Bức thư nôm của Chúa Trịnh Kiểm
Trong các vị vua, chúa sáng nghiệp của lịch sử Việt nam, Trịnh Kiểm là người có khoảng đời hàn vi độc đáo. Trong khoảng 10 năm, từ địa vị cố cùng, can phạm…đã vượt lên đến hàng một Đại tướng lừng danh rồi sau đó nắm hết quyền bính, lãnh đạo cuộc Trung Hưng thành công.
Các sử gia khi ghi chép gốc tích vua, chúa thường tìm kiếm hoặc bịa đặt những điều linh-dị để xác chứng cái thuyết thiên định hoặc đức tin vào sự điềm lành…Nhưng với họ Trịnh, họ đã không giấu cái gốc hàn- vi, ti tiện… Ngay như các sử thần dưới triều Lê- Trịnh cũng đã công minh chép sự ấy rõ ràng. Sử thần Hồ Sĩ Dương ( 1622-1681 )đã giám sát các sử gia : Trạng nguyên Đặng Công Chất, bảng nhãn : Đào Sĩ Chính ( 1661 ) chép trong sách Đại Việt Lê triều đế vương Trung Hưng công nghiệp thực lục nội dung cũng không khác nhiều với bản trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Bức thư nôm của Trịnh Kiểm là một minh chứng mà có ít người biết, để có thêm các thông tin về nhân vật đặc biệt, có vai trò cực kỳ quan trọng của thời kỳ đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.
CHỈ TRUYỀN
Chỉ truyền Thám-thọ cùng Nhân lộc, Thuần tín đẳng :
( Ba nhân vật này có thể là 3 cha con Vũ Thì An ).
Việc tớ đã chất ( minh ước, thề hẹn ) cùng Trời Đất, cùng Tổ Tiên, đã tốt lành mọi lẽ. Việc tớ nhậm hành cho chúng ngươi về đấy tớ được cậy. Ngươi thể làm cho tận trung nghĩa, làm sao cho nhà tớ dõi truyền hưởng phúc muôn đời. Đã mượn cẩn thận nhậm sự; đã suất định nơi mả, bi giới phụ Tổ ( đã định chia phần đất chỗ xây mộ, chỗ dựng bia ). Dùng xây mả tổ một bên, mả dùng về bên tả. Mà điểm huyệt thì dùng La- kinh ( địa bàn ) cho chính phương hướng. Xem định ban ngày, dựng dấu cho minh.
Ngươi cho cẩn mật. Chờ đến giờ Hợi; khi đến thì làm việc tớ mượn. Ngươi đã biết việc. Dù thầy ( thầy địa lý )cũng vậy, dù kẻ Báo, kẻ Sóc cũng vậy. Đến đấy đêm hôm, chớ cho biết là đâu, mới yên lòng tớ. Tớ đã tin dùng. Ngươi phải vâng lời cẩn thận cho lắm, để tớ được cậy. Việc là can hệ, chẳng phải chơi đâu.
Mà ngươi khi cải hành, phải cắt kẻ nhậm sự cho nén lên đường Long- tụ hội mà cải ( vị trí đất ). Mà ngươi dùng cùng quản phủ nhà ngươi đi cùng.
Chính việc thì mượn ngươi cứ giờ Hợi. Mà ngươi xem đồng hồ cho chính giờ ( lúc đó đo thời gian bằng đồng hồ giọt nước ). Mà ngươi mật hành cẩn – thận cho nên việc sẽ ra. Đường thì xa; tớ đã tin dùng; ngươi nghĩ thế nào cho cẩn thận, chẳng phải gần mà truyền lời đi lại. Sự thì mặc ngươi liệu dùng mọi lẽ cho trọn vẹn tốt lành, cho tớ cậy.
Nhược bằng khai thấn thế quan, thì được giờ Dần, ngày 29 ( khai thấn thế quan : mở quan tài lấy hài cốt rồi thay quan ). An táng thì sẽ đợi giờ Hợi. Đường thì xa; Mặc ngươi liệu cho kịp giờ mới nên việc. Mọi việc chính hành, ngươi giữ làm sao cho ai đấy, cùng thầy ( thầy địa lý ), mữa cho ai biết ( Mữa : tiếng cổ là chớ )Chớ cho tường sự lí thì mới yên lòng tớ.
Kim ngân , lễ vật, tớ nhậm hành cho. Mà ngươi phải nghĩ dù tế cáo việc chi, thì làm gia hậu cho trọng hậu. Mà ngươi trai giới cho kính cho tin.
Việc chính, dùng thì dùng cái gỗ vàng tâm. Ấy cái trạng cải táng, vậy tớ đã yên lòng nhậm sự cậy dùng. Dù làm việc, trước sau ngươi phải nghĩ tiết thứ mà dụng hành. Những việc dùng thế nào. hoặc là mộng hiện, hoặc là tường thụy thấy những điều chi; hoặc khi thế quan tài, hình hài đã tiêu hóa thể nào; cho hết mọi lẽ ( điều ), thì mặc ngươi dụng hành mà biên một tờ trần sự thật cho hết tình tiết trước sau một lời tường tận minh bạch. Rồi việc thì cho ra kịp cho tớ được biết, cho yên lòng tớ.
Mà ngươi biệt tạm ở lại xem làm ba giá ngựa cho yên mọi lẽ. Ngoài năm mươi ngày, cho biến hóa vẹn vẽ. Thế nào có tin ra cho yên lòng tớ dạy. Thế nào thì ngươi sẽ ra chầu.
Ngươi xem cẩn thận cho yên lòng tớ, cho tớ cậy. Với như đất cải về đất thì lại hoàn về đấy.
TƯ TRUYỀN
Lời bình : Đọc thư ta thấy rằng Trịnh Kiểm cũng như nhiều người thời xưa, rất trọng, tin thuật phong thủy, tin sự đặt mồ mả tổ tiên có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của con cháu.
Chỉ truyền cho 3 người là cha con Vũ Thì An, 3 người này đã được Trịnh Kiểm tin, nhờ rất nhiều việc khi Ngài ở xa và các trường hợp không thể về quê Sóc Sơn được.
Trịnh Kiểm mồ côi từ lúc lên 6 tuổi, chắc bị thất học. Đọc tờ truyền này ta không hề thấy vết Nho- học chút nào. Trái lại lời thư của Trịnh Kiểm rất hồn nhiên, như lời nói câu chuyện thường, nghĩa là không văn hoa, không dàn xếp. Ý lặp, ý dứt rồi lại nối, ý ngầm rồi bỏ lửng. Hay dùng hư từ, giới từ làm câu nói có hình thức liên tục mà lời thành dây dưa… đã phản ảnh ngôn từ đời thường, bình dị.
Bức Chỉ truyền được viết vào năm 1545, năm tổ chức cải táng phần mộ tổ tiên. Lúc đó hai chữ : Chỉ truyền đã chỉ rõ Trịnh Kiểm đã coi mình là bậc Vương giả. Ngay từ khi ấy, Trịnh Kiểm đã thể hiện cái nghị lực kiên- cường, ý chí tráng- dũng đã đánh bại quan điểm luân lý trong trường chính- trị đề cao Trung -quân của nước Việt Nam lúc đó trong 249 năm.
Tuấn Anh, theo tài liệu của Hoàng Xuân Hãn, Paris, 1966
Tin khác đã đăng
- Lời kêu gọi khắc phục hậu quả bão lụt 17/09/2024
- Lễ khánh thành nhà thờ Trịnh tộc Làng An Chánh, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam 29/07/2024
- Kỷ niệm ngày Giỗ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng 20/07/2024
- Lễ Giỗ Bình An Vương Trịnh Tùng ngày 20/6 Giáp Thìn tại Phủ Thái Kiều – Vương Phủ Trịnh 19/07/2024
- Trịnh Tuệ: Vị trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến 01/07/2024
There are no comments yet