Tướng quân Trịnh Quốc Oai



Những tư liệu lịch sử còn lại không nhiều, nhưng những gì chúng ta đang được biết về Ông như một huyền thoại. Đền Ông ở thôn Tây Hạ, xã Vũ Phúc, Vũ Thư, nay là Thành phố Thái Bình, qua bao thăng trầm, khó khăn… được tôn tạo, xây dựng như ngày nay cũng là kỳ tích.

Thế kỷ 15 thời Hậu Lê. Dòng họ Trịnh đã sinh ra một người con kiệt xuất, dũng lược, uy phong trấn ải vùng đất Thái Bình rộng lớn. Lúc đó, ở Thái Bình có cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Đứng đầu cuộc khởi nghĩa tên là Oai. Tin dữ báo về Triều đình. Nhà vua ra lệnh tiễu trừ, bắt được bị xử chém ngay.

Tuân lệnh, quan quân của Triều đình ở Thái Bình cho Ông là người tạo phản, đã bao vây căn cứ của Ông đang đồn trú ở Tây Hạ, Vũ Thư. Vì lực lượng chênh lệch, lính của ông bị tiêu diệt hết, không còn đường chạy, ông nấp mình trong một bụi cây rậm rạp, lấy một chiếc thuyền bằng tre úp lên trên để ẩn nấp. Hàng trăm quân lính xông vào, lật thuyền lên để bắt sống ông nhưng tự nhiên, có một sức mạnh phi thường, quân lính không sao lật thuyền lên được. Chúng bèn chất củi, gỗ, rơm rạ lên trên, đốt và giết chết Ông. Sau đó Ông được nhân dân ở đây chôn tại chỗ.

Triệt hạ được Ông, tin tức được báo về triều đình là đã giết được Ông, dẹp được loạn, nhưng ở Tiền Hải vẫn có một người tên Oai đang làm loạn, chống lại triều đình như trước, Nhà Vua biết là đã giết nhầm, một mặt cho tiễu trừ ở Tiền Hải, một mặt ra lệnh cho quan quân ở Thái Bình xây dựng một ngôi đền ngay nơi ông nằm xuống rất khang trang rộng rãi. Ngôi đền có 3 gian, bề thế, có hậu cung.

Ngày giỗ Ông : 17-10 Âm lịch hàng năm có tế lễ linh đình. Dân địa phương coi Ông là thành Hoàng làng ( ở 2 xã Vũ Phúc và Trung An ).
Nhà Vua biết mình đã ra lệnh giết nhầm, nghe kể lại chuyện khi Ông bị chết, và đặc biệt về sức khoẻ phi thường của Ông, đã ban cho Ông 3 chữ vàng “ Cường Thiểu Tai ” Tức người có sức khoẻ như ông trên đời này, ít người có được. Ông đã hy sinh bởi một sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Sau cải cách ruộng đất ở những năm 1955-1960, ngôi đền thờ Ông xuống cấp và bị phá hoại, bị san bằng để lấy đất canh tác, chia cho nhiều người, nhưng các gia đình có đất nơi trước đây là đất của ngôi đền đều rất khó làm, trâu khó cày, năng suất thấp và có điều kỳ lạ là những người ra quyết định phá ngôi Đền, lấy gạch, gỗ, đất…bị những chứng bệnh rất kỳ lạ, thần kinh, ốm đau không rõ nguyên nhân, con cháu học hành không đỗ đạt, làm ăn không ra gì…. Dân địa phương đều chứng kiến tình cảnh đó và chỉ biết là Ông rất thiêng…

Cuối năm 1980, Mộ Ông được Gia đình ông Trịnh Hữu Hằng, ở Bồn thôn, Trung An, xây cất rất khiêm tốn rộng khoảng 4m2. Người con dâu Họ Trịnh được Ông cho ăn lộc và đã giúp được rất nhiều người tìm được những ngôi mộ thất lạc, nhất là các chiến sĩ đã hy sinh trên các chiến trường ở khắp đất nước. Có ngôi mộ thất lạc đến 10 đời, Ông vẫn tìm được. ở đâu, Ông cũng giỏi thiên văn, tường địa lý, con cháu Bách họ xa gần khi về cửa Ông, đều được chỉ dẫn ân cần để phòng, tránh những ngày tai ương có thể xảy ra.

Để phần nào tôn tạo lại ngôi Đền thờ ông trước đây, cuối năm 2007, gia đình ông Trịnh Hữu Hằng cùng dòng họ và các bà con xa gần đã được Ông chỉ giúp đã thành tâm đóng góp công sức tiền của, xây dựng lai ngôi Đền thờ Ông. Nhiều gia đình đã hiến đất để xây dựng ngôi đền . Đây là ước nguyện của nhiều thế hệ cháu con trong bao năm tháng. Trong quá trình xây dựng , nhiều chuyện rất kỳ lạ đã xảy ra cùng xung quanh sự thiêng liêng, uy phong của Ông. Thân thế, sự nghiệp cuộc đời Ông và những gì chúng ta đã được chứng kiến, cần sự ứng sử đúng đắn và tôn trọng của hậu thế với Lịch sử.

Trịnh Tuấn Dũng

There are no comments yet

Tin khác đã đăng