Lẽ sống của chúng tôi



Tôi là người phụ nữ xuất thân trong một gia đình nhà buôn. Là nhà buôn, chứ không phải là con buôn. Đã là nhà buôn, thì phải có uy tín làm ăn. Chẳng ai dại gì mua danh ba vạn, bán danh ba đồng!

Hai họ nội, ngoại của chúng tôi đều là những đại gia đình có uy tín trong xã hội lúc bấy giờ. Các cụ nội, ngoại chúng tôi đều là các nhà nho yêu nước, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Ngày ấy, vào năm 1944, các anh Khuất Duy Tiến, Hoàng Hữu Nhân đến gia đình chúng tôi giác ngộ cách mạng. Chúng tôi tham gia Việt Minh. Từ chủ nghĩa yêu nước chúng tôi đến với cách mạng là như vậy. Nó thật là đơn giản. Chúng tôi yêu nước, mong muốn đất nước mình độc lập, như ngày hạn mong gặp cơn mưa.

Nhiều lúc nghĩ lại, chúng tôi không hiểu mình đã đến với cách mạng như thế nào?

Bằng sự giác ngộ cách mạng hay bằng chủ nghĩa yêu nước, mà hai họ nội, ngoại đã nuôi dạy chúng tôi làm Người – con người biết yêu thương nhau, biết yêu lẽ phải, nhường nhịn, có lòng nhân ái, kính trên, nhường dưới; đấy là lẽ sống ở đời!

Chúng tôi buôn bán, được mười thì chỉ giữ lại bảy, còn lại thì giúp đỡ người nghèo, làm những việc phúc đức. Đó cũng là lẽ thường tình. Như thế nó mới bền lâu.

Để nuôi nền độc lập của đất nước, chúng tôi đã cống hiến tất cả.

Vào những ngày chuẩn bị Cách mạng tháng 8 năm 1945, các đồng chí đã báo với gia đình tôi, “chuẩn bị đón Mẹ về”!

Mẹ là ai? Chúng tôi chỉ được biết đấy là một con người – con Người yêu nước, linh hồn của cách mạng.

Chúng tôi thấp thỏm mong chờ… Ngày 24/8/1945 “Mẹ về”, chúng tôi đón Người. Với mọi người khác trong gia đình, đó là các cụ ở quê ra chơi… mà không ai biết đó là Bác Hồ kính yêu.

Hơn một tháng trời chăm sóc, nuôi giấu phục vụ Bác, chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của người công dân – của người yêu nước.

Ngày ấy tôi mới có ngoài 30 tuổi (tôi sinh năm 1914). Có cái cơ bản ngày ấy để đón Mẹ về, hằng ngày vợ chồng chúng tôi phải lao động cật lực, làm việc tới 18 tiếng đồng hồ. Cũng chẳng đơn giản đâu. Máu làm giàu, tình thân ái. Đó là lẽ sống của chúng tôi.

Những ngày ấy, Bác và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng đã sống và làm việc ở nhà 48 phố Hàng Ngang của chúng tôi vài chục ngày. Đồng chí Trường Chinh ở ba tháng trời. Anh Võ Nguyên Giáp ở chừng hai tháng.

“Tuần lễ vàng” – chúng tôi đóng góp cho cách mạng 117 lạng vàng. Vận động bà con công thương ủng hộ khoảng 4.000 lạng vàng. Bà Phát Đạt, Lương Thị Tình, ủng hộ 56 lạng vàng, bà Vương Thị Lai 101 lạng vàng.

Họ nhìn vào chúng tôi, một tấm gương để mà mở két của gia đình, đem ra ủng hộ cách mạng.

Thật đáng tự hào, vì họ là những người tư sản yêu nước, yêu độc lập. Họ đã hy sinh tất cả.

Chín năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, chúng tôi sống ở ngoài Phú Thọ – bây giờ là tỉnh Vĩnh Phú. Nhà tôi – ông Trịnh Văn Bô thì công tác ở Ngân hàng Trung ương – ATK, Việt Bắc.
Anh Trịnh Văn Bính – thứ trưởng Bộ Tài Chính của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 sau ngày Tuyên ngôn Độc lập là anh ruột của nhà tôi. Anh đã nhiều năm theo học ở Pháp. Cho đến cuối đời vẫn là thứ trưởng.

cthcm1

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng giới Công thương Hà Nội trong Tuần lễ Vàng. (Ảnh tư liệu)

Có những lúc, các cháu có thắc mắc và hỏi ông nhà tôi, tại sao nhân viên của Bố đã trở thành thứ trưởng ngành ngân hàng còn bố chỉ là người chuyên viên 3 bình thường, trong khi Bố đã từng là một trong những người sáng lập ra ngành ngân hàng, đã từng là Tổng giám đốc Việt Nam công thương ngân hàng.

Chồng tôi nói với các con: “Tao đi làm cách mạng đâu có phải vì đồng lương”.

Việt Nam công thương ngân hàng được thành lập theo chỉ thị của Trung ương. Khi giành được độc lập, chúng ta chưa chiếm lĩnh được nhà băng Đông Dương.

Gia đình chúng tôi đã bỏ 500.000 đ Đông Dương vào để thành lập Việt Nam công thương ngân hàng. Bản thân chúng tôi gương mẫu như vậy nên nhiều người noi theo Ngân hàng huy động được khoảng 1.800.000 đồng.

Chính phủ sử dụng một số tiền đóng góp của nhân dân (hết 700.000 đ) để mua nhà 58 Tràng Tiền (bây giờ là cửa hàng thời trang Hà Nội) làm trụ sở cho Ngân hàng Công thương. Chúng tôi thành lập “Ngũ cốc công ty” do ông Đỗ Đình Thiện làm chủ tịch. Ông Trịnh Văn Bô nhà tôi làm phó chủ tịch. Ông bà Đỗ Đình Thiện là một điền chủ giàu có đã có đồn điền ở Chi Nê, Hòa Bình cho cách mạng làm cơ sở của Bộ Tài Chính – nơi in tiền của cách mạng đầu tiên.

Thực dân Pháp phát hiện ra cơ sở cách mạng này, đã ném bom phá sạch. Chúng tôi bỏ ra 200 lạng vàng để mua cả kho vũ khí ở Chèm cho anh Võ Nguyên Giáp có vũ khí đánh giặc. “Mùa đông binh sĩ”, chúng tôi mua 200.000 áo trấn thủ cho ấm lòng người chiến sĩ. Chúng tôi mua nhiều cổ phần của công ty sản xuất vũ khí Phan Đình Phùng và vận động nhiều bà con mua. Có lẽ những điều ấy chỉ có Trời Phật chứng giám, cho nên ba con trai của chúng tôi từng ở quân ngũ nơi mưa bom bão đạn, các cháu vẫn vẹn toàn trở về. Cháu Quyết Thắng đã từng ở chiến trường Quảng Trị nóng bỏng vẫn trở về khỏe mạnh. Đơn vị cháu hy sinh gần hết.

Chúng tôi đã đóng góp cho cách mạng 1.200.000 đ, nó tương đương với 5 ngàn lạng vàng thời ấy. Tôi nói như vậy có phải kể công với Đảng không? Một ngàn lần không, chúng tôi sống giản dị đơn sơ.

Tiếp thu lời Bác dạy “kiên trì và nhẫn nại”, gia đình chúng tôi đã một lòng một dạ đi theo cách mạng gần nửa thế kỷ nay. Lúc này đây nhớ về Bác tôi càng thấm thía lời nói đơn giản của Người: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

trinh van bo 2
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ doanh nhân Trịnh Văn Bô – năm nay tròn trăm tuổi.
Dòng họ trí thức Thăng Long hiến cho đất nước cả sản nghiệp kinh doanh của mình

Nguồn: Tạp chí “Xưa và nay”

Tư liệu : Vợ chồng Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) là một nhà tư sản Việt Nam giữa thế kỷ 20. Hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi tại số 48 phố Hàng Ngang quận Hoàn Kiếm Hà Nội, trước Cách mạng tháng Tám, cũng là nhà riêng của ông, là nơi Hồ Chí Minh ở dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945, và là nơi ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quí độc giả tham khảo thêm các bài viết về Nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô:

Tọa đàm khoa học “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng”

Người hiến hơn 5.000 lạng vàng cho cách mạng

Nhớ về nhà công thương Trịnh Văn Bô

There are no comments yet

Tin khác đã đăng