Chúa Trịnh Cương: Bàn định chính sách để cứu vớt dân
Tác giả Việt giám cương mục, vốn không ưa gì các chúa Trịnh, cũng phải thừa nhận: Trịnh Cương hăng hái lo toan việc trị nước
Quan tâm đến dân
Ngay từ năm 1711, chúa Trịnh Cương đã sai các quan lại trong kinh kỳ chia nhau về các địa phương “đôn đốc việc sửa đắp đê điều”. Năm 1724, chúa Trịnh Cương lệnh cho trấn ty Thanh Hoá, Nghệ An đi khám xét các sông trong hạt, trù tính việc nạo vét, khai thông và giao cho dân các xã tiệm cận sửa đắp “để cho đường thủy được lưu thông”.
Sau đó, chúa Trịnh Cương lại giao cho Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn… làm khuyến nông sứ đi các nơi “xét rõ địa thế bắt dân đắp đê, đắp đập theo thời tiết lấy nước vào ruộng hay tháo nước ra sông, phòng bị việc hạn hán hay ngập úng… lại thăm hỏi sự đau khổ của dân gian, bàn định chính sách hợp thời để cứu vớt dân”.
Một chính sách khác thể hiện sự quan tâm của chúa Trịnh Cương đối với cuộc sống của nhân dân là miễn giảm tô thuế và chẩn cấp dân đói. Từ cuối thế kỷ XVII, đói kém, mất mùa đã xảy ra ở Đàng Ngoài. Tình trạng phiêu tán, trộm cướp cũng do đó mà ngày càng tăng. Như nước Lê -Trịnh không thể làm ngơ trước tình hình như vậy.
Trong 20 năm trị vì, chúa Trịnh Cương đã 7 lần lệnh cho quan lại địa phương lấy thóc kho chẩn cấp cho dân đói hoặc miễn giảm tô thuế. Các năm 1712 – 1713 do đói kém, chúa Trịnh Cương đã “hoãn thu thuế thiếu đã lâu, hoãn bắt phu làm việc, kêu gọi quan dân nộp thóc lấy tước phẩm và dùng số thóc đó phân phát cho dân nghèo” lại “trích tiền kho nội phủ cấp cho dân kinh kỳ. Trích một vạn quan tiền ở kho An Trường để cấp đỡ cho dân Thanh Hoá”, giảm xá một phần tô thuế Đàng Ngoài. Hoặc năm 1726, Thanh Hoá bị nạn đói “Triều đình bỏ ra 4 vạn quan tiền trong kho, giao cho bồi tụng Nguyễn Hiệu đi phát chẩn cho dân”.
Đánh giá của các nhà sử học
Như vậy có thể nhận thấy rằng, với những chính sách và việc làm của mình, chúa Trịnh Cương đã tỏ ra là một nhà cầm quyền năng nổ, có ý thức chăm lo đến cuộc sống của nhân dân.
Nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận xét: Trịnh Cương là người “chăm chỉ lo toan trị nước, cùng với các tể tướng ngày đêm trù tính, phàm việc bình dân, tiền của, thuế khoá đều đặn ra rõ ràng, đầy đủ”. Con người đó không chỉ lo chính trị, kinh tế mà còn là người chấn chỉnh lại chế độ thi cử, cấp ruộng cho các trường quốc học và phủ học, khuyến khích quân lính có học đi thi và xoá bỏ chủ trương cấm con em các nhà hát xướng học hành thi cử.
Tinh thần làm việc của Trịnh Cương được các nhà sử học thời trước ca ngợi bằng câu chuyện “Có ngày mới canh năm (khoảng 4h sáng) ông đã cho người sang mời hai tham tụng Nguyễn Công Hãng và Lê Anh Tuấn sang phủ chúa bàn việc nước trong lúc các ông này còn đang ngủ”. Và chính tác giả Việt giám cương mục, vốn không ưa gì các chúa Trịnh, cũng phải thừa nhận: “Lúc ấy, Trịnh Cương đang hăng hái lo toan việc trị nước”.
Cũng phải công bằng mà nói rằng, có không ít việc làm của Trịnh Cương mang nặng lợi ích giai cấp và dòng tộc. Đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng những mặt cơ bản ông là vị chúa vì đất nước, vì dân. Cũng như nhiều chính sách đúng đắn của ông xuất phát từ đề nghị của các đại thần.
Điều cơ bản là Trịnh Cương đã biết tiếp thu và tôn trọng những ý kiến của các đại thần và cũng chính vì vậy mà xung quanh Trịnh Cương thời ấy có hàng loạt con người tâm huyết, thanh liên một lòng vì sự nghiệp như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Quý Đức, Đặng Đình Tướng, Nguyễn Mại, Văn Đình Nhậm, Vũ Văn Bính… Đó là một bài học lịch sử quý giá để chúng ta chiêm nghiệm.
Dương Tuấn (Theo https://kienthuc.net.vn/phong-thuy/chua-trinh-cuong-ban-dinh-chinh-sach-de-cuu-vot-dan-158085.html)
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet