Hậu Duệ của Chúa Trịnh: Ông hoàng thủy tinh Đông Dương



Trong cuốn vua chúa và hào kiệt xứ Đông Dương xuất bản năm 1943, có giới thiệu rất nhiều những nhà tư sản danh tiếng Việt Nam như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Đình Kính…

Trong cuốn vua chúa và hào kiệt xứ Đông Dương xuất bản năm 1943, có giới thiệu rất nhiều những nhà tư sản danh tiếng Việt Nam như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Đình Kính…

Người Việt Nam thời ấy gọi Bạch Thái Bưởi là ông vua tàu thủy, gọi Nguyễn Sơn Hà là ông chúa sơn và Trịnh Đình Kính là ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương. Những nhà tư sản này vốn xuất thân từ những gia đình yêu nước và nghèo khổ. Nhưng với lòng tự trọng dân tộc, với ý chí phi thường, họ đã trở nên giàu có bằng chính đôi bàn tay lao động của mình. Và họ đã mang những đồng tiền thấm đầy mồ hôi, nước mắt của họ để giúp đỡ người nghèo và ủng hộ cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp.

Ông Trịnh Đình Kính

Ông Trịnh Đình Kính sinh năm 1886, tại làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Người thân sinh ra ông – cụ Trịnh Đình Thành – một nghĩa quân dũng cảm trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp. Khi quân Cần Vương thua trận ở Bãi Sậy ông Trịnh Đình Thành đã ôm tráp quân cơ nhảy xuống sông Cái tự vẫn để qiữ tiết trung quân và bảo vệ những bí mật không rơi vào tay giặc. Ông Trịnh Đình Kính là hậu duệ đời thứ chín của Khang vương Trịnh Căn. Khang vương Trịnh Căn có quận chúa Ngọc Phác lấy Hoàng đế Lê Dụ Tông (1705- 1729) và sinh ra vua Tĩnh Khánh.

Năm mười tuổi, ông rời quê lên Hà Nội sinh sống. Rồi ngay sau đó, mẹ ông lâm bệnh và mất. Em gái ông bị mẹ mìn bắt và mang đi mất tích. Và từ đây ông bắt đầu cuộc đời làm thuê khổ cực. Hằng ngày cậu bé lên mười, gánh thuê than xỉ từ các lò nấu thủy tinh của người Tàu ở phố Hàng Bồ đến lấp hồ Sao Sa. Người Hà Nội gọi là hồ Sao Sa vì nghe nói ngày xưa có một mảnh thiên thạch rơi xuống tạo thành hồ. Hồ Sao Sa nằm trong khu vực phố Hàng Giày ngày nay. Cậu bé Trịnh Đình Kính đã bền bỉ làm công việc nặng nhọc ấy trong thầm lặng. Một trong những ông chủ người Hoa sản xuất thủy tinh ở phố Hàng Bồ đã nhận thấy ý chí của cậu bé Trịnh Đình Kính và đem lòng yêu quí. Ông thầy người Hoa này đã nhận cậu bé Trịnh Đình Kính này vào làm tài chạp (người giúp việc). Sau này thấy được sự khéo léo, thông minh và trung thực của cậu, ông thầy người Hoa đã nhận ông Kính làm con nuôi và truyền nghề cho.

Ông thầy người Hoa và mọi người đều biết rằng, mấy chục năm sau, cậu bé làm tài chạp này đã trở thành ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương và sản phẩm thủy tinh của ông đã sang tận thị trường của các nước thuộc địa Pháp.

Học nghề thủy tinh có ba bước: tài chạp (giúp việc), học xí (học thổi thủy tinh) và thợ. Rồi từ thợ có thể làm thành cai, thành ông chủ. Từ năm 10 tuổi đến năm 28 tuổi, Ông Trịnh Đình Kính từ làm tài chạp rồi làm thợ cho lò thủy tinh của người Hoa. Hồi đó ở phố Hàng Bồ có các lò thủy tinh như Vinh Dụ, Vinh Hòa… Tất cả những lò thủy tinh ở Hà Nội và một vài nơi khác ở Việt Nam đều của người Hoa. Sản phẩm của thủy tinh thời đó thật nghèo nàn, chỉ là bóng đèn thuốc phiện. Bóng đèn hai dây, chai lọ đựng kẹo và thông phong. Thông phong là bóng đèn dùng cho đèn hoa kỳ đốt bằng dầu hỏa.

Trong 18 năm làm thợ thuê cho các ông chủ người Hoa, ông Trịnh Đình Kính mang trong lòng một khát vọng có một xưởng sản xuất thủy tinh của người Việt. Ngày đó, nấu được thủy tinh có màu xanh là một bí quyết của người Hoa. Người Hoa chỉ truyền lại những bí quyểt đó cho đứa con mà họ tin yêu nhất. Vì với người Hoa, họ chỉ dạy thiên hạ cách ăn chứ họ không dạy cách làm. Năm 28 tuổi, ông Trịnh Đình Kính nắm trong tay tất cả những ngón nghề làm thủy tinh thời đó như đắp lò nấu thủy tinh, làm khuôn hàng, kỹ thuật thổi thủy tinh và bí quyết pha màu.

Năm 1914, khát vọng của ông Trịnh Đình Kính đã trở thành sự thật. Ông trở thành ông chủ của một xưởng sản xuất thủy tinh. Trước đó vì vốn chưa nhiều, ông Trịnh Đình Kính đã phải hùn chung vốn với ông Trưởng Hoàn mở xưởng ở số 65 Hàng Bồ và lấy tên xưởng là Thanh Đức. Ông Trưởng Hoàn vốn là cai thầu nổi tiếng giàu có ở Hà Nội. Cả dãy phố Nguyễn Công Trứ là bất động sản của ông Hoàn. Ông Hoàn có bảy vợ. Bởi thế chuyện vợ nọ con kia gây cho ông cai thầu này nhiều chuyện đau đầu. Cuối cùng ông không thể mở chung xưởng thủy tinh với ông Trịnh Đình Kính nữa.

Ông Trịnh Đình Kính quyết định một mình đứng ra mua lại xưởng. Và ông Trịnh Đình Kính trở thành ông chủ duy nhất của xưởng Thanh Đức. Dù trở thành ông chủ nhưng ông vẫn không quên ơn người thầy đã cưu mang ông lúc ông nghèo đói. Và đặc biệt, ông luôn nhớ tới ông thầy thủy tinh. Người được coi là ông thầy nghề thuỷ tinh cho người Việt Nam là một người Hoa. Ông này vốn là một kẻ giang hồ võ nghệ cao cường và chống lại chiều đình. Ông bị quân của triều đình truy tìm. Ông trốn sang Việt Nam và mang theo nghề làm thủy tinh.

Xưởng thủy tinh của ông Trịnh Đình Kính hồi đầu cũng chỉ sản xuất những mặt hàng quen thuộc như thông phong, hay lọ đựng bánh kẹo… Vì hồi đó, những người giàu có ở Việt Nam và những người Pháp ở Đông Dương không thèm ngó ngàng gì tới sản phẩm thủy tinh của ông Kính hay những ông chủ người Hoa khác ở Hà Nội. Họ chỉ quen dùng đồ thủy tinh của Pháp. Nhưng khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra thì con đường chuyên trở sản phẩm thủy tinh từ Pháp sang Đông Dương bị cắt đứt. Chính lúc này, xưởng thủy tinh của ông Trịnh Đình Kính đã vươn lên. Và lần đầu tiên sản phẩm của người Việt đã bước vào chiếm vị trí trang trọng trong nhà Gô-đa ở Hà Nội. Nhà Gô-đa lúc đó được coi là siêu thị đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp quản lý.

Thủy tinh sản xuất thời đó cứ gặp nước sôi là rạn, vỡ. Khi nhận hàng của xưởng Thanh Đức, nhà Gô- đa đã ngâm sản phẩm thủy tinh vào nước đá và sau đó đổ nước sôi vào. Sau khi đã công nhận sản phẩm của xưởng Thanh Đức, Gô-đa ký hợp đồng nhận hàng của ông Trịnh Đình Kính, dán tem Gô- đa và bày bán trên thị trường Đông Dương. Mỗi cái ly uống cà phê do xưởng Thanh Đức sản xuất lúc đó bán ở ngoài giá tám xu, nhưng Gô-đa nhập cho ông với giá hai hào.

Ông Trịnh Đình Kính đã nghiên cứu và thành công trong việc làm ra những sản phẩm thủy tinh và không bị rạn hay vỡ trong nhiệt độ khác nhau. Nồi nấu thủy tinh ở trên có bọt. Ông lấy phần có bọt đấy làm hàng thường còn thủy tinh ở dưới làm hàng cao cấp. Ông Trịnh Đình Kính là người đầu tiên làm ra thủy tinh màu ở Việt Nam. Uy tín sản phẩm của xưởng Thanh Đức mỗi ngày một vững mạnh. Gô-đa và những nơi khác trên xứ Đông Dương tràn ngập những sản phẩm của Thanh Đức. Người Pháp và những người giàu ở Việt Nam đã dần dần quên đi sự phân biệt hàng Pháp và hàng Việt Nam.

Các nước thuộc địa Pháp bắt đầu đặt hàng trực tiếp với Thanh Đức. Và Thanh Đức bắt đầu một thời kỳ sản xuất theo đơn đặt hàng với những mặt hàng ngày một phong phú và phức tạp hơn như bóng đèn lớn đường kính tới 45cm, rồi những sản phẩm thủy tinh màu trắng sứ, sản phẩm thủy tinh có khắc hoa văn. Ông Kính là người đầu tiên ở xứ Đông Dương nằm dưới sự cai trị của người Pháp đã chế ra máy vẽ hoa văn trên thủy tinh. Tiếp đó ông đã thành công trong một công nghệ mới: công nghệ gọt thủy tinh. Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học ngày nay thì việc vẽ văn hoa hay gọt thủy tinh được thực hiện khá dễ dàng. Nhưng lúc đó, những năm đầu của thế kỷ XX, thì những kỹ thuật ấy quả là một cuộc cách mạng quan trọng trong ngành thủy tinh.

Với thành công nói trên, ông Trịnh Đình Kính đã làm cho những người Pháp từ bỏ ý định cho sản phẩm thủy tinh của họ quay lại Đông Dương một lần nữa. Và ông Trịnh Đình Kính đã được Vua Bảo Đại tặng Nam Long Bội Tinh vì những cống hiến của ông đã làm sáng mặt người Việt Nam trong kiếp nô lệ. Sản phẩm thủy tinh Thanh Đức từng bước chinh phục khách hàng và 16 lần được tặng huy chương vàng Hội chợ Đông Dương. Sau Gô-đa và thị trường các nước thuộc địa của Pháp đến lượt các bệnh viện và Viện Pasteur Hà Nội và Sài Gòn đặt hàng xưởng Thanh Đức sản xuất các sản phẩm thủy tinh để đựng thuốc và dùng cho phòng thí nghiệm.

Cùng với sự lớn mạnh của thủy tinh Thanh Đức là sự biến mất dần dần của các xưởng thủy tinh người Hoa ở Hà Nội và các nơi khác ở Việt Nam bắt đầu mọc lên mỗi lúc một nhiều.
Tất cả những ông chủ thủy tinh mới người Việt đều là do xưởng thủy tinh Thanh Đức đào tạo. Trong khi mọi công việc của thủy tinh Thanh Đức đang phát triển tốt đẹp thì chiến tranh Trung – Nhật nổ ra. Một khó khăn lớn lại ập đến với ông Trịnh Đình Kính. Trước đó nồi nấu thủy tinh làm bằng đá được chuyển từ Tứ Xuyên, Trung Quốc sang Việt Nam. Nhưng do chiến tranh nên những người buôn Tứ Xuyên không thể vận chuyển nồi nấu thủy tinh sang Việt Nam được nữa. Ông Trịnh Đình Kính lại lao vào nghiên cứu và chế tạo một loại nồi nấu thủy tinh mới bằng đất chịu lửa. Và ông lại thành công.

Năm 1945 cùng với nhiều nhà tư sản Việt Nam yêu nước thương nòi, ông Trịnh Đình Kính đã bỏ tiền vàng ra để cứu đói nhân dân. Trong năm ấy, ông Trịnh Đình Kính đã mang hai vạn tiền Đông Dương và gạo về cứu đói những người dân quê ông. Ông là một trong những người giàu ở Hà Nội đã tham gia ủng hộ Tuần lễ vàng để ủng hộ Cách mạng. Năm 1947, Pháp bắt ông giam nhiều ngày trong Hỏa Lò với tội ủng hộ Việt Minh. Sau ngày Hòa Bình lập lại, xưởng thủy tinh Thanh Đức tiếp tục sản xuất đồ dùng thủy tinh cho các cửa hàng mậu dịch quốc doanh.

Năm 1951, Ông Trịnh Đình Kính mở thêm xửơng sản xuất giày cao su hiệu Con Nghê, rồi sản xuất giày vải cho bộ đội. Năm 1945 ngôi nhà của ông ở Hà Nội đã trở thành nơi ăn ở cho nhiều đại biểu Quốc hội khóa I. Ngày đó chính phủ ta còn nghèo nên mỗi khi họp Quốc hội thì rất nhiều những nhà tư sản Việt Nam đã lấy nhà mình cho các đại biểu Quốc hội ở và con em họ là những người nấu ăn phục vụ cho các đại biểu Quốc hội. Sau hòa bình một thời gian, xưởng thủy tinh Thanh Đức của ông Trịnh Đình Kính đã trở thành tài sản của Nhà nước. Và những người thợ do Thanh Đức đào tạo đã dựng nên ngành thủy tinh Việt Nam cho tới bây giờ.

Trong nghề thủy tinh, ông Trịnh Đình Kính không bao giờ quên ơn ông thầy người Hoa đã cưu mang ông thuở thơ ấu đơn côi nghèo đói và đã dạy nghề cho ông. Dẫu rằng sau đó, ông là người đầu tiên kết thúc sự tung hoành của các ông chủ người Hoa trong ngành thủy tinh. Và trong cuộc đời, ông không bao giờ quên được tổ ông, dòng họ của mình. Vào đầu thế kỷ XX, ông Trịnh Đình Kính đã về quê dựng lên ngôi miếu thờ Trịnh gia với tư cách là hậu duệ thứ chín của Chúa Trịnh Căn. Đây là một công trình kiến trúc tạo hình thế kỷ XIX. Bên cạnh các cổ vật của thế kỷ XVII còn có nhiều tư liệu thư tịch cổ “Thiên hòa danh bách vịnh” của Trịnh Căn, “Đại Nam văn uyển” của Trịnh Sâm v.v…

Sau khi cách mạng thnàh công, ngôi miếu thờ này được gia đình ông Trịnh Đình Kính cho Ủy ban hành chính huyện Thanh Oai mượn làm trụ sở. Năm 1989, UBND xã Kim Thư đã ra quyết định số 02QĐ/UB do chủ tịch xã Nguyễn Công Bạ ký trả lại ngôi miếu thờ. Nhưng cho đến bây giờ chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện quyết định ấy. Và họ đang phá dần đi một di sản kiến trúc. Ngôi miếu thờ Trịnh gia thuộc quyền sở hữu gia đình ông Trịnh Đình Kính và sau đó, nó là một di tích văn hóa của Quốc gia. Ngành văn hóa đã mấy lần định xếp hạng ngôi miếu thờ Trịnh gia thành di tích văn hóa để bảo vệ di tích. Nhưng họ không thể nào lập được bởi sự lập lờ của chính quyền địa phương. Ngày giỗ, ngày tết, con cháu Trịnh gia về thắp hương tổ tiên mình cũng bị ngăn cản. Bây giờ sân đình đã bị phá, nhà ngang cũng bị phá, và những gì sẽ bị phá tiếp theo ???

Tôi đã nhìn thấy gương mặt buồn của ông Trịnh Đình Tiến (con trai cụ Trịnh Đình Kính và là hậu duệ thứ 10 của Chúa Trịnh Căn) và ông Trịnh Phạm Đa (anh em chú bác với ông Trịnh Đình Tiến) khi nói chuyện đến ngôi miếu thờ này. Ngôi miếu đã trở thành di sản văn hóa vật thể kiến trúc thời Nguyễn hồi đầu thế kỷ XX mà ngày nay luật Nhà nước ta đã bảo vệ. Và khi nói chuyện đến các hậu duệ đời thứ 10 của Chúa Trịnh Căn, chúng tôi đã nói đến một người phụ nữ. Người phụ nữa này tên là Trịnh Thị Ngọ, người có giọng nói huyền thoại, người mà một thời đã làm cho rất nhiều lính Mỹ ở chiến trường Miền Nam Việt Nam lung lay, người mà không ít lính Mỹ có lúc phải kêu lên: Người đàn bà phù thủy.

There are no comments yet

Tin khác đã đăng