Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ và trang phục các triều đại Việt Nam



Từ 20 năm nay, ông đã chuyên tâm nghiên cứu việc này. Hướng tìm tòi để hình dung về trang phục Việt Nam của hoạ sĩ tương đối mới mẻ, táo bạo, và dĩ nhiên, sự liều lĩnh đó đang gây ra sự tranh luận giữa các nhà nghiên cứu.

Họa sĩ Trịnh Quang Vũ hình dung lại triều phục thời Đinh và tiền Lê như sau: “”Trước tiên, tôi căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư. Sách viết: Hoàng hậu Dương Vân Nga trao áo long cổn cho Lê Hoàn. Vậy thì tôi suy ra, các vua Đinh và tiền Lê mặc áo long cổn. Chiếc áo này có nguồn gốc Trung Quốc, trong sách Chu Lễ thời nhà Chu đã có những quy định rất rõ về thể thức trang phục đi với áo long cổn, cái thể thức đó cũng chuẩn mực hệt như bây giờ nếu mặc bộ comple thì phải thắt caravát. Áo long cổn thì phải đi với mũ miện. Đó là lý do để tôi tiếp tục khẳng định thời Đinh Lê – tiền Lê đội mũ miện””.

Có ý kiến cho rằng, ông lấy áo long cổn của Trung Quốc khoác cho vua Lê Hoàn, nhưng ông giải thích: “”Sách của Phan Huy Chú ghi rất rõ: Về sau nhà Vua phần nhiều dùng vóc đỏ, sức trân châu. Vậy thì áo long cổn của Lê Hoàn phải có màu đỏ. Mũ miện cũng vậy. Tôi tham chiếu với hình ảnh chiếc mũ miện trong sách Tàu, đồng thời kết hợp với việc khảo tả trên các pho tượng cổ của người Việt. Rõ nhất là miện của tượng Ngọc Đế tại chùa Bối Khê (Hà Tây), trông rất Việt Nam. Nếu như miện của Trung Quốc có đỉnh là một hình chữ nhật bằng, phía trước hơi lượn cong, và có tua rủ xuống mặt; thì ở Việt Nam, chiếc đỉnh đó đã gần thành hình vuông, cạnh phía trước không có chỗ lượn cong… “”.

Cũng với một cách khảo cứu kết hợp với đối chiếu như thế, ông Vũ đã mạnh dạn dựng lại hệ thống trang phục Việt Nam qua các triều đại. Quan lại phẩm cấp ở các thời kỳ cũng được ông vẽ “”ban”” cho đầy đủ kiểu mũ áo khác nhau. Ông còn dựng lại chiếc bối tử. Bối tử là những hình chim muông, cầm thú thêu, vẽ trên triều phục các quan, phía trước và sau lưng tùy theo cấp phục. Ông Vũ lại căn cứ vào những quy định của việc đeo bối tử ở bên Tàu, kết hợp với hình bối tử trên các bức tượng cổ. Bức tượng của một viên quan thái giám thời Lê – Trịnh, có tên là Trịnh Đăng Đống đang được thờ ở Mỹ Văn (Hưng Yên). Kể ra Tổng Thái giám họ Trịnh này cũng đồng tông đồng tộc với ông Vũ, nên ông rất rành rẽ về lai lịch. Khi Tổng Thái giám chết, người nhà theo nguyện vọng cuối cùng của ông ta, mang bức tượng thờ ra giữa chợ, xem thiên hạ có nhận ra tượng giống người không, có khác chỗ nào thì phải sửa ngay, vì thế pho tượng này có thể coi là hình ảnh xác thực về người thật; và chính nó đã nói rõ thể thức trang trí của bối tử thời Lê – Trịnh như thế nào.

Căn cứ vào mẫu này, khi dựng bối tử các thời khác, ông Vũ bèn vẽ các hình theo đặc trưng mỹ thuật của thời kỳ đó. Bước sang thời kỳ Lê – Trịnh và Nguyễn, ông Vũ có nhiều tư liệu trực quan hơn, đó là một số lượng lớn tranh vẽ do người phương Tây thực hiện vào thời kỳ này, trong đó độc đáo nhất là bức tranh vẽ Lính thị vệ trong phủ Trịnh và Quan Nghè mặc triều phục. Chúng được giới thiệu trong sách của những giáo sĩ như Marini, Christov Bory; và cuối cùng không thể quên được là Samuren Baron, một ông tây lai và rất có thể còn là một cậu ấm trong phủ chúa. Cha đẻ của Samuren là Hary Baron, giám đốc một thương điếm ở Thăng Long, lấy vợ người Việt, sinh ra Samuren, và sau đó ông còn được chúa Trịnh Căn nhận làm con nuôi và được vào phủ chúa, nhân đó Samuren đã vẽ lại vài chục bức tranh quý giá về cảnh Trịnh phủ, được giới thiệu trong cuốn Du lịch vương quốc Đàng Ngoài. Với những kết quả nghiên cứu phục dựng đó, ông Vũ đưa ra nhận xét bước đầu: Trang phục của Việt Nam đơn giản hơn, khỏe mạnh hơn, không cầu kỳ và cũng kém phần hoành tráng so với của Trung Quốc; nhưng nó đã phản ánh đúng điều kiện lịch sử – địa lý của Việt Nam.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

There are no comments yet

Tin khác đã đăng