Truyền nhân độc nhất của môn võ sáo



Ở thành phố Bắc Giang, hỏi đường ai cũng biết nhà võ sư Trịnh Như Quân. Khách đến hỏi thăm, sau tuần nước, ông đãi khách bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương”, ngón võ tài hoa gắn với tên tuổi Hoàng Hoa Thám. Hiện nay ở đất Kinh Bắc chỉ còn duy nhất võ sư Trịnh Như Quân là truyền nhân bài võ “độc nhất vô nhị” này

ảnh 1

Võ sư Trịnh Như Quân

Mối duyên trời định

Thăm khu căn cứ chống thực dân Pháp của Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang dịp đầu xuân, chúng tôi được giới thiệu về 30 năm đấu tranh anh dũng quật cường chống giặc ngoại xâm của Hùm xám Yên Thế. Đến đây, chúng tôi còn được biết đến một loại binh khí – nhạc khí, liên quan đến ngón võ tài hoa gắn với tên tuổi Hoàng Hoa Thám, có tên “Bóng trăng Phồn Xương”, còn gọi là: Võ sáo.

Cô thuyết minh trẻ tuổi xinh đẹp sôi nổi giải thích: “Võ sáo có 6 thế tấn, 53 chiêu thức cao siêu nhất của võ thuật, 13 đặc dị kiếm pháp. Nét độc đáo của võ sáo là sự kết hợp tuyệt vời giữa âm thanh bay bổng khuấy động lòng người với các chiêu thức võ thuật. Trong đó tiếng sáo đóng vai trò chủ đạo, hướng dẫn hành động của người chiến binh, khi uyển chuyển mềm mại, khi cuồn cuộn sóng dâng, lúc nhanh như tiếng cắt giữa rừng, lúc lặng lẽ như tiếng lá rụng. Quân thù sẽ bị tiếng sáo mê hoặc, nhớ về quê hương, cám cảnh sa trường đầu rơi máu chảy mà mất đi ý chí chiến đấu”.

Biết tiếng võ sư Trịnh Như Quân qua lời giới thiệu của cô thuyết minh, chúng tôi tìm đến nhà ông. Nhìn võ sư Trịnh Như Quân thổi sáo không ai nghĩ ông là hội viên hội Người cao tuổi thành phố Bắc Giang. Ông nâng cây sáo sắt dài đến 2m lên ngang mày, ngồi thẳng, miệng rộng, mắt sáng, mọi động tác đều có nét tinh nhanh của con nhà võ. Tiếng sáo cất lên du dương, trầm bổng, lúc khoan như suối chảy, lúc gấp gáp mạnh mẽ của một đường quyền đầy biến ảo. Với bài sáo “Bóng trăng Phồn Xương”, ông đã lột tả cảnh trời mây non nước đẹp đẽ và khát vọng của người võ sĩ: Tự do.

Ông là con của võ sư Trịnh Như Hiền nổi tiếng một thời. Từ khi mới lên 6 tuổi, ông đã đam mê luyện võ. 18 tuổi cũng như bao thanh niên khác, ông lên đường làm nghĩa vụ quân sự, rèn luyện nhân cách anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Sau khi giải ngũ, ông đi làm công nhân, rồi tham gia Đoàn Văn nghệ Xung kích. Từ năm 1990, ông được Sở TDTT Bắc Giang mời làm chuyên gia giảng dạy bộ môn võ thuật cho thanh niên, học sinh, từ đó phát hiện tài năng đưa vào đội tuyển của tỉnh đi thi đấu đỉnh cao.

Trong một lần, ông đi sưu tầm các bài võ trên quê hương khởi nghĩa Yên Thế ở bản Rừng Phe, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, ông đã được “thỉnh giáo” võ sáo của một truyền nhân, đó là cụ Triệu Quốc Uy đã 90 tuổi. Cụ Uy kiểm tra tướng mạo, thấy ông ham mê học võ, cụ nhận ông làm học trò duy nhất. Ba năm xa vợ con “cắm trại” khổ luyện trong rừng sâu, ông Quân đã tường tận bài võ sáo mà sư phụ truyền dạy: “Bóng trăng Phồn Xương”, “Thiết địch Thần phong”. Nhìn cậu học trò cưng cần mẫn tập luyện, cụ Uy gật gù: “Cái tay Quân nhỏ thó mà lĩnh hội rất nhanh. Tôi chết cũng nhắm mắt được rồi”.

Trái tim của một võ sỹ-nghệ sỹ

Ông Quân bảo: “Chinh phục một bài sáo hay, còn vất vả hơn chinh phục người đàn bà đẹp. Nhiều lúc tôi bỏ ăn, quên ngủ chỉ vì muốn tìm cho ra cái hồn của từng bài sáo”. Ông Quân bộc bạch: “Nhiều năm nghiên cứu võ sáo, nắm vững các ngón nghề rồi, tôi nghĩ nên chế tạo những cây sáo sắt to lớn hơn, đẩy nghệ thuật võ sáo lên một bậc. Việc làm sáo sắt nặng là sự bất chấp những nguyên tắc thông thường về chế tạo nhạc cụ. Sáo sắt của tôi chưa có tên trong tự điển nhạc cụ”.

Ông Quân lại khăn gói quả mướp về đất Phồn Xương “nằm vùng” để tiếp cận sự khoáng đạt của những nghĩa sĩ Yên Thế ngày xưa, mới cảm nhận hết cái hay của võ sáo. Hay ông ngồi thuyền xuôi dòng sông Thương để học bài “Con thuyền xa bến” mới ngộ ra được cái man mác, da diết của lữ khách độc hành. Sự kết hợp hài hòa giữa trái tim của một nghệ sĩ và khối óc của một võ sĩ, sau một thời gian mày mò, chăm chỉ, cần mẫn, có nhân ắt có quả, ông đã chế tạo những cây sáo sắt có một không hai trên thế giới. Năm 1993, cây sáo sắt đầu tiên có tên “Giọt mưa thu” dài 1m, nặng 2,8kg, trông giống như những chiến tướng tung hoành giữa trận tiền. Cây sáo sắt theo ông tham gia trình diễn trong nhiều sự kiện văn hóa quan trọng. Ông còn đúc thêm nhiều cây sáo sắt có hình thù kỳ dị như “Thăng Long đệ nhất sáo” có hình bông hoa sen dài 2,1m, nặng 4kg. Cây “Thích Tiêu Tương” dài 1,6m, nặng 4kg. Mới đây ông cho ra đời 2 cây sáo “Rừng giun” và “Mãng xà vương” như hình con rắn nặng 4,6kg.

Võ sáo không phải loại võ thuật dễ học. Ngoài phẩm chất của một võ sĩ, phải có tâm hồn, đôi tay của một nghệ sĩ sáo. Cân bằng cho được hai mảng tưởng như khắc chế lẫn nhau là võ và nhạc mới có thể học được võ sáo. Ông tự hào là đã thổi được hàng trăm bài sáo, kể cả nhạc nước ngoài, và tự tin hòa tấu cùng dàn nhạc gao hưởng chuyên nghiệp. Ông không muốn là truyền nhân duy nhất của võ sáo Yên Thế. Ông băn khoăn, lo lắng, sợ nhất là võ sáo bị mai một, thất truyền. Do đó ông rất vui, khi đã ngoại lục tuần, ông đã tìm được những truyền nhân đích thực. Nhiều võ đường ở Bắc Giang, Bắc Ninh… đã đưa bộ môn võ sáo vào giảng dạy. Bắt đầu từ năm 2012, võ sáo được UBND huyện Yên Thế tổ chức cho 200 học sinh THCS trong huyện học tập có kết quả. Các em đã biểu diễn tại lễ hội Hoàng Hoa Thám (16-3 dương lịch hằng năm) được người xem tán thưởng.

Xin mượn lời cố nhà thơ Xuân Hồng, cựu Phó TBT Tạp chí Sông Thương (Bắc Giang) nói về Hoàng Hoa Thám: “Lạ chưa, có thủ lĩnh nào đầy tính nhân văn như thế. Trong chiến trận ác liệt, ông vẫn tổ chức lễ hội hằng năm cho quân dân Yên Thế, duy trì tục phóng ngư, phóng điểu, thả hoa đăng thể hiện khát vọng tự do, ước muốn hòa bình. Con người ấy là con người của văn hóa, một chiến tướng nhưng lãng mạn. Võ sư Trịnh dường như có chất ấy”.

Nguồn: https://anninhthudo.vn/phong-su/truyen-nhan-doc-nhat-cua-mon-vo-sao/538431.antd

There are no comments yet

Tin khác đã đăng

Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Download ProShow Producer 9.0 Full Crack Vĩnh Viễn