Họ Trịnh với những tư liệu hiện còn



Họ Trịnh là một trong những dòng họ lớn và có vai trò nhất định trong lịch sử dân tộc. Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Hồ Chí Minh vĩ đại: “Uống nước nhớ nguồn”, trong trào lưu chung của cả nước, con cháu họ Trịnh cùng tìm về cội nguồn của mình: Làng Sáo Sơn, Thanh Hoá.

Họ Trịnh là một trong những dòng họ lớn và có vai trò nhất định trong lịch sử dân tộc. Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Hồ Chí Minh vĩ đại: “Uống nước nhớ nguồn”, trong trào lưu chung của cả nước, con cháu họ Trịnh cùng tìm về cội nguồn của mình: Làng Sáo Sơn, Thanh Hoá.

Không kể trước kia (năm 1937), hai chi họ Trịnh ở Đôn Thư và Cói thái Đường đã về Tổ), từ năm 1987 đến nay, con cháu họ Trịnh dồn dập về xứ Thanh tìm lại họ hàng. Mở đầu là 2 chi họ Trịnh ở Thịnh Liệt và Định Công về Thanh Hoá nhận Tổ, nhân ngày giỗ Trịnh Kiểm năm 1987. Sau đó, các chi Quán La, Bình Đà, Hàng Bồ, Nguyễn Thái Học, Từ Liêm… lần lượt tìm cách liên lạc với dòng họ nhà mình. Những việc làm này đã thúc đẩy sự ra đời Ban Liên lạc họ Trịnh vào ngày 24/10/1993 do hơn một trăm đại diện các chi họ Trịnh ở khu vực phía Bắc bầu.

Một sự kiện trọng đại nói lên sự quan tâm và đánh giá đúng đắn công lao các danh nhân họ Trịnh của Đảng và Nhà nước ta là, công nhận Phủ Trịnh và Nghè Vẹt – nơi thờ các chúa Trịnh – là di tích văn hóa lịch sử của Thanh Hoá. Ngày 29/3/1994, nhân ngày giỗ đức Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm, UBND Vĩnh Hùng đã tổ chức lễ hội đón nhận Quyết định nói trên với sự tham gia đông đảo của các vị lãnh đạo tỉnh, huyện, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các nhà khoa học trong và ngoài nước và con cháu họ Trịnh khắp các miền đất nước.

Phấn chấn trước sự kiện trên, Ban liên lạc họ Trịnh đã phát triển một tiểu ban thường trực ở các tỉnh phía Nam.

Hơn mười năm qua, nhất là sau ngày đón nhận Quyết định công nhận di tích lịch sử văn hoá Trịnh Phủ-Nghè Vẹt, theo lời kêu gọi của Ban liên lạc (một ở Hà Nội, một ở TP. Hồ Chí Minh), con cháu họ Trịnh đã ra sức sưu tầm và góp nhặt những tài liệu về họ Trịnh như: Gia phả, Sắc phong, Câu đối, Văn bia, Mộ chí và các hiện vật như: Kiếm, Mũ, Ngai, Kiệu… của chi mình gửi về cho Ban liên lạc. Bước đầu, Ban liên lạc đã nhận được 51 đầu mục tư liệu (không kể Câu đối, Văn bia, Sắc phong cùng các hiện vật…) ghi chép về họ Trịnh, bao gồm Gia phả, các bài nghiên cứu, các công trình biên soạn… trong đó có tới 36 tập Gia phả được viết bằng chữ Hán do các chi khác nhau cất giữ với tổng số 1221 trang.

Về Gia phả, Ban liên lạc hiện nắm trong tay các văn bản Kim giám thực lục, Kim giám tục biên, Kim giám tộc ký, Trịnh chi gia phả, Trịnh thị gia phả, Trịnh thị ngọc phả ký, Kim giám phả ký, Lê-Trịnh gia phả, Cự Đà Trịnh tộc gia thị phả, Bình Đà Trịnh tộc, Thịnh Liệt chi gia phả… Điều đáng nói là, hầu hết các gia phả nói trên đã được các chi họ và Ban liên lạc thuê dịch ra Quốc ngữ. Trong các gia phả, đáng chú ý là quyển Kim toả thực lục do PTS Nguyễn Đăng Na phát hiện trong một chuyến đi thực địa do Ban liên lạc tổ chức tại Đôn Thư. Kim toả thực lục ghi chép những điều gọi là “Nội phủ bí sử”, mang tính chất lưu hành “kín” trong nội tộc. Nói chung, 36 tập Gia phả sưu tầm, thu thập được là những tư liệu có thể coi là quý hiếm, chúng có thể bổ sung cho lịch sử, cho văn học và nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác của ta trong giai đoạn từ năm 1427 đến 1791.

Dựa vào những tài liệu đó, chúng ta có thể đi tìm dấu vết tác giả hoặc thời điểm sáng tác một số tác phẩm văn học, chẳng hạn các truyện Nôm: Ông Ninh cổ truyện, Thiên Nam minh giám… hoặc biết được một chế độ quan tước, quá trình thăng chức, mối quan hệ song tồn giữa vua Lê – chúa Trịnh … Ta còn có thể tìm thấy các sự kiện cụ thể trong Kim toả thực lục về một số nhân vật trong dòng chúa Trịnh do phạm tội bị xử trảm, chặt chân, giam cổ, xoá tên khỏi dòng tộc… Điều này giúp ta hiểu thêm về kỷ cương và pháp luật thời Lê – Trịnh. Hơn nữa, những chi tiết cụ thể về một số chúa Trịnh đã lấy những bà đã có chồng có con, hoặc một số công chúa họ Trịnh đã có chồng có con vẫn được đem “tiến cúng”, lấy vua rồi trở thành hoàng hậu là những “Nội phủ bí sử” ta không thể tìm thấy trong bất cứ tài liệu quan phương nào.

Trên có sở những gia phả nói trên, bước đầu Ban liên lạc đã hệ thống hoá các chi thuộc họ Trịnh, trong đó có chi đã chắp nối được thành một hệ thống liên tục từ Trịnh Kiểm đến hiện nay như chi Trịnh Liêu. Trong 6 dòng họ Trịnh ở Thanh Hoá, thì dòng Trịnh Kiểm là đông nhất. Các gia phả đều xác nhận Trịnh Kỷ là tổ 5 đời của Trịnh Kiểm. Nếu tính từ Trịnh Xứng – thân phụ của Trịnh Kỷ, trở xuống thì Trịnh Kiểm là đời thứ 6 của họ Trịnh làng Sáo Sơn, Thanh Hoá. Sau Trịnh Kiểm là 11 chúa kế vị: Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm và Trịnh Bồng. Cả 12 vị chúa từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Bồng đều được thờ ở Nghè Vẹt. Ta còn biết thêm, con cháu Trịnh Tông sau sự biến 1786 đổi sang họ Lê, trong đó có Tiến sĩ Lê Vĩnh Điệt. Ngoài dòng Trịnh ở Sáo Sơn, còn 5 dòng nữa, Đó là họ Trịnh ở Giang Đông, ở Thủy Chú, ở Hổ Bái, ở Khê Tang, ở Cói Thái Đường.

Với ý thức tìm về cội nguồn, hiện nay họ Trịnh ở 108 thôn khác nhau trên toàn quốc đã bắt liên lạc được với Ban liên lạc họ Trịnh. Tin rằng trong thời gian tới họ Trịnh trong 108 thôn này sẽ cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về họ Trịnh, một trong những dòng họ mà hiện nay nhiều người đang quan tâm nghiên cứu.

Kèm theo đây, chúng tôi xin giới thiệu ba bức ảnh về di vật nhà Trịnh

Hình 1: là một trong số hai con vẹt hiện nay còn tại Nghè Vẹt, thôn Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng. Vẹt bằng gỗ tốt, cao 2,3mét. Lấy Vẹt làm vật linh biểu tượng nhà Trịnh, là liên quan với truyền thuyết đàn Vẹt bay lên trên thi hài thân mẫu Trịnh Kiểm trên sông Mã, bà bị tướng Mạc dìm sông. Vẹt ở Vĩnh Hùng chân cao, thân và đuôi có dáng tựa như hạc, nhưng đầu và mỏ cong là đặc trưng của Vẹt. Ngoài hai con vốn vẫn ở nơi gốc là Vĩnh hùng (xưa có nhiều) còn một số đã được đưa về Bảo tàng Thanh Hoá và Thủ Đô Hà Nội. Đó là Vẹt đứng, kiểu hạc thờ. Lại có Vẹt mô típ trang trí đòn khiêng kiệu nhà Trịnh (bảo tồn ở Đôn Thư) thì thân Vẹt là hoa nổi, mới nhìn có thể tưởng như mây và rồng, nhưng đầu và mỏ thì đặc trưng của Vẹt.

Hình 2: là dãy 6 pho tượng trong số 2 dãy cộng 12 pho tượng đá ở thôn Đa Bút. Mỗi pho tượng là hình một võ quan với mũ, áo giáp và kiếm, tượng đứng cao 1,8mét.

Hình 3 là một trong số 6 con rồng đá ở thôn Đa Bút đều nằm trong một vùng địa lý có ghi trong sử sách và chứa đựng một di sản văn hoá không gì xoá nổi. Đó là vùng Sáo Sơn Biện Thượng đã được lưu truyền trong thư tịch. Vùng này nằm gọn trong một khu vực bán kính không quá 4 – 5km, như đã được phản ánh, chẳng hạn trên một bản đồ địa lý lịch sử tỉnh Thanh Hoá in đầu thế kỷ 20. Bản đồ này khoanh vùng Sáo Sơn Biện Thượng nhà Trịnh, bên cạnh các vùng lịch sử khác như Lam Sơn nhà Lê, Tây giai Đại Lại nhà Hồ, Gia Miêu nhà Nguyễn, v.v. Vùng Sáo Sơn Biện Thượng nằm trên sông Mã, cách thành phố Thanh Hoá chừng 30km. Hương Sáo ngày xưa rộng hơn thôn Sóc Sơn ngày nay (Lê Quý Đôn, ĐVTS). Làng Sáo Sơn (còn gọi là Sóc Sơn) là quê Trịnh Kiểm từ ít ra 5 đời. Biện Thượng (nay là Bồng Thượng) là “dương cư” từ cụ tổ 4 đời, và là “hành doanh” tức là đầu não chỉ huy cuộc chiến đấu của nhà Lê Trung hưng trước khi khôi phục Thăng Long. Đầu não này hình thành năm 1539, khi vua Lê Trang Tông, phong cho Trịnh Kiểm tước Dực quận công, và chọn Vạn Lại làm “hành điện”, Biện Thượng làm “hành doanh”. Vùng lịch sử Sáo Sơn Biện Thượng hình thành từ đó, tính đến nay là 455 năm, và bao gồm các làng Sáo Sơn, Biện Thượng, Trịnh Điện, Tràng Lang, v.v. là những địa danh nằm gọn trong ô khoanh vùng bản đồ nói trên, và tất cả đều có quan hệ rất mật thiết với “hành doanh”, trụ sở của Bộ tham mưu mà sau này Lê Quý Đôn ghi là “Phủ tiết chế”.

Vùng Sáo Sơn Biện Thượng đã trở thành một vùng văn hoá vì các địa danh Sáo Sơn, Biện Thượng, đã tồn tại trong thư tịch (sử, sách, bia đá, gia phả, câu đối, bản đồ), và qua nhiều thế kỷ vùng này chứa trong lòng mình cả một quần thể tượng đá, rồng đá, khánh đá dài 1,5mét, lư hương đá, voi đá, ngựa đá, phù điêu đá, v.v. đó là một bằng chứng của văn hoá mỹ thuật tạo hình nước Đại Việt. Các sản phẩm này đã được tạo gọt vào thời Lê Trung hưng.

Thời gian qua, mặc dầu đất nước chiến tranh, một số Vẹt gỗ đã được cơ quan Nhà nước đưa về thành phố Thanh Hoá và về Thủ đô để bảo tàng. Thế còn đối với hàng nghìn tấn phẩm vật mỹ thuật tạo hình đang còn nằm rêu phong ngoài cánh đồng, phủ lau sậy, thì nên nghĩ sao?

Để bảo quản được những tư liệu và hiện vật về họ Trịnh do các chi sưu tầm gửi về, Ban liên lạc đang gấp rút hoàn thành Phòng lưu niệm họ Trịnh tại Hà Nội. Nhân đây, thay mặt họ Trịnh, Ban liên lạc bầy tỏ lòng biết ơn nhà Hán học Vũ Tuấn Sán, PTS. Nguyễn Đăng Na, PTS. An-tô-xen-cô đã giúp chúng tôi hoàn thành bài báo nhỏ này.

Trịnh Di

There are no comments yet

Tin khác đã đăng