Văn hoá dòng họ



Con cháu trong họ được quan tâm đến việc học tập ngay từ lúc còn nhỏ. Một quỹ , tạm gọi là “ khuyến học” được thành lập có phần đóng góp của mọi gia đình trong họ. Người có nhiều góp nhiều , có ít góp ít.Số tiền ấy giúp mua sách vở và động viên các cháu cố gắng học hành. Sau một năm học, cháu nào học tốt thì được biểu dương làm gương trước toàn họ và nhận phần thưởng xứng đáng . Các cháu đang học ở Hà Nội mỗi lần đi về đều được ông trưởng họ tổ chức xe đưa đón chu đáo.

Nếp sinh hoạt ấy được duy trì ở một vùng nông thôn còn khá lạc hậu quả là điều lạ lùng. Không ít người cho rằng dòng họ này thích chơi trội bởi người ta vẫn quan niệm : ở nông thôn cần gì học nhiều chữ.Biết cầm bút viết được tờ đơn, ký được chữ mình thế là đủ.Nhưng thực tế cuộc sống ngày một khó khăn hơn. Làm nông nghiệp giỏi cũng phải học để biết áp dụng cơ khí hoá, điện khí hoá. Người ta bỗng nhìn lại con cháu của dòng họ nọ. Quả thật, con cháu của các nhà ấy đều ăn nên làm ra, đậu đạt khá. Và người ta ngẫm ra việc làm của dòng họ ấy bấy nay không hề uổng phí chút nào.

Rồi bẵng đi vài năm, tôi thấy nhiều dòng họ bắt đầu soạn lại cây gia phả. Những người lớn tuổi bối rối thấy tuổi già đã xồng xộc đến mà đám con cháu thì cứ hồn nhiên gọi ông thành bác, chú thành anh. Bởi người họ, người hàng đông quá, không ai có thời gian giảng giải cho chúng nghe cả. Vậy thì phải có cuốn sách ghi chép lại. Con người có tổ, có tông. Phải biết được tổ tông mình, biết quý trọng cội nguồn ấy rồi mới có thể bay đi đâu thì đi và cũng mới thành người hữu ích được .

Mới đây, được đi dự cuộc hội thảo về văn hoá dòng họ tôi mới thật bất ngờ. Hoá ra lâu nay mình cạn nghĩ chứ ở nhiều nơi, nhiều dòng họ từ lâu nay đã quan tâm đến vấn đề truyền thống dòng họ và xây dựng cho con cháu ý thức phấn đấu rất tiến bộ. Bây giờ nhân dịp Viện Bảo tàng dân tộc học , Viện nghiên cứu Hán Nôm tập hợp lại một số lượng lớn những cuốn gia phả; các dòng họ có điều kiện được gặp gỡ, trao đổi, học hỏi nhau mới thấy rõ sức mạnh to lớn của cộng đồng dòng tộc.
Và tôi vỡ lẽ ra một điều: cuộc sống đâu cứ phải là một điều gì thật to tát. Hãy bắt đầu từ chính ngôi nhà của bạn, những người ruột thịt của bạn. Sức mạnh là ở đó.

Sao con chỉ mang họ cha?

Nếu dựa vào “cơ chế” thụ thai thì trong một tháng, người mẹ chỉ có thể tạo sinh linh mới trong một ngày, còn người cha có khả năng “giúp” hàng chục phụ nữ mang bầu. Ấy thế mà, đứa trẻ nào sinh ra cũng chỉ mang họ cha. Một người mẹ thắc mắc rằng, con bà sống gắn bó với bên ngoại từ nhỏ, chưa hề về thăm quê cha một lần, vậy mà trên mọi bản khai lý lịch “theo mẫu quy định” đều phải ghi quê quán theo cha.

Liệu thế có bất bình và coi khinh nữ giới? Con người ta ai lại không có họ hàng. Chính vấn đề dòng họ gây ra bao chuyện tiêu cực ở nông thôn đã thôi thúc Nhà văn Nguyễn Khắc Trường viết lên tác phẩm đặc sắc Mảnh đất lắm người nhiều ma được chuyển thành phim. Những năm gần đây, có lẽ nhiều người đã nhận ra sự không công bằng ấy nên nhiều em học sinh đã mang họ kép gồm cả họ cha và họ mẹ, ví dụ như Lê Nguyễn Kiều Miên, Võ Trần Thịnh…

Ông Nguyễn Văn, một nghiên cứu sinh học ở nước ngoài, đặt vấn đề “quan niệm về gia tộc của chúng ta có lỗi thời lắm không?” Ông nêu dẫn chứng, khi đọc tiểu sử một danh nhân Việt Nam, ta thường thấy nói đến cụ tổ 4 hay 5 đời đến lập nghiệp ở một vùng nào đó lập nên một dòng họ mới. Như vậy, mặc nhiên chỉ có cụ ấy là cụ tổ duy nhất của vị danh nhân; cũng như khi nói đến gia phả của một người, chúng ta hay bảo người ấy thuộc họ Nguyễn hay Lê…

Làm như các họ khác không có liên hệ gia tộc gì với đương sự hết. Quan niệm như thế chỉ vì trọng nam khinh nữ. Cũng do thời xưa không biết nhiều về vấn đề sinh lý và di truyền nên cho rằng trong việc sinh đẻ, người cha truyền khí huyết cho người mẹ; người mẹ nhận lấy nuôi dưỡng thành đứa con “cha sinh, mẹ dưỡng”, có nghĩa là khí huyết đứa con hoàn toàn phụ thuộc vào người cha. Ngày nay, sinh học đã cho chúng ta biết, người mẹ cũng đóng góp tương đương với người cha trong việc tạo thành con cái. Thử đi ngược lên một thế hệ nữa, nếu mẹ của người cha (bà nội) thuộc họ Lê và mẹ của người mẹ (bà ngoại) thuộc họ Phạm thì ta thấy ngay từ thế hệ ấy có 4 họ đóng góp vào việc cấu tạo nên huyết thống của người con. Giả sử như cha họ Nguyễn, người mẹ họ Trần thì người con đó là con cháu của 4 họ: Nguyễn Lê Trần Phạm, và có bà con với tất cả những người trong 4 họ trên chứ không chỉ bà con với một dòng họ Nguyễn.

Theo cách tính này, cứ tính ngược lên một đời thì số họ có quan hệ bà con tăng lên gấp 2, 4, 6, 8, 16, 32, 64… Và như vậy, có thể nói vui, trên một địa bàn cố định, hầu hết mọi người đều có quan hệ bà con với nhau, trừ những người mới đến nhập cư. Do đó, cách lập gia phả theo một dòng họ như lâu nay rõ ràng là một khiếm khuyết vì chỉ mới cho ta biết quan hệ huyết thống trong dòng họ đó mà thôi. Hơn nữa, nó có thể có hại, gây chia rẽ, nếu quá đề cao một dòng họ này và xem thường những dòng họ khác.

Ý kiến của ông Nguyễn Văn nêu lên đã gợi mở một vấn đề lý thú, nó cung cấp kiến thức giúp ta thay đổi nếp nghĩ cũ, ít ra cũng giảm bớt sự độc tôn dòng họ của người cha khi nói đến một con người. Nhưng mặt khác, nếu bàn đến con người mà chỉ đơn thuần dựa vào cách tính rành rẽ như toán học, thì cũng chưa hợp lý. Và xét đơn thuần về khoa học di truyền, các nhà sinh học tuy đã chỉ ra, đứa con sinh thành từ nửa mẹ nửa cha hợp lại nhưng ai đã dám chắc rằng hai nửa ấy cân bằng trong việc tạo nên tính cách và thể chất của con. Và như thế, các con số “2, 4 , 8, 16, 32,…” theo cách tính của ông Nguyễn Văn là chưa hoàn toàn chính xác, nhất là xét về “chất”. Không ai dám khẳng định phần nửa khí huyết của người cha có ảnh hưởng vượt trội hơn người mẹ trong việc tạo nên phẩm cách của con hay ngược lại.

Nếu dựa vào “cơ chế” thụ thai thì trong một tháng, chỉ có một ngày người mẹ có thể tạo sinh linh mới, trong khi đó, người cha có thể khiến hàng chục phụ nữ “dính chưởng”; như vua Minh Mạng, tương truyền rằng mỗi đêm, “chấm” 5 bà nên có câu “nhất dạ ngũ giao tam hợp tửu” – một đêm năm lần ân ái, 3 lần có con – đã có thể khẳng định là hai nửa ấy không cân bằng nhau. Bên cạnh đó, mối quan hệ xã hội, nền nếp sinh hoạt theo truyền thống dân tộc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phẩm cách một con người. Thông thường, người ta vẫn trưởng thành từ quê hương bên nội, sống trong vòng tay bên nội, nên xưa nay đa phần thiên hạ lấy họ nội cũng có cái lý của nó.

Tất nhiên, cũng có trường hợp con lấy theo họ mẹ, khi người mẹ, do một hoàn cảnh nào đó, không muốn cho con biết cha nó là ai. Xã hội ngày nay biến động nhiều, nhất là ở thành thị, một người con trưởng thành không nhất thiết phải gắn kết với bên nội, nên cách ghi “họ kép” và các bản lý lịch cũng nên thay đổi mục “quê quán” thành “quê cha” và “quê mẹ” thì đầy đủ và đúng đắn hơn. Bàn về quan niệm họ tộc không phải để mọi người đeo vào trước cái tên của mình một chuỗi họ có liên hệ mà để có một cái nhìn rộng rãi hơn về họ hàng thân thuộc, rồi ý thức rằng thể chất và phẩm cách mỗi chúng ta không chỉ mang huyết thống dòng họ của bố mà còn là của mẹ, của bà nội, bà ngoại, cố nội, cố ngoại… nghĩa là có phần đóng góp của nhiều dòng họ khác.

Từ đó, những tiêu cực và hiềm khích ganh tỵ giữa các dòng họ sẽ bị loại trừ và mọi người sẽ giúp đỡ lẫn nhau không phân biệt dòng họ để toàn xã hội cùng tiến bộ.

(Theo Kiến thức Ngày nay)

There are no comments yet

Tin khác đã đăng