Chúa Trịnh Sâm – Nhà quân sự anh minh quyết đoán. Nhà văn hoá lỗi lạc tài hoa
.Kỷ niệm 226 năm ngày băng hà thánh tổ thịnh vương trịnh sâm (9. 2. Kỷ Mùi [1739] – 13.9. Nhâm Dần [1782])
Kính dâng hương hồn Thánh tổ Thịnh vương Trịnh Sâm
Thánh tổ Thịnh vương sinh ngày Bính Tuất mồng 9 tháng 2 năm Kỷ Mùi – 1739, con trai Ân Vương Trịnh Doanh và Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm. Bà Ngọc Diệm là người mẹ vừa có đức laị có tài, đã xây dựng ngũ quy làm mẫu mực điều hành chính sự :
1. Quy nông tắc ổn. (Đưa việc nông vào quy củ thì đất nước ổn định)
2. Quy công tắc phú. (Đưa công nghệ vào quy cũ thì đất nước giàu có)
3. Quy thương tắc hoạt. (ổn định việc thương mại thì mọi hoạt động đều tốt)
4. Quy trí tắc hưng. (Lo việc đào tạo trí thức thì đất nứơc hưng thịnh.)
5. Quy pháp tắc bình. (Luật pháp nghiêm minh thì đất nước bình yên.)
Từ nhỏ vương tử đã thông minh lại ham học, ngày ngày chăm lo luyện văn rèn võ, chẳng bao lâu nào Kinh Sử Tử Tập đều thông hiểu. Tâm hồn văn thơ hàm súc, nét bút phóng khoáng như có thần, báo hiệu một vị chúa anh minh quyết đoán, một hồn thơ lớn, một nhà văn hoá lỗi lạc tài hoa.
Năm Quý Dậu [1753] – 14 tuổi được chọn ngôi thế tử, Ân vương làm 5 bài thơ để khuyên nhủ răn dạy, trong đó có đoạn:
Nền nhân xây đắp cựu quy mô
Nối dấu khôn dư vẫn sẳn đồ
Đức vốn một niềm gương để dặn
Đành hay như vẽ gấm thêm tô
Mùa đông tháng 10 năm Mậu Dần [1758] – 19 tuổi tiến phong Tiết chế các xứ thuỷ bộ chư quân kiêm chưởng chính cơ Thái uý Tỉnh quốc công, mở phủ Lượng quốc. Các việc cơ mật của nhà nước đều uỷ cho quyết định xét xử.
Vương luôn ghi nhớ 10 bài châm do thầy Nguyễn Hoàn soạn:
1. Chính tâm thân. ( Suy nghĩ ngay thẳng)
2. Bác học vấn. (Rộng đường học)
3. Tề nội chính. (Chính sụ phải công bằng)
4. Bế biền tập. (Đóng cửa với nịnh hót)
5. Nhất chính phủ. (Nhất trí trong chính phủ)
6. Thận sai trừ. (Cẩn thận việc sai phái cất nhắc)
7. Quảng thích nạp. (Mở rộng việc tiếp nhận khuyên can)
8. Thủ thành quy. (Giữ khuôn phép sẳn có)
9. Tín hiệu lệnh. (Hiệu lệnh phải cho tin)
10. Thẩm khoan nghiêm.(Xét kỷ việc nên khoan hay nênnghiêm)
Mùa xuân ngày 27 tháng giêng năm Đinh Hợi [25. 2. 1767] Ân Vương Trịnh Doanh băng hà. Vua Lê Hiển Tông sắc dụ các quan đến phủ Lượng Quốc mời Tỉnh quốc công Trịnh Sâm lên ngôi chúa. Tháng 5 ngày Đinh Mão {31.5. 1767] vua sai Tham tụng Nguyễn Nghiễm đem sách ấn, tấn phong Trịnh Sâm làm Nguyên soái Tổng quốc chính Tỉnh Đô Vương. Vương thân coi chính sự dùng chính sách khoan dân, dưỡng tài, chấn hưng văn giáo, thừa thì có thể động binh thần tốc.
A. Nhà quân sự anh minh quyết đoán
Dẹp Hưng Hoá.
Lê Duy Mật (con vua Lê Dụ Tông) chiếm cứ Trấn Ninh chống lại triều đình, nghe tin Trịnh Sâm mới lên nối ngôi, thừa cơ đánh phá các huyện thuộc Nghệ An. Trong lúc đó Công Chất1 cũng đem một vạn quân đánh phá Thanh Hoa làm rối động lòng người. Tĩnh Đô Vương cho đem thư khuyên nhủ Duy Mật về với triều đình sẽ được ưu ái giữ nguyên chức tước bổng lộc. Quyết định tập trung binh lực dẹp Hưng Hoá, Nguyễn Đình Huấn được các triều thần tiến cử làm Thống tướng. Khi Huấn nhận lệnh, Vương ban tặng thơ, có câu:
Khôn tam duy cưụ trưng tài lược
Sư xuất ư kim thí lệnh thân
Nghĩa là: Quẻ khôn hào tam đã biết tài lược từ trước, ngày nay xuất quân thử xem hiệu lệnh thế nào?
________________
1.Hoàng Công Chất khoảng năm 1740 theo Nguyễn Cừ, khi Cừ thua Chất bèn họp đồ đảng đóng quân ở miền Đông Bắc. Đi đến đâu đốt sạch phá sạch,, vài nghìn dặm châu huyện biến thành hoang vu. Bắt được đàn ông, đàn bà, chúng lấy thóc bỏ vào mắt khâu lại, rồi bắt phải chuộc tiền đến hàng ngàn hàng vạn quan mới tha.Nhân dân gọi là giặc khâu mắt. Sau Chất bị quan quân đánh thua, chạy đến Mỹ Lương nương tựa vào giặc Tương ở Vĩnh Đồng (Tương cầm đầu cuộc nổi dậy ở xã Vĩnh Đồng và Ngọc Lâu huyện Mỹ Lương (Sơn Tây) bị Đàm Xuân Vực đánh bại năm 1752) Giặc Tương bị diệt Chất lại cùng đồ đảng hơn 10 người chạy lên Hưng Hoá giữ động Mãnh Thiên, triều đình chưa kịp đánh, Chất đưa thư xin hàng. Triều đình cho Trương Trung Bá đi chiêu dụ ban cho y tước Khoản Trung hầu. Sau Chất laị giữ chỗ hiểm tràn ra chiếm cứ đất 10 châu ở Hưng Hoá. Bây giờ nghe đại quân đến đánh lo sợ mà chết. Dân man chạy đi báo tin ấy, người đi đường ai nghe thấy cũng đều lấy làm tiếc là chưa được chém đầu Chất. Chất chết con là Công Toản lại thay cha chiếm cứ Hưng Hoá.
Nguyễn Đình Huấn xuất quân chưa được bao ngày, liền làm tờ khải nói: Nào là đường chuyển vận lương thực khó khăn, nào là giặc cậy chỗ hiểm trở, đắp thành luỹ, chứa lương thực, đã gần 20 năm…, nay ta đem quân đi sâu vào đất giặc chưa dễ trong vài tuần vài tháng mà có thể thắng được? Xin lấy đất bên dòng sông Thao, sông Đà khai hoang dự trữ đến khi thóc lúa đã nhiều mới tiến đánh.
Tĩnh Đô Vương xem tờ khải không bằng lòng nói với Tham tụng Nguyễn Nghiễm, quận công Hoàng Ngũ Phúc, Bồi tụng Nguyễn Hoàn và Vũ Miên…rằng: Giặc đang trốn tránh trừng phạt của triều đình, ai cũng nghiến răng căm giận, triều đình lựa quân chứa lương hơn 10 năm chính là để dùng vào ngày nay. Nếu việc làm dở chừng mà thôi vừa mất thì giờ lại nuôi sức giặc, đâu phải là mình nối chí tiên vương hoàn thành công việc. Trước kia Đường Hiến Tông đánh Hoài vì quyết đoán mà được. Chí ta đã quyết.
Lệnh thay chức Hiệp đồng trong bộ chỉ huy chiến dịch rồi ra lệnh tiến quân. Nhưng Thống tướng Đình Huấn vẫn dùng dằng không tiến đánh. Cho phi ngựa cấp tốc về báo là quân ta gặp nhiều khó khăn về lương thực ốm đau không thể tiến. Cùng lúc đó Giám quân Đoàn Nguyễn Thục dâng khải vạch 10 tội của Đình Huấn. (Đông các hiệu thư Đoàn Nguyễn Thục là người khẳng khái có khí tiết. Tĩnh Đô Vương cho ông là tướng võ có phong độ nhà Nho. Lúc bấy giờ đương để tang mẹ, nhiều lần Vương triệu ra làm Thiêm đô ngự sử, Thục đều cố từ. Đến bây giờ triều đình định ngày ra quân. Thục bèn dâng sớ xin ra quân để báo ơn nước. Vương rất mừng khen ngợi liền cho khởi phục làm Giám quân.) Lệnh cho Đoàn Nguyễn Thục thay Huấn Thống lĩnh. Thục cầm thanh gươm do chúa ban quyết tâm dẹp giặc, lấy laị đất và người trước đây bị giặc áp bức chạy theo Trung Quốc, bình định miền Tây Bắc giữ gìn biên cương tổ quốc. Tháng 8 năm Kỷ Sửu [1769], vua Lê Hiển Tông sai Tham tụng Nguyễn Nghiễm, Bồi tụng Nguyễn Hoàn đem sách ấn tiến tôn Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm làm Đại Nguyên soái Tổng quốc chính Thượng sư Tỉnh Vương.
Bình định Trấn Ninh.
Lê Duy Mật đốt thư quyết chống cự lại triều đình, lại dung dưỡng Công Toản (con Công Chất) đem quân quấy phá Thanh Nghệ. Chuyện lấy Trấn Ninh. Dư luận trong ngoài đều cho là khó vì xa xôi hiểm trở. Tĩnh Vương quả quyết sẽ thắng, định cơ mưu, vạch phương lược thu phục Trấn Ninh.
Cử trấn thủ Nghệ An là Đoan quận công Bùi Thế Đạt làm Thống lĩnh, Thái thường tự khanh Đoàn Nguyễn Thục làm Giám quân đem đại binh vào Trấn Ninh. Đồng thời điều động các cánh quân đạo Hưng Hoá, Thanh Hoa phối hợp yểm trợ. Lại được Lò Cầm Khâm, Lò Cầm Uẩn, Lò Cầm Hương (trước đều là Thổ tù Trấn Ninh bị Duy Mật đánh bắt) tới bái yết xin theo quân triều đình dẹp giặc. Thanh thế quân triều đình rất lớn, đi đến đâu giặc đều bỏ chạy hoặc xin hàng. Duy Mật phải tự thiêu chết. Đựơc tin thắng trận, Vương nghĩ các tướng sĩ ngoài chiến trường rất lao khổ, cho ban yến, tự làm bài thơ để uý lạo:
Đã mấy năm nay áng chiến trường,
Nhọc nhằn thay bấy kẻ cần vương.
Cờ mao đủ nhuộm màu lam chướng,
áo sắt thêm dày vết tuyết sương.
Nghìn dặm quýet không hơi bụi thẳm,
Muôn năm đặt khoẻ thế âu vàng.
Thẻ ban đã tỏ công lênh ấy,
Thể tất niềm Chu tả một chương.
Mùa đông ngày Nhâm Ngọ tháng 10 năm Canh Dần [26.11.1770] vua sai quan cầm cờ tiết đem sách, ấn, tỷ, tiến tôn Tỉnh Vương Trịnh Sâm làm Đại Nguyên soái Tổng quốc chính Sư thượng Thượng phụ Duệ đoán văn vũ đức Tĩnh Vương. Đồng thời thăng thưởng chức tước cho tướng sĩ xứng với công lao. Có thể nói nhờ sự anh minh quyết đoán của Tĩnh Vương mà đất nước thanh bình, xã hội ổn định, nhân dân yên ấm.
Xoá bỏ phân giới sông Gianh – non sông thu về một mối.
Tháng 5 năm Giáp Ngọ [1774] trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Đạt dâng khải nói: Chủ trại Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc dấy quân làm loạn, y đã đánh lấy được Quy Nhơn tiến sát đến núi Hải Vân. Chúa Nguyễn nhiều lần sai tướng đi đánh, chưa dẹp yên được. (ĐVSKTB, tr72).
Đang đêm Tĩnh Vương cho gọi Chưởng phụ sự Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, Tham tụng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm vào bàn. Lúc ấy Hoàng Ngũ Phúc đã xin hưu trí nhưng chưa kịp về quê, được cử làm Bình Nam Thượng tướng quân, Bùi Thế Đạt làm Bình Nam Đại tướng quân, Đoàn Nguyễn Thục làm Đốc thị, Đại học sĩ Phan Trọng Phiên, Uông sĩ Điển làm Tham biện quân vụ… Tĩnh Vương dặn đến Nghệ An đóng quân lại rồi viết thư cho chúa Nguyễn nói: Nếu đã dẹp xong Tây Sơn thì viết thư báo laị. Triều đình đem quân đến đây chỉ là chặn đường rút của Tây Sơn. Đưa thư nói rõ ý rồi về chớ để cho họ sinh nghi gây hấn ở biên giới.
Chính sự Thuận Quảng lúc này đều do quyền thần Trương Phúc Loan nắm giữ, lòng người oán giận, quân Nguyễn bị thua liên miên, ngay cả thành Phú Xuân cũng bị uy hiếp, nên nhiều tướng lĩnh quân Nguyễn oán ghét Phúc Loan, mật báo cho quân triều đình biết thực trạng quan quân của Nguyễn Phúc Thuần càng đánh càng thua không chống cự nổi. Nhưng Phúc Loan không muốn đón tiếp quân triều đình viết thư giả dối.
Tĩnh Vương quyết định thân chinh Thuận Quảng, trong lời chỉ dụ có đoạn: Từ xưa các bậc thánh vương cai trị đất nước chỉ cốt tuyên bố đức phong, phô bày văn học, đến như gội gió dầm mưa lâm vào chiến trận cũng cốt là để đặt dân vào nơi êm ấm và làm cho cương thường trong nước được ngay thẳng… Ta nối nghiệp cơ đồ rộng lớn, nghĩ rằng 4 cõi hơi yên, trăm họ chưa giàu, chỉ muốn nuôi dân, không muốn đánh dẹp, nhưng vì kẻ phản nghịch quốc phó là Trương Phúc Loan chuyên quyền hung bạo luật hình hà khắc, thuế má nặng nề khiến dân chúng phản laị, thân thích lìa xa. Vậy thời cơ dẹp loạn vỗ yên bờ cõi không thể bỏ qua. Ngày mồng 8 tháng này ta tự thân chỉ huy đại quân tiến vào. Trước hết đưa thư bảo ban, mong biết hối cãi thì sẽ bao dung cho hợp đức hiếu sinh của thượng đế.
Tĩnh Vương tiến quân đóng ở dinh Cầu, chỉ bày phương lược lệnh cho Việp quân công vượt sông Gianh lấy Phú Xuân. Nguyễn Phúc Thuần nghe tin, liền tiến dâng lễ vật và trình biểu văn lên vua Lê, chúa Trịnh. Lời khải lên Tĩnh vương như sau: Thuận Hoá Quảng Nam đẳng xứ biên thần Nguyễn Phúc Thần cẩn khải. Vương thượng cao thông soi tới, nhà thần gặp buổi không may con đỏ lộng binh, nhờ được Vương thượng đoái tình thích thuộc, sai quân làm thanh viện, nay Quảng Nam đã lấy lại được, giặc cướp hơi yên, cũng là nhờ sự cứu vớt phù trì của Vương thượng. Dám dâng lễ bạc chút tỏ lòng thành, để đáp ơn che chở bao dung, cúi mong thu nạp. Thần xiết bao ngữa trông rất mực. Kính dâng vàng mười 20 nén.
Lại có thầy đồ dâng thơ:
Dựng cờ phơi phới thẳng vào Nam
Già trẻ cả miền thảy hả tâm.
Tám chúa chán xem Tần pháp độ,
Trăm năm lại thấy Hán uy nghi.
Sâu co gặp sấm vừa vang tiếng,
Lúa héo chờ mưa đã được thì.
Xin thẳng Phú Xuân mà bước tới,
Việc binh nên chóng chớ nên trì.
Quân triều đình tiến vào Phú Xuân, quân Nguyễn chống cự không lại bỏ chạy tán loạn. Khi nghe tin chúa Trịnh thân chính đã đến Kỳ Hoa, Chúa Nguyễn không dám xuất quân nữa, sai gói phù tỉ, vàng bạc châu báu, đem theo thân binh vài trăm người xuống thuyền ra biển chạy trốn. Hoàng Ngũ Phúc sai đem thư về kinh báo tin thắng trận.
Về việc này trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn viết: Ngày mồng 3 tháng giêng năm ất Mùi vào thành Phú Xuân, người họ Nguyễn là quận Chiêm, quận Thặng hơn trăm người đều quy thuận, văn võ tướng laị đều đón hàng. Việp quận công tuyên chỉ uỷ lạo, yết bảng chiêu an. Quan laị sĩ dân ở yên như cũ, chợ không đổi hàng, cả miền vui vẻ nói rằng: Không ngờ 200 năm nay lại trông thấy áo mũ triều đình. (tr75) (Xin xem trong Đêm hội Long Trì đoạn Nguyễn Huy Tưởng tả việc Tĩnh vương tiếp tướng Nguyễn Mại – người được Hoàng Ngũ Phúc sai đem tin chiến thắng về kinh đô).
Quảng Nam lúc này quân Tây Sơn đang chiếm giữ. Tĩnh vương biên thư cho Hoàng Ngũ Phúc: Thuận Hoá đã dẹp yên rồi thì Quảng Nam cũng nên kịp thời bình định, các việc điều khiển sắp đặt, đánh hay chiêu hàng, đều cho tuỳ liệu thi hành. Nghe tin quân triều đình tiến vào, Tây Sơn họp quân đón đánh, nhiều lần bị thua sợ hải chạy dài. Quân ta tiến vào dinh Quảng Nam. Nguyễn Văn Nhạc liền sai người dâng thư và voi khoẻ, ngựa quý đến tặng để xin hàng và xin ban cho sắc mệnh và binh phù, nguyện làm quân tiên phong cho đại quân của triều đình.
Bình Nam Thượng tướng quân Hoàng Ngũ Phúc thấy Nguyễn Nhạc đã có lòng thành xin quy thuận, bèn trao cho chức Tráng tiết tướng quân, Tây Sơn trưởng hiệu. Được chấp nhận Văn Nhạc lại dâng thêm 2 con voi đực, 10 con ngựa, hai hốt vàng, 10 hốt bạc, một tấm đoạn hoa, để đón sắc mệnh. Hoàng Ngũ Phúc sai nha hiệu Dục Phương Bá, tự thừa Nguyễn Hữu Chỉnh đem ấn cờ gươm chiêng trống áo mũ đến trại Tây Sơn ban cho Nguyễn Văn Nhạc. Nhạc nhận sắc mệnh liền trình nộp và xin dâng đất 3 phủ là Quảng Ngãi, Phú Yên, Quy Nhơn và xin ban cho một bộ áo giáp để xung trận. Bản tạ ơn của Văn Nhạc đại lược như sau: Tôi sinh ra ở biên gíơi xa xôi vào vùng hẻo lánh. Lòng thành hướng theo bóng mặt trời không bao giờ nguôi. Vừa rồi vì Phúc Loan chuyên quyền, kỷ cương đảo ngược, phía đông phía tây đều nổi lên làm loạn. Tôi thừa thời xướng nghĩa, họp các người hào kiệt trong làng, định cứu vớt dân một phương này. Từ khi nghe quân vua qua núi Hải Vân lập tức nhiều lần sai người đến xin xưng thần nộp lễ. Vâng được Thượng tướng quân Việp quận công biết cho lòng trung thành trao cho sắc phong làm Tráng tiết tướng quân để đựơc dâng sức khó nhọc. Tôi lạy nhận rồi khôn xiết sợ hải. Đáng lẽ phải tự mình chỉnh đốn hành trang, thân đến cửa khuyết mà bái tạ ơn trời. Nhưng vì Gia Định chưa dẹp yên. Tôi xin khoan cho thời hạn. Xin sẽ đem quân bộ thuộc của bản traị làm quân tiền khu cho nhà vua dẹp tan đám giặc ấy, thu lại đất cũ. Khiến cho dân biên giới đền cửa khuyết ngửa trông mặt trời. Đây là ước nguyện của tôi. (ĐVSKTB tr398)
Hoàng Ngũ Phúc nhận thư tâu lên, Tĩnh vương thể theo nguyện vọng của Văn Nhạc trao cho một bộ mũ áo trận. Sau khi được sắc phong Văn Nhạc đóng quân ở dinh Quảng Nam lại có ý ngấp nghé. Triều đình cho người đến hỏi, lại dâng sản vật và thư xin một lòng trung thành. Tĩnh vương nghĩ Văn Nhạc cầu phong vốn chưa hẳn lòng thành, nhưng nay là lúc nên cho binh dân nghĩ ngơi nhân đó mà chiêu nạp cũng là hợp thời, chuẩn ban cho sắc mệnh đại lược rằng: Ngươi biết sợ uy mến đức nộp lễ ở cửa quân. ta đương hậu đãi cho người tự dâng sức. Nay xem người bày tỏ lòng thành từ trước đến nay và sự tình ngoài biên giới đều đã hiểu rõ. Người đã thuận mệnh dốc lòng thành tức là ở trong vòng che chở nuôi nấng. Vậy sai quan đem chỉ cho người làm: Tráng tiết tướng quân, thăng thụ tam phẩm, Tuyên uý đại sứ, kiêm Trấn thủ xứ Quảng Nam. (Thiêm sai Phan Huy ích được Tĩnh vương chọn và dặn dò kỹ lưỡng cho đem thư vào phong cho Nguyễn Văn Nhạc. Ông có làm tập thơ Nam trình tập vịnh ghi lại sự việc khá rõ ràng dâng lên Tĩnh vương.)
Tĩnh vương cho rằng Thuận Hoá tạm bình, Quảng Nam tạm định. Chính là lúc để cho dân binh được nghĩ ngơi, mà ban bố huệ điển. Liền bổ các quan điều hành chính sự ở Thuân Hoá, trong đó có Bùi Thế đạt, Phạm Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Nguyễn Lệnh Tân…
Thể theo nguyện vọng mong muốn thống nhất của dân chúng. Tĩnh vương đã xoá đi cái phân giới chia cắt đất nước tồn tại hơn 200 năm, do các chúa Nguyễn đã đắp luỹ xây thành cát cứ vùng đất Thuận Quảng “ Đem đất nước thu về một mối” như lời Ngô Thì Sĩ, hay thơ của Phan Huy ích “Bản đồ đất nước trở lại hợp làm một”
Triều đình bàn khen thưởng cho tướng lĩnh quân quan có công trong việc thu phục Thuận Quảng, Mọi người đều được thăng chức tước theo thứ bậc. Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc trên đường về kinh bị ốm chết, Tĩnh vương khóc mãi không thôi, nghĩ chầu 3 ngày sai quan quân đem 5 thuyền đến hộ tống về quê an táng trọng thể. Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, Thiều quận công Phạm Huy Đỉnh Hiệp trấn Thuận Quảng ốm nặng về quê chữa bệnh nay cũng mất được truy phong làm Trung đẳng phúc thần…
Nghĩ đến công lao các tướng sĩ vất vả khó nhọc, Tĩnh vương làm bài văn Nôm phái người đem vào Phú Xuân tuyên dụ và khao thưởng. Tưởng nhớ các binh sĩ tử trận Tĩnh vương làm bài văn tế, lại cho thu hài cốt từng người mang về an táng tại quê hương. Để hương hồn các liệt sĩ siêu thoát Tĩnh vương cho lập đàn tế độ mời các nhà sư đến làm lễ minh độ ở chùa Sương Long. Tĩnh vương thân đọc tờ sớ cầu Phật độ cho hương hồn tử sĩ, có câu: Tưởng nhớ ai vâng mệnh ra quân mẻ rìu gãy búa, chịu khó chịu khổ. Chợt nghĩ lại sự tình chua sót, vợ goá con côi, nhận lỗi ai ngơ cho chúa. Rồi truyền chỉ: Truy tặng cho tướng sĩ chết trận và nhiêu ấm cho con đẻ hoặc thân thuộc của tử sĩ mỗi người một xuất. (ĐVSKTB tr413)
Khi Tĩnh vương trên thuyền xông pha dưới làn mưa gió vào chiến trường, nói với tả hữu rằng: Gió mưa như thế, chư quân lặn lội gian khổ. Ta vô cùng thương xót. Rồi ngự chế bài thơ:
Đêm về đường biển cách vời
Mưa xuân, nước biển, khí trời tái tê!
Rượu ngon thúc mũi tên phi
Sóng to kích động người đi cứu đời!
Trường chinh nay cuối đông rồi
Dục mau cánh nhạn xa xôi dặm trường!
Ngoái nhìn chiến sĩ xót thương
Động lòng trắc ẩn khôn lường tâm can.
(Hồng Phi dịch thơ)
Nghĩ đến việc thu hôì Thuận Quảng đất nứơc thu về một mối, vua và các triều thần mấy lần xin dâng mỹ tự tiến tôn. Tĩnh vương đều tâu xin thôi: Có những câu chữ khiêm cung rất mực: Nghiêu Thuấn là bậc chí thánh đời xưa, xưng tên chỉ gọi là Nghiêu Thuấn mà thôi. Vừa rồi nhân thời cơ tốt thu lại được đất cũ. Tướng sĩ khó nhọc công to chưa đền, mà ta vội nhận danh hiệu đẹp, lòng ta sao yên? Người xưa đã dạy: Quý sự thực, Ghét tiếng hảo.
Hoặc: Việc bình định miền Nam này , trên nhờ sự thiêng liêng của liệt thánh, dưới nhờ sức tướng sĩ. Há đâu dám nhận là mình có mưu lược. Nay nếu vâng lời vua ngợi khen công trạng thì làm sao xứng đáng. (ĐVSKTB tr313)
Trong sách Bình Nam thực lục do Ngô Thì Sĩ chỉnh lý, Hồng Phi dịch có câu: Bàn về việc Nam chinh lúc đầu đình thần phần lớn dều cho Thượng (Tĩnh Vương) là bậc Siêu nhân tuyệt thế Cứng rắn quyết đoán. Mỗi việc (Hoàng Ngũ Phúc) đều có khải văn.(Tĩnh vương) đều viết thư chỉ dẫn. Không việc gì là không phù hợp. Tất cả đều đúng thứ tự. Tất cả đều thu được thành công tốt đep. Mang lại chiến thắng rực rỡ.
Lê Quý Đôn viết: Đoan quốc công là công thần của vua, là cậu của chúa, kiêm lĩnh Thuận Quảng hơn 40 năm, công lao khó nhọc thực như phên dậu cuả nhà nước. Nhưng xa giá bao lần đi đánh cõi Nam. Quân Thuận Hoá ra kháng cự thì quan quân chỉ đánh qua loa rồi rút về ngay, đưa thư để dụ. Thế là vốn muốn chiêu dụ cưu mang, không muốn trừ diệt. Thuỵ quận công Nguyễn Phúc Nguyên chống mệnh triều đình, đắp luỹ dài trên núi Đồng Hới dưới đến cửa Nhật Lệ, cao một trượng 5 thước, voi ngựa đi suốt ở trên được. Luỹ này giăng dài ước 30 dặm, cứ cách 5 trượng hoặc 3 trượng lại lập một pháo đài, trên đặt một khẩu súng cự môn, ngoài ra cứ mỗi trượng lại đặt một khẩu súng trụ kèm một khẩu súng tay. Các hạng súng đạn chứa chất như núi. Cửa Nhật Lệ cùng cửa Minh Linh đều bủa lưới xích sắt chắn ngang. Tự cho là thành đồng hào nước sôi, con cháu có thể giữ yên muôn đời được. Thế mà một sớm quân nhà vua vào đánh thì chạy tan không chống, luỹ mở không giữ. Thừa thắng đánh trống mà đi thẳng đến Phú Xuân. Tuy rằng chia hợp thịnh suy là do số trời, mà câu nói của Mạnh Tử Địa lợi bất như nhân hoà” cũng đáng tin lắm. (Phủ biên tạp lục tr102, 103)
Ngô Thì Sĩ viết: Thuận Quảng là biên thuỳ phía Nam của nhà nước. Buổi đầu thời Trung Hưng họ Nguyễn là người huân thích, được giao giữ việc quân việc phú. Về sau lần lần không chịu giữ chức cống, trãi nhiều triều đều gác để ra ngoài… Mùa đông năm Giáp Ngọ vâng thánh thượng (Trịnh Sâm) quyết ý dẹp bằng, (Tĩnh vương) tự làm tướng ra quân, một tiếng trống mà lấy được thành, thu lại được đất chìm đắm, đem (đất nước) trở về một mối…(Phủ biên tạp lục)
Phan Huy ích có thơ:
Hình thắng châu Lý châu Ô lần này bao gồm
Người anh hùng mở mang bờ cõi đến chân trời
Bản đồ đất nước trở lại hợp làm một.
(Dật thi lược toản, tr60)
(Hơn 200 năm sử nhà Nguyễn, nhiều điều viết về thời Lê Trịnh không căn cứ vào sử liệu gốc (Năm 1838 vua Minh Mệnh đã ra đạo dụ tiêu huỷ cấm lưu hành bộ Đại Việt sử ký – Bản kỷ tục biên viết từ năm 1676- 1789, trong đó có thời Tĩnh vương) Rồi viết lại theo ý của họ – đánh đồng kẻ chia cắt, cát cứ, phản loạn với người thu phục thống nhất đất nước. Gần đây đã có chút ít thay đổi, nhưng vẫn còn nhiều người chưa đọc kỹ, nghĩ sâu, vẫn theo lối mòn cũ, lấy nay bình xưa, có khi xấu tốt lẫn lộn, phải trái không minh, xuyên tạc bôi nhọ, sai lệch sự thật, làm nhiều người đọc hiểu sai, nói sai theo! Đánh giá Tĩnh vương theo hướng ngược lại! Viết sai sự thực với bất cứ lý do gì, đều là không tôn trọng tiền nhân – là người không những đã bảo vệ giữ gìn mà còn góp phần mở rộng đất nước toàn vẹn chữ S cho chúng ta có cuộc sống như ngày nay.)
Khi được tin chiến thắng Phú Xuân người thường rất đỗi tự hào, Tĩnh vương lại nghĩ đến việc dùng người. Nói với các triều thần rằng: Thấy cảnh loạn lạc mất mát của họ Nguyễn mà giật mình kinh sợ, việc dùng người không thể xem thường được. Thành vàng ao nóng sao đủ cậy dựa. Qua câu nói trên ta có thể cảm nhận được phần nào bản chất khiêm cung và coi trọng yếu tố con người. Dù vưà làm nên một chiến thắng lớn qua 5 đời chúa, hơn 180 năm mới thu hồi lại đất Thuận Quảng – đem non sông đất nước về một mối, mở ra công cuộc thống mhất đất nước. Tĩnh vương không những chẳng tự hào mà còn lo nghĩ đến việc dùng người. Thành luỹ vững chắc do Đào Duy Từ xây đắp vẫn còn đó, vũ khí phương Tây trang bị vẫn còn đây, ý đồ cát cứ chia cắt đất nước của chúa Nguyễn chưa hết, chỉ lòng người không còn mới dẫn đến thất bại! Với nhận thức con người là yếu tố chính gây nên cảnh: Thịnh, Suy, Được, Mất. Luôn nghĩ đến người hiền tài, mới là chỗ dựa vững chắc để bảo vệ và xây dựng đất nước.
B. Người chấp chính khôn ngoan sáng suốt
Chấn chỉnh triều đình làm rạng rỡ chính thể.
Mới lên ngôi Vương đã thân mở khoa thi tuyển chọn nhân tài vào bộ máy chính phủ. Các đại thần văn võ trong triều đình và các quan trong chính phủ dù đang giữ chức vụ gì, đã đỗ Tiến sĩ hoặc Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) đều phải dự kỳ thi tuyển để chọn người làm việc trong bộ máy nhà nước. Tham tụng Nguyễn Nghiễm làm khảo quan, lấy đỗ được 12 người – Lê Quý Đôn đỗ đầu. Đối với quan chức ngoài các trấn, Tĩnh Vương trực tiếp khảo hạch từng người. Quan chức ở các bộ từ nay chỉ lấy những người không chỉ có tư cách mà lời nói việc làm cũng phải xứng đáng, sau khi bộ Lại chọn phải trình chính phủ xét duyệt lại, thực tài mới cho nhậm chức.
Chọn nhân tài, không kể thời gian lâu hay mau, công lao nhiều hay ít, đã làm quan hay chưa. Các quan trấn ty lựa chọn người tài giỏi trong trấn dâng lên. Chính phủ cho yết kiến đối đáp trực tiếp, nếu thấy thực tài thì lập tức cất nhắc vào các chức Thiêm phó, Tham nghị, Hiến phó. Còn người bậc thứ thì đưa sang bộ Lại bổ đi làm việc ở bộ, phủ, huyện, gọi là Văn tuyển. Quan võ thì chọn những người có phương lược, tài nghệ, phẩm cách cho dự thi tuyển, người đứng đầu thì bổ ngay, người bậc thứ thì cho đợi dùng, gọi là Võ tuyển.
Không chỉ quan tâm các quan chức cấp cao mà cả chức huyện lệnh cũng định phép tuyển bổ, phúc duyệt cẩn thận: Khi xét tuyển quan phủ, châu, huyện trước hết xem việc Xử kiện phải hay trái, dân tình yêu hay ghét, mà xét đoán. Tĩnh Vương dụ: Chức huyện lệnh chọn được người khá, tệ xấu có thể đổi, chính đạo có thể thành được. Chỉ dụ trong nước ai có tài lược văn võ hơn hẳn người thường chịu ra ứng cử, sẽ sai người đem lễ đến mời.
Tĩnh Vương rất trọng người thực tài đức độ, mới cầm quyền đã phục chức Hàn lâm thị thư Dĩnh thành bá cho Lê Quý Đôn, lại cử làm Tán lý cùng các tướng đi đánh dẹp Trấn Ninh, rồi cử thay chức Thiêm tri Binh Phiên của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm. Sau lại phong chức Thiêm đô ngự sử, Bồi tụng…trong chính phủ. Năm 1774 Ngô Thì Sĩ bị vướng vào vụ thi Hương ở Nghệ An, phải cách chức. Tĩnh vương đi tuần phương Nam đọc được những thơ đề vịnh của ông, không nỡ bỏ phí một bậc hiền tài, mở đường cho họ Ngô trở lại chính trường. Vương đem tập Bình Nam nhật lịch giao cho ông chỉnh lý, việc làm có kết quả. Năm 1775 chính thức phục laị chức tước cho Ngô Thĩ Sĩ, lúc đầu giao làm chức Hiệu lý trong toà Hàn lâm, sau thăng Thiêm đô ngự sử, Hiệu chính quốc sử, Đốc Đồng Lạng Sơn. Tiếng tăm họ Ngô ở xứ Lạng và dòng văn phái Ngô gia, còn lưu truyền mãi.
Tĩnh Vương rất chú trong tài năng trẻ. Tiêu biểu như Ninh Tốn, khi Tĩnh Vương thăm phong cảnh Sơn Nam qua núi Lôi Sơn thấy đề mấy câu thơ:
Hoa cỏ đều nay trước
Sông núi tự bận nhàn.
Tĩnh vương hỏi: Người viết thơ này là ai, ở đâu? Lê Quý Đôn tâu: Đây là thơ của Ninh Tốn, người Côi Trì đỗ Hương cống tuổi mới 20, không đi làm quan ở nhà dạy học. Tĩnh vương cho người đến mời ra, cho cùng đi. Sau làm đến Thiêm tri Công Phiên, Thiêm tri Binh Phiên, Toản tu quốc sử, Toản tu quốc luật, Đông các Đại học sĩ, Hữu thị lang bộ Hình.
Năm 1770 khi chức Tham nghị và Hiến phó Thanh Hoa và Hảỉ Dương bị khuyết, triều đình bảo cử người thi đỗ nhiều kỳ và số năm làm việc lâu, có thành tích lên thay. Tĩnh Vương thấy cần thay đổi quan niệm, không nên câu nệ là đỗ nhiều hay đỗ ít, làm việc lâu năm hay còn mới, nên căn cứ vào tài năng đức độ qua các kỳ thi tuyển. Năm trước khi Tĩnh Vương vào thăm Văn Miếu Quốc tử giám có ra bài văn sách Bình định Trấn Ninh cho các giám sinh, bài của Ngô Thì Nhậm đề xuất phương châm: Tiên dị hậu nan: Chú trọng mặt thuận lợi, coi thường sự khó khăn. Xả kiên công hà, hà gỉa phá tắc kiên tự hội: Bỏ chỗ cứng đánh chỗ rạn nứt. Chỗ rạn đã vỡ thì chỗ cứng cũng tự vỡ. Liền cử Ngô Thì Nhậm làm Hiến sát Hải Dương, sau thăng đến Giám sát ngự sử Sơn Nam, Đốc đồng Kinh Bắc, Thái Nguyên, Đông các Hàn lâm hiệu thảo, lại chọn làm Tư giảng cho Thế tử Trịnh Tông. Trọng dụng các bậc quốc lão hiền tài, tiêu biểu như: Nguyễn Nghiễm (thân sinh ra Nguyễn Khản, Nguyễn Du) làm quan trãi 3 triều vua 2 đời chúa, đứng đầu chính phủ – giữ chức Tham tụng (Tể tướng). Năm 60 tuổi xin về trí sĩ, phong Thái tể, Đại tư đồ, Tĩnh Vương lưu luyến tặng thơ:
Tuổi lão thành trãi mấy triều có danh vọng
Ngựa xe phơi phới như tiên trên cõi đời
Ông về nhà chưa đầy 3 tháng, lại mời ra giữ chức Thượng thư bộ Hộ kiêm Tham tụng. Bồi tụng kiêm Đô ngự sử Nguyễn Bá Lân một bậc cố lão là người thông thạo pháp điển, trước từng giữ chức Tả chấp pháp nổi tiếng trong sạch, khi xin về trí sĩ, Tĩnh Vương nói với ông rằng: Ngươi dẫu già sức còn làm việc được, ta đang chọn người có thể thay thế. Nay dẫu từ nhiệm, nhưng nên lưu lại ở kinh đô để cho ta hỏi các công việc.
Thượng thư bộ Công, Đô ngự sử, Tham tụng Nguyễn Hoàn đén tuổi xin về trí sĩ. Tĩnh Vương thấy ông là bậc kỳ lão lưu luyến phê rằng: Tạm hứa cẩm toàn trùng đăng hoàng các – Tạm cho mặc áo gấm về làng, rồi laị ra làm Tể tướng. Thượng thư bộ Hình Lê Phú Thứ (thân sinh Lê Quý Đôn) nổi tiếng thẳng thắn dám nói, lấy việc can ngăn làm trách nhiệm của mình, đã về trí sĩ lại được Tĩnh Vương vời ra giao nhiều trọng trách trong triều ngoài nội. Đến năm 80 tuổi khẩn khoản xin cáo lão, Tĩnh Vương luyến tiếc cho về phong tước Diễn phái hầu, tự tay chúa viết tặng bốn đại tự: Đặc huệ bảo ân – Ơn huệ đặc biệt, lại ban cho câu đối:
Xuân mị bát tuần thiên hạ lão
Cẩm toàn lưỡng độ thế gian tiên
Nghĩa là: Xuân vui tám chục ông già thiên hạ. Trí sĩ hai lần vị tiên thế gian.
Cho hễ có việc gì cần góp ý hoặc can ngăn cứ dâng lên.
Đại tư đồ Chưởng phụ sự Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc xin về trí sĩ, Tĩnh Vương cho là bậc huân cựu có công lao, ban hiệu Quốc lão, gia phong 2 chữ CÔNG THầN, sự ân sủng so với bề tôi khác có phần hơn. Việp quận công tuy đã hưu trí nhưng chưa kịp về nhà nghe tin Thuận Quảng có giặc, Tĩnh Vương lại đặc phái ông làm Bình Nam Thượng tướng quân, thống suất tướng sĩ tiến vào Thuận Quảng.
Tĩnh Vương thường dụ: Điều mà các bậc đế vương ngày xưa dùng để nắm được nhân tâm chỉnh đốn phong tục là đạo và pháp. Nên các quan trong chính phủ phải gương mẫu tiêu biểu cho dân noi theo. Bản thân Tĩnh Vương rất quan tâm đến đời sống dân chúng, ra lệnh dụ cấm chỉ việc vô cớ bắt bớ quấy nhiểu dân chúng. Mỗi khi trời mưa nắng thất thường, gây hạn hán bão lụt, mất mùa đói kém, Tĩnh Vương đều tự thân xem xét chính sự có gì sai trái, dân tình có nơi nào bị oan ức, bớt ăn, bỏ âm nhạc, tự thân mật đảo ở lầu Kính Thiên, lại sai ba ty các lộ làm lễ cầu mưa. Sáng hôm sau mưa to. Triều thần vào mừng. Tĩnh Vương dụ rằng: Trời làm đại hạn, để răn bảo, ý giả chính sự có thiếu sót, ta ngày đêm lo sợ, không biết làm thế nào. Nhận lỗi tự trách mình để cầu phúc. Nay trời mưa to là trời giúp dân. ta có đức gì mà được hoà khí ấy. Ta còn đang tu tĩnh để đáp lòng trời. Vậy chớ mừng ta. Lại ra hiểu thị cầu lời nói thẳng, có đoạn: Chăm lời nói gần hỏi cả đến người hái củi cắt cỏ.
Thánh vương đời xưa hỏi han rộng là để hiểu tình dân mà biết đạo trị nước. Ta kính vâng nghiệp lớn, nối theo mưu xưa, sớm trưa chăm chăm nghiên cứu việc trị nước, chỉ mong dưới yên lòng dân, trên hợp ý trời nhưng gần đây chưa được hoà khí, đến vụ cấy chiêm trời laị không mưa. Cớ sao lại thế lỗi ấy chưa rõ. Sớm tối sợ haĩ chưa lúc nào nguôi. Hoặc chính sự sai sót chưa được sữa chữa. Hình ngục chưa xét kỹ, thưởng phạt chưa công bằng, ơn trạch chưa xuống đến dân, hay tình dân chưa thấu lên trên. Phạm đến hoà khí. Nay muốn mở rộng tầm nghe thu lấy nhiều điều nói thẳng để sửa chữa những chỗ ta chưa kịp nghĩ đến. Thần dân trong ngoài hãy đều nói hết ý kiến. Những điều quan hệ đến chính sự của triều đình, tình hình u uẩn của dân, cho làm thư phong kín đưa lên, đều nói cho hết, chớ nên kiêng tránh. Nói mà dùng được thì ta liệu tính thi hành, không tiếc khen thưởng.
Tĩnh Vương còn viết nhiều câu đối treo nơi làm việc ở phủ đường để tự răn mình:
Thiềm thượng hữu thanh thiên, thiên thị thính tự dân thị thính.
Thành trung giải xích tử, tử cơ hàn diệc ngã cơ hàn.
(Thềm một cõi trời xanh, trời nghe thấy là dân nghe thấy. Thành bên trong con đỏ (dân chúng), con cơ hàn ta cũng cơ hàn. (Ngô Văn Phú dịch)
Theo Lâm Giang, Viện Hán Nôm: Ngô Thi Nhậm còn ghi chép được 42 câu đối của Tĩnh Vương ở nơi làm việc nghĩ ngơi trong phủ đường, trong đó câu:
Học yên tân hựu tân, quân tử cập thi tu đức nghiệp
Chính giả chính bất chính, vương thần cư tác thủ di chương.
Nghĩa: Học sao đã mới laị càng mới, người quân tử phải kịp thời tu rèn đức nghiệp. Chính là sửa ở chỗ không thẳng, làm cho thẳng, đấng vương thần ăn ở, việc làm nên giữ phép thường.
Cổ vũ thực hành đổi mới chính sự: Giảm bớt quan chức, bỏ bớt sưu thuế. Cấm sách nhiểu, lạm dụng, ức hiếp, cấm chỉ hà khắc bạo ngược. Trừng trị tệ tham quan hối lộ, bất kỳ đó là thân thích nhà vua hay bên ngoại nhà chúa, kể cả các công thần tướng lĩnh đều dùng luật nghiêm trị không dung tha. Tĩnh Vương khuyến khích người thanh liêm chính trực, biết Lê Quý Đôn nhiều lần nộp tiền hối lộ vào công quỹ Tĩnh Vương cử ông giữ chức Hành đô ngự sử, cử đi thanh tra các nơi có nạn hối lộ tham nhũng và ban cho 4 chữ thiên thực cương trực – Trời vun đắp sự cương trực. (Xem thêm sách Thịnh Vương Trịnh Sâm tr 42- 56). Không phải ngẫu nhiên mà trong Đêm hội Long Trì nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tả đoạn Tĩnh Vương xử tướng Nguyễn Mại có đoạn: Nghe ngoài phủ tiếng reo ầm ầm: Quan Hộ (Nguyễn Mại) được tha, quan gia (Tĩnh Vương) muôn tuổi! Tiếng reo vang lừng mênh mang như sóng. Có điều lạ là đọc nguyên bản Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng khác hẳn với bộ phim cùng tên- nguyên bản ca ngợi, còn phim ngược lại!
Tĩnh Vương từng nhắc câu của người xưa: Được người là thịnh vượng. Nên rất chú trọng việc dùng người: Trọng dụng các bậc quốc lão hiền tài như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Đức Vĩ, Trần Danh Lâm, Nguyễn Hoàn, Trần Tiến, Lê Phú Thứ… Tin dùng trí thức học rộng đỗ cao thanh liêm chính trực như Vũ Miên, Lê Quý Đôn, Ngô Thì sĩ, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Khản, Phan Huy Cận… Mạnh dạn sử dụng tài năng trẻ như Ngô Thì Nhậm, Phan Lê phiên, Phạm Nguyễn Du, Phạm Quý Thích (bạn thân Nguyễn Du), Ninh Tốn, Nguyễn Gia Thiều, Phan Huy ích (rể Ngô Thì Sĩ). Tạo lập nên một chính phủ trí thức học rộng đỗ cao, văn võ song toàn, điều hành chính sự quốc gia, đưa đất nước thu về một mối, xã hội thịnh trị, dân chúng yên bình.
C. Nhà văn hoá lỗi lạc tài hoa
Chấn hưng văn hoá giáo dục.
Vừa lên ngôi tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Tĩnh Vương rất chú trọng việc dạy và học, đặc biệt quan tâm việc đào tạo nhân tài cho quốc gia. Thăm Quốc Tử Giám Tĩnh Vương dụ rằng: Trường học là đất nuôi dưỡng nhân tài. Từ xưa đế vương không ai không lấy đó làm việc đầu tiên. Nước nhà ta các bậc vua thánh nối tiếp nhau, phép giáo dục rất đầy đủ, chọn người hiền, cất nhắc người đức hạnh, được khá nhiều. Nay nên nghĩ cách thay đổi, khen thưởng nuôi dưỡng sao cho thành tựu để thu lấy công hiệu là nhân tài.
Trước hết phải chấn chỉnh người đứng đầu trường Giám. Năm Đinh Hợi [1767] cử Tham tụng Nguyễn Nghiễm làm Tri Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng), Bồi tụng Vũ Miên kiêm Tế tửu (phụ trách giảng dạy), Hàn lâm thị thư, Thiêm sai tri binh phiên Lê Quý Đôn, Tri Hộ phiên Phan Lê Phiên làm Tư nghiệp (giảng dạy). Trong khi giảng dạy hễ phát hiện được nhân tài cho phép tâu lên sẽ cất dùng ngay không câu nệ cũ mới, không cần theo thứ tự trước sau. Năm Mậu Tý [1769] chúa thân đến nhà Thái học ra bài văn sách trực tiếp khảo hạch tìm kiếm nhân tài.
Năm Mậu Tuất [1778] sau khi xem xét việc dạy và học Vương nói với các quan trong chính phủ rằng: Việc học cốt ở thực dụng, những kẻ học giả vẫn quen thói cũ… Hạ lệnh cho quan Quốc Tử Giám và quan Đề đốc học chính các xứ trước hết hãy dạy sĩ nhân có đức hạnh thực tế rồi sau mới đến văn từ… Hàng ngày giảng dạy phải phân tích nghĩa lý, không chỉ dừng lại ở việc xem xét lời văn mà chủ yếu là biết đem hết tâm sức đặt vào sự nghiệp.
Một điều đặc biệt về cải cách học hành thi cử thời này mà từ xưa tới nay và cả về sau, dưới các triều đại vua chúa nước ta kể cả ở những triều đại vua chúa các nước phong kiến khác, không dám động tới thì Tĩnh Vương đã vượt qua ý thức hệ phong kiến, dám xoá bỏ cả luật lệ Kỵ huý là một việc làm có một không hai trọng lịch sử học hành thi cử thời xưa: Cho phép quan trường bắt đầu từ khoa Kỷ Sửu [1769] – khoa thi Hội đầu tiên thời Tĩnh Vương, được phép bỏ các điều kiêng kỵ trong thi cử. Trong đó có việc bỏ cả kiêng kỵ tên huý của vua và chúa. Khoa này Tĩnh Vương cử Lê Quý Đôn làm giám khảo ra đề thi có câu: Dĩ quân đức nhật tân. Đồ giang dư lương – hai đề đều có tên vua Lê và chúa Trịnh. Các sĩ tử từ nay sẽ không do sơ xuất mà hỏng oan, không vì vô tình phạm huý mà mắc tội. Nên khi chính lệnh ban ra ai nấy đều khôn xiết mừng rỡ.
Tĩnh Vương ở ngôi 15 năm mở 7 khoa thi, trong đó có một Thịnh khoa, tính ra chỉ hơn hai năm đã có một khoa thi Hội – dày nhất trong lịch sử thi cử, lấy đỗ 66 vị. Những khoa này chọn được nhiều nhân tài tiêu biểu như Hoàng giáp Bùi Huy Bích là vị Tể tướng một lòng trung trinh với vua Lê chúa Trịnh – Cô trung quyết giữ đến cùng – từng chèo lái con thuyền Lê Trịnh mấy năm cuối cùng. Ông còn là nhà văn học, sử học danh tiếng, để lại nhiều tác phẩm quý giá. Nguyễn Huy Trạc một lòng son sắt trọn vẹn thà chết không chịu ký vào tờ biểu cho họ khác lên ngôi. Ngô Duy Viên từng giữ chức Bồi tụng. Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống từng làm Phó sứ sang nhà Thanh, Quyền phủ sự, Đồng tham tụng. Trần Công Xán từng giữ chức Hình bộ Thượng thư, biết là có thể bị hại vẫn tự nguyện xin đi gặp Nguyễn Huệ đưa quốc thư đòi trả laị đất Nghệ An, do đối đáp thẳng thắn bị tống giam, dụ đỗ mua chuộc không được, khi trở về bị đắm thuyền chết! Ngô Thì Nhậm là người nổi tiếng văn thơ, ngay từ khi còn học ở trường Giám bài thi của ông đã đựơc Tĩnh Vương đế ý. Có lẽ ông là người trẻ tuổi đầu tiên được bổ chức quan đầu trấn – Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên, Đông các hiệu thư, Tư giảng cho Vương tử Trịnh Tông… Ông là nhà văn hoá tư tưởng lớn, có nhiều tác phẩm uyên thâm, trong đó có Cần bộc chi ngôn luận về giáo, pháp, chính dâng lên Tĩnh Vương. Phan Huy ích từng giữ chức Tham chính Sơn Nam để laị nhiều tác phẩm danh tiếng trong đó có bản dịch Chinh phụ ngâm hay nhất. Nguyễn Thế Lịch từng giữ chức Tri binh phiên, về sau ông chuyên nghiên cứu y học viết nhiều tác phẩm y học có giá trị. Ninh Tốn từng giữ chức Tri binh phiên kiêm Toản tu Quốc sử, Quốc luật, Đông các đại học sĩ, Bồi tụng, thường được tháp tùng Tĩnh Vương đi tuần du thăm thú sáng tác nhiền thơ ca về các cuộc tuần du và cảnh trí thiên nhiên trong Chuyết sơn thi tập. Ông xác định đạo đức văn chương là vốn quý:
Đạo đức văn chương là vốn quý,
Phồn hoa danh lợi thoáng đồng chinh.
Chỉ một Thịnh khoa mở thêm năm Kỷ Họi [1779] chọn được 3 nhà văn lớn: Một là Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du văn thơ danh tiếng trong đó có Nam hành ký đắc tập. Trong lời tựa có đoạn: Thần Du bất tài theo quân vào Thuận Hoá, thẹn mình ăn hại, lại thương tiếc thì giờ nên đã nhặt nhạnh những việc được thấy chép làm một tập đặt tên là Nam hành ký đắc tập gồm 4 quyển… xin phép dâng lên ngự lãm. Hai là Phạm Quý Thích là thầy dạy Nguyễn Văn Siêu, bạn với văn hào Nguyễn Du đã tổ chức khắc in và phổ biến truyện Kiều. Ông làm bài thơ đề từ cho cho truyện Kiều có đoạn:
Giai nhân nếu chẳng đến Tiền Đường,
Món nợ trăng hoa dễ đã trang.
Mặt ngọc nỡ nào vùi thuỷ phủ
Lòng băng không nỡ phụ Kim Lang.
Đoạn trường tỉnh giấc duyên vừa dứt,
Bạc mệnh ngừng dây hận vấn vương.
Nghìn thuở tài tình mang lấy lụỵ,
Vì ai khúc mới gữi bi thương.
(Gần đây trên báo đài đã có tin là thời gian Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều sớm hơn so với trước đây ta vẫn tưởng – trước thời gian Phạm Quý Thích làm bài thơ này.)
Ba là Phan Huy Ôn (Con Phan Huy Cận, em Phan huy ích) Từng giữ nhiều chức trọng trong chính phủ. Ông tự Hoà Phủ, hiệu Chi Am, có nhiều tác phẩm về sử, toán pháp, văn thơ danh tiếng.
****
Tĩnh Vương là người trọng giáo hoá nhưng rất đề cao pháp luật, dụ các quan trong chính phủ rằng: …Các ngươi ở nơi then chốt mọi việc lớn nhỏ đều có phép phải tuân theo mà làm. Chớ vì ơn oán mà thay đổi, chớ vì quyền uy hối lộ mà lừng chừng. Triều đình nghiêm túc thì thiên hạ thái bình. Cho định quy cách khám kiện trên nền tảng khoan dung và nhân đạo. Đặc biệt cho ban hành bộ luật Quốc triều khám tụng điều lệ – không chỉ là bộ luật tố tụng duy nhất trong lịch sử cổ trung đại VN mà còn là duy nhất trong lịch sử châu á đương thời. (Vũ Thị Phụng Đại học tổng hợp Hà Nôi)
Văn học nghệ thuật phát triễn rực rỡ.
Tĩnh Vương nối nghiệp chúa vào cuối thế kỷ XVIII [1767- 1782] ngoài việc dẹp yên bốn phương – đem đất nước trở về một mối (Theo lời bạt sách Phủ biên tạp lục của Ngô Thì Sĩ ) đưa xã hội đến thái bình thịnh trị, trên nền tảng: Đời thịnh đâu đâu cũng sướng vui yên ổn (Theo lời thơ của Ninh Tốn), còn dốc sức chấn hưng nền văn trị.
Văn học nghệ thuật thời này phát triễn rực rỡ, xuất hiện nhiều tên tuổi sáng chói với những tác phẩm còn vang vọng mãi cùng non sông đất nước. Bản thân người cũng rất yêu thích văn thơ, hễ mỗi khi có dịp là chúa tôi cùng nhau xướng hoạ. Cả trong giao tiếp với các phụ thần, chúa cũng dùng thơ để nhắc nhở, tiêu biểu như những vần thơ trách vui Nguyễn Khản:
Đã phạt năm đồng bỏ buổi chầu,
Lại phạt năm đồng bỏ thiếu câu.
Nhắn nhủ ông bay về nghĩ đấy,
Hãy còn phạt nữa chửa thôi đâu.
Nguyễn Khản hoạ lại:
Váng vất cho nên phải cáo chầu,
Phiên chầu còn cáo lọ phiên câu.
Trông ân phạt đến là thương đến,
ấy của nhà vua chứ của đâu.
Tĩnh Vương từ nhỏ đã có tiếng giỏi thơ hay chữ, làm thơ từ năm 14 tuổi – đã cùng Ngô Thì Sĩ đối đáp. Đựơc biên soạn thành bộ Tâm thanh tồn duỵ tập – Tiếng cõi lòng gìn giữ và luyện tập. (gồm 4 quyển, thơ chữ Hán và chữ Nôm). Trong lời tựa tập thơ này Tĩnh Vương thổ lộ: Nhân đọc bài tựa truyện Kinh Thi của Chu Tử, có nói: Thơ là do cảm xúc trong lòng người ta mà thành ra lời nói. Lòng cảm xúc có tà có chính, nên thành ra lời nói có có phải có trái, bấy giờ ta mới biết được mấu chốt của việc học Kinh Thi. Phàm thơ là để nói chí mình, ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ. Cho nên 300 thiên Kinh Thi, một lời có thể bao trùm hết: Nghĩ Không thiên lệch. Thơ là một thứ tâm học thôi. Từ đấy ta hết lòng suy nghĩ hàng ngày đem những lời dạy về tâm của thánh hiền đời trước suy đi xét laị kỹ càng, để ngăn lòng tà, giữ lòng thành, sửa mình theo lễ để vun trồng lấy cái gốc… Ta chỉ sợ rằng nhân ngày nay được phóng túng mà quên lãng sự giữ gìn tâm chí khi xưa, cho nên mới đem các bài thơ của ta đã làm từ năm Kỷ Sửu về trước sửa chữa rồi xếp theo thứ tự biên thành bộ Tâm Thanh tồn duỵ tập…
Những tác phẩm của Tĩnh Vương trong tìm hiểu kho sách Hán Nôm do nhà sử học Trần Văn Giáp biên soạn có:
– Tâm thanh tồn duỵ tập.
– Nam tuần ký trình thi.
– Tây tuần ký trình thi.
– Bình Hưng thực lục.
– Bình Ninh thực lục.
– Bình Nam thực lục.
– Danh từ thực lục.
– Nam trung nhật lịch…
Thơ Tĩnh Vương được các tác giả thời trước như Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Tố, Trịnh Như Tâú, giới thiệu một số bài, nhà giáo Dương Quảng Hàm giới thiệu nhiều tác phẩm của Tĩnh Vương và chọn những bài thơ Nôm để giảng dạy cho bậc trung học trước năm 1945. Gần đây chùm thơ Thăm động Hương Tích được nhà thơ Xuân Diệu giới thiệu và ca ngợi. Nhà báo Trương thị Kim Dung có bài Chúa Trịnh Sâm một hồn thơ sông núi… Năm 2000 các nhà Hán Nôm xứ Thanh đã phát hiện nhiều di cảo của tiền nhân, trong đó có nhiều bút tích – Thư và Thơ – của Tĩnh Vương với bút danh là Nhật Nam nguyên chủ khắc trên hang động vách đá. Các bút tích này được sắp xếp, chỉnh lý, giới thiệu, dịch, phiên âm và chú giải trong sách Những bút tích Hán Nôm hiện còn ở các hang động xứ Thanh. Với những bút tích sưu tầm được cho đến nay, có lẽ Tĩnh Vương là một trong những người có nhiều rhơ trên đá – được ca ngợi là Vị chúa thạch thi.
Dưới đây xin trích một đoạn về thơ trong bộ sách Chúa Trịnh qua những áng thơ văn, tập Thịnh Vương Trịnh Sâm:
Nhân ghé thăm núi Vân Nham vách đá xanh biếc cao ngất, trong động màu sắc lóng lánh như vàng ngọc, trông ra cửa bể Bạch Câu, Nhật Nam nguyên chủ đề thơ:
Cảnh trí xinh thay đúc một bầu!
Núi xanh như phẩm, nước như dầu!
Hàng mây bóng hạc rêu phong lớp,
Mặt nước đàn chim sóng gợn màu.
Đọc tiếp câu:
Chân đá chú tiều leo bụi hẻm,
Đầu ghềnh chiếc bách vượt dòng sâu.
Câu thơ có các vế đối tuyệt vời, bỗng nhớ tới câu:
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Của bà huyện Thanh Quan ở thế kỷ sau.
(Nhân viết về thơ của Tĩnh Vương, tôi lại nhớ tới hình ảnh ông đồ già ngồi viết chữ ở chùa Hương. Khoảng năm 1980 trên đường vào động Tuyết Sơn, ở quảng giữa có cái quán bán nước, bên trong một cụ già ngồi viết thơ và chữ nho cho khách qua đường. Vui miệng tôi hỏi chuyện về thu nhập, cụ nói: Thú thật với anh bao năm nay tôi sống nhờ vào thơ của chúa.) Thế mà không hiểu vì sao trong các sách về văn học như Tổng tập văn học VN, Tự điển văn học hoặc trong sách giáo khoa người ta không hề nhắc đến những áng thơ văn tuyệt tác này?
Tĩnh Vương còn là nhà Thư pháp tài hoa, có hàng trăm đại tự khắc trên vách đá trong hang động, hoặc ban cho các công thần. Nghe các cụ nói: Chữ Thần trên núi Thần Phù mỗi nét to như cái đòn xóc, phải chăng đây là đại tự khắc trên đá to nhất? Theo nhà thơ Ngô Ngọc Linh Trịnh Sâm còn là người rất sành âm nhạc. Chúa tự mình sáng tác các bài Thổng (Thổng là thể đọc thơ của ca trù) bằng chữ Nôm theo thể lục bát để hát tiếp theo các bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán…Các bài Thổng của Trịnh Sâm làm cho các bài thơ Thiên Thai của Tống Cung, Thanh bình điệu của Lý Bạch thành những bài thơ Nôm rất điêu luyện. Dưới đây xin giới thiệu một điệu Thổng do Trịnh Sâm sáng tác để hát nối theo thơ Thất ngôn bát cú:
Cỏ cây chẳng chút bụi trần,
Lối vào không biết rằng gần hay xa.
Xinh thay hỡi thú yên hà,
Nguồn đào ướm hỏi ai là chủ nhân…
( Theo Ngô Văn Phú)
(Những năm gần đây ca trù bắt đầu được khôi phục ở nhiều địa phương. Nhà nước đang đề nghị quốc tế công nhận ca trù là văn hoá phi vật thể của nhân loại)
_____________
1.Có sách ngày nay viết chùa Kim Liên xây dựng vào thời sau, nhưng theo Tang thương ngẫu lục Nguyễn án và Phạm Hổ viết: Mùa thu năm Đinh Tỵ [1797] Nguyễn Thạch Hiên, Nguyễn Kính Phủ (Nguyễn án, Hoàng Hy Đỗ) đến chơi chùa Kim Liên ở làng Nghi Tàm . Chùa xây lưng ra sông Nhị Hà , Hồ Tây diễu qua trước mặt khói sóng man mác, trời nước một màu. Lớp trong lớp ngoài đều 5 gian (y như kiến trúc còn laị hiện nay) Trong năm Cảnh Hưng lấy gỗ ở chùa Quán Sứ mà dựng nên làm rất tỉ mỉ và kiên cố. Đàng hậu đường có một pho tượng đội mũ cầm hốt và mặc áo vân lĩnh, hai chân đứng không, mày râu như vẽ tryền rằng đó là ngự dung của chúa UY Vương (Thuận Vương Trịnh Giang).
Bia đá chùa dựng năm 1769- 1780 (thời Tĩnh Vương Trịnh Sâm) cho biết: Năm 1771 Tĩnh Vương Trịnh Sâm cho lấy vật liệu chùa Bảo Lâm sang chùa Đại Bi dựng lại rồi đổi tên là Kim Liên. (sách Hà Nội địa chỉ du lịch và Sáng giá chùa xưa)
Một điều đặc biệt nũa là chùa Kim Liên có cổng Tam Quan độc nhất vô nhị, được kiến trúc theo mẫu cổng phủ chúa (tương truyền do Nguyễn Gia Thiều thiết kế)
Về kiến trúc năm Mậu tý [1768] Tĩnh vương cho trùng tu quán Trấn Vũ. Năm Tân Mão [1771] cho sửa sang nhà Thái học, mở rộng Quốc tử giám, lập bia hạ mã. Năm Bính thân [1776] xây cung phía Nam trong phủ chúa – Nam cung- nơi chúa và các phụ thần bàn việc cơ mật. Tĩnh vương còn cho xây dựng laị nhiều chùa chiền như chùa Kim Liên1, chùa Tiên Tích… Năm 1776 sau khi thu phục Thuận Quảng sắc phong mỹ thuỵ cho các đền thờ thần ở Thuận Hoá: Thượng đẳng thần 41vị, Trung đẳng thần 11 vị, Hạ đẳng thần 11 vị, cho sửa sang và tứ thời cúng tế theo Quốc lễ.
Dưới con mắt các nhà bảo tàng cổ vật, Tĩnh Vương còn để lại một dòng sứ xanh trắng danh tiếng, trên nhiều sản phẩm được ché tác và trang trí hình hoạ theo ý và thơ của người. Dòng đồ sứ trên do phủ chúa Trịnh đặt bên Trung Quốc chế tạo (theo mẫu), là dòng đồ sứ cổ quý và sang trọng nhất. (Học giả Vương Hồng Sển)
Theo sử sách xưa Tĩnh Vương nhân ngày rằm hoặc lễ tết thường tổ chức nhiều cuộc vui chơi cho các văn nhân đối đáp thơ phú, các lẽ hội hoá trang, thả thuyền trên hồ nước có núi non cây cối dưới ánh trăng thu xen lẫn ánh đèn lồng màu sắc lung linh, hát khúc ca hái sen. Tang thương ngẫu lục ca ngợi: So với cuộc đi chơi ở Nhược Gia Vũ Lăng cũng không qúa đáng.
Tĩnh Vương còn là người được sách báo ca ngợi là biết nâng thú uống trà lên hàng nghệ thuật ẩm thực với cách rất riêng gọi là Trà nô tửu tướng – với nghĩa muốn thưỏng thức hết cái tinh tuý củầ trà phải tự tay pha lấy – Trà Nô, khác với uống rượu có người nâng chén chúc tụng như ông tướng – Tửu tướng. Có sách đã viét: Trà nô của Việt Nam có thể sánh với Trà kinh của Trung quốc và Trà đạo của Nhật Bản. Đáng tiếc là chúng ta lại không biết nâng giá trị đó lên, có khi còn làm ngược lại!
Tĩnh vương băng hà ngày 13 tháng 9 năm Nhâm dần [1782] truy phong là Thịnh vương hiệu là Thánh tổ.
Cuộc đời và hành trạng của Tĩnh vương không sao kể xiết, chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ nói lên người điều hành chính sự anh minh, nhà quân sự quyết đoán, nhà văn hoá nghệ thuật tài hoa lỗi lạc, người chấp chính biết thương dân lo nước. Xin có mấy dòng tôn kính cũng là thắp nén tâm hương dâng lên người :
Võ công lừng lẫy, dậy trời Nam,
Sông Gianh sóng cuộn, cuốn phân tranh.
Chấn hưng văn trị, chọn hào kiệt,
Mở mang giáo hoá, kén tài danh.
Còn lo con đỏ, chưa no ấm,
Tự thân mật đảo, thấu trời xanh
Thơ phú tài hoa, giăng vách đá,
Tiếng tăm lỗi lạc, mắc trần gian.
Xin thành tâm kính cáo.
Trịnh Xuân Tiến
Tin khác đã đăng
- Bình An Vương Trịnh Tùng – vị chúa Trịnh đầu tiên 18/07/2023
- Khánh thành tượng đài Chúa Trịnh Sâm 06/11/2022
- Buổi đầu thời kỳ Lê Trung hưng và Phật giáo Trường hợp Bình An Vương Trịnh Tùng 16/10/2022
- Hậu thế nên công tâm với Chúa Trịnh Sâm 15/04/2018
- Chúa Trịnh Kiểm – Cuộc đời 13/03/2017
There are no comments yet