GS Trịnh Xuân Thuận được tặng Giải thưởng Cino del Duca 2012
Đây là giải thưởng văn chương và khoa học danh giá, kèm theo 300 nghìn euro, do hội đồng 14 thành viên của bốn viện hàn lâm thuộc Học viện Pháp quốc xét tặng
Hai năm gần đây, các nhà khoa học và người dân Việt Nam ta, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, liên tiếp đón nhận những tin vui, mang lại niềm tự hào cho Tổ quốc: GS Ngô Bảo Châu được Hiệp hội Toán học thế giới tặng Huy chương Fields (2010), GS Hoàng Tụy được Hiệp hội quốc tế Tối ưu toàn cục tặng Giải thưởng Constantin Caratheodory (2011), GS Trần Thanh Vân được Viện Vật lý Mỹ tặng Huy chương Tate (2012) và, mới đây nhất, GS Trịnh Xuân Thuận được Học viện Pháp quốc tặng Giải thưởng thế giới Cino del Duca (2012).
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và GS Nguyễn Văn Hiệu thân mật tiếp các nhà vật lý Việt Nam ở nước ngoài về Hà Nội dự Gặp gỡ Việt Nam. Từ trái sang phải: GS Trần Minh Tâm (Thụy Sĩ), GS Trịnh Xuân Thuận (Mỹ), GS Đàm Thanh Sơn (Mỹ), GS Trần Thanh Vân (Pháp) và GS Phạm Quang Hưng (Mỹ)
Học viện Pháp quốc (Institut de France) là tổ chức khoa học danh giá nhất nước Pháp, được sự bảo trợ của Tổng thống nước Cộng hòa, thành lập năm 1795, cách nay hơn hai thế kỷ. Học viện bao gồm 5 viện hàn lâm: Viện Hàn lâm Pháp (Académie française), Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Académie des inscriptions et belles lettres), Viện Hàn lâm Khoa học (Académie des sciences), Viện Hàn lâm Mỹ thuật (Académie des beaux-arts), Viện Hàn lâm khoa học đạo đức và chính trị (Académie des sciences morales et politiques).
Chiều qua, 9/5/2012, tác giả bài báo này nhận được email của một người bạn từ Charlottesville, bang Virginia (Mỹ), kèm theo bức sao chụp bản thông cáo của Học viện Pháp quốc cho biết: Học viện này vừa quyết định trao tặng GS Trịnh Xuân Thuận, nhà văn, nhà thiên văn học, Giải thưởng thế giới Cino del Duca 2012 (Le Prix mondial Cino del Duca 2012) kèm theo số tiền 300.000 euro, nhằm vinh danh tác giả các công trình phổ biến tri thức khoa học được lưu hành rộng rãi trên thế giới Lễ trao tặng sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ ngày thứ tư 6/6/2012 tại Viện Hàn lâm Pháp (thuộc Học viện Pháp quốc).
GS Trịnh Xuân Thuận (giữa) chụp ảnh lưu niệm với tác giả và GS Phạm Quang Hưng (phải) tại Gặp gỡ Blois, Pháp, do GS Trần Thanh Vân tổ chức vào mùa hè năm 2009.
Hội đồng xét tặng giải thưởng gồm 14 thành viên, dưới sự chủ tọa của bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Pháp, và đại diện của 4 viện hàn lâm thuộc Học viện nước Pháp (trừ Viện Hàn lâm Mỹ thuật).
Trịnh Xuân Thuận sinh ra tại Hà Nội năm 1948, theo học tại Trường Jean-Jacques Rousseau, một trường trung học Pháp ở Sài Gòn trước năm 1975 (nay là trường THPT Lê Quý Đôn), được học tiếng Pháp kỹ càng, như tiếng mẹ đẻ, ngay từ thời niên thiếu, do đó, về sau, các tác phẩm phổ biến tri thức khoa học của ông đều viết bắng tiếng Pháp (trong khi các công trình nghiên cứu thiên văn học của ông thường viết bằng tiếng Anh), bởi vì, theo ông, tiếng Pháp là ngôn ngữ tuyệt vời dành riêng cho văn chương và triết học.
GS Trịnh Xuân Thuận (giữa) và vợ cùng ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tại lễ khởi công xây dựng Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn,do GS Trần Thanh Vân làm Chủ tịch, tháng 12/2011. (Ảnh: Hàm Châu)
Ông học đại học tại Học viện Công nghệ California (Caltech), bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton, và hiện là giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Virginia (Mỹ). Ông được Học viện Pháp quốc đánh giá là “nhà văn đứng đầu về các vì sao”. Ông viết bằng một thứ tiếng Pháp trữ tình tinh tế – giàu chất thơ và chất triết luận – nhiều tác phẩm phổ biến tri thức khoa học sâu sắc, ở trình độ cao, lưu hành rộng rãi ở hơn 20 nước trên thế giới, được dư luận quốc tế đánh giá rất cao như: Giai điệu bí ẩn (1988), Một nhà vật lý thiên văn (1992), Số phận của vũ trụ – Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000), Nguồn gốc – nỗi hoài niệm về thuở ban đầu (2003), Những con đường của ánh sáng (2008), Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao (2009), Vũ trụ và hoa sen (2011)… Hầu hết các tác phẩm nói trên đã được nhà vật lý Phạm Văn Thiều giỏi văn chương và một số cộng sự dịch ra tiếng Việt với chất lượng cao. Chính nhờ các công trình dịch thuật ấy, dịch giả Phạm Văn Thiều đã được tặng Giải thưởng Phan Châu Trinh.
GS Trịnh Xuân Thuận (trái) thân mật trò chuyện với GS Đàm Thanh Sơn (giữa, Đại học Washington) và GS Phạm Xuân Yêm (Đại học Paris 7) tại Gặp gỡ Việt Nam năm 2000. (Ảnh: Hàm Châu)
“Là chuyên gia về thiên văn học các thiên hà, nổi tiếng quốc tế, Trịnh Xuân Thuận đã khám phá ra thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ quan sát được, bằng cách sử dụng kính thiên văn không gian Hubble. Là giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Virginia, ông đã mở một lớp chuyên đề về thiên văn học dành cho các nhà thơ. Song song với công việc nghiên cứu, ông còn viết nhiều sách phổ biến tri thức khoa học dành cho công chúng rộng rãi, với cái nhìn phức hợp và tinh tế của một nhà khoa học giàu phẩm chất nhân văn, coi con người là “con đẻ của các vì sao”, “sinh vật biết tự vấn về vũ trụ”; ông luôn tin tưởng vào vị thế của con người trong vũ trụ”.
Bản thông cáo của Học viện Pháp quốc nêu rõ:
Giải thưởng thế giới Cino del Duca đã từng được trao tặng cho những nhân vật lớn, có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật như: Andrei Sakharov, nhà vật lý người Nga (được tặng Giải thưởng Nobel hòa bình); Vaclav Havel, Tổng thống Cộng hòa Czech; Léopold Sesdar Senghor, Tổng thống Cộng hòa Senegal; và các nhà văn nổi tiếng như Gorge Luis Borges, Mario Vargas Llosa, Milan Kundera…
Bạn đọc Pháp xếp hàng xin chữ ký lưu niệm của GS Trịnh Xuân Thuận vào cuốn sách mà ông là tác giả. (Ảnh:: Hàm Châu)
“Giải thưởng này là một sự khích lệ lớn lao giúp tôi tiếp tục sự nghiệp phố biến tri thức khoa học. Trong một thế giới ngày càng lệ thuộc vào khoa học và công nghệ, mọi người cần được trang bị một vốn hiểu biết nền tảng để có thể cùng nhau suy ngẫm về tương lai của Trái đất, hành tinh xanh kỳ diệu của tất cả chúng ta”.
Phát biểu cảm tưởng khi vừa nhận được thông cáo của Học viện Pháp quốc, GS Trịnh Xuân Thuận nói:
GS Trịnh Xuân Thuận từng được tặng Giải thưởng Lớn Moron của Viện Hàn lâm Pháp về triết học (2007) và Giải thường Kalinga của UNESCO về phổ biến tri thức khoa học (2009).
Theo Dân Trí (Hàm Châu)
Tin khác đã đăng
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
- Đại hội đại biểu Hội đồng họ Trịnh huyện Thiệu Hóa 18/06/2024
There are no comments yet