Doanh nhân Trịnh Văn Bô: Đã là nhà buôn thì phải có uy tín làm ăn



Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) là một trong những thương nhân điển hình cho tầng lớp “tư sản cách mạng” đã làm giàu bằng bằng con đường chân chính, có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước, đồng thời cũng đại diện cho tinh thần kinh doanh Việt Nam

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô thời trẻ

Khi sự nghiệp kháng chiến được đặt lên hàng đầu, một trong những doanh nhân nổi tiếng là Trịnh Văn Bô đã dùng tài kinh doanh và nhiều tài sản quý báu của mình để đóng góp vào sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.

Sau ngày tổng khởi nghĩa 19-8, ngày 24-8 Hồ Chủ Tịch cùng một số đồng chí lãnh đạo về Hà Nội và được Trung ương và Thành ủy bố trí đến ở tại gác 2 số nhà 48 Hàng Ngang. Đây là ngôi nhà của ông Trịnh Văn Bô, chủ cửa hàng tơ lụa Phúc Lợi giàu có nổi tiếng nhất nhì Hà Nội bấy giờ. Ông Trịnh Văn Bô là một nhà tư sản yêu nước, gia đình ông cũng là một cơ sở tin cậy của Cách mạng. Bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông) là người trực tiếp chăm sóc Bác những ngày đầu Bác về Hà Nội. Đây cũng chính là nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, đọc trước quốc dân đồng bào, tại quảng trường Ba Đình sáng ngày 2/9/1945…

Gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ bắt đầu kinh doanh buôn bán tơ lụa vải vóc từ những năm đầu thế kỷ. Hàng hóa của cơ sở Phúc Lợi không những bán cho người trong nước mà còn đi khắp khu vực Đông Dương và chủ yếu là bán buôn. Tuy nhiên, gia đình không chỉ biết đến lợi nhuận mà tham gia làm từ thiện ngay từ những năm trước Cách mạng, từng từ thiện 100 chiếc tiểu đại để chôn cất hài cốt khi di dời nghĩa trang Nghĩa Dũng (Hà Nội). Sau đó, còn tiếp tục làm từ thiện bằng những việc như ủng hộ những người bị bom Mỹ, Nhật ở Đông Khê, Thất Khê, ủng hộ nạn nhân lũ lụt ở Hưng Yên, mua chăn cho trẻ sơ sinh… bằng những số tiền lớn và theo truyền thống của gia đình.

Được giác ngộ cách mạng, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã tích cực tham gia Việt Minh.

Tính từ trước ngày khởi nghĩa đến tháng 7-1945 gia đình đã ủng hộ tám vạn rưởi đồng Đông Dương trị giá tương đương 212,5 lạng vàng cho Cách mạng. Đến ngày tổng khởi nghĩa, vợ chồng ông Trịnh đã tham gia trong Ban vận động Quỹ độc lập, tiếp tục ủng hộ quỹ 20 vạn đồng tương đương với 500 lạng vàng, đồng thời đi vận động được thêm hơn 1 triệu đồng Đông Dương nữa.

Sau khi chính quyền non trẻ phát động ủng hộ “Tuần lễ vàng”, gia đình ông bà lại tham gia vào Ban vận động, đóng góp 117 lạng vàng cho Cách mạng rồi đi vận động để mọi người ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa.

Đến khi bế mạc Tuần lễ vàng, có tổ chức một bữa ăn ở bên Hồ Hoàn Kiếm, vé bán để tham dự là 120 đồng/chiếc, bà Hoàng Thị Minh Hồ đã tự nguyện đề nghị đồng chí Khuất Duy Tiến đưa cho bà 100 vé để bà mời 100 đại biểu là thương gia Hà Nội. Mục đích là để họ quyên góp cho quỹ.

Sau khi liên hoan kết thúc, gia đình Trịnh Văn Bô còn tổ chức thêm một đợt quyên góp nữa dưới hình thức bán đấu giá bức ảnh của Bác Hồ, dù ai không mua được vẫn trả tiền để ủng hộ, cuối cùng tổng số tiền thu được qua đấu giá lên đến 1,58 triệu đồng Đông Dương.

Như vậy, tổng cộng, riêng gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng. “Tiền ủng hộ nhiều như vậy, thế nhưng cái quý giá nhất tôi nghĩ không phải là số tiền đó mà chính là việc chúng tôi đã bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh trong suốt một tháng ba ngày và cả Thường vụ đi về, làm việc ở nhà tôi mà không xảy ra sự cố nào”, trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong, bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô) đã tự hào nói như vậy. Bà còn nói thêm: Khi tiêu tiền cho bản thân thì tôi tiết kiệm từng đồng, từng hào, từng xu, không bao giờ tiêu theo kiểu vất đồng tiền đi. Thế nhưng làm từ thiện hay ủng hộ cách mạng thì mấy chục lạng vàng một lúc tôi cũng không tiếc. Riêng cá nhân bà đã có lần được Bác khen tặng:

“Cháu tuổi trẻ, nhưng có tấm lòng người phụ nữ Việt Nam. Cháu giàu của, lại giàu tình thương người nghèo khó, giúp người hoạt động vì nước. Cháu là người yêu nước, vẹn cả hai vai: đảm đang việc nhà, tham gia việc nước”.

Gia đình ông Trịnh đã đem hết công sức, tài sản của mình ra giúp nước, giúp Cách mạng cũng chỉ vì một ý nghĩ đơn giản: Phải giữ được chính quyền non trẻ này thì đất nước mới giành được độc lập, mới có tự do. Muốn vậy thì phải có tiền để lo nhiều chuyện. Việc ủng hộ là vô tư với mong muốn giúp ích cho việc giành độc lập dân tộc chứ không bao giờ nghĩ sau này cách mạng thành công sẽ thu được cái gì hay được trả lại.

Cuộc đời kinh doanh của gia đình, dòng họ Trịnh Văn Bô đã để lại một kinh nghiệm quý báu và cũng là quan điểm thể hiện cái tâm của một gia đình thương nhân: “Đã là nhà buôn, thì phải có uy tín làm ăn. Chẳng ai dại gì mua danh ba vạn, bán danh ba đồng… Chúng tôi buôn bán, được 10 thì chỉ giữ lại 7, còn lại thì giúp đỡ người nghèo, làm những việc phúc đức. Đó cũng là lẽ thường tình. Như thế nó mới lâu bền”.

Thiết nghĩ, đây cũng là quan niệm chung của những nhà tư sản dân tộc yêu nước, một quan niệm rất tiến bộ, đầy lòng nhân ái và trách nhiệm.

Triết lý kinh doanh của Trịnh Văn Bô là: Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7,còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức.Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả

There are no comments yet

Tin khác đã đăng