Cần tìm phương pháp thích hợp để bảo tồn và tôn tạo lịch sử văn hóa Vương Phủ Trịnh



Thời Lê – Trịnh là một giai đoạn lịch sử dài tới một phần tư thiên niên kỷ, cũng là lúc giao thương và trao đổi văn hóa quốc tế phát triển, đã hình thành một “ Vương quốc đằng ngoài” với tầm vóc và sự thịnh vượng còn lưu lại trong sử sách quốc nội cũng như ở nước ngoài.

Những giai đoạn tiếp theo với nhiều biến cố lịch sử khắc nghiệt đã làm nhạt thậm chí làm sai lệch cách nhìn nhận đánh giá về thời Lê- Trịnh, di tích Văn hóa- Kiến trúc thời kỳ này rất ít được nghiên cứu. Hiện nay với xu thế phục hồi, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc ở nước ta cũng như trên thế giới, kiến trúc nghệ thuật thời Lê Trung Hưng nói chung và qui hoạch- Kiến trúc Vương Phủ chúa Trịnh nói riêng rất đáng được quan tâm, rất cần những việc làm hiệu quả nhằm lưu giữ và khai thác phát triển những giá trị Văn hóa tiêu biểu ở thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 của Việt Nam.

Dự án : “Qui hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Di tích lịch sử Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa” là bước đầu trong những công việc nói trên, vì vậy cần có cách nhìn tổng quan, có phương pháp tiến hành mang tính hệ thống và cơ sở khoa học, có lộ trình phù hợp.

Nội dung của Dự án theo đúng các thành phần của tên gọi bao gồm: QUI HOẠCH TỔNG THỂ là xác định mối liên quan giữa các Di tích nhà Trịnh với nhau; Giữa Di tích Phủ chúa Trịnh với hệ thống Di tích của Thanh Hóa cũng như các tỉnh liền kề như Ninh Bình- Nghệ An… hình thành một tuyến Du lịch : Văn hóa- Lịch sử- Tâm linh tầm cỡ Quốc gia. Trong đó việc xác định địa điểm tuyến giao thông kết nối, qui mô và thành phần chức năng của khu Di tích là các công việc cụ thể.

Nội dung bảo tồn, tu bổ liên quan trực tiếp tới qui hoạch- kiến trúc hiện hữu, với các yêu cầu giữ gìn tối đa các thành phần nguyên gốc, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của di tích. Trong đó cần có sự chọn lọc, đánh giá và phân biệt những thành phần di tích được tu bổ qua các giai đoạn để có cách xử lý và phương án tu bổ, phục chế thích hợp.

Nội dung tôn tạo là việc tạo điều kiện để di tích hòa nhập với cuộc sống đương dại, quảng bá và phát huy các giá trị Văn hóa- Kiến trúc truyền thống, trong đó có thể phục dựng các công trình cũ và làm mới một số thành phần để phục vụ cho du khách cũng như đáp ứng nhu cầu truyền thống- tâm linh của con cháu dòng họ Trịnh.

Quan sát hiện trạng và qua các tư liệu về Di tích ở Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa từ trước đến nay thì thấy những đối tượng để bảo tồn hiện còn rất ít và hầu như chưa xác định được thành phần nguyên gốc. Trong khuôn viên nơi thờ tự các Chúa chỉ còn lại một ngôi nhà 7 gian kiến trúc thời Nguyễn và tấm bia không có chữ là những thành phần đáng kể, còn lại là các công trình tạm, mới xây dựng cách đây khoảng 20-30 năm đã xuống cấp rất nhiều. Ngoài khuôn viên chừng 4.000m2, chưa thấy phát lộ các dấu tích gì khác, trong khi theo sử sách, Vương Phủ này rộng tới hơn 10 ha, tức diện tích hiện chỉ bằng 4% so với nguyên gốc.

Như vậy có thể thấy giá trị chính của di tích hiện nay là nơi đánh dấu địa điểm Vương phủ Chúa Trịnh thế kỷ 16, nói cách khác đây là một thành phần gốc, xác định “ Linh hồn nơi chốn” của một vùng đất địa linh nhân kiệt đã được nhiều nhà văn hóa và đia lý phong thủy nhắc đến. Trong trường hợp này, cách ứng xử thích hợp nhất là bảo tồn những phần gốc, có thể tu bổ gia cố tăng tuổi thọ, lược bỏ những thành phần tạp, tường rào …và rất cần các cột mốc cũng như các bản chỉ dẫn giới thiệu để du khách biết được quá trình tồn tại của di tích, biết được đây chỉ là một phần nhỏ của một di tích lớn, mặt khác nên tiếp tục thăm dò khảo sát xung quanh và khuyến khích cộng đồng dân cư phát hiện các dấu tích trong phạm vi Vương Phủ, phát hiện đến đâu lập mốc đến đó. Như vậy sẽ hình thành khu vực bảo tồn với các qui chế phù hợp với di tích cấp Quốc gia và các tiêu chuẩn phù hợp với Công ước Quốc té.

Theo nội dung tôn tạo ở đây cần hình thành khu vực tưởng niệm và bảo tàng Văn hóa- Kiến trúc thời Lê- Trịnh bao gồm các chức năng: Tổ chức lễ hội truyền thống, nơi thờ tự các Chúa Trịnh và hoạt động dòng họ, Bảo tàng vật thể và phi vật thể, tổ chức dịch vụ du lịch, văn hóa tâm linh. Để có không gian đáp ứng được các hoạt động kể trên, giải pháp thích hợp là phục dựng mô phỏng Vương Phủ Chúa Trịnh.

Theo sử sách, phủ Chúa Trịnh ở Thăng Long và ở Vĩnh Hùng, Thanh Hóa được xây dựng đồng thời và đồng tác giả, vì vậy sẽ có nhiều cơ hội đối chiếu tham khảo. Tuy nhiên những tư liệu lịch sử cũng như những thành tựu kiến trúc- nghệ thuật thời Lê- Trịnh hiện chưa được nghiên cứu nhiều và đầy đủ, vì vậy rất cần có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, cần vừa làm vừa bổ sung và hoàn thiện. Qua thời gian chuẩn bị Hội thảo, bước đầu các ý kiến tham luận về Vương phủ Trịnh đã được tập hợp, trên cơ sở đó có thể lập nên khung qui hoạch Vương phủ, tựa như một sơ đồ công năng trong nguyên lý thiết kế kiến trúc, bao gồm định hướng, trục trung tâm, phân chia các khu vực, đặt tên và định vị các hạng mục công trình chính. Trong sơ đồ phần Phủ đường là một hình vuông, với tòa Đại đường ở chính giữa, cùng với Trung đường và Nghị sự đường tạo thành một công trình trung tâm hình chữ VƯƠNG. Phủ đường có 3 cửa gồm Chính môn phía Nam, Tuyên vũ môn phái Đông và Diệu công môn phía Tây, đằng trước có sân điện lớn hình vuông, xung quanh là các nhà phụ trợ tạo hình thế NỘI VƯƠNG, NGOẠI QUỐC.
Phía Bắc phủ đường là Hậu cung gồm Đông cung và Tây cung với hồ, đình, tháp… và các loại lầu, cung, điếm …gắn liền với cây xanh và cảnh quan thiên nhiên đồng thời gắn với dân cư. Phong cách kiến trúc của Hậu cung phóng khoáng và đa dạng khác hẳn với Phủ đường đối xứng nghiêm ngặt. Sau Hậu cung có Thái miếu với vườn Ngự uyển xen lẫn với địa hình tự nhiên.
Dùng sơ đồ khung có thể lập nên phương án và ý tưởng qui hoạch phục dựng Vương phủ Chúa Trịnh. Cần chú ý kết hợp chặt chẽ việc phục dựng ( mô phỏng ) với tôn tạo và phát huy giá trị của di sản, nhằm tạo được hình ảnh hoài niệm về quá khứ đồng thời với việc tổ chức các hoạt động của đương đại và tương lai. Để minh họa cho kiến nghị này xin giới thiệu một ý tưởng qui hoạch với những nét chính như sau:

– Trục trung tâm ( Thần đạo ) theo hướng Bắc – Nam với các công trình chính gồm: cột cờ, chính điện, Đại đường, bảo tháp, quảng trường, Thái miếu, vườn Ngự uyển và gò đất phía sau Đền, Chùa
– Phủ đường có tường bao hình vuông, quần thể, bố cục: Nội Vương, ngoại Quốc với những tòa ddienj lớn ở chính giữa, xung quanh là các công trình phụ trợ đăng đổi qui tụ về. Nơi này được sử dụng làm không gian thờ tự, lễ hội truyền thống có sức chứa hơn 5.000 người ( theo số lượng thống kê hàng năm ).
– Nội cung lấy trung tâm là một quảng trường, nơi có sân khấu ngoài trời, có Bảo tháp 12 tầng, tương ứng với 12 đời Chúa. Bên tả là hồ Long Trì nơi có thể tổ chức các hoạt động như múa rối nước, pháo bông…Bên Đông cung vên hồ có Lầu Ngũ Phượng, cung Thập tự, Tam nhân đường, Quyền Bồng Điếm…là các công trình tiêu biểu trong cung nội thất của nhà Chúa được dùng là nơi phục vụ cho khách như một Resort ( ăn, ở, sinh hoạt văn hóa…) kết hợp trưng bày vường cảnh thời Lê- Trịnh Tây cung có Tây hậu đường. Lộc Phong điếm và Kính thiên Lầu được dùng cho chức năng công cộng, kết hợp sân bãi, nơi vui chơi, giải trí của khách. Một phần là các công trình: nhà xe, trạm bơm, trạm điện…
– Phía sau nội cung là vườn Ngự Uyển có địa hình sơn thủy đa dạng theo trục trung tâm, có thể đặt tượng đài và công năng như một công viên văn hóa của cộng đồng dân cư.

Như vậy, việc phục dựng mô phỏng Vương phủ Trịnh cùng với việc lập khu vực bảo tồn di tích là những nội dung chính của Dự án Bảo tồn, Tu bổ,Tôn tạo khu Di tích lịch sử Phủ Trịnh tại Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc. Thanh Hóa. Trong đó có khu vực bảo tồn và khu vực Tưởng niệm, Bảo tàng có thể gắn liền nhau nếu như điều kiện mặt bằng cho phép và việc tái định cư phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển Kinh tế – Xã hội của địa phương. Có thể tách khu vực Bảo tàng, khu tưởng niệm ở một nơi khác nếu có mặt bằng tốt. Các yếu tố cảnh quan, giao thông…phải đảm bảo yếu tố Gốc của địa điểm.

Qui hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia phủ Trịnh nhất thiết phải gắn liền với qui hoạch chung hệ thống các di tích lịch sử của tỉnh Thanh Hóa, với qui hoạch mạng lưới du lịch Văn hóa- Tâm linh trong khu vực, đồng thời phải là một phần quan trọng trong qui hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội của địa phương. Xác định được nội dung và phương pháp thích hợp, công việc này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, góp phần phát triển văn hóa dân tộc và đáp ứng tinh thần của Công ước quốc tế Paris 1972, chuyển giao các di sản văn hóa của đất nước cho thế hệ tương lai /.

Trịnh Hồng Đoàn, Phó Giáo sư, KTS, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

 

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn