sâu rộng khi vào Thuận Hóa và cũng chính trong sự kiện năm 1558 đã ngầm mang tư tưởng đó của họ Nguyễn. Điều này được thể hiện qua lời Ư Tỵ khuyên Nguyễn Hoàng: “Vậy nên…xin vào trấn thủ Thuận Hóa, rồi sau sẽ mưu làm việc lớn”. Cũng chính tư tưởng này đã đưa đến các sự kiện về sau, họ Nguyễn từng bước hình thành cơ sở cát cứ của mình ở Thuận Quảng.

Lời di chúc của Nguyễn Hoàng với hoàng tử thứ sáu Nguyễn Phúc Nguyên có thể coi là minh chứng rõ nhất cho ý định này của vị chúa Tiên: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành sơn) và sông Gianh (Linh giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp cho muôn đời. Ví bằng thế lực không định được, thì cố giữ đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dạy của ta( ). Như vậy, rõ ràng Nguyễn Hoàng- họ Nguyễn không thể chấp nhận vị trí chỉ là người phò tá cho chúa Trịnh bên cạnh vua Lê.

Với Trịnh Kiểm, chấp nhận cho Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, phải chăng Trịnh Kiểm đã “đi sai một nước cờ”? Phải chăng Trịnh Kiểm không nhận ra vị trí chiến lược của Thuận Hóa? Phải chăng Trịnh Kiểm không hề nghĩ đến hậu họa về sau? Thực chất Trịnh Kiểm đã thấy Thuận Hóa là đất quan trọng: “Xứ Thuận Hóa là một kho tinh binh trong thiên hạ, thời xưa, quốc triều ta bắt đầu gây dựng cơ nghiệp, cũng đã dùng dân xứ ấy để dẹp giặc Ngô. Xứ ấy, địa hình hiểm trở, dân khí cương cường, lại có rất nhiều nguồn lợi trên rừng và dưới bể sông. Về phương diện trọng yếu không có xứ nào có thể hơn. Gần đây, quan quân kinh lược hàng mấy chục năm mới lấy được. Vậy nên hết sức bảo thủ, để làm như một bức bình phong vững chắc”( ). Trịnh Kiểm đã nhận thấy được Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng là những anh hùng xuất thế. Bởi vậy mà cái chết của Nguyễn Uông trở nên nhiều nghi hoặc. Thế nhưng, sau Trịnh Kiểm còn có Ngọc Bảo, món nợ tình cảm này khiến Trịnh Kiểm dẫu có dã tâm cũng khó có thể thực thi theo lời mưu sĩ Nguyễn Hưng Long.

Dẫu vậy, Nguyễn Hoàng là một mối lo của Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm đã nhận thấy để Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa sẽ có nhiều cái lợi trong bối cảnh bấy giờ, sau rồi có cơ hội thuận tiện sẽ tính lại. Để Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, trước hết, Trịnh Kiểm “tống khứ được một địch thủ” ngay cạnh mình, để đặt thêm một dũng tướng đối phó với con cháu Chế Bồng Nga vẫn thường sang quấy nhiễu lãnh thổ Đại Việt. Dù nhà Lê đã đặt được tam ty ở Thuận Quảng, nhưng “ nhân dân vẫn chưa một lòng, Kiểm đương lấy làm lo”( ). Giữ yên được Thuận Quảng thì họ Trịnh có thể rảnh tay đối phó với quân Mạc. “Như vậy thì một khoảng xứ Ô Châu, khỏi phải để ý lo tới, hạ thần sẽ khỏi phải phân tâm, mà chỉ dốc hết ý chí về việc đông chinh; bắt đầu kinh lý xứ Sơn Nam và xứ Sơn Tây, rồi thứ đến khôi phục Kinh đô cũ, tiễu trừ thoán nghịch. Nghiệp trung hưng có thể sẽ sớm thành công”( ). Như vậy, sự tính toán này trước hết nhằm giúp Trịnh Kiểm trong công cuộc trung hưng nhà Lê.

Cả hai họ Trịnh – Nguyễn đều dùng vua Lê làm tấm bình phong – sử dụng một hoàng quyền trên danh nghĩa để xây dựng, thực thi quyền lực trên thực tế của mình. Sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 cũng nằm trong mưu tính đó của cả hai dòng họ. Đó là sự gặp gỡ giữa ý chí một dòng họ muốn thoát khỏi sự bức bách, xác lập địa vị với mong muốn “đẩy lui” đồng thời lợi dụng một “địch thủ” để thực hiện mục đích của mình.

Có một điều là, dù cho họ Nguyễn, họ Trịnh đều mang mưu đồ bá vương, dẫu có chuyện Trịnh Kiểm cho người hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về việc tự lập làm vua, dẫu họ Nguyễn từng bước xây dựng lực lượng cát cứ, song vua Lê vẫn tồn tại trong suốt các thế kỷ XVI-XVII-XVIII, các chúa Nguyễn dù đối địch với họ Trịnh, vẫn sử dụng các niên hiệu vua Lê. Đó chính là biểu hiện cho sự đan xen phức tạp của tính hai mặt lệ thuộc- ly khai của quan hệ hoàng quyền-thân thuộc.

3. Dù xét dưới phương diện nào chăng nữa, cũng phải thừa nhận rằng, từ sự kiện năm 1558, khi Nguyễn Hoàng lập cơ đồ trên vùng Thuận Hóa, đã mở ra một “thời kỳ của những thế hệ đã có một tinh thần tiến thủ và ý chí khai thiết đặc biệt trong lịch sử dân tộc, thời kỳ của những công trình mở rộng cương thổ trên một phần đất quan trọng ở phương Nam”( ), đưa lại gần 3/5 diện tích lãnh thổ hiện tại cho dân tộc Việt Nam. Từ thời điểm ấy, người Việt Nam đã đã liên tục vượt qua ranh giới Việt-Chăm, mở rộng cương thổ của mình. Còn nhớ, đời vua Lê Thánh Tông, sau cuộc chinh phạt chiếm được vùng đất mới, nhà vua đã cho khắc vào núi Thạch Bi, gần đèo Cả, một thông tri, tưởng như lời tuyên bố một ranh giới cuối cùng giữa người Chăm và người Việt: “Chiêm Thành qua đấy, quân thua nước mất, An Nam qua đấy, tướng chết quân tan”.(14)

Ấy vậy mà tính từ thời điểm khi vị vua anh minh Lê Thánh Tông khắc ghi lời đó, chỉ đúng ba thế kỷ sau, lãnh thổ Đại Việt đã tiến xuống tận hết đất Thủy Chân Lạp, bờ cõi được mở mang khoảng nửa đất Trung kỳ và toàn cảnh Nam kỳ. Và cũng từ đó, mảnh đất phương Nam của các chúa Nguyễn trở thành mẫu hình cho sự phát triển mới. Không phải ngẫu nhiên mà có nhà nghiên cứu đánh giá: “Thoạt nhìn, sự kiện có dáng dấp một câu chuyện về một dòng họ đã có thể tồn tại và triển nở về mặt chính trị sau khi đã đánh mất quyền hạn đang có ở triều đình tại Thăng Long. Nhưng về bản chất, đây lại là một sự kiện đã dẫn đến việc thành lập một hệ thống Nhà nước mới và một nền văn hóa phồn thịnh”(15).

Với sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, mầm cát cứ đất nước đã hình thành. Và sau đó gần 70 năm đã bùng nổ cuộc chiến tranh liên miên của hai họ Trịnh-Nguyễn, để rồi sông Gianh làm ranh giới, sơn hà bị rạch đôi. Đành rằng, sự chia cắt ấy bởi đôi bờ sông Gianh đã để lại những hậu quả nặng nề cho sự phát triển của đất nước. Vậy nhưng, cũng trong bối cảnh ấy, lãnh thổ dân tộc lại mở rộng hơn bao giờ hết, kinh tế, xã hội có những bước phát triển mới, đó cũng chính là biện chứng của lịch sử.

( “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến hết thế kỷ XIX”. Kỷ yếu hội thảo khoa học, Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008, Nxb Thế Giới, tr 229-234)

PGS.TS NGUYỄN TRỌNG VĂN
MAI PHƯƠNG NGỌC

Nguyễn Trọng Văn : Trưởng khoa sau đại học- Đại học Vinh. Mai Phương Ngọc : CH 14 Lịch sử Việt Nam- Đại học Vinh.
( ) Xuân Huyên (1995), Mối quan hệ của các Chúa Trịnh với vua Lê và Chúa Nguyễn, Kỷ yếu hội thảo Chúa Trịnh vị trí và vai trò lịch sử, tr. 204-215.
( ) (14) (15) Li Tana, Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb Trẻ, 1999, tr. 15-32.
( ) (6) (9) (11) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Tiền biên (tập 1), Viện Sử học dịch. Nxb Sử học, 1962, tr. 30-44.
( ) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện Tiền biên, Viện Sử học dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 75-76.
( )Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, 1998, tr. 137.

( ) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Hoàng Văn Lâu-Ngô Thế Long dịch, Nxb Khoa học xã hội, 2007, tr. 137.
( ) Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, 2001, tr. 5
( ) (10) (12) Lê Quý Đông, Đại Việt thông sử, Ngô Thế Long dịch, Nxb Văn hóa thông tin, tr.378-379.

Tham khảo thêm CLICK >

 

There are no comments yet

Tin khác đã đăng