Cuộc đánh chiếm Thăng Long của Chúa Trịnh Tùng



Vào cuối đời Mạc Mậu Hợp, do sự suy yếu của nhà Mạc, Trịnh Tùng sau một thời gian phòng ngự và củng cố lực lượng, lại bắt đầu mở cuộc tấn công ra Bắc, nhằm đánh chiếm Thăng Long, lật đổ vương triều Mạc. Từ năm 1583 về sau, hầu như năm nào Trịnh Tùng cũng tấn công ra Bắc rồi lại rút lui. Nhưng cuộc tiến quân quy mô hơn cả của quân đội Lê-Trịnh là vào cuối năm 1591.

Vào cuối đời Mạc Mậu Hợp, do sự suy yếu của nhà Mạc, Trịnh Tùng sau một thời gian phòng ngự và củng cố lực lượng, lại bắt đầu mở cuộc tấn công ra Bắc, nhằm đánh chiếm Thăng Long, lật đổ vương triều Mạc. Từ năm 1583 về sau, hầu như năm nào Trịnh Tùng cũng tấn công ra Bắc rồi lại rút lui. Nhưng cuộc tiến quân quy mô hơn cả của quân đội Lê-Trịnh là vào cuối năm 1591.

Năm ấy, Trịnh Tùng điều động 6 vạn quân, chia làm 5 đạo theo đường phía Tây, qua Thiên Quan tiến lên đến các huyện Yên Sơn, Thạch Thất, Phúc Lộc, Tân Phong (đều thuộc Sơn Tây). Mạc Mậu Hợp sai điều động tất cả quân mã trên 10 vạn người, tự thân chinh cùng với các tướng Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện tiến lên Sơn Tây quyết chiến một trận sống còn. Trong trận chém giết tàn khốc này, quân Mạc bị chết tại trận trên 1 vạn người, số tàn quân bỏ chạy qua sông bị chết đuối trên một nửa. Mạc Mậu Hợp và Nguyễn Quyện chạy thoát về kinh. Thừa thắng, Trịnh Tùng tiến quân uy hiếp kinh thành, “đốt phá nhà cửa, khói lửa ngập trời”. Mạc Mậu Hợp trốn sang Bồ Đề. Nhân dân kinh thành “trai gái già trẻ tranh nhau xuống thuyền qua sông, chết đuối đến hơn 1.000 người” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 353).

Mạc Mậu Hợp sai các tướng Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện, Bùi Văn Khuê chia quân bảo vệ kinh thành, tự mình chỉ huy thủy quân đóng ở sông Nhị Hà.

Đầu năm 1592, Trịnh Tùng đóng quân ở phía tây sông Ninh Giang ra lệnh nghiêm cấm quân sĩ 3 điều để chuẩn bị tấn công Thăng Long:

1. Không được tự ý vào nhà dân lấy thức ăn và củi đuốc.
2. Không được cướp bóc của cải, chặt cây cối.
3. Không được hãm hiếp đàn bà, con gái và lấy thù riêng để giết người.

Sau đó, Trịnh Tùng kéo quân qua sông Tô Lịch, đến Nhân Mục, chia các tướng tiến đánh vào thành lũy xung quanh thành Thăng Long. Quân Mạc đại bại, các tướng Bùi Văn Khuê, Mạc Ngọc Liễn phải bỏ lũy chạy trốn, tướng Nguyễn Quyện bị bắt. Mạc Mậu Hợp thu tàn quân về, dựa vào dòng sông Hồng làm phòng tuyến cố thủ.

Cả kinh thành Thăng Long cổ kính trong chốc lát đã thành bãi chiến trường trong cuộc hỗn chiến tàn khốc của hai tập đoàn phong kiến: nhà cửa bị đốt phá, “khói lửa ngập trời”, “thây chết nằm chồng chất lên nhau”.

Tuy chiến thắng liên tiếp, nhưng lực lượng quân Mạc ở Đông Bắc còn mạnh có thể dùng thủy binh chặn đường về hay tấn công vào Thanh Hóa. Vì vậy, sau khi chiếm được kinh thành, Trịnh Tùng sai quân san phẳng các thành lũy, thu lấy của cải rồi hạ lệnh rút quân. Tháng 4 năm ấy, Trịnh Tùng lại theo đường Thiên Quan rút về Thanh Hóa.

Sau lần thất bại trên, lực lượng Bắc triều hầu như kiệt quệ, không thể phục hồi lại được. Tháng 10 năm ấy, tướng Nam Đạo của nhà Mạc là Bùi Văn Khuê lại nổi binh chống lại Mạc Mậu Hợp, rồi cho người vào Thanh Hóa xin hàng nhà Lê. Nguyên nhân của sự việc này là do “Vợ viên trấn thủ Nam Đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên, tức con gái Nguyễn Quyện. Chị gái của Thị Niên là hoàng hậu của Mậu Hợp, vì thế Thị Niên thường được ra vào trong cung. Mậu Hợp thấy Thị Niên, đem lòng yêu mến, bèn ngầm tính kế giết Văn Khuê, để cướp vợ y” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 356). Từ đây, nhà Mạc mất hẳn một lực lượng thủy binh lợi hại phòng thủ vùng Đông Nam.

Tháng 11 năm ấy, Trịnh Tùng mở cuộc tấn công quyết định ra Bắc. Quân Trịnh ra đến Sơn Nam, thì lui về đắp lũy chống giữ ở sông Thiên Phái (thuộc huyện Ý Yên, Nam Định), nhưng bị đại bại. Quân Mạc tan vỡ, các tướng nhà Mạc như Trần Bích Niên trên 10 người đều xin hàng.

Quân của Trịnh Tùng theo sông Đáy, tiến lên cửa sông Hát. Tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn bày thuyền, đắp lũy, cắm cọc chống cự lại nhưng bị thua, trốn chạy lên núi Tam Đảo. Quân thủy của Trịnh Tùng xuôi dòng sông Hồng cùng với quân bộ tiến thẳng tới thành Thăng Long. Mạc Mậu Hợp bỏ kinh thành chạy về Kim Thành (Hải Dương). Phần lớn các tướng tá, quan lại của nhà Mạc đều ra hàng.

Ngày 25 tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592), Trịnh Tùng sai tướng đem quân thủy bộ tiến đánh Kim Thành, thu được vô số của cải, châu báu. Mạc Mậu Hợp bỏ trốn, rồi truyền ngôi cho con là Mạc Toàn, còn tự mình làm tướng cầm quân chống cự lại quân Trịnh.

Tháng 12, Trịnh Tùng lại sai tướng đem quân lên bình định vùng Kinh Bắc, bắt được Mạc Mậu Hợp trong một ngôi chùa ở Phượng Nhãn (thuộc Bắc Giang), đem về kinh giết chết. Mạc Toàn bỏ trốn rồi cũng bị bắt về chém chết.

Địa vị thống trị của nhà Mạc tại kinh đô Thăng Long đến đây là kết thúc.

There are no comments yet

Tin khác đã đăng