Chúa Trịnh Sâm với thiên nhiên và sinh vật cảnh



Chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782) là người có “máu nghệ sỹ”. Ngoài làm thơ, ông còn rất mê đi thăm thú và chơi sinh vật cảnh.

Chúa Trịnh Sâm (1767 – 1782) là người có “máu nghệ sỹ”. Ngoài làm thơ, ông còn rất mê đi thăm thú và chơi sinh vật cảnh.

Theo “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ thì ông rất thích ngắm thắng cảnh, thường du ngoạn các ly cung trên hồ Tây, thăm núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Khi đến chùa Hương, thấy cảnh thơ mộng quá ông đã cho khắc vào vách núi Hương Tích dòng chữ “Thiên Nam đệ nhất động” và để lại 5 bài thơ hay về thắng cảnh này. Đặc biệt có bài “Vịnh núi Hinh Bồng”. Cảnh quan mà ông mô tả hơi khác với ngày nay khiến cho nhiều người đặt ra dấu hỏi, phải chăng cách đây khoảng 300 năm ở chân núi này có con suối lớn chảy qua, không phải là suối Yến. Vì rất có thể trải thời gian do tác động của thiên nhiên đã làm biến dạng. Nên thơ ông mới có cảnh:

“Non xanh nhường thấy non không đất!

Suối biếc nhìn qua suối gặp trời!

Đá nhuốm ráng trời nghìn gấm điểm

Sóng rung dải nhũ vạn châu rơi!…”

Vì động Hinh Bồng ở xa suối Yến, thế mà một chiều đứng trên động, ông thấy cả trời xanh in xuống nước, thấy ánh chiều chiếu vào vách núi như hoa thêu gấm rệt. Còn dòng suối thì rộng, sóng gợn lăn tăn ánh vàng như có hàng vạn hạt kim cương lấp lánh, như ai đó, đang rung nhẹ dải nhũ cho muôn hạt châu rơi. Cảnh đẹp quá, qua thơ ông thấy như bức tranh vẽ cảnh thiên nhiên đầy sắc màu và sức sống. Để cuối bài ông khiêm tốn kết luận:

“Chim trời cá nước vui chung cảnh

Ngọn bút khôn đem tả hết lời!”

Ngược dòng lịch sử, năm 1592 Chúa Trịnh Tùng kéo quân từ Thanh Hóa ra Thăng Long đánh thắng nhà Mạc. Rước vua Lê Thánh Tông về kinh đô cũ. Khoảng sau năm 1600 cho xây Vương phủ. Phủ chúa rất rộng, có hai cửa, Chính môn nhìn ra hồ Gươm phía đông. Cửa Tuyên vũ hướng nam. Nhìn trên bản đồ thời Lê Trung Hưng mà ước đoán, thì Phủ chúa có hình vuông gần bằng thành Thăng Long nhà Nguyễn xây sau này. Trịnh Sâm là vị chúa thứ 9 kế thừa Phủ chúa, vào giai đoạn gần cuối thời Lê Trung Hưng.

Với uy quyền chỉ đứng sau Vua, nên Phủ chúa quả là một chốn tôn nghiêm lộng lẫy. Những quyền hồng, gác tía, chốn cao, nơi thấp đầy hoa thơm cỏ lạ mà trong cuốn “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cuốn “Tang thương ngẫu lục” của Nguyễn án và Phạm Đình Hổ đã nói đến. Trong cuốn “Vũ trung tùy bút” cũng viết: “Buổi ấy, bao nhiêu những loài chân cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa, cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy không thiếu thứ gì…”, “Trong phủ tùy chỗ, điểm xuyết bày vẽ ra hình núi non. Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu, vượn hót ran khắp bốn bề”.

Chúa còn mỗi tháng ba bốn lần ra cung Thụy Liên trên bờ hồ Tây, binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì đều bịt khăn, mặc áo đàn bà bày bách hóa xung quanh hồ để bán. Thuyền ngự đi đến đâu, thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ như cửa hàng trong chợ. Nhiều tốp nhạc công ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hoặc những gốc cây, bến đá, hòa nhạc rất vui.

Một lần, Chúa còn cho quân lính sang vùng Đông Anh, đnáh cả gốc cây đa to, lá cành rườm rà, rễ cây tua tủa rủ xuống, rồi cho lính khiêng ra bờ sông Hồng, dùng thuyền chở qua sông sang thành Thăng Long. Cảnh một cơ lính xúm nhau dùng đòn khiêng cây đa vui như một đám rước, bởi đi kèm còn có bốn lính cầm gươm, đánh thanh la, lúc đi, lúc nghỉ, trong tiếng reo hò náo động để bảo vệ cho cây đa không bị xây xước.

Thấy Chúa mê cây cảnh, các hoạn quan, cung giám thường nhờ gió bẻ măng làm vui lòng Chúa. Thế làhọ cho người đi dò xét trong kinh thành, xem nhà nào có chim hót hay, núi giả, cây lạ, chậu hoa quý, giò phong lan đẹp là họ đến nhà biên cho hai chữ “phụng thủ” rồi cho lính khiêng ngay về Phủ chúa. Nếu hòn núi giả quá lớn hoặc cây quá to thì cho phá tường khiêng đi! Nhiều người có cây cảnh đẹp rất lo, chính tác giả “Vũ trung tùy bút” cũng sợ nên ông mới viết “Nhà ta ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) huyện Thọ Xương, trước tiền đường có một cây lê cao vài trượng, lúc nở hoa trắng xóa thơm lừng. Trước trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp. Bà cung nhân ta đều sai chặt đi cũng vì cớ ấy”.

Nhưng đấy là tật xấu của những kẻ cơ hội, muốn làm đẹp lòng Chúa, chứ chắc chúa Trịnh Sâm, một người hào hoa lại bận nhiều việc thời thế, hẳn không để ý đến việc bầy tôi làm.

Qua mô tả thì thấy nhà ông ở phố Hàng Buồm cách đây hơn 200 năm, lúc ấy cũng rất chật. Chật bởi ở sân tiền đường chỉ trồng một cây lê, sân trung đường cũng chỉ trồng được hai cây lựu, chứng tỏ xung quanh không có vườn. Nhưng về kiến trúc thì là một niềm mơ ước cho một gia đình trong cảnh đất chật người đông như ngày nay. Nhà xây rất thoáng, ngoài bếp còn có ba ngôi nhà ngói. Tiền đường, trung đường và hậu đường, mỗi nhà cách nhau một khoảng sân đầy ánh nắng. Tiền đường là nơi tiếp khách, trung đường là phòng văn, hậu đường là nơi thờ tổ tiên. Lối nhà này có Hà Nội ngày nay có lẽ vẫn còn nhưng rất hiếm. Còn cây cảnh, qua lời ông viết mới biết ngày xưa có lẽ hiếm. Cây lê, cây lựu cũng phải giấu và bà mẹ ông sợ phiền nhiễu phải sai chặt đi. Chứ giờ đây, cây lựu bán đầy chợ Bưởi vào cuối mùa xuân, chỉ cần hơn 10.000 đồng là mua được một cây có hoa lập lòe thắm đỏ rực rỡ; còn cây lê, lên vùng núi thì có lẽ xin cũng được.

Việc chúa Trịnh Sâm mê sinh vật cảnh, hay đi du ngoạn nhiều nơi, ngắm những danh lam thắng cảnh của đất nước lúc ấy là đặc quyền dành cho vua, chúa. Còn ngày nay, là một việc bình thường ai cũng có quyền làm việc, học tập, làm thơ, chơi cây cảnh và du ngoạn. Nhiều thắng cảnh của đất nước ngày nay được công nhận còn đẹp gấp nhiều lần những thắng cảnh mà chúa Trịnh Sâm một thời đã gắng công tìm đến! Đó là nhờ ở những tiến bộ của các thời đại sau .

Tạp chí Dân tộc & Thời đại

There are no comments yet

Tin khác đã đăng