Các di tích lịch sử văn hóa gắn với người họ Trịnh



Có rất nhiều danh lam thắng cảnh có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, mỹ thuật gắn liền với tên tuổi, đời hoạt động và sự nghiệp nhà Trịnh:

– Nhà thờ Trịnh Khắc Phục ở làng Vân Đô – Đông Sơn – Thanh Hóa: Nhà thờ đã được xếp hạng, là di vật kỷ niệm của Chi họ Trịnh hiển đạt, có gia phả ghi chép sớm nhất (Trên 8 thế kỷ). Là chi họ ngoại của Lê Thái Tổ có nguồn gốc từ làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương nay là huyện Thọ Xuân.

– Cuốn sách đá ghi sự nghiệp Trịnh Duy Hiếu do Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn năm 1484 chữ khắc vào đá có hình quyển sách ghi chép sự nghiệp công lao của Trịnh Duy Hiếu – cháu nội quan Ngọc sơn hầu Trịnh Khắc Phục, làm quan triều Lê Thánh Tông.

– Đền thờ Thái úy Trịnh Khả ở làng Giang Đông: Dền hay còn gọi là Phủ Trịnh Khả được xây dựng từ lâu, nay đã được trùng tu và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Phủ Trịnh Khả tọa lạc trên quả đồi nhìn xuống dòng sông Mã quanh co uốn lượn đẹp và phóng khoáng. Đây là khúc sông (Kim Bôi) đã chuyên chở thi hài 3 danh nhân họ Trịnh thuộc 3 thời cách xa nhau nhưng đều chết ở đây đã được sử sách ghi chép.

– Nghè Vẹt – đền thờ Đại vương Trịnh Ra ở Bồng Thượng – Vĩnh Hùng – Thanh Hóa có từ thế kỷ thứ IX. Đền thờ có 12 tượng Vẹt tượng trưng cho 12 chúa Trịnh và 12 bài vị các chúa ở 2 bên, ở giữa là ngai thờ Đại vương Trịnh Ra. Nghè Vẹt đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

– Phủ Trịnh tức nhà thờ họ Trịnh ở làng Bồng Thượng – Vĩnh Hùng – Thanh Hóa, là nơi thờ cúng tổ tiên của con cháu họ Trịnh. Hàng năm đều tổ chức lễ hội vào ngày 18 tháng 2 âm lịch. Phủ Trịnh đã được tôn tạo nhiều lần: năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1995 sau khi được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa.

– Xứ Nanh Lợn – di tích quê tổ nhà Trịnh ở làng Sóc Sơn – Thanh Hóa. Đây là một trong những địa danh con cháu họ Trịnh đã sinh sống lâu đời từ cổ xưa, sau Chạ Kẻ Nưa. Là nơi có nhiều người họ Trịnh được sinh ra, lớn lên và chôn cất mai táng khi qua đời. Hiện mới phát hiện mộ Trịnh Kỷ đã được con cháu xây cất thành Lăng và trông nom hương khói. Mộ Trịnh Tùng cũng đang có kế hoạch xây cất… Đây còn là căn cứ chống Mạc của triều đình Lê – Trịnh đầu thế kỷ 16 xưa kia -một vùng địa linh nhân kiệt của dòng họ và của đất nước.

– Vùng văn hóa lịch sử Sóc Sơn – Biện Thượng bao gồm các làng xã Bắc và Nam sông Kim Bôi (đoạn sông chảy qua làng Kim Bôi) còn kiến trúc cổ như: Nghè Vẹt, Phủ Trịnh, đền thờ Trịnh Khả, đền thờ Hoàng Đình ái, nhà thờ Trịnh Quyện, khu di tích Trịnh Điện, Đình làng Bồng Trung nơi Tống Duy Tân tụ nghĩa chống Pháp. Đặc biệt nơi đây đã chứa đựng nhiều tác phẩm điêu khắc đá thế kỷ 17 – vùng đất đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử thời Lê Trung Hưng.

– Đền thờ thần Hợp Lang (con Vua Hùng thứ 18) có ông già họ Trịnh coi đền đã cầu Thần giúp Trưng Vương đánh đuổi ngoại xâm. Đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1994, thuộc làng Hổ Bái – Yên Định.

– Nhà thờ Tổ chi họ Trịnh Cảnh Khuất – thờ Hoàng giáp Trịnh Cảnh Thụy, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa 1994.

– Đền Phủ Trịnh ở làng Thái Kiều – Hà Nội. Di tích được bảo tồn trên 400 năm thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Hoàn Long nay là phường Trung Phụng, ngõ chợ Khâm Thiên quận Đống Đa. Đây vốn là đại bản doanh của Trịnh Tùng khi vào giải phóng Thăng Long, sau là đền thờ Trịnh Kiểm gọi là đền Phủ. ở đây trước kia còn có trường học mang tên Trịnh Kiểm là trường học chất lượng cao rất đông học sinh đã tồn tại đến năm 1954, nay còn dấu tích ở ngõ 132 phố Khâm Thiên. Hiện nay chưa có tài liệu đầy đủ về 2 di tích đền Phủ – trường Trịnh Kiểm rất có ý nghĩa này.

– Nhà thờ Tổ chi họ Trịnh Cói – Thái Đường và bia ký Thái bảo Thư Quận công Trịnh Đức Nhuận đặt tại thôn Thái Đường xã Hoa Lâm nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh – Hà Nội, được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1997.

– Chùa Bút Tháp ở huyện Thuận Thành -Bắc Ninh là công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng được xây dưng năm 1647 do công lao bà Trịnh Thị Ngọc Trúc dưới sự bảo trợ của chúa Trịnh Tráng. Đây đã từng là Trung tâm Phật giáo Việt Nam một thời.

– Chùa Trầm đã từng là “Hành cung” tức là nơi quân Lê – Trịnh từ Thanh Hóa ra đây đóng bản doanh chống Mạc, uy hiếp Thăng Long. Chùa Trầm có vị trí thắng cảnh du lịch với những di tích đậm nét dấu ấn nhà Trịnh.

– Chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất – Hà Tây có từ thế kỷ thứ 9 rất nổi tiếng về nghệ thuật kiến trúc và nhiều tượng phật quí, dược chúa Trịnh Tạc trùng tu sửa chữa mở rộng.

– Thơ đề Vịnh Hạ Long: Vịnh Hạ Long là thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của nước ta, trên phạm vi thế giới. Thời Lê Trịnh đã có nhiều vua chúa quan tâm bảo vệ và phát triển, nổi tiếng nhất có bải thơ vịnh của chúa Trịnh Cương.

“Nhân khi trời thuận gió hòa
Quan quân hỉ hả âu ca thái bình…”

– Chùa Hương: là thắng cảnh nổi tiếng với Động Hương tích còn gọi là Động đẹp nhất trời Nam, dịch từ chữ đề khắc đá “Nam thiên đệ nhất động” của chúa Trịnh Sâm. Khu vực chùa Hương được triều Lê Trịnh phát hiện cho xây dựng và được dần dần hoàn chỉnh như ngày nay.

– Chùa Kim Liên có từ đời Lý và dựng lại đời Trần. Đến đời chúa Trịnh Sâm được trùng tu mở rộng và mang tên chùa Kim Liên. Chùa không chỉ là một thắng cảnh bên bờ Hồ Tây mà còn là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Chùa có tượng chúa Trịnh Sâm.

– Di tích 2 ngôi nhà biếu thầy giáo là ngôi nhà chúa Trịnh Cương biếu thày dạy học là Đàm Công Hiệu ở làng Me, xã Hương Mạc, tỉnh Bắc Ninh. và Ngôi nhà chúa Trịnh Sâm biếu thày dạy học là Nguyễn Công Thể ở làng Lũ, xã Đại Kim, nay thuộc quận Thanh Xuân – Hà Nội. Đây là những di vật quí, hiếm thấy ở đời nói lên tấm lòng tôn sư trọng đạo của các chúa Trịnh, cũng là việc hiếm thấy vì cả hai ngôi nhà đều được công nhận Di tích lịch sử văn hóa và trở thành nhà thờ họ Đàm và họ Nguyễn. Đến nay còn giữ được nguyên vẹn đặc trưng kiến trúc Thăng Long của thế kỷ 18 đã thoát khỏi hỏa hoạn binh biến tàn phá Thăng Long và được bảo tồn trong lòng dân cho đến ngày nay.

– Khu di tích Hùng Vương – Đền Hùng: Theo Kiến văn tiểu lục, khu di tích Đền Hùng có từ thời Lý – Trần. Là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công lập quốc. Nhưng năm 1407 nhà Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ thôn tính nước ta, đã san bằng khu di tích kể cả khu dân cư làng Cả. Khi nước giành lại được độc lập, triều Lê sơ đã có công khôi phục lại đền Thượng và khu dân cư làng Cả. Đến thời Lê Trịnh, đã có công lớn khôi phục lại đền Trung, đền Hạ (đủ 3 đền có từ thời Trần) và tiếp tục mở rộng xây thêm đền Giếng, lập thêm 2 làng là làng Trẹo, làng Vi. Năm 1600 vua Lê Kính Tông và chúa Trịnh Tùng sai quan Thị độc Nguyễn Trọng sao chép lại tài liệu Đền Hùng, năm 1727 chúa Trịnh Cương sai Hoàng Nghĩa Chử xây dựng củng cố lại Đền Hùng ở núi Hy Cương thuộc tỉnh Phú Thọ. Cuối thế kỷ 18 đến nay nước ta lấy ngày 10 tháng 3 là ngày Quốc giỗ. Vua Lê chúa Trịnh đã đề nhiều bài thơ ca ngợi sự nghiệp vua Hùng và cảnh đẹp thiên nhiên vùng núi Hy Cương. Triều Nguyễn sau này cũng rất quan tâm tôn tạo di tích lịch sử của đất nước này.

Còn rất nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước mang dấu vết thời Lê-Trịnh xây dựng hoặc sửa chữa tôn tạo với ý thức gìn giữ di sản văn hóa dân tộc rất cao

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn