Về đất tổ họ TRỊNH



Một vùng đất trung du phía tây băc tỉnh Thanh Hóa ,nếu hành trình từ Hà Nội theo quốc lộ 1A vào, đến bắc cầu Đò Lèn sẽ gặp cây số không – điểm dầu quốc lộ 217, rẽ phải , ngược qua đường sắt đi 14 km là vùng đất tổ họ Trịnh.

Cũng giống bao làng quê trên đất nước ta . Nhưng ở đó có dòng họ lớn đã đi vào chính sử Việt Nam xuyên qua ba thế kỉ XVI, XVII và đầu XVIII, hơn 200 năm song song tồn tại với nhà Hậu Lê trị quốc ,dòng tộc họ Trịnh đóng vai trò chính yếu không kém đẳng cấp, thứ bậc trong Hoàng Triều. Thời kì hưng thịnh nhất của nhà Lê, khi đó đã hình thành một chính thể bên Vua, bên chúa – (Vua Lê – Chúa Trịnh). Qua các triều đại phong kiến Việt Nam, lịch sử như một đại cảnh “bất biến”.

Nghĩa là được ghi chép chính xác thời gian, sự kiện, nguyên hình ,nguyên dạng mà chưa bao giờ được chỉnh sửa. Mặc cho Đại Nam Thực Lục Quốc Sử Quán triều Nguyễn có phê phán một số chúa Trịnh đặc quyền thời Lê. Nhưng hình như công lao con người cũng đi vào “quỹ đạo” của chân lý. Và những nhà Sử học Việt Nam không sợ phải mòn bút để chỉnh sửa lệch lạc quan điểm đương thời mà để nguyên, như đúc lên những bức tượng đầy đủ chân dung các vị Vua, Chúa. Thôi thì cứ để nguyên mà hóa hay. Bởi vì nền văn hóa một Quốc gia vẫn lưu danh vào thiên cổ những danh nhân, danh tướng có đức hạnh, tài ba và cũng” lưu sử Vạn Niên” các bậc có quyền thế mà bất nhân tâm, để lại cho hậu thế soi chung mới đánh giá được sự công bằng. Xã hội đương thời trong đó có con cháu hậu duệ họ Trịnh nhìn cả hai hướng Đông, Tây. Khi ánh bình minh vừa rạng cũng như lúc hoàng hôn thường nhật đều thấy rõ nét về : Công, danh, sự nghiệp – ngang dọc ngàn thu của dòng họ Trịnh hằn lên một vệt dài vô tận đủ các sắc mầu xanh, tím, đỏ, như một đường chân trời nhưng đến bao giờ ta đi tới đó ?

XỨ SỞ LÀ ĐÂY

Nếu nói văn hóa Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa như một trong ngôi sao sáng chói nền văn minh nhân loại thời đại Đồng Thau thì bề dầy văn hóa huyện Vĩnh Lộc, tỉnh này cũng làm rạng danh pho sử vàng dân tộc Việt Nam. Một huyện đất không rộng, người không đông, chỉ có 15 xã ven hai con sông Mã, sông Bưởi đã đóng góp và cho quốc gia hai triều đại Phong Kiến thịnh trị. Tổ họ Trịnh và triều đại Hồ Quý Ly. Qua 5 thế kỉ rồi, vùng đất đó vẫn nguyên hình, nguyên khối. Có khác chăng là con người mới bắt đầu sự khám phá ít ỏi, đóng góp vào nến văn minh xã hội đương đại. Vừa mới đây năm 2011 thành nhà Hồ đã được tổ chức (UNESSCO) ghi vào” Bia đá hành tinh” di sản văn hóa thế giới. Còn vùng đất và con người họ Trịnh, chưa một tiếng vinh danh.

Cũng nên nói với bạn đọc rằng thật diễm phúc cho tác giả bài này là người dòng họ Nguyễn nhưng cố hương ở vùng đất họ Trịnh. Đó là 5 xã hạ lưu sông Mã huyện Vĩnh Lộc gồm: Vĩnh Hùng, Vĩnh Tân, Vĩnh Minh, Vĩnh Thịnh, Vĩnh An. Trong đó 4 xã :Hùng- Tân-Minh- Thịnh ôm lấy cánh đồng chiêm trũng quanh năm đầy nước. Mùa mưa, nước ngập tràn xuống Vĩnh Thịnh, thoát qua huyện Hà Trung, theo sông Lèn ra biển. Năm xã hạ lưu thuở xưa là Tổng Bồng thuộc phủ Quảng Hóa. Xã Vĩnh Hùng ngày nay, vào hế kỉ XVI có tên là làng Bồng Thượng – hay là Biện Thượng – chính là đất tổ họ Trịnh. Với thế đất, sơn – thủy lâu đài. Ngọn núi Báo làng Bồng Thượng, phía tay trái cao 300 m so với mặt biển một dải đồi thoai thoải khuỳnh ra nối với dãy núi Mông Cù- hình cánh diều kéo dài một vệt hơn 15.000m xuống tận cánh đồng Khao Đất huyện Hà Trung. Dưới chân núi Mông Cù, hiện nay là làng Đa Bút- di chỉ đồ đá cũ. Tục truyền: Vào thế kỉ thứ XIII, theo triền núi dẫy Mông Cù, kế với Đa Bút còn có các làng :Bút thôn , Nhầy thôn, Lừ thôn, Bàu thôn, Bớn thôn, cuối cùng là làng Kẻ Kẹm.Cư dân các làng này đông đúc, sống hòa thuận và bằng nghề nông. Nhưng vào một năm đại họa, động rừng. Các loài Hổ, Báo,Chó Sói,Gấu, Khỉ Đột, từ phía tây bắc đại ngàn Cúc Phương tràn vào làng quấy phá bắt Châu , Bò, Lợn, Gà và đã hàng chục người chết do nanh vuốt các loài thú, năm làng triền núi dẫy Mông Cù phải bỏ quê hương sinh sống nơi khác. Phái tay phải Bồng Thượng triền hạ lưu sông Mã, nhà cửa san sát, đây là đắc địa, trên bến dưới thuyền, bốn xã Hùng_Tân- Minh_Án dọc theo sông nước hơn 13 km xuống ngã Ba Bông giáp danh xã Hoàng Khánh – Hoàng Hóa.

THĂM PHỦ TRỊNH

Phủ Trịnh là một tòa nhà cấp bốn , năm gian, hai trái cột xà gỗ Lim, lợp ngói vẩy , tọa trong khuôn viên diện tích khoảng 500 m2 tại làng Bồng Thượng- xã Vĩnh Hùng. Thực ra đây là ngôi nhà nhỏ còn sót lại của phủ Trịnh sau khi bị các thế lực Phong Kiến tàn phá . Không rõ được xây dựng từ bao giờ nhưng trông bề ngoài tòa phủ cũ kể như cụ rùa nghìn tuổi ,da dẻ mốc meo ,rêu phong lởm trởm.Trước tòa phủ, qua quảng sân hẹp, một bức bình phong , viền tấm bia đá đối diện cửa chính tòa phủ. Xung quanh phủ, hàng cau già bao quanh, cây thẳng đứng, da thân như dát bạc , đầu đội tán lá như thách thức với trời đất nắng mưa .

Bên trong tòa phủ là các bệ thờ 12 chúa Trịnh được tạc tượng bằng gỗ, sơn son, thếp vàng, có áo mũ cân đai , toát lên sự uy nghi lẫm liệt của các quan triều ngày xưa, mỗi vị một sắc thần trên khuôn mặt. Người trong coi phủ rỉ tai tôi bảo rằng : Một chi họ Trịnh tỉnh Hà Tây (cũ), năm 2003 đã tạc tượng các vị chúa rước vào tặng Thanhh Hóa. Ngồi chính giữa tòa phủ trên bệ cao là Trịnh Kiểm. Kế hai bên tả, hữu phía dưới gồm các vị Chúa :Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Bồng. Mỗi vị chúa một cấp bậc, đính theo ngày tháng năm sinh và ngày tạ thế .

Là người làm báo, tôi may mắn được được đi hầu hết các miền trong nước, thăm viếng nhiều đền đài, chùa chiền ở các địa phương phụng thờ các danh nhân , danh tướng có công với dân với nước. Nhưng không nơi đâu có một sự tựu chung “đại phúc, đại nghiệp” đầy đủ các bậc danh nhân, danh tướng dòng họ Trịnh như ở đây. Bởi chính mảnh đất này – đất phát tích dòng họ Trịnh từ năm 1545 -1778 cùng với nhà Hậu Lê phụng sự đất nước. Thắp nén hương thơm, tôi dâng lên bệ thờ Trịnh Kiểm, vị Chúa đứng đầu dòng tộc, rồi ngưỡng mộ pho tượng hồi lâu để lần vào trang sử xa xưa. Ngài Trịnh Kiểm đã cùng Nguyễn Kim nằm gai, nếm mật cùng xây đắp bờ cõi mở mang đất nước và các vị danh tướng ngồi đây, mỗi vị một ánh hào quang thời Trịnh- Mạc…

Đánh giá cônglao vị tổ họ Trịnh, sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư viết “Khi nhà Mạc chiếm ngôi may mà vận trời chưa thay đổi, lòng người theo Triều xưa. Trang Tông dụ Hoàng Đế nổi dậy ở đất Miền Tây, tổ của Người là Chiêu Huân Tĩnh Cộng – tức Nguyễn Kim, đã hợp sức với Minh Khang Thái Vương – tức Trịnh Kiểm , xoay chuyển đất trời, sử xanh để tiếng. Vận trời đã trở lại hanh thông, nước nhà một phen tái tạo…”(trang 276 tập 3).

Chiêm ngưỡng từng vị Chúa. Nhớ giai đoạn lịch sử Việt Nam thời Trịnh – Nguyễn và thời Lê – Mạc, sau khi dẹp yên nhà Mạc đã song song tồn tại hơn hai thế kỉ chấn hưng đất nước. Những vị Chúa nổi danh như Trịnh Tráng, một lòng, một dạ phò vua. Khi khởi binh dẹp giặc được ba quân thán phục trăm trận, trăm thắng. Lúc thời bình, ông thu phục lòng người trăm họ đồng tâm xây dựng xã tắc vững bền. Đại Việt Sử Kí Toàn Thư viết về Nguyên Soái thống quốc chính Trịnh Tráng : “Đúc trời mở rộng Trung Hưng, tất sinh người hiền để giúp xã tắc. Làm Vua công bằng giữ đạo, phải ban tước hậu tỏ công lao. Thái Úy Thanh Công Trịnh Tráng, đức nghiệp giống như người trước, anh hùng hơn hẳn đời xưa. Khi cầm quân, trăm trận ra oai, dẹp yên bờ cõi, lúc lập kế thì lòng người đều phục dựng lại nước nhà…” Ông xứng đáng kế thừa, nối nghiệp cha là Bình Vương Trịnh Tùng – nhà quân sự thao lược, dũng khí oai phong . Ngoài bài binh, bố trận ông thân chinh cầm quân giao chiến với kẻ thù. Trước ba quân, bao giờ ông cũng nhận phần gian nguy, hiểm ác, tự mình đối phó, giao cho các tướng sĩ những trận đánh chắc thắng để họ lập công .

Lời Kim Sách trong Đại VIệt Sử KÍ Toàn Thư – viết về Trịnh Tùng .

“Nhớ Nguyên Soái Tổng Quốc Chính Thương Phụ Bình An Vương xưa thông minh, dĩnh đạt, trí dũng, anh hào, lấy lòng nhân nghĩa cứu vớt sinh linh, giữ yên xã tắc, xoay lại đất trời, giúp vầng nhật nguyệt, công đức cao dày. Yên con nối để lại mưu kế sâu xa, đáp công to ban danh hiệu tốt đẹp. Đặc sai quan mang sách vàng, truy phong làm Cung Hòa Khoan Chính Triết Vương: Mong rằng yên vui phu thỏa, giúp dập phù trì, để con cháu được hưởng phúc thừa, dòng dõi ức năm dài mãi mãi …”

Để thống lĩnh một hệ thống quân sự từ trung ương đến địa phương bền vững. Nhà Trịnh cũng cố lực lượng binh lính hằng năm, thiết chế luật tuyển quân – giống nghĩa vụ quan sự bây giờ. Nhà có ba “Đinh”- tức là ba con trai thì một “Đinh” vào lính. Chúa Trịnh Giang đứng ra tuyển mộ hai năm một lần rồi luyện tập binh lính. Đó là nghĩa vụ của dân phải cùng Triều Đình trông coi, giữ gìn bờ cõi nước nhà. Trong khi đó, Chúa Trịnh Cương lại lập ra hệ thống an ninh làng xã, thôn xóm, phong các chức “Cai, Đội” cho người trong tổng xã, thôn để trông coi trấn an bọn trộm cướp. Ngoài ra, ông tổ chức các kì thi võ nghệ, tuyển nhân tài…

Trong số các vị Chúa ngồi trên bệ thờ tôi dừng lại hồi lâu trước Chúa Trịnh Sâm. Thời Lê thịnh trị, Chúa Trịnh Sâm nổi danh không chỉ trông coi về nền học vấn dân tộc, lồng trong tài chí uyên bác đó, ông coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ông thúc giục các quan đề đốc chăm lo việc học hành, tổ chức các kì thi cử, phong sắc, chức tước. Nền học vấn nước nhà được cải tiến, rút ngắn các kì thi so với các Triều trước. Nhưng đáng trân trọng hơn, ông đã đặt chữ Lễ, chữ Tâm lên trước chữ tài , và có lẽ trong Triều chính, Trịnh Sâm là người yêu thơ ca, văn học. Ông đã sáng tác, bình phẩm nhiều thơ ca được người đời sánh với bậc thi sĩ tài hoa của hậu thế. Nhiều áng văn thơ của ông khi đọc xong toát lên bức họa tiết, bức phù điêu làm nao lòng người…

Quả là 12 vị Chúa trên bệ thờ như một “ hội đồng tướng lĩnh” trong hoàng tộc nhà Trịnh lưu danh vào chính sử dân tộc. Từ sách Đại Nam Thực Lục đến Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ta thấy rõ giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng suốt bao thế kỉ nay các vị Chúa vẫn lặng yên ngồi đó. Lịch sử đương đại, xã hội đương thời không ai được nhắc đến. Bao công danh, sự nghiệp, ngang dọc, ngàn thu một dòng họ lớn – họ Trịnh ;chẳng lẽ không một ai trong số danh nhân, danh tiếng, hơn hai trăm năm phụng sự đất nước để lại gương sáng cho con cháu đời sau?

Năm 1995 tôi được dự một cuộc hội thảo khoa học lần thứ nhất tại Thanh Hóa về Chúa Trịnh, vị trí và vai trò lịch sử, do ban nghiên cứu Lịch Sử Thanh Hóa với hội khoa học Lịch Sử Việt Nam phối hợp tổ chức. Được gặp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử- chính trị- quân sự trong nước, trong đó khá đông đại biểu có học vị, học hàm là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là dòng họ Trịnh đang công tác ở các ngành, các cấp trong nước. Nhiều bản tham luận xoáy sâu vào bộ máy công quyền Triều Chính về quân sự, giáo dục, y tế, nêu bật công danh, phê phán sự lệch lạc…

Những tưởng sau cuộc hội thảo ấy, sẽ mở ra hướng nhìn nhận đánh giá, chỉnh sửa một số quan điểm để lịch sử thật công bằng chính trực. Nhưng đến nay, đã qua 17 năm cái “dấu chấm” sau cuộc hội thảo lần thứ nhất đó vẫn chờ đó. Và không biết có cuộc hội thảo lần thứ hai nữa không. Rồi cũng không ai hẹn ai nhưng mọi người vẫn cứ chờ đợi như món nợ lịch sử.

Nhiều người mách bảo rằng ngành khoa học xã hội, trong đó viện nghiên cứu Lịch Sử và một số ngành chức năng chung tay phối hợp, nếu cần thiết có thể trình Quốc Hội cho ý kiến chính thống bổ sung. Điều đó sẽ có lợi cho hệ thống Giáo Dục – Đào Tạo khẳng định cái đúng, cái sai vào sách giáo khoa. Ngành Văn Hóa có cơ sở để tôn vinh các danh nhân, danh tướng trên các lĩnh vực, thể hiện truyền thống dân tộc Việt Nam qua 4000 năm dựng nước và giữ nước .

Ký sử

THẾ NGHĨA

There are no comments yet

Tin khác đã đăng