Trịnh gia thế phả một tài liệu có giá trị được phát hiện ở Bắc Giang
Năm 2002 ông trưởng họ Trịnh ở Bố Hạ - Yên Thế có nhờ tôi xem hộ một cuốn sách cũ, chép tay mới tìm thấy ở một chiếc ống tre do các cụ cất đi đã lâu. Cuốn sách này khổ rộng chừng 15 x 27. Giấy bản cũ, chữ Hán chép tay, chân phương, nét thanh tú, đẹp đẽ. Tôi xem qua sách và cho ông biết đó là cuốn gia phả của họ Trịnh có giá trị. Ông trưởng họ Trịnh đã photocopy nhờ tôi đọc dịch ra tiếng Việt. Nhân đây, xin được giới thiệu về cuốn gia phả này trong hội nghị Thông báo về Hán Nôm.
1- Như trên đã trình bày cuốn gia phả mang tên Trịnh gia thế phả, sách gồm 70 trang 35 tờ. Bản photocopy mà tôi có in một mặt có đánh số khỏi lẫn từ trang 1 đến trang 70 (không tính bìa). Căn cứ vào nội dung có thể biết đây là cuốn gia phả của chi họ Trịnh có dòng dõi Chúa Trịnh di cư lên Bắc Giang cư trú từ lâu. Nội dung gia phả có bố cục như sau:
– Vương gia Miếu đồ trang 1
– Vương vị truyền kế chi đồ trang 2
– Danh sách 71 quận công là con cháu của các vương trang 4
– Vương gia phả lục trang 6
– Sắc dụ (sao) 1786 trang 46
– Lệnh chỉ 1791 trang 48
– Chiếu chỉ 1802 trang 49
– Tựa trang 54
– Các tiết văn trang 54
– Tế văn trang 56
– Chi tộc kế thế (Đời thứ 11 trở đi) trang 58
– Bảo đại thứ 15 sao chép, kê tiếp trang 66
Theo cuốn gia phả thì nội dung gia phả bắt đầu chép từ thời Lê niên hiệu Chính Trị đến thời Bảo Đại (1940) (khoảng 400 năm). Trong 400 năm ấy, cuốn gia phả được sao chép nối tiếp nhau ba lần. Lần 1 vào năm 1786, lần hai vào năm Đồng Khánh (triều Nguyễn). Lần 3 vào năm Bảo Đại (1940). Cũng theo nội dung gia phả, có thể biết chi họ Trịnh này thuộc chi họ có cụ tổ đời thứ 11 là Vị quận công.
2. Về cách ghi chép gia phả họ Trịnh ở bài tựa trang 54 nói rõ như sau:
Tựa.
Nhà có gia phả để làm rõ thế thứ mà lưu truyền về sau. Họ ta mở ra ở … Tuy Nhân vương, ở cuối đời Trần đến nay đã khoảng 13,14 đời (chừng 500 năm) Từ đời Thái Tông phát tích làm Nam Việt Vương, từ thế tổ Minh Khang Thái vương bắt đầu rồi đến Thuần tổ Lương vương đều có sự tích và thực trạng. Tất cả đều có Kim giám thực lục, rất có thể khảo được, thế thứ rõ ràng; chi đời kéo dài, thảy đều có trong sách sổ.
Nay nghiêm cấm xem duyệt những thiên lưu lại để truy cầu thế đức. Truy từ dòng gốc từ Vị quận công trở đi. Ngài là con thứ ba của Lương Tắc vương, từ ngài sinh ra các chi, gồm các phụ lục. Duy thế phả của dòng ta có khảo đính. Trước là hình vẽ, sau là phả lục, để rõ thế thứ, nhằm làm cho đời sau rõ ở việc ghi chép. Mỗi phần đều có mô tả rõ: Ngày sinh, ngày giỗ, phần mộ. Ở địa phận xã nào, thôn nào, huyện nào; và cùng cả chi nào sinh nam, nữ tên họ. Lại ghi chép cả việc lấy với họ nào. Thôn xã giỗ chạp, các văn gồm lại một quyển, lấy nhan đề là: Trịnh thị bản tông phả ký. Nếu đời sau có con hiếu cháu hiền mà giỏi văn chương, tiếp tục ghi chép cho đức nhà nổi tiếng ở dương thế; ắt sẽ trở thành một họ có tiếng tăm. Đó cũng là cái mong muốn vậy.
Năm Canh Thìn, đời vua Bảo Đại thứ 15 (1940) Trọng Đông, tháng 11 cháu nối dòng là Trịnh Liêm, Nghiêm bái thủ thư ở đền đường làm lời tựa.
Như vậy, qua lời tựa này, có thể biết cuốn gia phả. Tuy qua các lần sao chép nêu trên nhưng đến năm 1940 đã có tu sửa lại theo như ý bài tựa để có được Bố cục gia phả đã nêu ở trên.
3 – Về nội dung từng phần của gia phả:
a- Phần thứ nhất: Vương gia Miếu đồ 王 家 廟 圖 Đồ hình ở phần này thể hiện bằng chữ Hán. Chia ra các khu vực bài trí ở miếu thờ nhà Chúa (Trịnh) gồm 3 trục dọc. Trục giữa ghi rõ vị trí đặt hương án ngoài, hương án trong. Hai trục bên chỉ cho ta biết vị trí khu vực thờ các cụ tổ từ cụ Thuỷ tổ họ Trịnh trở đi cho tới các vị tổ kế thừa là các vương đời sau.
b- Phần thứ hai: Vương vị truyền kế chi đồ 王 位 傳 繼 之 圖Đồ hình này cũng thể hiện bằng chữ Hán. Trên đồ hình cho thấy các đời chúa kế nhau từ: Đại vương, Triết vương, đến Nghi vương, Dương vương đến Khang vương, Nhân vương, Thuận vương Ân vương, Yến vương, Thịnh vương, Đoan Nam vương, Điện đô vương.
Trong phần này có chép rõ: “Tiên vương tứ vị, vương phủ thập tứ vị” (Tiên vương có bốn vị; vương phủ có 14 vị) Cho tới các vị tổ khác có bao nhiêu vị con đều ghi rõ.
c- Phần danh sách 71 quận công là con các vương: Phần này chủ yếu ghi tên vương và tên các con như: Nghị vương sinh hạ được bốn con, Ân vương sinh hạ được ba con, Thành tổ Triết vương sinh được 20 con, Văn tổ Nghi vương sinh được 19 con … còn các quận công thì tên các quận công đều ghi liên tiếp nhau như: Phúc quận công Trụ, Cẩn nghĩa công: Ninh, Lăng quận công Bảng, Vạn quận công Xuân, Cao quận công Đĩnh, Trà quận công Miên, Kính quận công Diễn, Thuỵ quận công Tân. Có điều bên cạnh tên các vị đều viết thêm bộ Mộc, như các chữ: 王柱,檸,榜,椿,木施, 木綿,木衍,木眉。
C- Phần vương gia phả lục (Do người viết đặt ra và để tiện xét): phần này nói khái quát về các tổ họ Trịnh từ Hưng tổ trở đi. Qua những trang viết có thể hiểu được hành trạng một số chúa Trịnh ở thời Lê từ tổ phát tích đến các đời chúa sau đó.
Về tổ phát tích nhà chúa, gia phả chép:
Hưng tổ tức Phúc ấm vương, tên là Trịnh Đặng 鄭橙 là người xã Sóc Sơn 槊 山, huyện Hoà Phúc 禾 福, phủ Thiệu Hoá, trấn Thanh Hoa. Lúc nhỏ cô đơn nghèo khó, lấy việc cày cấy, chăn trâu làm nghiệp. Một ngày gặp một trưởng lão, tuổi chừng 70 ở bên sông Hà Uyên (蝦 淵 江) vào lúc trời sắp tối. Ông lão xin ngủ trọ lại một đêm. Ông vui vẻ nhận lời ngay và đưa về nhà. Đêm khuya, ông lão nói với ông rằng: “Tôi thấy ông có lòng thành thực, và thấy ở xứ Linh Lạc (獰 貉處) của núi Đồn (屯 山 bên trái dãy Hùng Lĩnh (雄 嶺 之 陽) có một cái huyệt rất quí. Nếu táng ở đó thì bốn đời có thể làm nên vương nghiệp và muốn lấy đó báo đáp lại, ông thấy thế nào”. Ông trả lời: “Tôi nghèo hèn, đâu dám mong điều đó.” Ông lão lại nói: “Trời và người đều thế cả. Chả phải cầu mà được.” Ông mới nghe theo lời ông lão, mà dùng huyệt đó, đem Hương cốt táng ở đó. Táng xong, lại cùng ông lão đến phía đông núi Nguộn (?) ở xã Biện Thượng (汴上社) tìm đến xứ Ngò Thượng (午 倘 處). Ông lão chỉ ở đó nói với ông rằng: “Chỗ này cũng có thể dùng”. Sau đó xem bói chọn làm chỗ đặt dương cơ, nhà cửa để ở. Rồi lại đến xứ Cao Cũ (高 ? 處 ) rồi chỉ vào đó nói rằng: “Khí đất ở đó rất quí, sau nên dùng huyệt đó mà cát táng” rồi cùng ông về Sóc Sơn. Cũng ở đó ông lão ra đi mà không rõ đi lúc nào, về nơi nào, y như thiên thần. (Vì thế mà sau được phong làm Tống Thiên thần vương.)
Chú rằng: Ta là Trịnh Ôn vương, phụng mệnh của Ngọc hoàng táng tổ khảo ở Sóc Sơn. Toạ canh hướng giáp, chẳng phải đế, chẳng phải Bá mà quyền nghiêng thiên hạ, trải 12 đời.
– Về Trịnh Kiểm: Gia phả phần này chép rằng: “Sau này vương (tức Trịnh Ôn vương) lấy người con gái họ Hoàng ở Biện Thượng 汴 上 làm vợ. Nhà cửa cũng ở đó. Ngài sinh ra tử Hoàng là Khánh Diễn vương. Diễn vương sinh Lâu Hoàng 樓 皇 làm Mẫn Đức vương. Đức vương lấy bà vợ họ Hoàng ở thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện An Định làm vợ rồi sinh ra Thế tổ Minh Khang Thái vương. Mệnh cho là: Kiểm 檢 (tức Trịnh Kiểm).
Vương mặt vuông, tai lớn. Sáu tuổi cô bần, mẹ con nghèo khó. Người người đều thương. Sau trở về hương Sóc Sơn, vương lớn lên ở đó, là người chăn trâu ở vùng núi Nghiễm thường tụ tập trẻ trâu lấy gà, vịt của người làm lương, lấy trâu bò làm voi ngựa, bẻ lau sậy làm cờ xí, chia ra đội ngũ tập trận. Có người làng chạy theo nhà Mạc, làm quan là Ninh bang hầu, tra soát người không phục, Vương chạy về Thạch Thành, còn mẹ vương chạy tránh về Vệ Quốc. Vương nghe tin trở về xem xét. Ninh bang hầu được người phát giác, cho người về Sóc Sơn bắt được vương mẫu, dìm xuống sông ở bến Biện Thượng, thi hài trôi về bến sông… Vương nghe tin đau đớn khóc lóc thảm thiết. Đêm giấu mặt khóc lậy, nhân đó mà uỷ cho An Vũ, Cảo Vũ, Uý Vũ dời mộ mẹ lên núi xứ Đồng Lãng, thôn An Việt, xã Sóc Sơn. Thời Hưng quốc công, Nguyễn Đồ tôn phò Lê Trang Tôn đóng ở xứ Mang Nhai đất Ai Lao cùng nhau mưu phục quốc. Thấy vương dũng lược hơn người, tấu phong chức Kiểm tri mã kỵ, Dực nghĩa hầu, vợ là Bảo Ngọc. Sau đó vương trải qua nhiều lần đánh trận có chiến công, được phong là Dực công, uy danh ngày càng thịnh.
– Về Trịnh Cối, Trịnh Tùng gia phả chép:
“Năm Canh Ngọ, thứ 3, tháng 2 vương mất (Trịnh Kiểm mất) được tôn phong làm Minh Khang Thái vương. Miếu hiệu là Thế tổ. Lại cho con trưởng của vương là Khương quốc công Trịnh Cối thay quyền vương. Cối tính ham tửu sắc, không ưu đãi các tướng sĩ nên lòng người ly tán. Con thứ là Triết Vương tên huý là Tùng đốc suất đóng giữ cung. Trịnh Cối được tin báo cho truy bắt nhưng không được. Lại biết Mạc Kính Điển đốc quân 10 đạo xâm phạm vùng Thị Trường. Hội triều các đội thuyền rồng cửa biển đóng cung doanh ở đó. Đất Hà Trung khói lửa liên miên hơn 10 dặm. Trịnh Cối chừng không chống được, theo hàng nhà Mạc. Mạc lại cho các đạo tiến đánh từ sông Mã, ải quan trở xuống. Từ bến Bổng – Lương Giang trở xuống, khói lửa ngút trời cờ xí đầy đất. Lại từ Liễu Châu 柳 州 Liêm Châu 廉 州 thuộc bờ trái sông từ Lôi Dương, Nông Cống ở bên phải sông cho tới đầu nguồn đều là chiến trường. Đất Thanh Hoa thuộc về nhà Mạc.
Vua gia phong cho Triết làm Tả tướng Tiết chế các doanh được quyền nắm giữ tướng sĩ. Vua đóng quân ở An Định, Thuỵ Nguyên cho đến Đông Sơn. Hoàng Diêm Khánh nắm giữ Lôi Dương, Nông Cống, đánh chiếm đất Quảng Xương. Loại thế Khanh công phá Tống Sơn, Nga Sơn giữ lấy đất đó. Quân Mạc bị phá vỡ. Mạc Kính Điển thua trận rút chạy về. Hồng Phúc – Nhân thân nguyên niên vua luận công phong cho vương làm Thái úy Chưởng quốc công. Thái truyền Lê Cập Đệ có mưu ngầm hại vương để đoạt lấy quyền. Vương coi như không biết, lấy vàng bạc tặng Cập Đệ nhiều lần. Cập Đệ đến tạ, vương cho đao phủ phục sẵn giết đi.
Vua bàng hoàng lo sợ cùng Thái tử chạy ra ngoài, đến Nghệ An đóng lại. Vương đón Hoàng Tiến Trạch đến Thuỵ Nguyên, mở rộng việc thi hành, lập làm vua ở đó. Đổi niên hiệu làm Gia Thái. Đó là vua Lê Thế Tông. Vương lại sai Nguyễn Hữu Liệu đem quân đến thành Nghệ An, gặp vua Anh Tông ở Thứ Điền, Liêu cho đón về Lôi Dương. Vua phải tự tuẫn mà chết.
Lúc đó, quân Mạc cuồng loạn khắp nơi.
Năm Đinh Sửu, vương đốc suất đại quân cùng quân Mạc cự nhau ở Lũng Phù Lạc. Bắn chết quân Mạc vô số. Trời nóng, Mạc kính Điển chạy về kinh ấp.
Đến năm Mậu Dần, Cải Nguyên làm quan cùng quân Mạc cự nhau ở Lũng Phù Lạc. Bắn chết quân Mạc vô số. Trời nóng, Mạc kính Điển chạy về kinh ấp.
Đến năm Mậu Dần, Cải Nguyên làm Quang Hưng. Năm Nhâm Thìn, thứ 15, vương tiến quân chiếm lại kinh thành. Cầm quân bắt được Ngụy Mạc. Qua các đoạn văn trên và phần văn sau mà không nêu ra ở đây cho thấy nội dung gia phả chép khá rõ về hành trạng các Chúa Trịnh. Qua đó cũng ghi chép được những biến cố lịch sử xảy ra trong các đời vua Lê – Chúa Trịnh dưới hai triều Lê Mạc và cảnh Nam Bắc phân tranh ở thế kỷ XVI, XVII … rất đáng để mọi người quan tâm nghiên cứu. Nó có thể giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử, về những con người trong lịch sử một cách rõ hơn trên phương diện văn hoá dân gian.
đ – Phần sắc dụ, lệnh chỉ, chiếu chỉ, tấu đều là nội dung sao chép (có lẽ từ sắc gốc). Chúng tôi không trình bày trong báo cáo này
4- Nhận xét:
Cuốn gia phả họ Trịnh ở Bố Hạ, Yên Thế là cuốn gia phả của chi họ Trịnh thuộc dòng Vị quận công một nhánh của dòng dõi chúa Trịnh xưa. Nó được sao chép lại vài lần. Lần cuối cùng vào năm 1940.
Nội dung cuốn gia phả nói rõ về dòng dõi Chúa Trịnh từ thuở hàn vi tới khi kết phát và tan vỡ cơ nghiệp nhà Chúa. Trong các nội dung đó có nhiều vấn đề lịch sử, dòng họ, được phản ánh khá rõ nét. Nhất là giai đoạn thế kỷ XVII, XVIII. Mặc dù gia phả viết khái lược nhưng nó cũng là một tài liệu tham khảo bổ ích, giúp ta hiểu thêm về lịch sử dân tộc và con người Việt Nam trong lịch sử. Những giá trị lịch sử – văn hoá đó đã góp phần làm rõ nét thêm bản sắc văn hoá dân tộc. Do đó nó cũng góp phần làm cho kho tàng di sản văn hoá Hán Nôm thêm phong phú.
Tin khác đã đăng
- Thư gửi Hội đồng gia tộc họ Trịnh Việt Nam 18/03/2020
- Thư từ Hải Dương 30/10/2019
- Mong được kết nối 09/06/2017
- Thư từ Vĩnh Long – Mong được kết nối cội nguồn 19/09/2016
- MONG ĐƯỢC KẾT NỐI CỘI NGUỒN 04/08/2016
There are no comments yet