Gia phong trong văn hóa gia đình người Việt



Gia đình được xem như là một xã hội vi mô, thu nhỏ, là tổ chức tế bào của xã hội, là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Xã hội Việt Nam với nền văn minh lúa nước từ lâu đã sống định cư và lấy gia đình làm đơn vị gốc. Trải bao biến thiên của lịch sử, cho đến tận ngày nay, trên con đường đổi mới và tiếp cận với văn hóa phương Tây, gia đình Việt Nam vẫn gắn chặt với làng, bản, khối phố, và với nước. Được như thế là vì, chúng ta đã có một nền văn hóa gia đình ở Việt Nam.

Dù ở thời kỳ nào, gia đình bao giờ cũng có 4 chức năng cơ bản:

– Chức năng truyền chủng: tái sinh ra con người để tiếp nối thế hệ.

– Chức năng kinh tế: gia đình là đơn vị sản xuất, tái sản xuất và là đơn vị tiêu dùng.

– Chức năng thỏa mãn các nhu cầu tình cảm: bảo đảm sự hòa hợp, yêu thương, lo lắng, quan tâm đến nhau giữa các thành viên trong gia đình.
– Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục và rèn luyện của mỗi thành viên trong gia đình.

Gia đình tức là nhà (gia), nhà gắn liền với nước. Nhà tiếp thu di sản văn hóa của nước, bảo vệ nước. Nhưng nhà cũng sản sinh ra những giá trị văn hóa, đóng góp thêm và làm phong phú cho nền văn hóa của cả dân tộc, cả nước. Người Việt đi từ nhà đến nước. Hai tiếng nước và nhà bao giờ cũng quyện lấy nhau trong nếp sống văn hóa gia đình của mình.

Văn hóa gia đình người Việt không phải là cái gì trừu tượng, chung chung mà được thể hiện cụ thể sinh động trong nếp sống, sinh hoạt, suy nghĩ, tình cảm của mỗi người và mọi thành viên trong gia đình. Đó là nền nếp của gia đình, gia tộc. Gia đình nào, gia tộc nào có nền nếp tốt thường được dân gian gọi là có gia phong.
Gia phong theo định nghĩa trong Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh là: “Thói nhà: tập quán, giáo dục trong gia tộc”; theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học là “nền nếp riêng của một gia đình phong kiến, nếp nhà”; theo Từ Hải (Trung Quốc) là “gia thế được truyền lại thành phong tục thông thường trong xã hội” (gia thế tương truyền chỉ phong thượng). Như vậy, gia phong là thói nhà, là sự khẳng định của những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của một cộng đồng gia đình, gia tộc về văn hóa gia đình, đã kéo dài qua nhiều thế hệ, được mọi người trong gia đình công nhận, tuân theo, thực hiện một cách tự giác gần như tập quán để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của cộng đồng gia đình (gia tộc) ấy.

Rõ ràng, gia phong là sắc thái văn hóa của mỗi gia đình (gia tộc) có nền nếp, có văn hóa. Muốn một gia đình, gia tộc có được gia phong như đã nói, trước hết và quan trọng hơn cả là ông bà, cha mẹ trong gia đình, gia tộc đó phải sống gương mẫu, phải làm gương cho con cháu, luôn nhắc nhở, khuyên răn con cháu sống theo gia phong. Muốn có gia phong và giữ vững gia phong, mỗi gia đình, gia tộc còn phải thực hiện gia giáo (nền giáo dục theo truyền thống của gia đình), gia lễ (nghi lễ truyền thống hay tập tục riêng trong cung cách ăn nói, ứng xử đã được gia tộc ấn định mà các thế hệ sau phải tôn trọng và gìn giữ), gia huấn (truyền dạy cho con cháu những điều hay lẽ phải phù hợp với gia đình và đạo lý của xã hội), có gia phả (để biết công đức của tổ tiên, quá trình tạo dựng dòng họ để giáo dục các thành viên trong gia đình, gia tộc)… Đó chính là gia đạo (đạo lý của gia đình, gia tộc), gia pháp (phép tắc của gia đình, gia tộc), gia phạm (quy phạm chuẩn mực của gia đình), gia tắc (nguyên tắc, quy tắc trong gia đình, gia tộc) mà mỗi gia đình phải tuân theo để thực hiện gia phong nhằm mang đến cho gia thanh (tiếng thơm của gia đình, gia tộc) và gia thế (cái thế đời, thế lực của mỗi gia đình, gia tộc trong xã hội) của mỗi gia đình, dòng họ.

Vấn đề gia phong đối với ông cha ta thuở trước, như vậy, đâu chỉ còn gói gọn trong phạm vi gia đình nhỏ nữa, mà còn là gia đình lớn (gia tộc), có ảnh hưởng lớn đến đất nước, dân tộc. Văn hóa đạo đức dân tộc thể hiện trong phạm vi gia đình, gia tộc chính là ở chỗ gia phong này.
Gia phong truyền thống của người Việt Nam xưa chịu nhiều ảnh hưởng và là sản phẩm của văn hóa phương Đông, mà trực tiếp là từ các học thuyết, tôn giáo: Nho, Phật, Đạo giáo, nhưng rõ nét vẫn là Nho giáo. Ảnh hưởng đó được thể hiện cụ thể thành luận thuyết: thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tề gia thuộc phạm vi gia phong. Nhưng muốn tề gia để có gia phong thì phải tu thân (tu dưỡng bản thân của từng mỗi người), tu thân lại phải chính tâm (giữ cho cái tâm được chính đại). Chính tâm lại phải dựa trên sự thành ý (suy nghĩ một cách chân thành, tự giác). Những điều ấy, có được, phải thông qua sự giáo dục của gia đình, gia tộc của nhà trường, xã hội.

Muốn có gia phong bề thế, bền vững thì phải biết kết hợp đạo đức với học vấn vì “nhân bất học bất tri lý”, không học thì không biết đâu lẽ phải để thực hành gia phong, gia đạo cho lâu dài. Cái học ở đây không chỉ bó gọn ở trường, lớp, ở thầy trò, ở sách vở mà còn là ở trường đời, trường học trong thực tế cuộc sống. Dân gian đã từng nói: “Dĩ tử kim mãn doanh,hà như giáo nhất kinh” (Để cho con đầy rương vàng, sao bằng dạy cho con một quyển sách); “Dưỡng tử giáo độc thư, thư trung hữu kim ngọc” (Nuôi con phải biết dạy con đọc sách, trong sách có vàng ngọc). Vàng ngọc ở đây chính là đạo lý thánh hiền trong gia phong vậy!

Gia phong của một gia đình, gia tộc còn chịu chế ước của các lực lượng xã hội. Làng xã ngày xưa có tác động rất lớn đến gia phong. Điều đó thể hiện qua việc hương ước, như là một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức, quy định chặt chẽ quan hệ, bổn phận của các thành viên trong gia đình, gia tộc với con cái – cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, cả đến những quan hệ láng giềng, làng xã, tập tục cưới hỏi, tang ma… Tóm lại, là những điều có liên quan đến gia phong. Gia phong đã đúc kết kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ, chịu ảnh hưởng của nhiều giai đoạn ý thức, được tưởng của nhiều vùng miền. Do vậy mà gia phong là một phạm trù rộng lớn có tính chất xã hội sâu xa và có một nội dung vô cùng phong phú.

Văn hóa gia đình, mà trước hết là gia phong, như ta đã thấy, sẽ tạo bản lĩnh cho mọi thành viên của gia đình hòa nhập với mọi biến thiên của cuộc sống, là tấm lá chắn hữu hiệu ngăn chặn mọi sự thâm nhập tiêu cực của xã hội vào trong gia đình, gia tộc để bảo tồn, phát huy, và tôn vinh những giá trị của một gia đình văn hóa truyền thống. Không phải ngẫu nhiên mà Liên Hợp Quốc đề ra năm 1994 là năm “Quốc tế gia đình” và Chính phủ ta đã lấy ngày 28-6 hằng năm làm ngày Gia đình Việt Nam

There are no comments yet

Tin khác đã đăng