Giới thiệu sách – Thăng Long thời Lê – Trịnh



Thăng Long một thời vàng son rực rỡ, mà các danh sĩ thời xưa cũng như chúng ta ngày nay nhiều người rất quan tâm, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chúng tôi xin làm rõ phần nào kinh đô Thăng Long thời Lê - Trịnh trong nghìn năm văn hiến nước nhà

Các thời đại Lý, Trần, Hậu Lê, đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc, nhất là khu hoàng thành, nào cung điện, đền đài, chùa miếu hết thảy đều lộng lẫy huy hoàng để Thăng Long xứng tầm là kinh đô của nước Đại Việt độc lập, tự chủ. Nhưng sau đó, kinh đô nhiều lần bị xâm lược tàn phá nặng nề.
Năm 1592, sau khi giải phóng, kinh đô Thăng Long mới được xây dựng, tôn tạo lại, không chỉ cung vua phủ chúa, mà cả một quần thể phố xá chợ búa, đền đài, chùa chiền, miếu mạo, trường lớp… để đáp ứng nhu cầu làm việc, sản xuất, buôn bán, sinh hoạt, học tập của triều đình, chính phủ và dân chúng.
Gần 200 năm Thăng Long được sống trong hoà bình – không bóng ngoại xâm, thuận lợi cho việc phát triển từ sản xuất, giao lưu, buôn bán, đời sống đến giáo dục, văn hoá, nghệ thuật…
Về giáo dục thời này ở Thăng Long đã tuyển chọn được gần 700 Tiến sĩ, trong đó có nhà bác học duy nhất Đại Việt là Lê Quý Đôn, dựng nhiều bia Tiến sĩ – hiện ở văn miếu Quốc Tử Giám còn 82 bia, trong đó thời Lê Trịnh có 68 bia.
Về văn hoá nghệ thuật thời này, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cho là về nghệ thuật kiên trúc và điêu khắc nước ta thời này trong đó có Thăng Long đã thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và mang bản sắc dân tộc, như các công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu ở Thăng Long, trong đó có Vương phủ. Về điêu khắc, tiêu biểu như bức tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt, tượng đồng đền Trấn Vũ – Quan Thánh…(Xem Mỹ thuật Châu Á, Nxb. Mỹ thuật, 1995).
Về sản xuất và giao lưu buôn bán, thời này đã biến cả Thăng Long thành cái chợ khổng lồ, gồm 36 phố phường. Ngày phiên chợ đông tới hàng triệu người, thuyền bè chen chúc nhau cập bến. Doanh nhân Âu Á đua nhau mở thương điếm buôn bán sầm uất, nhiều khách nước ngoài còn so sánh kinh đô Thăng Long thời này chẳng thua kém nước nào ở Châu Á, có thể sánh với Paris hoặc Vơnidơ (xem phần dưới sách này).
Thăng Long phát triển kéo theo cả nước đi lên, dấu ấn ấy còn sót lại cho đến ngày nay – hàng Bạc là dân ở Định Công vào, hàng Đồng, hàng Sắt, hàng Trống… đều ở các địa phương, có nghề thủ công truyền thống đến.
Đầu thế kỷ XVII, các nghề thủ công phát triển mạnh như dệt vải, dệt lụa, nhuộm thâm, ở Trúc Bạch, Yên Thái, Bái Ân, Trích Sài, Nghĩa Đô, đúc đồng ở Ngũ Xá, gốm ở Bát Tràng. Các chợ buôn bán phát triển. Thăng Long mang tên Kẻ Chợ (Chợ khổng lồ). Ở Kẻ Chợ đã có thương điếm Hà Lan (1645 – 1699), thương điếm Anh (1633 – 1697), đặc biệt là thuyền nhân người Hoa rất đông, dân số chợ lúc đó lên đến 1 triệu người, khoảng 20 nghìn nóc nhà… đã hình thành các phố nghề như Hàng Khay, Hàng Bạc, Hàng Trống, Hàng Lọng, Bát Đàn, Hàng Đồng…(Hà Nội Phố Làng Biên niên sử của Nguyễn Vĩnh Phúc và Nguyễn Bắc).
Điều đặc biệt hơn là tại đất Thăng Long thời này đã sinh ra một thể chế chính trị rất riêng của đất nước Việt – có vua trị vì, chúa chấp chính và chính phủ điều hành chính trị quốc gia, không rập khuôn mẫu của các Bắc quốc và các nước phong kiến khác trên thế giới. Sinh ra một thể chế mới đã khó, tổ chức điều hành sao cho bộ máy đó hoạt động lâu dài còn khó gấp nhiều lần. Thể chế mới thời Lê – Trịnh đã tồn tại hơn 200 năm, một sáng kiến độc đáo của nhân dân ta, mà nay nhiều độc giả trên thé giới vẫn quan tâm nghiên cứu, tham luận, hội thảo, báo chí…
Đạt được những điều trên là do không chỉ các bậc vua chúa mà còn cả các đại thần, danh sĩ, trí thức cộng với sự hưởng ứng của dân chúng Thăng Long, cả trong và ngoài nước. Qua sách này chúng ta có thể biết được đường xuất thân, nhân cách và tài năng đức độ một số nhân vật chủ chốt tiêu biểu ở Thăng Long.
Thăng Long một thời vàng son rực rỡ, mà các danh sĩ thời xưa cũng như chúng ta ngày nay nhiều người rất quan tâm, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chúng tôi xin làm rõ phần nào kinh đô Thăng Long thời Lê – Trịnh trong nghìn năm văn hiến nước nhà.
Có một thời non hai trăm năm,
Đất Thăng Long không bóng ngoại xâm, 
Buôn bán nhộn nhịp, « ba sáu » phố,
Thuyền bè chen chúc chật dòng sông. 
« Kẻ chợ » giao thương, khắp Âu, Á, 
« Kinh kỳ » đệ nhất, chốn phồn hoa. 
Lầu cao gác tía, trời cao vút, 
Chập chờn mây trắng, bóng « rồng bay ».
Lịch sử rất hay, sự kiện lại nhiều, tài liệu không ít, nhưng trí thức có hạn, tránh sao khỏi sai sót, mong được bạn đọc góp ý xây dựng. Xin cảm ơn các tổ chức cá nhân đã giúp đỡ cho cuốn sách ra mắt bạn đọc.

Hà Nội, ngày 5 – 11- 2009

TRỊNH XUÂN TIẾN

Bạn đọc có nhu cầu mua sách xin liên hệ với bác Trịnh Xuân Tiến

+ Số điện thoại :  04.3 7474 407

+ Giá bìa : 52.000đ/cuốn

 

There are no comments yet

Tin khác đã đăng