Trịnh Bách: Người phục dựng hiện vật cung đình triều Nguyễn
Mọi người gọi Trịnh Bách là nghệ nhân, ông không dám nhận mà chỉ dám nhận mình là người điều phối viên và chỉ là người có ý tưởng. Còn tất cả đều phụ thuộc vào tài hoa của những người thợ.
Mọi người gọi Trịnh Bách là nghệ nhân, ông không dám nhận mà chỉ dám nhận mình là người điều phối viên và chỉ là người có ý tưởng. Còn tất cả đều phụ thuộc vào tài hoa của những người thợ.
Trước tình trạng nhiều di sản văn hóa cung đình Huế đã bị tàn phá, làm thế nào để các thế hệ mai sau còn được biết và tự hào về tổ tiên? Điều đó thôi thúc Trịnh Bách một Việt kiều Mỹ, đi tìm những di sản đã mất và phục dựng lại.
Mò mẫm chốn cung đình
Trước năm 1995, Trịnh Bách từ Mỹ trở về đã “mò mẫm” đi nghiên cứu các hiện vật, tư liệu lịch sử còn sót lại ở các bảo tàng, thư viện, các gia đình dòng dõi vua chúa, để tự trang bị cho mình một vốn kiến thức xúc tích về di sản cung đình. Ông lặn lội đến từng làng nghề truyền thống, tìm lại những thợ lành nghề, dù họ không còn theo nghề nữa, cùng họ tìm hiểu và phục dựng cổ vật của triều Nguyễn.
Việc phục chế cổ vật là cả một quá trình công phu, dựa vào văn bản cổ như sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, hay các nhân chứng và hiện vật, ảnh và bản vẽ cũ còn ít ỏi trong các bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân ở Việt Nam và nước ngoài, Trịnh Bách đã tìm hiểu rất kỹ từ chất liệu, kích thước, kỹ thuật hoa văn, cho đến lề lối, quy cách trang trí, cắt may… Các loại vải tơ tằm cung đình được dệt bằng phương pháp thủ công. Vải và chỉ thêu được nhuộm theo màu sắc cổ truyền. May và thêu cũng hoàn toàn bằng tay.
Ông nói: “Việc phục dựng đồ bằng sứ trong cung đình Huế có nguồn gốc Trung Hoa, và là hàng đặt thời nhà Thanh, những mẫu hoa văn và chữ viết trang trí thường do vua chúa Việt Nam đặt ra rất nghiêm ngặt. Trên cơ sở đó, việc phục chế phải đảm bảo được các yêu cầu về chất liệu, mẫu mã, kỹ thuật, chất lượng .. theo cái cách thời xưa ấy”.
Càng đi sâu nghiên cứu các đồ vật cung đình, Trịnh Bách ngày càng đam mê, từ cái mành trang trí đến khăn của công chúa đến những chiếc áo vua, thanh kiếm… Trịnh Bách muốn làm sao phục dựng lại các đồ này một cách chính xác nhất nó thể hiện văn hóa, trình độ của người Việt Nam. Chính niềm đam mê đó của Trịnh Bách đã “ra đời” dự án 20 năm phục dựng đồ triều Nguyễn.
Milimet đầu tiên
Sau khi đi đến tất cả các làng nghề truyền thống của Việt Nam và sưu tầm các mẫu cổ vật, nhờ kỹ thuật của công nghệ thông tin, Trịnh Bách đã khôi phục mẫu đó trên máy vi tính và ông đã tìm được một số nghệ nhân còn “sót” lại của triều Nguyễn.
Năm 1995, Trịnh Bách cùng những người thợ thủ công miệt mài theo đuổi công việc phục dựng trang phục cung đình Huế. Mỗi nhóm thợ thêu 4 người phải mất trên dưới một năm mới phục chế xong một triều phục. Tỉ mỉ, mũi chỉ chính xác đến từng milimét mà bắt đầu từ những quả trầu, quả ngự nhỏ chứ chưa kể đến đồ lớn.
Những trang phục cầu kỳ của vua chúa như Long bào xuân hạ Hoàng Đế, Phượng bào thu đông Hoàng Hậu, Sa kép xuân hạ Quý phi, Sa kép xuận hạ Thái tử, Mãng bào thu đông Hoàng tử, Mệnh phụ thu đông Công chúa…Ngoài ra, ông còn phục dựng các đồ vật sập ngủ, sập trà chạm rồng, tủ ghế, sơn chạm, chân đèn, mâm bang cán phất trần, bình hoa, thống, đĩa, chén, hộp đựng thuốc hình khánh…
Với đồ gỗ như sập ngủ, sập trà trạm rồng, sơn tiếp, tủ ghế, đôn chạm, chân đèn, mâm bang, cát phất trần…đều phải dùng gỗ mít rừng mua từ Quảng Trị, ông Bách đã tìm đến thợ ở làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, chỉ dẫn cho thợ chạm là dùng chàng, thay vì đục, để tạo các nét tỉa,tách. Vì như thế các nét này sẽ có miệng rộng hẹp uyển chuyển và có nét uốn lượn, mềm mại hơn.
Trái tim người con xa xứ
Sự tha thiết với di sản văn hóa Việt Nam của Trịnh Bách tác động mạnh đến tình yêu nghề của các làng nghề nổi tiếng xưa kia như nghề trạm bạc ở Đồng Xâm, vệt vải ở La Khê, Hà Tây, nghề mộc ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế…
Trịnh Bách tâm sự: “Tôi rất mừng là những nghệ nhân này không bao giờ kêu quá khó, mất thì giờ quá. Tôi nhận thấy chỉ có những người này mới làm được và họ có thể dạy cho các thế hệ sau….”.
Đã nhiều năm, dù công việc không dễ dàng và tốn nhiều công lao, tiền của, nhưng ông vẫn kiên trì. Sự say mê nghiêm túc của ông kết hợp với bàn tay tài hoa và cái tâm đức của người thợ đã tạo nên thành quả quý giá. Những hiện vật cung đình Huế hiện hữu dần trở lại.
Công trình đến nay đã đi được nửa chặng đường (với tổng kinh phí hơn 400.000 USD) và ông đã dành phần lớn số tiền tích cóp của mình để làm sống lại những nghệ thuật đã mai một của Việt Nam. Ông sẽ quay trở lại với nghề ghita của mình và vận động bạn bè, nhà hảo tâm làm nốt chặng đường còn lại, phục dựng đồ vật triều Nguyễn như ước nguyện của người con xa xứ mong làm một việc nào đó giúp ích cho quê hương.
Đôi nét về nghệ nhân Trịnh Bách
Sang Mỹ từ năm 1972. Mẹ ông xuất thân từ một gia đình quan lại triều Nguyễn. Trong những năm 1980, ông đã học ghita với Andres Segovia, nghệ sỹ ghita cổ điển xuất sắc nhất thế kỷ 20. Đầu những năm 1990, ông và bạn bè đã xuất bản tạp chí VietNow bằng tiếng Anh ở Mỹ để truyền bá về lịch sử và truyền thống văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1994, ông về Việt Nam để phục dựng các hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Tin khác đã đăng
- ĐỀN THỜ DANH TƯỚNG TRONG LÒNG DÂN 17/02/2016
- Nhà khoa học gốc Việt nhận giải thưởng UNESCO 02/04/2015
- GS Trịnh Xuân Thuận – Chúng ta đều phụ thuộc vào nhau 02/04/2015
- Tướng quân Trịnh Quốc Oai 02/04/2015
- Trịnh Thiết Trường 02/04/2015
There are no comments yet